Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Sông Đuống: Con sông chở nặng nỗi oan khiên

Sông Đuống: Con sông chở nặng nỗi oan khiên
Hàng trăm năm đã đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích cùng cả những oan khiên lịch sử… bồi đắp một nền văn hóa đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc. Sông Đuống đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống bình dị và giàu chất thơ của làng quê Kinh Bắc. Bên bờ sông Đuống, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân lam lũ, ta lắng lại nghe tiếng chuông chùa vẳng từ xa. Vậy con sông Đuống bắt nguồn từ đâu và đi vào đời sống của người dân Kinh Bắc tự bao giờ?
Hoàng hôn trên sông Đuống
Là người Việt, không một ai không biết đến bài thơ “Bên kia sông Đuống”:
“Bên kia sông Đuống 
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Sông Đuống tên chữ là sông Thiên Đức dài 68 km nối sông Hồng với sông Thái Bình. Điểm đầu của dòng sông tại ngã ba Dâu (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội tại địa giới giữa 2 đơn vị hành chính là huyện Đông Anh và quận Long Biên của thành phố Hà Nội). Điểm cuối là ngã ba Mỹ Lộc (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).

Tranh Đông Hồ - nét đẹp của vùng đất ven sông Đuống

Hàng trăm năm đã đi qua, dòng Đuống vẫn lấp lánh, nghiêng nghiêng, chở bao huyền thoại, cổ tích cùng cả những oan khiên lịch sử… bồi đắp một nền văn hiến, văn hóa đặc trưng cho Bắc Ninh-Kinh Bắc. Bên dòng sông Đuống, người dân Kinh Bắc trồng lúa, làm tranh Đông Hồ, hát những câu quan họ thấm đượm tình quê.

Tuy nhiên, ít ai biết Sông Đuống chứa đựng trong dòng chảy những câu chuyện đau thương, những nỗi oan khiên vẫn chưa được minh giải. Sông Đuống chảy được hơn nửa đường về phía Đông thì gặp dãy núi Thiên Thai đột khởi giữa vùng đồng bằng. Sông núi gặp nhau tạo nên phong cảnh hữu tình nhưng Thiên Thai lại trái ngang chặn dòng, buộc sông Đuống phải lượn vòng.

Cũng từ đây, lịch sử dường như có sự chuyển đoạn. Bắt đầu từ chân núi Thiên Thai đến Lục Đầu giang, chỉ một khúc sông ngắn khoảng mươi cây số nhưng dòng Đuống đã oằn mình chở nặng bao nỗi oan “động trời” trong sử cũ.

Đầu tiên là nỗi oan của Thái sư Lê Văn Thịnh, người làng Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình) bị nghi là “hóa hổ dọa vua” từ hơn 900 năm về trước trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây) mà cho đến tận hôm nay vẫn bị “sương mù” thời gian che phủ.

Cách đền thờ Lê Văn Thịnh chẳng bao xa là “hiện trường” vụ thảm án xảy ra cách đây khoảng 570 năm đã làm cả gia tộc đại quân sư Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần triều Lê điêu đứng. Gần 6 thế kỷ trôi qua, dấu tích vườn vải năm xưa giờ không còn nữa. Khu di tích Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình) bây giờ là cánh đồng lúa xanh mướt mát, là những mái ngói thâm nâu và đường làng bê tông uốn lượn.

Từ Lệ Chi Viên, đi thêm khoảng dăm phút bằng xe máy đến chùa Đại Bi nằm giữa một vườn cây cổ thụ xanh mát phía ngoài đê thuộc xã Thái Bảo. Nhân vật được thờ trong chùa là danh nhân Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang (Lý Đạo Tái) - một Quốc sư, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn đã rơi vào nỗi oan tình nàng Điểm Bích để “Dẫu mà tát cạn Bình Than/ Cũng không rửa được nỗi oan cho thầy”.

Tiếp tục xuôi dòng sông Đuống đến khu Lăng mộ và Đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức) lại gặp ông Nỏ (Cao Lỗ Vương - cha đẻ của “nỏ thần An Dương Vương”) đã phải rửa nỗi oan bằng chính mạng sống của mình…


Đền thờ Cao Lỗ Vương bên sông Đuống. 

Gạt đi hết những chuyện buồn trong quá khứ, sông Đuống ngày nay yên bình hiền hòa là nguồn cung cấp nước quan trọng cho nông nghiệp, góp phần hình thành những cánh đồng lúa, đồng ngô xanh tươi ngút ngàn, những làng xóm trù phú.

Dù đất nước đã được công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cuộc sống bên hai bờ sông Đuống vẫn giữ được truyền thống từ hàng trăm năm trước. Bên vùng đất Nam Đuống còn tụ hội nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo như: nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, nghề gốm Luy Lâu, Tranh tre Xuân Lai…

18 tháng giêng hàng năm, cộng đồng các dân tộc Việt xuôi dòng sông Đuống về dâng hương, bái yết tổ tiên Kinh Dương Vương. Từ ngày 9 đến 14 tháng Giêng, biết bao người con đất Việt nô nức đổ về hội Lim để được đắm mình trong làn điệu quan họ ngọt ngào, đằm thắm, duyên dáng như chính những người con Kinh Bắc.

Hội Lim - nét văn hóa độc đáo của đất Bắc Ninh. 

Với những giá trị văn hóa-lịch sử của sông Đuống, các nhà quản lý hiện đang lên kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch tâm linh của con sông. Đánh thức được “vẻ đẹp tiềm ẩn” bên dòng sông Đuống đầy huyền thoại thì sông Đuống sẽ trở thành “dòng sông du lịch” mang đậm nét văn hóa đặc trưng, riêng có của miền Quan họ.

Phương Thảo (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét