Trở mặt khi chưa kịp đút lót
Người ta tức giận vì thói nhũng nhiễu trắng trợn trong bệnh viện. Bởi sự tạ ơn tự nguyện đó tự lúc nào bị biến tướng thành thói bóp nặn, vắt kiệt bệnh nhân. Tệ hại hơn là thói bạc ác, trở mặt. Mọi ân cần tự dưng biến mất khi người bệnh chưa hoặc không đút lót chút lễ vật.
Ảnh đối tượng đuổi đánh bác sỹ. Ảnh chụp từ camera bệnh viện/ VTC
LTS: Vấn đề an ninh bệnh viện, hiện tượng các thầy thuốc bị hành hung bởi đủ lý do đã không còn là hiếm hoi. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của BS Lê Đình Phương về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, bảo đảm tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Và rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc gần xa, đề xuất các giải pháp để có thể hạn chế, ngăn chặn, và bảo đảm vấn đề an ninh bệnh viện, đồng thời nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh?“Aaw-koon ch'ran” (cảm ơn)! Đó là câu chào của những Sok Leng, Sok Kha, Heng Leng… và rất nhiều bệnh nhân Campuchia khác chào tôi khi ra về. Kèm theo một nụ cười thật tươi với hai tay chắp ngang trán. Cho đến khi Sey, người thông dịch giải thích: Ở xứ Campuchia, chỉ có 04 người rất được tôn kính và được chào như vậy là nhà vua, cha, sư sãi, và… thầy thuốc. Nhân vật thứ tư này được người dân xứ Chùa Tháp xem là một vị thần cũng như Asclepius, vị thần y học và chữa lành trong thần thoại Hy Lạp vậy.
Thần thánh và sự... đáng sợ
Từ rất xa xưa, người ta xem thầy thuốc như thần thánh vì những hiểu biết về cơ thể con người mà họ thủ đắc được, về quyền năng chữa lành và mang lại sự sống cho đồng loại. Càng ít ánh sáng khoa học, quyền năng y học của người thầy thuốc càng bí ẩn và càng… đáng sợ. Nên cũng như thần thánh, có lẽ người xưa sợ người thầy thuốc hơn yêu mến họ. Mà chắc bây giờ cũng thế!
Th, một đồng nghiệp nhi khoa của tôi là một trường hợp trái ngược. Trong một buổi sáng, ở quán hủ tiếu Tuyết Trinh nức tiếng Mỹ Tho, tôi đã chứng kiến một cảnh giằng co: Một chị bán vé số đen đúa, gầy nhom, nhất định “biếu bác vài tờ lấy hên” cho người thầy thuốc đã tận tình chạy chữa chứng tim bẩm sinh cho con mình. Dĩ nhiên là Th không nhận, dĩ nhiên là có năn nỉ, từ chối, vật nài… mà tôi chỉ là người quan sát và thấy lòng cảm động vô kể
Cảnh giằng co ấy không hiếm đâu, thưa các bạn. Những người bệnh Việt Nam, Campuchia thật thà, chân chất đã biểu lộ lòng yêu mến người thầy thuốc của mình bằng nhiều cách quá sức dễ thương. Từ gói cá khô biển Hồ, trái sầu riêng vườn nhà xách tận Koong Pông Chàm qua đến Sài Gòn, hay “ổ bánh bông lan nhà làm, biếu bác sĩ dùng lấy thảo” của bà T, nhẹ nhàng đặt xuống bàn mỗi lần tái khám. Một năm nhận hai ổ bánh đó, thấy nghề mình bớt nặng nhọc, nhưng như nhận một lời răn nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn.
Trong một xã hội đã từng rất hiền lương, đã từng nhất mực yêu quí người thầy thuốc, thầy giáo hết lòng như thế, những bạo hành trong bệnh viện gần đây ắt phải có rất nhiều nguyên nhân sâu xa và lưu cữu cho đến khi bùng nổ.
Người ta tức giận vì thói nhũng nhiễu trắng trợn trong bệnh viện. Bởi sự tạ ơn tự nguyện đó tự lúc nào bị biến tướng thành thói bóp nặn, vắt kiệt bệnh nhân. Tệ hại hơn là thói bạc ác, trở mặt khi mọi ân cần tự dưng biến mất khi người bệnh chưa hoặc không đút lót chút lễ vật.
Người ta căm uất khi những dịch vụ sơ đẳng như thay quần áo sạch, trải lại nệm giường... sẽ bị lờ đi một cách đầy chủ đích nếu không có chút lễ mọn.
Người ta cảm thấy bị lừa khi những kiến thức y học được xem là độc quyền của người thầy thuốc, được dùng như những công cụ để hù doạ, làm tiền. Mà ngẫm cho cùng, y khoa là một dịch vụ, và là một dịch vụ béo bở trong tất cả các dịch vụ, khi người bán biết rõ mà người mua thì mù tịt v.v…
Khi nào trả tiền mà không phải mua bán?
P. là một y tá trong đội hồi sức của tôi thuở mới ra trường. Thời đó, bệnh nhân nghèo xác nghèo xơ. Những người thợ đào vàng, mê man vì chứng sốt rét ác tính, vào viện chỉ có chiếc quần cộc trên người. Thậm chí có người khi chết mà bệnh án chỉ ghi là “Vô danh nam 1”, “vô danh nam 2”... Thuở ấy, chúng tôi cũng nghèo và cực, quần quật suốt đêm với phòng hồi sức mà cái chết nhiều hơn sự sống, và với rất nhiều âu lo cho một ngày mai túng thiếu, bất định.
Trong những đêm trực nặng nhọc ấy, không dưới một lần, tôi thấy P. nhẹ nhàng lau mặt, vuốt mắt, thầm thì an ủi những bệnh nhân hấp hối!
Điều mà P., hay mẹ Theresa làm đã thực sự nâng dịch vụ y khoa lên một ý nghĩa cực kỳ cao quí và sâu xa là hai chữ TÌNH NGƯỜI, trân trọng và viết hoa. Không có cái tình, quả thực y khoa chỉ là một dịch vụ sức khoẻ, thuận mua vừa bán như trăm ngàn dịch vụ khác. Chữ tình đó đôi khi làm ta yêu người bệnh này hơn người bệnh khác, đôi khi làm ta ân cần hơn với bà X. mà lãnh đạm với ông Y vì thói kiêu căng cậy tiền cậy thế.
Chữ tình đó, nhiều khi làm bệnh nhân – thầy thuốc còn gắn bó với nhau hơn cả ruột rà. Đó là điểm làm cho y khoa không phải là dịch vụ khách sạn kiêm chữa bệnh và các giá trị nhân bản của y khoa không bao giờ mua được bằng tiền.
Rất nhiều ngụy giá trị đã được tung hô, đến nỗi những giá trị cao quí của ngành y vô tình đã bị “chôn vùi”
Xin thứ lỗi, tôi đã nhăn mặt khi nghe một lãnh đạo ngành y tế đề nghị gắn huy hiệu, phát động ngành y tế học tập tấm gương của một đồng nghiệp xấu số bị bệnh nhân đâm chết. Câu chuyện quá buồn và bi thảm, nhưng chắc chắn không phải là một tấm gương khi bị người nhà đâm chết vì một lý do lãng nhách. Và càng chắc chắn hơn là không ai muốn y nghiệp của mình được chấm dứt theo một cách thảm thương như vậy?
Việc âm thầm mà cô y tá P. làm năm xưa, chắc chắn không vì huy chương, danh hiệu. Rất nhiều ngụy giá trị đã được tung hô, đến nỗi những giá trị cao quí của ngành y vô tình đã bị “chôn vùi”
Khi nào cần lý hơn tình?
NHS (National Health Service), cơ quan y tế quốc gia là niềm tự hào của nước Anh. Người Anh xem NHS là niềm kiêu hãnh của đất nước, một món quà hay phúc lợi cho thần dân của Nữ hoàng, đến nỗi NHS được chọn là một trong những màn trình diễn của Olympic London.
Vậy mà ở Bệnh viện hoàng gia Anh quốc, tôi đã thấy những poster đầy tính răn đe: “Stop abuse of NHS staff”, “Zero tolerance policy” (Chấm dứt hành hung nhân viên NHS, không dung thứ). Đã có những gã du côn, nghiện rượu phải vào tù sau khi hành hung nhân viên y tế, không dung thứ.
Ảnh: Healthresources.ssotp.nhs.uk |
Thái độ quyết liệt của chính quyền London là phải đạo, và được cam kết bằng luật pháp. Và được người dân Anh quốc, nếu còn chút lương tri, ủng hộ hết mình.
Khác với nước mình, mỗi khi báo chí đăng tin thầy thuốc bị hành hung như vụ việc mới đây ở BV Bạch Mai, bệnh viện bị đập phá, luôn luôn xuất hiện những bình luận đại để “không có lửa làm sao có khói?”. Không cần chứng lý, không cần tìm hiểu cụ thể, một số người sẵn sàng trút những uất ức chất chứa bấy lâu thành một lời qui chụp vu oan và đầy ác ý như vậy. Mà không cần nhiều lý trí lắm, người ta có thể thấy ngay thủ phạm chỉ là một gã du côn, mang luôn thói xấc xược của đường phố vào phòng cấp cứu.
Không thấy các hiệp hội y tế, các chuyên gia đầu ngành nào lên tiếng để bảo vệ các nhân viên y tế của mình.
Không thấy các lãnh đạo ngành hay nhà lập pháp nào đặt vấn đề bạo hành trong y tế lên bàn thảo luận của Quốc hội.
Nhìn sang xứ người, cứ tự hỏi sau mỗi lần bệnh viện bị đập phá, bác sĩ y tá bị hành hung, các quan chức y tế, các nhà lập pháp ấy ở đâu?
Xin hãy để cho những người thầy thuốc chúng tôi được hành nghề trong niềm vui và vinh dự. Chí ít là trong sự an toàn.
Đã đến lúc chính ngành y tế phải nhìn lại mình để thấy được căn nguyên vì sao nạn bạo hành bệnh viện ngày càng tràn lan, mà chỉ tập trung phần lớn vào một số vùng miền.
Xin hãy để cho những người thầy thuốc chúng tôi được hành nghề trong niềm vui và vinh dự. Chí ít là trong sự an toàn.
Và xin chấm dứt những bình luận loạn ngôn theo kiểu “không có lửa làm sao có khói”. Mồi lửa ở đây, nghĩ sâu xa, chính là sự băng hoại của đạo lý một xã hội mạnh được yếu thua, mà mọi thành viên của xã hội đó phải đấm ngực ăn năn, thay vì quay ra phỉ nhổ lẫn nhau một cách vô căn cứ.
BS. Lê Đình Phương
( Tuần Việt Nam )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét