Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Hẫng hụt chất lượng nguồn nhân lực Trung Quốc

Hẫng hụt chất lượng nguồn nhân lực Trung Quốc
Cố đảm bảo tăng trưởng cao bằng mọi giá ở Trung Quốc không đưa đến vị thế đầu đàn về kinh tế thế giới, mà đang làm cạn kiệt tài nguyên và lực lượng sản xuất của nước này, trong đó có nguồn nhân lực, theo các nghiên cứu quốc tế gần đây.
Công nghiệp hóa không thể trông chờ vào những nhân công "ăn no vác nặng"
Cải lão hoàn đồng?
Lực lượng sản xuất Trung Quốc già hóa nhanh, cả về công cụ sản xuất lẫn nguồn nhân lực có tay nghề. Tư liệu sản xuất thời “bao cấp” của Trung Quốc được hậu hĩ ban phát nhiều công nghệ mới từ Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản trong kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình “mở cửa”, đã đến lúc cần thanh lý.

Nay Trung Quốc, giống như từng xảy ra trong quá trình “tái cơ cơ cấu” ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tìm các nước “thê đội tiếp sau” (nước thứ ba, trong số đó từng có cả Trung Quốc, có một lịch sử được hỗ trợ về khoa học – công nghệ từ Nhật Bản từ đầu thập niên 80) để đẩy sang đó những dây chuyền đã lạc hậu, thay vào đó là những phương tiện phức tạp hơn về công nghệ, cho ra những sản phẩm đời mới, hiện đại hơn.

Tuy nhiên một “thê đội hai” như thế cho khối máy đời cũ của Trung Quốc, mà đáp ứng ngay được về mặt số lượng, chất lượng, “giá thành” (trả công lao động rẻ) hôm nay theo các học giả Nga, là không có. Nếu chuyển giao công nghệ “thế hệ cũ” và máy móc đã qua sử dụng sang các nước thứ ba cứ xảy ra, nó thường ậm ạch bởi khâu bôi trơn, đậm màu sắc tham nhũng vặt của cung cách công nghiệp hóa kiểu manh mún. Việc tiếp thu nhanh, do đòi hỏi thị trường, các công nghệ mới bởi nền học vấn “chữ vuông như hòm” là không hề đơn giản.

Thật vậy, dù tiến hóa thị trường lao động ở Trung Quốc cũng lắp lại quá trình từng xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc (hay ở Anh thế kỷ 19), nhưng vấn nạn của mô hình kinh tế (và của mô hình giáo dục, dạy nghề) của Trung Quốc là, trả công lao động đắt lên hôm nay không kéo theo tăng “chất lượng” người lao động (nâng tay nghề, năng suất lao động, năng lực tiếp nhận thiết bị mới, công nghệ tiên tiến hơn)...

Vì thế ngày càng nhiều hơn những ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ là nền kinh tế “to nhất”, chứ không thể lớn lên thành “đầu tàu kinh tế”, thậm chí có thể “trật đường ray” nếu cứ tốc hành bằng tăng trưởng và lợi nhuận ngắn hạn. Giáo dục đào tạo cần thời gian và tính hệ thống, đâu phải đũa thần để hô biến “bẫy thu nhập trung bình”.

Sức sáng tạo của người lao động, kể cả lao động trí óc ở Trung Quốc có vẻ là bè trầm trên nền những nhận định về năng lực làm rập khuôn (và cả những kêu ca về bất chấp luật bản quyền). Trái với những lời kêu gọi đầu tư vào Trung Quốc, học giả Nga vẫn cho là tay nghề của lực lượng lao động Trung Quốc là thấp, so với ngay cả yêu cầu hiện tại.

‘Máy cơm’ hay người máy?


Một rễ chính mọc lên “huyền thoại kinh tế” Trung Quốc là sức cạnh tranh bởi lực lượng lao động rẻ, biết nghề, kỷ luật lao động nghiêm. Những người lao động “làm như máy” có thể chấp nhận làm 12 tiếng, với 1 hoặc không có ngày nghỉ trong tuần, hoặc làm ca suốt đêm chỉ nghỉ để điểm tâm bằng gói mì tôm.

Còn một "huyền thoại” ngược, nhưng có thật ở Trung Quốc, là tới nay có những vùng vẫn đang thực hiện được chỉ đạo của Mao chủ tịch, là làm sao mỗi người có một bát cơm mỗi ngày. Nhưng vấn đề không chỉ ở sức cạnh tranh xuất phát từ khả năng chấp nhận trả công lao ngày động “bèo”, mà còn ở khả năng chịu đựng những điều kiện lao động kiểu công trường tư bản thế kỷ 18....

Tuy nhiên, nếu nói rằng những yếu tố “độc hại” nói trên, và điều kiện môi trường chung ngày càng xuống cấp ở các khu công nghiệp Trung Quốc, không bào mòn sức dân (người lao động), không gây “già hóa” trước tuổi, sẽ là duy ý chí.

Thu nhập thấp, lao động gần như không ngày nghỉ, thu nhập thực tế của người lao động sút giảm do lạm phát... là những nguyên nhân khiến nỗ lực “bơm” nhu cầu tiêu dùng trong nước để lật cánh hàng xuất khẩu về thị trường nội địa, khó thành.

Bước lên một vị thế cao hơn về phát triển công nghiệp cũng kèm với những đòi hỏi khe khắt hơn do luật cạnh tranh giữa các tư bản “cá mập” khách quan áp đặt. “Nguồn năng lượng cơ bắp” như sức mạnh tưởng như vô tận của nguồn lao động Trung Quốc, trong điều kiện sức mua giảm và tăng cường bảo hộ nền sản xuất ở phương tây do khủng hoảng kinh tế, đã không còn là phép màu cho giảm giá thành sản phẩm để tiếp tục bội thu từ xuất khẩu.

Học giả Nga cho rằng lực lượng lao động Trung Quốc đã quá tải vì bị khai thác quá mức, dẫn tới các tranh đấu của đông đảo công nhân, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và có yếu tố nước ngoài, hiện đã đến mức làm nhà cầm quyền phải lo ngại.

Vẫn theo các học giả Nga, cuộc rượt đuổi giành ngôi quán quân về kinh tế, Trung Quốc vẫn ở thế cố bám theo các nước tư bản phát triển. Một Trung Hoa đang lao lực khó mà thích ứng, chưa nói đến chuyện bứt phá, trong điều kiện cách mạng về sử dụng năng lượng mới, và công nghệ robot đang diễn ra. Đào tạo lại nhân lực giải phóng từ các cơ sở công nghiệp đã “quá đát”, quen với cách làm và nếp nghĩ cũ, hay dạy từ đầu một thế hệ công nhân mới, hẳn là một bài toán thực tế đang đặt ra.

Hiện thời. do tính chất lão hóa lực lượng lao động đã đề cập, và xu thế “già đi” của xã hội Trung Quốc nói chung, đã xuất hiện những dự báo thiếu hụt lao động trong tầm nhìn đến 2020 ở Trung Quốc.

Lê Đỗ Huy ( VNN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét