Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Trường chuyên, lớp chọn không hoàn toàn dở

Trường chuyên, lớp chọn không hoàn toàn dở
Ý kiến của chị Fairfax Virginia, phản hồi bài viết Lê Quang Tiến: Sự khác biệt giữa luyện “gà nòi” ở Việt Nam và Mỹ. Xin hẹn chị một cuộc gặp với một ly cafe Starbuck để trả nhuận…bàn phím  
Gà chọi đôi khi rất được việc. Ảnh: Internet
Lớp chuyên ở Việt Nam không hẳn là dở như nhiều người phê phán. Đó là nơi tập hợp những em có sức học tốt hơn các bạn để dạy theo chương trình nâng cao. Cũng có nhiều nơi vì thành tích nên nhồi nhét chương trình chuyên nhiều hơn mức cần thiết và lơ là dạy các môn khác. Tuy nhiên, cần nên so sánh với chương trình phổ thông để đánh giá một cách khách quan.

1. Nếu các em có sức học tốt hơn không vào được lớp chuyên thì sẽ lãng phí khả năng. Dù học khá lệch các môn chuyên nhưng ít ra các em này cũng hấp thụ được những kiến thức nâng cao về môn đó. Lấy ví dụ: em chuyên toán sẽ có trình độ tư duy và làm toán vượt trội về toán/khoa học so với các em học phổ thông. Học chuyên toán sẽ lơ là mấy môn xã hội như sử, địa, chính trị (không biết bây giờ còn dạy không) nhưng nếu mấy em này học phổ thông thì chuyện lơ là cũng chẳng tránh khỏi và chưa chắc đã kém thua. Do đó, ít nhất các em học chuyên cũng có được một điều tốt nhất cho bản thân khi học chuyên.

2. Thông thường, trẻ thông minh hay tự phụ. Tính tự phụ càng cao và gây tác dụng ngược khi các em không có “đối thủ” trong lớp/trường. Những trẻ được trời cho trí thông minh hơn bình thường rất dễ rơi vào trường hợp “coi trời bằng vung.” Nếu không tạo ra môi trường thi đua trong học hành thì những em này sẽ có xu hướng phát triển tâm lý theo chiều không tốt. Mà độ tuổi vị thành niên, phát triển tâm lý cực kỳ quan trọng. Các em cần được biết rằng năng lực/tiềm năng cá nhân hiện tại chỉ là muối bỏ biển, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Cần phải thấy rằng trên đầu các em còn vô số người giỏi gấp nhiều lần.

3. Đối với các em có sức học bình thường, môi trường giáo dục phổ thông sẽ ít gây áp lực hơn vì không có bạn quá xuất sắc ngồi kế bên và được đem ra làm hình mẫu để mà so sánh. Tâm lý mặc cảm vì thua kém sẽ bớt đi, học hành sẽ hạnh phúc hơn và tốt hơn.

Vậy thì ở Mỹ có trường chuyên, lớp chọn không? Xin thưa là đầy rẫy!

Ở hệ thống trường công quận Fairfax, Virginia, chương trình nâng cao tới 2-3 cấp đều có trong tất cả các trường. Các em có năng khiếu về đọc, viết, làm toán đều được “lọc” ra từ lớp mẫu giáo lá (kindergarten) trở đi để học riêng với nhau về các môn có năng khiếu (các môn khác thì trở lại lớp để học chung).

Mỗi cuối năm đều có kỳ thi chung của tiểu bang để đánh giá trình độ học sinh/trường. Cuối năm lớp 2, căn cứ trên điểm thi của tiểu bang và đánh giá của giáo viên để chọn những em xuất sắc nhất học tập trung ở một vài trường điểm. Để nhận được vào chương trình chuyên (advanced academy program, họ gọi là GT = Gifted and Talented program), hội đồng học khu của quận phải làm việc với nhau và với nhà trường để quyết định (dĩ nhiên là không có chuyện gửi gắm ở đây).

Trường điểm bao gồm 2 khối song song: khối phổ thông và khối chuyên với chương trình dạy khá khác biệt. Trẻ học chuyên hệ tập trung có chương trình học nâng cao ở tất cả các môn, ngoại trừ thể dục, art, music. Vì vậy chuyên ở Mỹ không giống như chuyên ở Việt Nam vì họ không học lệch 1 môn mà lệch(?) ở nhiều môn. Phụ huynh của mấy em lớp chuyên cũng dành nhiều thời gian hơn với con cái để giúp con phát triển tốt nhất.

Những em học chuyên vừa được học đúng với trình độ của mình, vừa được “hưởng” quá trình phát triển tâm lý bình thường vì bạn bè ai cũng cỡ mình. Nếu theo chương trình tiếp hết 12 thì các em đều đủ khả năng để theo học năm 2-3 đại học vì họ có thể lấy các lớp đại học khi đang học cấp 3.

Ngô Bảo Châu báo cáo bác Đỗ Mười

Ngay cả các trường đại học cũng có chương trình riêng cho các em phổ thông, một dạng như Đại học Sư phạm Hà Nội 1 như bác Tiến nói. Họ dạy học trò từ thuở cấp 2 trở lên. Tôi không có kinh nghiệm và thông tin để bàn về vấn đề này nhưng tôi dám chắc rằng có khá nhiều trường đào tạo học sinh chuyên biệt như vậy.

Vậy ai là người thích theo đuổi chuyện học chuyên nhất? Lại xin thưa là dân châu Á!

Vùng Fairfax, Virginia có đông sắc dân châu Á nên có thể thấy các lớp chuyên, con em của Korean, Chinese, Vietnamese, Indian là chủ yếu (dù tỉ lệ phần trăm dân số hơi nhỏ nhoi)! Con cái của người Hàn Quốc, Trung Quốc rất được chăm sóc, học thêm học bớt, luyện thi “luyện chưởng” để vô được lớp chuyên. Người Ấn Độc còn tích cực hơn và sẵn lòng làm mọi việc để con họ vô được trường chuyên, lớp chọn cho dù con họ không thích. Người Việt chắc cũng chẳng thua kém chi khoản này?

Tại sao vậy? Vì môi trường học nâng cao là cơ hội giáo dục tuyệt vời cho con trẻ, là niềm hãnh diện của gia đình. Kiểu như gia đình nào có con cái lọt vô các trường Harvard, Stanford, John Hopkins thì đều hãnh diện để khoe hết. Đó là chưa kể cơ hội giao lưu kết bạn với những người Mỹ gốc thuộc nhóm trung lưu trở lên (những người này họ đầu tư cho con khủng khiếp). Muốn hội nhập nhanh xã hội Mỹ thì con đường ngắn nhất và thành công nhất là đi lên bằng học vấn căn bản.

Tóm lại, trường chuyên ở Việt Nam không đáng bị phê phán nhiều như vậy. Nếu quốc gia giàu như Mỹ thì cơ hội sẽ trải đều cho mọi người (lý thuyết thôi chứ thực tế vùng giàu có nhiều cơ hội hơn vùng nghèo rất nhiều). Nếu nghèo như Việt Nam thì làm theo kiểu “đầu tư” chọn lọc, không “bỏ tất cả trứng vô một giỏ” là chấp nhận được.

Còn các em học chuyên sau này không thành công như mong đợi cũng chẳng có chi lạ. Thành người là tốt rồi. Thành công hơn mặt bằng chung của xã hội thì chẳng có chi phải phàn nàn. Đừng đem mọi người học chuyên hay đi thi quốc gia, quốc tế ra để hỏi rằng bao nhiêu người như Lê Bá Khánh Trình, như Ngô Bảo Châu vì thời gian học chuyên rất ngắn ngủi và chỉ là một phần nền tảng học vấn lâu dài.

Xin đừng khoác trách nhiệm to lớn trên chương trình chuyên của Việt Nam để có cái nhìn bớt khắc khe. Cứ coi đó như là một điểm sáng trong vô vàn điều mờ mờ.

Fairfax Virginia. 18-12-2013

Tin giờ chót - Chị Ngọc Thu (Facebook ở đây) vừa phản hồi với chị FairfaxVA.

Cảm ơn hai chị đã tham gia cuộc “chọi gà” do Cua Times tổ chức. Đề nghị anh Xang Hứng đại điện phía Nam của tạp chí mời chị Ngọc Thu đi off line. Bên DC tôi sẽ mời chị FairfaxVA do chị ấy trả tiền

Ở Mỹ không có cái gọi là “trường chuyên” theo kiểu Việt Nam!

Tác giả Ngọc Thu. Ảnh FB của tác giả.

Vừa đọc bài trên blog bác Hiệu Minh “Chị FairfaxVA: Trường chuyên, lớp chọn không hoàn toàn dở”, có nhiều điều mình không đồng ý với tác giả. Điểm khác giữa cái gọi là “trường chuyên” (theo ý tác giả) ở Mỹ, so với các trường chuyên VN ở chỗ, các trường học ở Mỹ không luyện học sinh trở thành những con “gà chọi”. Các em nếu được học riêng cũng không phải để đi thi, để lấy thành tích, mà chỉ với mục đích giúp cho các em phát triển đúng khả năng và trình độ của mình.
Mình không đồng ý với tác giả khi cho rằng ở Mỹ có “đầy rẫy” cái gọi là “trường chuyên”. Ở Mỹ hầu hết các trường đều có chương trình dạy các lớp nâng cao, trung bình và thấp, đủ mọi trình độ phù hợp với khả năng của học sinh, chứ không có loại trường chuyên theo kiểu VN là chỉ đào tạo học sinh giỏi không thôi. Các “trường chuyên” ở Mỹ không chỉ chú trọng đến những học sinh giỏi, mà còn quan tâm đến những em học sinh kém phát triển.

Rất nhiều trường học ở Mỹ có chương trình giáo dục đặc biệt (Special Needs Education), dành cho những em chậm phát triển (Developmental Disabilities), những em bị rối loạn cảm xúc hành vi (EBD – Emotional Behavior Disorder), hoặc bị tàn tật (Physical Disabilities). Cả những em học sinh ở VN khi mới qua Mỹ, không biết tiếng Anh, cũng được dạy ở chương trình đặc biệt, có giáo viên song ngữ hoặc người phiên dịch, giúp các em theo kịp những học sinh bản xứ, để một thời gian sau các em có thể gia nhập vào dòng chính (mainstream) như những em sinh trưởng ở Mỹ.

Về chương trình nâng cao trong hệ thống trường công ở Mỹ, hiếm thấy có trường được nhận diện là “trường chuyên” theo kiểu VN, mà đa số các trường công dạy đủ các trình độ. Ở California, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ với dân số gần 40 triệu cũng chỉ thấy có trường, tạm gọi là “trường chuyên” dành cho học sinh giỏi, đó là trường Trung học California Academy of Mathematics and Science (CAMS), dạy các em từ lớp 9-12, có khoảng 650 học sinh theo học trong năm nay: https://lbcams.schoolloop.com/

Với những học sinh giỏi, phụ huynh không nhất thiết phải cho con vào học “trường chuyên” nhưng vẫn có thể giúp các em phát triển đúng khả năng. Con mình chưa từng học “trường chuyên” bao giờ mặc dù cháu có chỉ số IQ khá cao so với các học sinh bình thường, cũng như cháu đã được vào chương trình GATE (Gifted and Talented Education) khá sớm.

Không cần phải đợi đến lớp 2 mới cho các em thi để phát hiện tài năng, đôi khi giáo viên phát hiện sớm, ngay từ lớp mẫu giáo (Kindergarten) rồi khuyến khích phụ huynh cho các em làm test, như trường hợp con của mình. Các chương trình GATE ở Mỹ chỉ với mục đích giúp các em phát triển đúng khả năng của mình, không phải để luyện các em trở thành những con “gà chọi” như ở Việt Nam.

Các em được chọn vào chương trình GATE, ở bậc tiểu học có thể học chung trong lớp với các em học sinh bình thường, nhưng bài tập về nhà cho các em ở trình độ cao hơn (advanced level). Ở những trường có lớp GATE, phụ huynh có thể chọn cho con mình học ở lớp đó, hoặc trường không có lớp GATE, phụ huynh có thể chuyển con mình sang trường khác, nếu muốn.

Khi còn học tiểu học, mình đã không chuyển cho con tới học trường chuyên hay lớp chuyên, mà vẫn giữ cho cháu học bình thường ở trường lớp cũ cùng với bạn bè của cháu là những học sinh bình thường (bởi mình không chỉ chú trọng tới chuyện học mà còn lo chuyện đổi trường, đổi bạn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của cháu), nhưng mình đề nghị cô giáo cho cháu làm bài tập ở trình độ cao hơn, kết quả là cháu vẫn phát triển tốt.

Sang cấp 2 và cấp 3, thường các trường công đều có các lớp dành cho các em giỏi hơn học sinh bình thường (còn gọn là accelerated students). Cấp 2 thì có các lớp nâng cao như honors courses dành cho những em muốn thử thách (challenge) với bản thân mình. Hầu hết các trường cấp 3 đều có các lớp AP (Advanced Placement courses), chương trình IB (International Baccalaureate programs), và Advancement Via Individual Determination (AVID) dành cho những em có trình độ cao hơn, muốn học những lớp phù hợp với khả năng của các em.

Đúng như tác giả viết, đa số phu huynh gốc Việt nói riêng, phụ huynh gốc Á châu nói chung, đều muốn con mình học những lớp nâng cao. Mình biết có những trường hợp cha mẹ gốc Việt bắt ép con cái học hành quá sức, học ở trường chưa đủ, lại còn ghi danh những lớp dạy thêm, cho các em học trước chương trình. Ở cộng đồng Việt Nam sẽ thấy các quảng cáo dạy thêm ở trình độ nâng cao, giúp học sinh học giỏi hơn, khác với cộng đồng Mỹ, cũng có những lớp dạy thêm nhưng dành cho những em chậm phát triển, những em học sinh cá biệt.

Riêng mình thì 12 năm qua chưa từng tốn 1 xu cho con học thêm, bởi mình thấy không cần thiết, mà chỉ muốn con mình học những gì nó thích. Mình chỉ khuyến khích con cái học hành và làm việc phù hợp với khả năng của cháu, cháu có quyền mơ ước làm gì trong tương lai và cố gắng để thực hiện giấc mơ của mình nhưng đó là do cháu tự nguyện, chứ không phải do cha mẹ ép buộc. Mình chỉ cần con cái lớn lên có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc là đủ. Có nhiều tiền, có địa vị chưa hẳn đã là hạnh phúc khi còn nhỏ bị cha mẹ bắt ép phải học giỏi hơn người khác, không có thời gian vui chơi, tuổi thơ bị đánh cắp, không hẳn là cuộc đời mà cháu muốn được sống.

Ngọc Thu https://www.facebook.com/giao.chi.9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét