Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

"Kinh ngạc" quy mô các căn cứ hải quân lớn nhất Mỹ

"Kinh ngạc" quy mô các căn cứ hải quân lớn nhất Mỹ
(Kienthuc.net.vn) - Là quốc gia có lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, lẽ dĩ nhiên các căn cứ hải quân của Mỹ cũng có qui mô vô địch với số lượng biên chế đáng kinh ngạc.
Sức mạnh của Hải quân Mỹ được thể hiện tại quân cảng Norfolk. 
Nước Mỹ có hơn 40 căn cứ hải quân trải dài từ Đông sang Tây lãnh thổ của họ. Trong đó căn cứ hải quân lớn nhất - Norfolk cũng là căn cứ hải quân lớn nhất thế giới.

Căn cứ Norfolk

Norfolk là căn cứ hải quân lớn nhất thế giới, nằm ở Đông Nam bang Virginia, tại bán đảo Sewell Points của thành phố Norfolk. Căn cứ Norfolk được thành lập từ năm 1917 và có tổng diện tích 1.376 hécta.

Đây là căn cứ huấn luyện của các đơn vị không quân hải quân của quân đội Mỹ và đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, hiện nay nó là nhà của khoảng 149.000 người bao gồm các nhân viên phục vụ trong căn cứ, binh sĩ và gia đình của họ.
Căn cứ hải quân Norfolk là hậu cứ đảm bảo hoạt động cho Hạm đội Đại Tây Dương của Mỹ, cung cấp phương tiện trang thiết bị lẫn các yêu cầu cần thiết cho tổ hợp lớn nhất nước Mỹ, gồm 75 tàu chiến và 134 máy bay.

Căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor-Hickam
Căn cứ hỗn hợp Pearl Harbour-Hickam, hay chúng ta thường nghe tới qua tên gọi Trân Châu Cảng, nằm trên đảo Honolulu có 55.000 quân nhân và gia đình họ, tạo nên căn cứ hải quân lớn thứ nhì nước Mỹ. Căn cứ hỗn hợp này được thành lập dựa trên sự sát nhập căn cứ hải quân Trân Châu Cảng và căn cứ không quân Hickam năm 2010.
Trân Châu Cảng là một căn cứ cực kì quan trọng trên Thái Bình Dương của Quân đội Mỹ. 
Hải quân Mỹ thành lập căn cứ hải quân tại Trân Châu Cảng năm 1908 và nó đã đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Thế giới thứ 2, mặc dù hứng chịu thiệt hại nặng nề lúc đầu cuộc chiến bởi đòn tấn công bất ngờ quân đội Nhật.
Nằm trên diện tích lên tới 11.207 hécta, căn cứ đóng vai tò cực kì quan trọng trong bố phòng của Quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, là hậu cứ của các hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm, bên cạnh nhiệm vụ “bao vùng” các hoạt động tác chiến không quân tại Thái Bình Dương và Châu Á.
Hiện nay, Trân Châu Cảng là nhà của 11 tàu mặt nước, 19 tàu ngầm và các loại máy bay vận tải C-17 Globemaster III, tiếp dầu KC-135 Stratotanker hay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor.

Căn cứ không quân hải quân Jacksonville
Căn cứ Jacksonville là căn cứ hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam nước Mỹ và lớn thứ 3 nước này. Căn cứ được thành lập năm 1940 tại bang Floria, trải dài trên diện tích 1.376 hécta với hơn 53.500 người sống trong căn cứ.
Máy bay săn tàu ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tại căn cứ Jacksonville. 
Sở dĩ có tên gọi căn cứ không quân hải quân vì đây là nơi huấn luyện các phi công lực lượng không quân của hải quân Mỹ trong các nhiệm vụ tác chiến đường không, bên cạnh đó là huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm cho lực lượng Mỹ và đồng minh.

Căn cứ hải quân San Diego
Căn cứ hải quân San Diego ở bang California là cảng nhà chính của Hạm đội Thái Bình Dương và có 48.000 người sống trong căn cứ này, biến nó thành căn cứ lớn thứ 4 của Mỹ.
Quân đội Mỹ đã thành lập căn cứ tàu khu trục tại thành phố San Diego vào năm 1922, sau đó căn cứ được đổi tên thành căn cứ sửa chữa trong chiến tranh Thế giới thứ 2 và sửa chữa, bảo dưỡng cho 5.117 con tàu từ năm 1943 đến 1945. Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) căn cứ tiếp tục được mở rộng với diện tích hơn 800 hécta.
 Tàu hậu cần tại căn cứ San Diego.
Căn cứ hải quân San Diego là cảng nhà của khoảng 47 con tàu của hải quân, tuần duyên Mỹ với các bộ chỉ huy, gồm các tàu như tàu khu trục, tàu chiến đấu ven bờ (LCS).

Căn cứ hải quân Mayport
Căn cứ hải quân Mayport có dân số 47.150 người nằm trên diện tích gần 1.400 hécta trên bờ sông St Johns River, cách Jacksonville 24km. Căn cứ này vừa có cảng vừa có sân bay.
Căn cứ Mayport được thành lập năm 1942 và đóng vai trò căn cứ chiến lược trong các cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1961, chiến dịch Lá chắn sa mạc, Bão táp sa mạc, Cáo sa mạc và chiến dịch Lực lượng đồng minh.
Tàu đổ bộ trực thăng lớp San Antonio và tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương tại căn cứ Mayport 
Bình thường căn cứ có khoảng 34 tàu và 6 tiểu đoàn trực thăng, đường băng trong căn cứ có thể đáp ứng cho tất cả các loại máy bay quân đội Mỹ.

Căn cứ hải quân Kitsap
 Tàu ngầm hạt nhân Hải quân Mỹ tại căn cứ Kitsap.
Căn cứ hải quân Kitsap ở bán đảo Kitsap có khoảng 45.000 người sống tại đây, biến nó lớn thứ 6 về qui mô dân số trong các căn cứ Hải quân Mỹ. Đây là căn cứ chủ yếu cho tàu mặt nước và tàu ngầm, nó được thành lập từ việc hợp nhất căn cứ tàu ngầm Bangor và Bremerton năm 2004.

Căn cứ hải - không quân Corpus Christi
Căn cứ Corpus Christi nằm tại bang Texas, được thành lập từ năm 1941 và cho đến cuối chiến tranh Thế giới thứ 2, nó là nơi đào tạo ra 35.000 phi công hải quân.
Hiện nay căn cứ Corpus Christi là nơi đào tạo duy nhất phi công cho lực lượng Hải quân Mỹ, từ cơ bản đến nâng cao với khoảng 600 phi công được đào tạo mỗi năm.
Đây là căn cứ huấn luyện phi công hải quân, trong hình là máy bay F-18 chỉ dành cho hải quân Mỹ. 
Với tổng số khoảng 43.000 người sống trong căn cứ, đây là căn cứ có số lượng người nhiều thứ 6 hải quân Mỹ.

Căn cứ hải-không quân liên hợp Fort Worth
Căn cứ Fort Worth mới được thành lập năm 1994 và là căn cứ liên hợp đầu tiên của quân đội Mỹ, nó bao gồm các đơn vị của nhiều lực lượng như hải quân, thủy quân lục chiến, không quân, lục quân và không quân vệ binh quốc gia bang Texas.
 Nhiều loại máy bay khác nhau có tại căn cứ Fort Worth.
Căn cứ Fort Worth có dân số 27.000 người và đây là nơi cất cánh của các loại máy bay C-40 Clipper, F-16 Fighting Falcon, C-130 Hercules, F/A-18 Hornet, KC-130 Hercules và RC-12.

Căn cứ hải quân Colorado
Căn cứ hải quân Colorado với 27.000 người sống trong căn cứ bao gồm các nhân viên quân sự và dân sự là căn cứ hải quân lớn thứ 9 quân đội Mỹ. Căn cứ trải dài trên diện tích 23.000 hécta bao gồm các sân bay, bến cảng và khu huấn luyện.
Một máy bay huấn luyện Vintage T-6 Texan bay trên căn cứ Colorado 
Đây là một trong những căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương và là hậu cứ của 16 tiểu đoàn trực thăng, 2 tiểu đoàn máy bay cánh bằng, 2 tàu sân bay, 4 đội đặc nhiệm hải quân SEAL và các tiểu đoàn tác chiến hải ngoại của hải quân Mỹ.

Căn cứ hải-không quân Patuxen River
Căn cứ Patuxen River nằm trên bán đảo giữa vịnh Chesapeake và sông Patuxent, với diện tích 2.600 hécta và có 24.700 người sống trong căn cứ.
F-35C Lightning II  bay trên căn cứ Patuxen River.
Căn cứ này được thành lập năm 1943 với chức năng chính là đảm bảo hoạt động cho máy bay, tàu chiến, tong đó có những loại máy bay như F-35.
Quang Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét