Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Khách sạn Continental: thang máy đi vào quá khứ

Khách sạn Continental: thang máy đi vào quá khứ
Người ta nhìn xuống Đồng Khởi, con đường nổi tiếng nhất của thành phố, xuống quảng trường Lam Sơn với ngôi nhà hát từ năm 1900 và nhìn xuống một hỗn độn giao thông mà tiếng ồn của nó đập vào mặt tiền của khách sạn cho tới tối khuya. Tức không phải là nơi yên tịnh như du khách thời nay hay tìm tới, và tuy vậy, gian phòng nhỏ có ban công đó thường được đặt trước nhiều tháng.
Khách sạn Continental năm 1965
Đó là những người hoài cổ, du khách với cảm xúc cho lối sống và huyền thoại, những người muốn ít nhất là sống một lần trong gian phòng được trang bị bàn ghế hơi rườm rà này – xích đu, bàn viết nặng nề, gỗ gụ trên tường.
Vì số 214 được xem như là một nơi để hành hương tới, nhất là trong số những người am hiểu và yêu thích văn học: Graham Greene đã viết phần lớn quyển tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng " của ông ở đây. Bây giờ, ở trước cửa ra vào khách sạn, nơi vào thời trước có một quán cà phê ngoài trời theo kiểu Paris xưa đã từng nổi tiếng vì loại bánh croissant ngon nhất thành phố, những đứa bé láu lỉnh đang bán các bản in lậu tác phẩm nổi tiếng thế giới của Greene, và thường thì chúng thiếu ít nhất là một phần ba.

Khi Continental trở thành khách sạn được ưa thích của giới phóng viên từ Mỹ và Phương Tây trong Chiến tranh Việt Nam thì nó đã là một huyền thoại từ hàng chục năm rồi. William Somerset Maugham, nhà kể chuyện vĩ đại người Anh, đã viết ở đây các câu chuyện hay nhất của ông về những thế giới xa xôi của châu Á và Nam Thái Bình Dương. Rabindranath Tagore, người Ấn nhận giải Nobel Văn học, đã là khách quen trong những năm ba mươi. Thời đó, Đồng Khởi còn có tên là Rue Catinat. Cho tới khi người Pháp rút đi, nó là con đường để đi dạo trong "Paris của Phương Đông". Các bà và "Madame" đi phô diễn dưới những hàng cây. Vào cuối buổi sáng, họ uống ly cà phê sữa của mình trước Continental hay gặp nhau để uống trà vào buổi chiều trong Café Brodard, cách khách sạn vài bước chân, và trao đổi với nhau những tin đồn mới nhất, ở đây cũng như ở kia.

Khách sạn Continental năm 1968

Độ khoảng năm 1925, Somerset Maugham đã so sánh Sài Gòn với một thành phố trung bình ở miền Nam nước Pháp, "quyến rũ, vô tư và vui vẻ". Ở Continental (và ở Oriental tại Bangkok, nơi ông đau nặng cho tới mức bà chủ nhà sợ mất tiền nhà và đã yêu cầu trả tiền trước) ông đã viết một vài câu chuyện thuộc những chuyện hay nhất của ông về những thế giới xa xôi của châu Á và Nam Thái Bình Dương. Vào thời của ông, nằm trên Rue Catinat là những cửa hàng tốt nhất, những quán trà ngon nhất và tất cả các khách sạn sang trọng, những khách sạn mà ngày nay đang cố gắng kết nối lại với thời kỳ huyền thoại đó. 

Lịch sử của Continental trải dài vào quá khứ cho tới năm 1878. Có cảm giác như nó thật cũ kỹ, xứng đáng với một khách sạn có độ tuổi này và của loại này: nội thất cũng như nhân sự. Những người khách du lịch hoài cổ thích thú, khi vẫn còn có một chiếc thang máy cũ bằng sắt theo kiểu Paris chạy lên các tầng trên và đồng thời cũng rung lạch cạch trở về quá khứ. Họ ngạc nhiên khi vẫn còn có concierge trên từng tầng, chào đón hết sức thân thiện nhưng không rõ nhiệm vụ của họ là gì. Khác với thời của Peter Scholl-Latour, người từ đây đánh điện nhiều bài phóng sự của mình về nhà, ngày nay không còn có người bồi bàn, người sếp tiếp tân nào mà còn đi lại "… với sự nhanh nhẹn được cường điệu, tựa như đóng kịch, có nhiệm vụ báo hiệu sự ân cần tột bậc", như bậc lão thành trong số các phóng viên ở Việt Nam đã mô tả lại bầu không khí vào thời đó. 

Còn lại là cái cầu thang mang vẻ oai vệ và cái sân trong xanh mát, một nơi an bình dưới những đóa hoa sứ. Ba cái cây to này, mang lại nét đặc trưng cho sân trong đó, được trồng năm 1880, hai năm sau ngày khách sạn khai trương. Trong những năm hai mươi và ba mươi cuồng nhiệt, khi đại hầu tước Nga và ca sĩ opera Pháp thuê phòng ở đây, một người Corse có tên là Mathieu Franchini đã điều hành khách sạn này. Tuy vậy, trong biên niên sử của Conti, như những người khách quen gọi khách sạn cho tới ngày nay, ông Mathieu được mô tả là "gangster"…

Cho tới trước đây chừng năm, sáu năm, khách du lịch Đông Dương kỳ cựu rất thích tìm lại không khí của ngày xưa trong Café Brodard, thật ra thì ngay từ thời xưa cũng đã hoài công rồi. Và sự suy tàn của huyền thoại này cũng đã được kết thúc một cách nhất quán với lần biến đổi thành chi nhánh của một chuỗi coffeeshop Úc. Các sophisticated traveller, loài tuyệt chủng của những người thưởng thức du lịch từ khắp thế giới, lại mất đi một mảnh nhỏ quê hương, bị thay thế bởi thế hệ laptop, những người không mang sách theo vào quán cà phê, mà chụp ảnh lẫn nhau không ngưng nghỉ với chiếc máy điện thoại di động và thường thì cũng chỉ gọi coffee to go trong những cái ly giấy.

Chỉ cách Conti vài phút đi bộ, theo hướng sông Sài Gòn, là Grand Hotel của 1930, ngôi nhà trọ kế tiếp từ thời Pháp. Trong các cổng đánh giá của Internet, khách cũng viết về ngôi nhà này, rằng ở đây họ đã tìm thấy được một thoáng của "nét quyến rũ từ những ngày đã qua". Nhưng chỉ những ai ở trong một của chín gian phòng bên cánh nhà cũ (đã được sửa chữa) thì mới có thể đồng tình với lời nhận xét này. Năm mươi lăm phòng kia trong ngôi nhà cao tầng vô danh và cung cách phục vụ mà nhiều lắm chỉ có thể gọi là "thờ ơ" thì ngược lại đã khiến cho những người khách nào đó không còn thú vị nữa trong chuyến đi tìm về thời đã qua. 

Giống như Continetal và Grand Hotel, khách sạn Majestic, khách sạn thuộc địa nổi tiếng nhất của thành phố, cũng được điều hành bởi Saigontourist. Cơ quan nhà nước này qua nhiều thập niên đã rất khó khăn với việc nhận ra tiềm năng trong lịch sử của khách sạn huyền thoại này. Những phản đối về mặt ý thức hệ cũng đứng chống lại việc tiếp thị theo hướng hoài cổ cả một thời gian dài. Ít ra thì phòng tiếp tân và lounge trong Majestic ngày nay thì cũng tương ứng với phong cách của thời kỳ đó, cái thời kỳ mà bây giờ lại được phép kỷ niệm như là thời kỳ hoàng kim của Sài Gòn. Năm 1925 người Việt gốc Hoa Hui Bon Hoa, được gọi là chú Hỏa, khai trương khách sạn Majestic ở góc đường Rue Catinat và Quai de Belgique, với tầm nhìn xuống sông Sài Gòn. Chẳng bao lâu sau đó, nó được xem là địa điểm số một, nơi hoàng tử xa lạ gặp tổng thống châu Âu.
Khách sạn Majestic những năm 1950s

Sau nhiều lần xây dựng lại và xây dựng mở rộng, Majestic gần xứng đáng với năm ngôi sao mà nó mang, như là khách sạn duy nhất trong số các khách sạn còn lại từ thời thuộc địa. Tuy vậy, khách sạn ở trên Rue Catinat này chưa từng bao giờ có thể bước vào Giải Hạng Nhất mà Raffles ở Singapore, Oriental ở Bangkok và cả Metropole ở Hà Nội ngày nay vẫn còn (hay lại) chơi ở trong đó. Nhưng từ lâu rồi, cả ở đó, trong ngôi nhà trọ cũ được Somerset Maugham ưa thích nhất, giá phòng cũng đã được tính toán hàng ngày bằng máy tính, và ở đó cũng hầu như không còn gentleman du lịch mặc comlê nhiệt đới ngồi trong phòng tiếp tân nữa. 

Đặc trưng cho Sài Gòn, đặc trưng cho Việt Nam cũng là khách sạn Rex: trở thành huyền thoại qua lịch sử chiến tranh, ngày nay là một nơi được du khách từ khắp nơi trên thế giới tôn sùng và là nơi tiến hành lễ cưới được ưa thích nhất của người Việt và người Hoa, lòe loẹt và đang hết sức thịnh hành. Nó cũng thuộc Saigontourist và rất thích được nhắc tới và tiếp thị cùng với Majestic. 

Khách sạn Mejestic năm 1975

Nhưng Rex đã là nhiều thứ, chỉ rằng nó chưa từng là một khách sạn thuộc địa. Con đường công danh của khách sạn kỳ lạ nhất trong số tất cả các khách sạn tại thành phố HCM ngày nay bắt đầu như là xưởng sửa chữa ô tô trong khu phố Pháp ở Sài Gòn. 

Năm 1959, một vài tầng nhà văn phòng được xây lên trên cái xưởng sửa chữa ô tô đó. Rồi bắt đầu từ 1962, quân đội Mỹ cung cấp thông tin cho giới báo chí thế giới từ đây, vào mỗi buổi chiều và vẫn còn hết sức hăng hái và đầy lạc quan khi tất cả đã thất bại từ lâu rồi. 

Mãi sau chiến tranh người Việt mới xây "ngôi nhà nói dối của Uncle Sam", như không chỉ có họ mới gọi như vậy, thành khách sạn Rex. Đã từ lâu, thành lễ nghi cho cả người dân bản xứ lẫn du khách là việc lên sân thượng vào buổi chiều và ngồi vào một cái lồng bằng thạch cao hết sức lạ lùng và vì vậy mà cũng rất được ưa thích. Nhưng cả ở đây, cocktail thời thượng cũng đã thay thế cho Gin Tonic kinh điển từ lâu rồi. Và cái hàng hiên của Continental cũng chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người yêu châu Á và chiến đấu ở Việt Nam ngày xưa.

Thời đó, vào thời của chiến tranh và nói dối, như nhà báo và nhà văn người Mỹ Michael Herr mô tả trong quyển sách tuyệt vời "Dispatches" của ông, "…anh quẳng thân mình lên một chiếc xe Jeep vào lúc chín hay mười giờ, chạy vài kilômét, quan sát một trận đánh trên đường phố, chạy qua chạy lại một chút và vào buổi chiều vẫn còn có thể lại ở trên hàng hiên của Continental." Có ý muốn nói: trở về đúng lúc để uống Gin Tonic, Whisky, Sundowner của thời xưa.

Khách sạn Conti, Sài Gòn của ngày xưa, vâng: toàn bộ con sông Mekong trong dòng chảy dài của nó từ Himalaya cho tới vùng châu thổ, tất cả đều sống nhờ vào huyền thoại, cũng nhờ vào cả những lời nói dối nữa, nhưng trước hết là nhờ vào sự nuối tiếc và đi tìm về một quá khứ mà có thể là đã được tôn vinh có hơn nhiều một chút. Mặc dù vậy: phần lớn những người khách, tuy đến đây với những tưởng tượng nhất định ở trong đầu về vùng đất quyến rũ này, nhưng vẫn còn giữ được niềm đam mê của sự ngạc nhiên, sẽ tìm thấy được những cảnh sống động ở tại chỗ như là sự chứng nhận cho phần lớn của chính những sự tưởng tượng đó.

Điều này không chỉ đúng cho các đất nước và con người ở Mekong, hy vọng nó vẫn còn là một trong những điều kỳ diệu của du lịch, mãi mãi và ở khắp mọi nơi. 

Bernd Schiller
Phan Ba dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét