Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Thủ tướng: Áp lực trả nợ rất lớn

Đọc cho vui thôi chứ với người quản lý và cách quản lý của thể chế hiện giờ thì chẳng có thuốc nào chữa được.
Thủ tướng: Áp lực trả nợ rất lớn
Trong báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 21.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ. Phần còn lại và trái phiếu chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Tăng bội chi dành một phần để trả nợ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 nghìn tỉ đồng) và phát hành thêm 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Qua đó, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30-31% GDP...

Trái phiếu chính phủ sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô.

Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, nợ công trong các năm 2014-2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

“Cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu chính phủ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Qua đó, sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.

Thủ tướng cho biết, Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá nợ công của Việt Nam là an toàn và ổn định. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nền tài chính quốc gia.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn

Về xử lý nợ xấu, Chính phủ đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9.2013 là 4,62%. Việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ chế chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phục hồi chậm nên rất khó bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Chưa có cơ chế hiệu quả để các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn có trách nhiệm tham gia xử lý nợ xấu.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu và phấn đấu đến hết năm 2015 xử lý được số nợ xấu hiện nay, đưa hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh, an toàn.

Thủ tướng khẳng định, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nêu trên, mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét