Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Tướng Giáp: Tượng và quảng trường

Tướng Giáp: Tượng và quảng trường
Tổng thống Brazil thăm Tướng Giáp trong một lần đến Việt Nam
Nguyễn Giang (BBC)Trước ngày Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các ý kiến trên truyền thông chính ngạch và ngoài luồng ở Việt Nam tiếp tục bàn về tang lễ và nơi mai táng cho vị tướng huyền thoại của cả châu Á trong thế kỷ 20.Nhìn từ Anh Quốc, tôi hy vọng cũng đóng góp một ý kiến nhỏ về điều Việt Nam sẽ có nhiều thời gian hơn, tĩnh tâm sau cơn ‘tang gia bối rối’ để bàn cho kỹ và tìm ra giải pháp phù hợp nhất có thể: nơi đặt tên phố, quảng trường và xây tượng cho Đại tướng.
Trước hết, cần phân biệt ra ba lĩnh vực liên quan đến sự tưởng niệm Tướng Giáp cũng như với bất cứ nhân vật lịch sử nào: phần riêng tư của gia đình, phần quốc gia cho những ai được một thể chế, triều đại ghi công, và phần dư luận quốc tế.

Tại Anh Quốc, sau lễ Quốc tang cho Thủ tướng Winston Churchill, người anh hùng cứu quốc thời Thế chiến II, thi hài của ông được đưa về một nghĩa địa nhỏ tại vùng quê Oxfordshire, nằm cạnh các thân nhân của ông trong dòng họ Churchill.

Tôi đã đến thăm nơi này và thấy mộ ông Churchill thật bình thường, chỉ cạnh một ngôi nhà thờ Anh giáo mà dòng họ ông vẫn đi lễ.

Sau Churchill, gia đình tiếp tục chôn cất bà vợ và các con của ông ở đây.

Cạnh đó cũng có mộ những người khác ở làng Bladon và chính quyền không xây lại nghĩa trang thành của riêng cho nhà Churchill.

Tượng Nguyên soái Georgiy Zhukov tại trung tâm thủ đô Moscow

Nhưng về mặt Quốc gia thì lại khác.

Ai tới khu Whitehall và Westminster, trung tâm quyền lực của Đế chế Anh thời xưa và nền dân chủ Anh ngày nay ở London đều thấy ngay tượng Churchill đứng đối diện với Tháp Big Ben và Toà Nghị viện.

Giống như vậy, nếu như ở Việt Nam hiện nay gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn mai táng ông ở quê thì điều đó cần được tôn trọng.

Trong lịch sử đã có những trường hợp chính quyền ở một nước can thiệp trái với ý nguyện của người đã khuất và để lại dư âm xấu.

Ví dụ như Nguyên soái Liên Xô Georgiy Zhukov, vị anh hùng đánh thắng phát-xít Đức muốn được chôn cất tại vùng quê Panakhida theo lễ của Chính thống giáo nhưng bị từ chối.

Chính quyền Brezhnev khi đó cho đốt xác ông Zhukov năm 1974 để đặt vào tường thành ở Hồng trường theo cách Liên Xô vẫn làm với các nhân vật cách mạng.

Địa điểm có thể trở thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp

Nhưng Nga cũng cho xây tượng lớn của ông đặt tại đường Manezhnaya cạnh Hồng trường như một ghi nhận về mặt quốc gia và quốc tế.

Chính vì thế, việc chọn nơi đặt tượng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặt tên đại lộ hoặc quảng trường mang tên ông sẽ là vấn đề cần bàn luận kỹ và cần phản ánh tâm lý dư luận trong nước cũng như để cho xứng đáng với tiếng tăm quốc tế của vị Đại tướng.

Anh hùng trận Điện Biên 

Dường như các con đường to đẹp nhất Hà Nội đã có tên hết rồi nên tôi chỉ dám gợi ý về Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Theo tôi, không có chỗ nào phù hợp hơn là địa điểm giữa các đường Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ ở Hà Nội.

Hai vị đã là anh hùng dân tộc thời chống Pháp giữ nước. Ông Trần Phú là tổng bí thư đầu tiên của Đảng cầm quyền hiện nay và Điện Biên Phủ là “chiến thắng chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Tướng Giáp.

Vì thế, có lẽ cần đưa tượng Lenin hiện ở đó sang một vị trí thích hợp hơn, có liên quan nhiều đến Liên Xô cũ hay nước Nga hơn, và đặt tượng đồng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào đó.

Chuyện đổi tên công viên - quảng trường này cũng không khó làm.

Đây từng là Vườn hoa Chi Lăng và chỉ được đặt tên nhà cách mạng Lenin sau khi công viên lớn ở phía Nam Hà Nội “nhận lại” tên Thống Nhất sau một thời gian là Công viên Lenin.

Với quốc tế, dựng một bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây, đối diện với Bảo tàng Quân đội vốn đã làm điểm đến thăm nổi tiếng của người nước ngoài, sẽ là hành động tương xứng với các chiến công của ông và các đồng sự.


Không xa đó là Bộ Quốc phòng, nơi Tướng Giáp từng giữ chức Bộ trưởng rất nhiều năm.

Các sỹ quan và binh sỹ cũng sẽ có dịp gần gũi đặt vòng hoa, tưởng niệm vị tư lệnh huyền thoại của họ chứ phải đi ra một nơi xa ngoài khu Ba Đình.

Ở đó, tượng Tướng Giáp cũng không xa lăng cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, thật thuận tiện cho khách nước ngoài, nhất là các lãnh đạo cánh Tả quốc tế, thăm viếng và đặt vòng hoa cả hai nơi nếu họ muốn.

Quyết định thế nào, do ai đưa ra cũng sẽ nhận được nhiều ý kiến khác nhau vì Tướng Giáp không chỉ còn là người của gia đình ông hay của Việt Nam mà đã là một nhân vật quốc tế và ai trên thế giới cũng sẽ có quyền nêu quan điểm của họ về ông.

Chính vì thế, Việt Nam đặt nhân vật trong bối cảnh lịch sử như đã nêu trên để có một phương án tối ưu chứ thật khó thỏa mãn tất cả mọi quan điểm khác nhau.

Sẽ hay hơn nếu Việt Nam mời các nghệ sỹ quốc tế danh tiếng tạc tượng cho ông để có tác phẩm đủ tính nghệ thuật và chất lượng cao, tránh điều tiếng xảy ra với tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ hồi 2004.

Các nghệ sỹ Việt Nam ngược lại có thể sang nước khác tạc tượng Võ Nguyên Giáp khi người ta mời, như nghệ sỹ Nga tạc tượng Nguyên soái Zhukov tại Ulan Bator.

Tượng về chiến tranh ở Việt Nam cần được làm tốt hơn nữa

Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com


(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét