Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tin được không: “Cá mập” nước ngoài xếp hàng mua nợ Việt Nam

Không biết có phải là bác Nghĩa thổi phồng, bốc phét để tự sướng không, chứ bây giờ chưa phải là lúc đám cá mập quốc tế đầu cơ vào nền kinh tế Việt Nam. Nếu có đám đang xếp hàng chờ mua nợ thì chúng chỉ là mấy con kền kền đơn lẻ tranh thủ lúc rảnh rỗi chầu chực chờ rỉa cái thân hình da bọc xương để kiếm được tý nào hay tý ấy thôi. Đám cá mập phải chờ Việt Nam lớn hơn, có tài sản đáng giá hơn, có da có thịt hơn... thì mới bõ công đánh và xông vào kiếm lợi. Từ ngày về hưu, bác Nghĩa nói y như VOV hay VTV.
“Cá mập” nước ngoài xếp hàng mua nợ Việt Nam
(baodautu.vn) Hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống NHTMC Việt Nam” do Ngân hàng BIDV diễn ra vô cùng nóng bỏng với hàng loạt vấn đề kinh tế lớn của đất nước. Trong đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, kinh tế có hồi phục hay không… là những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV
Nhìn lại thời khắc “nước sôi lửa bỏng”

Diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa trải qua 5 năm khủng hoảng và 2 năm tái cơ cấu nền kinh tế, Hội thảo chuyển động kinh tế vĩ mô và “Triển vọng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu (Ngân hàng TMCP BIDV) tổ chức được đặc biệt quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà gợi nhớ lại thời khắc nước sôi lửa bỏng đầu năm 2008.

Khi đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bắt đầu lan rộng tới Việt Nam, lạm phát lên tới hai con số, dự trữ ngoại tệ sụt giảm mạnh.

Tình hình đáng lo tới mức, ngoài Morgan Stanley, nhiều tổ chức và định chế tài chính quốc tế khác đều nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ, bắt đầu từ hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2011, với bộ máy nội các mới, cùng với quyết tâm cải cách nền kinh tế, Việt Nam đã dần vượt qua thời điểm gay go nhất. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và đặc biệt là tái cơ cấu thành công bước đầu hệ thống NHTM.

Mượn lại lời của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Trần Bắc Hà tỏ ra khâm phục chính sách điều hành của NHNN.

Cụ thể, trước đây, vào năm 2008, khi NHNN tung tiền đồng để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, trong hai năm vừa qua, NHNN đã tung một lượng tiền đồng rất lớn, nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ lên mức cao nhất từ trước đến nay (2,5 tháng nhập khẩu) nhưng lạm phát thậm chí còn đi xuống, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định…

Không chỉ góp phần ổn định vĩ mô, với nỗ lực quyết tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, NHNN còn dũng cảm chấp nhận sự thật, chấp nhận đau thương để cắt bỏ những ung nhọt của hệ thống, thiết lập lại dần trật tự kỷ cương. Làn sóng mua bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng để xử lý ngân hàng yếu kém suốt hai năm qua là ví dụ điển hình.



Đề cập tới những vấn đề nóng của nền kinh tế, Hội thảo của BIDV thu hút hàng trăm khách mời, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý, điều hành chính sách.

Chia sẻ nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục kinh tế và tái cơ cấu thời gian qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Cụ thể, từ tháng 9/2013, kinh tế đã có những dấu hiệu cải thiện đầu tiên: Xuất khẩu tháng 9/2013 tăng 9% so với tháng 8/2013. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực nội địa cũng tăng trở lại mạnh mẽ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tuy giảm nhưng chủ yếu do giảm từ dầu thô, còn riêng ngành công nghiệp chế biến và công ngheịep chế tạo lại tăng mạnh.

Hai yếu tố này dẫn đến chỉ số quản trị quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam PMI của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục (51 điểm).

Riêng trong tháng 9/2013, tăng trưởng FDI cũng mạnh mẽ hơn những năm trước. Nhập khẩu của khu vực DN nội địa tăng lên, báo hiệu sản xuất phục hồi.

Đặc biệt, tái cơ cấu hệ thống NHTM cũng đã đạt được thành công bước đầu, 8/9 ngân hàng TMCP yếu kém đã được xử lý. Trật tự kỷ cương thị trường được thiết lập, thanh khoản hệ thống ổn định. Nợ xấu cũng đã được xử lý một phần đáng kể bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM và bằng VAMC.

Cá mập nước ngoài xếp hàng mua nợ Việt Nam

Ngoài kinh tế vĩ mô, vấn đề được đông đảo đại biểu, chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý tập trung thảo luận sáng nay là tái cơ cấu hệ thống NHTM và xử lý nợ xấu. Có lẽ, hiếm có hội thảo nào diễn ra từ đầu giờ sáng mà đến tận 1h chiều các đại biểu vẫn tranh nhau đặt câu hỏi cho các diễn giả về các vấn đề bức xúc của nền kinh tế.

Chỉ trong vòng 10 phút trình bày, TS. Lê Xuân Nghĩa đã làm Hội thảo nóng rực với vấn đề xử lý nợ xấu và sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trước khi VAMC ra đời, có rất nhiều ý kiến lo ngại, VAMC sẽ không mua được nợ, hoặc mua được nợ rồi không biết bán cho ai. Bởi trên thực tế, các nước khi xử lý nợ thì hầu hết là bán nợ cho nước ngoài, trong khi Việt Nam chưa có môi trường thuận lợi cho bán nợ. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ngược lại.

“VAMC mới ra đời hơn một tháng nay, mà các nhà đầu tư nước ngoài chờ ở cửa, “xếp hàng” để mua nợ xấu của Việt Nam, nhiều hơn cả mong đợi của chúng ta. Trong số đó, có những nhà đầu tư “cá mập” của thế giới như Blackstone Group”, ông Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Được biết, đến nay đã có hàng chục đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến từ khắp các thị trường đặt vấn đề mua nợ xấu của Việt Nam. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ, mà các ngân hàng trong nước cũng xếp hàng chờ bán nợ cho VAMC. Trong bối cảnh này, khó khăn nhất của VAMC là năng lực thể chế và nhân lực có hạn, trong khi người đòi mua và người đòi bán cũng nhiều.




Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với lượng hồ sơ hiện nay, VAMC có thể mua tới 60.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.

Tuy nhiên, do nguồn tiền mà NHNN cấp có hạn, nên khả năng VAMC chỉ mua 30-35 nghìn tỷ đồng.

Thừa nhận sự quan tâm tới thị trường nợ xấu Việt Nam, ông Simon Andrew, Giám đốc Khu vực Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam cho hay, nợ xấu của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đang vướng mắc bởi một số quy định pháp lý.

“Các nhà đầu tư và các công ty xử lý nợ xấu nước ngoài rất quan tâm đến nợ xấu Việt Nam, song môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều thách thức. Đặc biệt, hành lang pháp lý về quyền tài sản của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng. Chúng tôi rất mong muốn đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến giúp Việt Nam xử lý nợ xấu”, ông Simon nói.

Khẳng định sở hữu tài sản là một rào cản trong xử lý nợ xấu, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất khi mua nợ xấu của Việt Nam là thủ tục. “Tôi đã hỏi 16 đoàn nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, họ đều khẳng định, điều mà nhà đầu tư mong mỏi nhất là thủ tục mua nợ và bán nợ phải triển khai thật nhanh”.

Hà Tâm

1 nhận xét: