Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hội nghị TW 8: "Cơ chế hoạt động bình đẳng cho tất cả các DN"

Thấy bác Lê Đăng Doanh nói "tất cả đều trông đợi vào nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8", vậy thì nên xem TW8 kết luận những gì. Trong khi vnexpress chưa đưa tin thì xem của vietnamnet vậy. Có một điểm mới được bác Trọng nói là xây dựng "cơ chế hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế" nhưng trong bối cảnh không có 1 cuộc cải cách thể chế như TS Doanh mong đợi, mà vẫn trong khuôn khổ tiếp tục "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Ai muốn nhanh ngủ thì đọc thêm bài này: Thông báo Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8.
TƯ 9 sẽ thông qua quy chế bầu cử trong Đảng mới
Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của Trung ương tại hội nghị lần này, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng để trình hội nghị Trung ương 9 thông qua.
Sau 10 ngày làm việc, trưa 9/10, tại Hà Nội, hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đã đề ra. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát những kết quả chủ yếu đã đạt được và nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của hội nghị.

Về kinh tế
Thứ nhất, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, hội nghị đã thống nhất nhận định về thực trạng kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua và xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và 2 năm 2014 - 2015.

Ban chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong 3 năm qua đã kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, biện pháp đưa kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là đã kiềm chế được lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức 18,13% năm 2011 giảm xuống khoảng 7% năm 2013. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tài chính- tín dụng an toàn, ổn định hơn, mặt bằng lãi suất giảm dần. Dự trữ ngoại hội tăng, tỉ giá ổn định. Xuất khẩu tăng khá, cán cân thương mại được cải thiện. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. 
Kinh tế từng bước phục hồi; tăng trưởng duy trì ở mức bình quân 5,6% trong 3 năm 2011 - 2013. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện. Trong điều kiện kinh tế và cân đối ngân sách rất khó khăn, Đảng và Nhà nước đã cố gắng chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Việc tiến hành ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế được toàn hệ thống chính trị quan tâm, nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện, đạt một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thực sự an toàn, cân đối ngân sách khó khăn.

Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, thậm chí có mặt còn suy giảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Bảo vệ chủ quyền quốc gia đứng trước nhiều thách thức.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược mới chỉ là bước đầu, còn chậm và nhiều bất cập. Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế chưa thực sự định hướng được cho việc tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và các vùng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình trong nước và quốc tế, Ban chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: xét về tổng thể, vẫn phải kiên trì mục tiêu tổng quát do Đại hội XI của Đảng đã đề ra; song trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ khóa 11 (2014 - 2015) phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện mục tiêu: tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.

Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Riêng năm 2014, tập trung ưu tiên cao cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo động lực, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Trung ương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên trong kết luận của hội nghị lần này; khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp.

Đặc biệt là phải chú trọng triển khai một cách cụ thể, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược, coi đây là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ trên cả 3 phương diện: xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về kinh tế; kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế và các chủ thể kinh tế tham gia thị trường; và cơ chế vận hành nền kinh tế, trước hết là cơ chế hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai một số đề án đặc khu hành chính - kinh tế nhằm tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế có tính đột phá.

Tổng bí thư cho biết: phát triển những kết quả đạt được tại hội nghị Trung ương 6, hội nghị lần này thảo luận và nhất trí ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc.

So với nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8), nghị quyết của hội nghị lần này kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức, tư tuy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Về nhận thức, Trung ương cho rằng đổi mới căn bản, toàn diện là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục- đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục - đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương.

Thống nhất dự thảo Hiến pháp
Về nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ban chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trung ương cho rằng: dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Nội dung dự thảo đã phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn thể dân tộc. Thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn chỉnh toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Việc hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội xem xét, ban hành Hiến pháp sửa đổi cần tiếp tục được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá, xuyên tạc.

Tổng kết việc thực hiện nghị quyết Trung ương 8 (khóa 9) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Ban chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng: 10 năm qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước khó khăn, phức tạp, chúng ta đã giữ vững được ổn định chính trị và môi trưởng hòa bình để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ban chấp hành Trung ương khẳng định phải tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo mà nghị quyết Trung ương 8 (khóa 9) đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới.

Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta “dựng nước đi đôi với giữ nước” “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nghĩa là làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh phải luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn phát triển kinh tế- xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 12

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ và thống nhất thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội 12 của Đảng gồm: tiểu ban Văn kiện, tiểu ban Kinh tế - xã hội; tiểu ban Điều lệ Đảng; tiểu ban Nhân sự và tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Tổng bí thư cho biết: Ban chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của Trung ương tại hội nghị lần này, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng để trình hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) thông qua.

Theo VOV

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/144024/tu-9-se-thong-qua-quy-che-bau-cu-trong-dang-moi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét