Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

“TÁM” CHUYỆN TIẾNG ANH

TÁM” CHUYỆN TIẾNG ANH
NGUYỄN VẠN PHÚ
Những điều tinh tế về tiếng Anh khó tìm thấy trong sách giáo khoa
Published by Nguyễn Vạn Phú at Smashwords
Copyright 2006-2013 Nguyễn Vạn Phú
Smashwords Edition, License Notes
This ebook is licensed for your personal enjoyment only. This ebook may not be re-sold or given away to other people. If you would like to share this book with another person, please purchase an additional copy for each recipient. If you’re reading this book and did not purchase it, or it was not purchased for your use only, then please return to Smashwords.com and purchase your own copy. Thank you for respecting the hard work of this author.
Giới thiệu e-book mới: “Tám” chuyện tiếng Anh
untitledNguyễn Vạn Phú, hiện là thư ký tòa soạn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, là cây bút bình luận kinh tế thuộc hàng sắc sảo nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm báo tiếng Anh trước đây từ Vietnam Investment Review đến Saigon Times Daily, và từng là giảng viên chuyên Anh, ông có nhiều bài viết nhẹ nhàng, dí dỏm về việc học và dịch tiếng Anh. Những bài này đã lần lượt được tập hợp in thành ba cuốn Chuyện chữ & nghĩa tiếng Anh (NXB Trẻ, 1997), Tiếng Anh lý thú (NXB TPHCM, 2000), và Tiếng Anh theo dòng thời sự(NXB Trẻ, 2008). Mới đây, tác giả  thử nghiệm chuyện tự xuất bản, và tái bản cuốn Tiếng Anh theo dòng thời sự dưới dạng e-book với nhan đề “Tám” chuyện tiếng Anh.
Sau đây là Lời nói đầu mà mình (Phạm Vũ Lửa Hạ) được vinh dự viết cho bản in giấy cuốn Tiếng Anh theo dòng thời sự, và nay được cập nhật thành sách điện tử. Bạn nào thích thì đặt mua ở Smashwords hoặc Amazon (giá USD 4,99). XIN ĐỪNG ĐỌC BẢN LẬU.
Lời nói đầu
Tám” chuyện tiếng Anh tập hợp hơn 70 bài viết trong gần hai năm cho chuyên mục cùng tên trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn do tác giả Nguyễn Vạn Phú phụ trách.
Tập sách này dẫn dắt độc giả vào thế giới ngôn từ sống động trong những bản tin tiếng Anh với nhiều đề tài phong phú trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế (thuật ngữ WTO) và kinh doanh (lương bổng giám đốc) tới giáo dục (bằng cấp tiếng Anh, trường điểm), từ chuyện vi mô (định giá iPhone) tới chuyện vĩ mô (điều chỉnh lãi suất và chính sách tiền tệ), từ ngôn ngữ ngân hàng và chứng khoán tới lối nói của nhà báo, từ chuyện chính khách và thương nhân lỡ lời tới chuyện có công ty thiệt hại 2 triệu đô chỉ vì dùng sai dấu phẩy. Độc giả cũng tìm thấy nhiều góc thư giãn như chuyện ngôn ngữ trong bộ sách Harry Potter, ca từ trong những bản nhạc lừng danh, lối dụng ngữ ngộ nghĩnh ở những xứ mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, mê tín trong đầu tư chứng khoán, tử vi trong tiếng Anh…
Tiếp tục phong cách của tập sách Chuyện chữ nghĩa tiếng Anh được đón nhận nồng nhiệt hồi cuối thập niên 1990, tác giả tránh sa vào lối mòn của những cuốn sách dạy và học tiếng Anh từng xuất bản ở Việt Nam: hoặc dịch song ngữ, hoặc giảng giải theo kiểu từ chương cứng nhắc. Thay vì thế, độc giả được khuyến khích tìm hiểu văn cảnh và “read between the lines” (ý tại ngôn ngoại). Xuyên suốt trong tập sách này là phương châm “hiểu sao cho đúng”. Để làm được điều tưởng dễ mà khó này, tác giả kéo độc giả vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của việc trau dồi sinh ngữ. Tác giả cảnh báo những bẫy ngôn ngữ trong viết và dịch thuật tiếng Anh, phân biệt văn phong hoa mỹ sáo rỗng và tiếng Anh giản dị, hướng dẫn cách vượt qua những rào cản như thành ngữ và tục ngữ, hay nghĩa đen nghĩa bóng. Ngoài ra, độc giả còn được chỉ cách hiểu tường tận mọi ngóc ngách của một văn bản tiếng Anh với những kỹ thuật hữu ích như tìm từ chưa có trong từ điển, cách liên tưởng điển tích và sử dụng kiến thức về văn minh – văn hóa để hiểu hàm ý, dùng bài viết tiếng Anh của người bản xứ về kinh tế Việt Nam để học cách dịch những khái niệm thuần Việt sang tiếng Anh.
Một tập sách như vậy chắc chắn đòi hỏi bề dày kinh nghiệm dạy tiếng Anh và viết báo (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) cũng như hiểu biết sâu về kinh tế kinh doanh. Tác giả Nguyễn Vạn Phú đáp ứng yêu cầu này với vốn sống tích lũy trong hành trình dài từ giảng dạy tiếng Anh đến làm báo cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Tập sách này là một vườn hoa lạ và kỳ thú mà bất kể là người không chuyên hay dân trong nghề, dù là để học tiếng Anh hay tìm hiểu thêm về chuyện thương trường, độc giả cũng có thể tìm thấy một góc riêng lý thú cho mình thưởng ngoạn.
Trân trọng giới thiệu.
Phạm Vũ Lửa Hạ - Canada
Đọc thử sample miễn phí (15%) ở Smashwords:https://www.smashwords.com/extreader/read/361406/1/tam-chuyen-tieng-anh
Dễ nhầm vì khác nhau
Liên quan đến việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR - Permanent Normal Trade Relations) với Việt Nam, có một ủy ban với cái tên hơi lạ nên nhiều bản tin đã có nhiều cách dịch khác nhau. Đó là Committee on Ways and Means của Hạ viện Mỹ mà thường được gọi tắt là House Ways and Means Committee. Chính thức mà nói, đây là Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, thế nhưng nhiều nơi, kể cả trong giới người Việt ở Mỹ, vẫn có những cách dịch khác như Ủy ban Chính sách thương mại, Ủy ban Phương tiện và Chính sách, Ủy ban Tiện ích, Ủy ban Ngân sách tài chính, Ủy ban Đường lối và Phương cách… đủ kiểu. Nhiệm vụ của ủy ban này là lo mọi chuyện liên quan đến tài chính về mặt lập pháp, như xem xét trước các dự luật về tăng, giảm thuế (tức là các phương tiện - means - thu ngân sách), về hệ thống an sinh xã hội (tức là cách - ways - chi tiêu ngân sách), các hiệp định thương mại quốc tế… Vì thế gọi là Ủy ban Tài chính và Thuế vụ có lẽ phù hợp hơn cả.
Ở Hạ viện Mỹ còn một ủy ban khác gọi là Appropriations Committee (Ủy ban Chuẩn chi, Ủy ban Phân bổ ngân sách) với nhiệm vụ xác định mức chi tiêu ngân sách cụ thể cho bên chính quyền. Từ appropriate có hai nghĩa gần như trái ngược nhau: một bên là phân bổ, một bên là chiếm đoạt (appropriate funds for education - phân bổ ngân sách cho giáo dục; appropriate the family car - cả nhà chỉ có một xe mà một người cứ chiếm riêng cho mình).
Có một điểm cũng khá lạ. Mọi người điều biết một dự luật ở Mỹ gọi là Bill, đến khi được lưỡng viện thông qua, tổng thống ký ban hành mới gọi là Act hay Law nhưng một trong những bộ luật căn bản của Mỹ là Bill of Rights (Bộ luật Dân quyền) vẫn gọi là Bill.
Tên các cơ quan rất lạ ở Mỹ không thiếu. Ví dụ ở tiểu bang California, nơi quản lý và thu các loại thuế gọi là State Board of Equalization, còn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp lại do Franchise Tax Board đảm nhận, nếu không cẩn thận dễ hiểu sai và dịch nhầm.
Nói về chuyện nhầm lẫn, tuần rồi đã xảy ra một chuyện khá nực cười. TextTrust, một công ty Canada chuyên đi sửa lỗi chính tả trên các trang web phát hành một thông cáo báo chí, khoe rằng năm rồi họ đã kiểm tra chính tả 16 triệu trang web và phát hiện 10 từ thường bị viết sai nhiều nhất. Câu thông báo viết nguyên văn “16 million we pages” vào buổi sáng, đến chiều họ phải đính chính, xin sửa lại là “16 million Web pages”. Họ chỉ sai chừng đó thôi cũng đã muối mặt; báo chí trong nước lại nhầm, cho rằng họ viết sai nhiều từ khác như “independant” (đúng là independent); thật ra, đấy là 10 từ viết sai phổ biến nhất trên Internet theo phát hiện của TextTrust đấy chứ. Tờ Inquirer khi đưa tin này đã chọc quê TextTrust bằng một tít nhỏ “Shurley some mishtake” - cố tình viết sai chính tả câu “Surely some mistake”.
Trong buổi tiệc chiêu đãi nhân hội nghị thượng đỉnh G-8 gần đây, theo tường thuật của Newsweek, khi Thủ tướng Đức Merkel kể chuyện có con gấu hoang bị bắn hạ tại Đức, Thủ tướng Nhật bỗng buột miệng nói: “Teddy bear. We must bear criticism. Unbearable”. Đầu óc liên tưởng của ông thật lạ. Teddy bear là con gấu nhồi bông (Teddy là tên thân mật của Tổng thống Theodore Roosevelt, trong một bộ phim hoạt hình, có cảnh ông cứu một con gấu con); bear trong câu thứ nhì là chịu đựng (lãnh đạo nước nào hình như cũng phải chịu cảnh bị phê bình từ khắp mọi phía); vàunbearable có lẽ là cảm tưởng của ông Koizumi (không chịu nổi lời ong tiếng ve)!
Trong hội nghị lần này, Tổng thống Bush bị nhiều phen hố to. Ngoài vụ nói riêng với Thủ tướng Anh nhưng bị các nhà báo ghi âm được: “What they need to do is get Syria to get Hizbullah to stop doing this shit, and its over” (ý nói chỉ cần buộc Syria bảo Hizbullah chấm dứt chọc phá Israel thì xung đột giữa Israel và Lebanon sẽ chấm dứt ngay, nhưng shit là từ thô lậu, không ai dùng giữa chốn ngoại giao quốc tế), ông Bush còn bị một vố khác. Lúc họp báo chung với Tổng thống Nga Putin, một nhà báo hỏi về tình hình dân chủ ở Nga, Putin đáp trả ngay: “We certainly would not want to have the same kind of democracy as they have in Iraq, I will tell you quite honestly” (Nói thiệt tình, chúng tôi không muốn có loại dân chủ như ở Iraq đâu). Câu này chưa được dịch sang tiếng Anh thì các nhà báo Nga đã cười to để tán thưởng, Tổng thống Bush cười theo thật tươi nhưng khi nghe dịch xong, miệng hết cười, cáu kỉnh bảo: “Just wait”. Có lẽ lần sau ông Bush phải chờ nghe dịch hết rồi cười.
(TBKTSG, ngày 3-8-2006)
Lỡ lời
Đọc một mẩu tin trên báo trong nước vào cuối tuần trước, người ta có thể giật mình khi biết Coca-Cola tiếp tục được bình chọn là công ty hàng đầu thế giới “với tài sản ước tính trị giá khoảng 67,5 tỉ đô la”. Thế còn hàng chục công ty khác tài sản lớn hơn nhiều lần biến đi đâu? Hóa ra mẩu tin này dịch sai - “Coca-Cola remains the world's most valuable brand. Its brand value alone is worth $67 billion, according to the annual global survey by Interbrand in conjunction with BusinessWeek”. Đây là khảo sát về giá trị thương hiệu, một dạng tài sản vô hình chứ đâu phải là tài sản thiệt. Tổng trị giá tài sản sổ sách của Coca-Cola đến cuối năm 2005 chỉ vào khoảng 29,5 tỉ đô la.
Còn nếu đọc kỹ các tin về khảo sát này, người ta sẽ biết thêm: “Coca-Cola, the world's most valuable brand, is worth about $525 million less than it was last year”. Như vậy, trong nhiều năm liền, giá trị thương hiệu của hãng này, dù vẫn đứng đầu thế giới, đã giảm mạnh, năm ngoái giảm trên nửa tỉ đô la, còn so với năm 2000, giảm đến 5,5 tỉ đô la. Một tờ báo nhận xét: “Coke has been [a decliner] for a few years. They're running the brand almost as a legacy asset. They're almost afraid to do stuff for fear of damaging the asset, rather than taking it to the next level.” Câu này ý nói Coca-Cola quản lý thương hiệu theo kiểu duy trì một di sản, không dám làm gì táo bạo vì sợ có hại cho thương hiệu thay vì tìm cách đưa thương hiệu lên một tầm cao mới.
Ở đây cũng cần chú ý, khi báo chí nói Google trị giá đến 117 tỉ đô la là nói về cáimarket capitalization của nó (tức là trị giá toàn bộ cổ phiếu của Google trên thị trường) trong khi tổng giá trị sổ sách của nó vào cuối năm 2005 chỉ trên 10 tỉ đô la một chút. Trong khảo sát này, trị giá thương hiệu của Google lên đến 12,4 tỉ đô la (The survey estimated that Google's brand is worth $US12.4 billion to the company).
* * *
Làm người phát ngôn cho các hãng phải luôn luôn cẩn trọng từng lời nói. Có lẽ người phát ngôn của hãng Apple thấm thía điều này hơn ai hết. Cuối tháng trước, khi trả lời phỏng vấn tờ Chicago Tribune về những trục trặc thường hay xảy ra cho loại máy nghe nhạc iPod, cô này nói, đại ý “failure rates for the device are low, and that an iPod is designed to last four years”. “Tỷ lệ hư hỏng thấp” ở đây là khoảng 5%, tức cứ 100 máy bán ra, có chừng năm máy hỏng hóc (các khảo sát độc lập cho thấy tỷ lệ thật vào khoảng 15%). Quan trọng hơn, giới tiêu dùng nổi giận khi nghe Apple tuyên bố chiếc iPod được thiết kế sao cho chỉ xài được trong vòng bốn năm thôi. Ngay lập tức, công ty phải đính chính - She said she told the reporter that the iPod was designed to last “for years”- not “four years”. “For years” là trong nhiều năm, ý nói bền lắm. Nói vậy thôi chứ nghe băng ghi âm sẽ biết ngay cô này muốn dùng từ “for years” hay “four years” vì cách nhấn nhá hai câu khác hẳn nhau.
Loại từ nghe “giông giống” như thế này khá nhiều trong tiếng Anh. Ví dụ: “The dump was so full that it had to refuse more refuse”. Refuse trước mang nghĩa bình thường - từ chối, không nhận thêm; refuse sau lại mang nghĩa “rác”. Nhiều trang web sưu tầm hàng trăm câu như thế: There was a row among the oarsmen about how to row(row-cãi vã; row-chèo thuyền); The wind was too strong to wind the sail (wind-gió; wind-cuộn)…
* * *
Một loại sai lầm khác, lần này là vì chiến lược, đã xảy đến cho Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Mỹ khi họ phải rút ra khỏi thị trường Đức vào đầu tháng này vì không hiểu hết đặc điểm văn hóa của thị trường. Tổng giám đốc Wal-Mart thú nhận: “Like, did you know that American pillowcases are a different size than German ones are?”. Từ like ở đầu câu cho thấy Wal-Mart hiểu sai nhiều điều, trong đó kích cỡ chiếc áo bao gối ở Đức khác ở Mỹ chỉ là một ví dụ. Một bài báo tổng kết: “After nearly a decade of trying, Wal-Mart never cracked the country as it discovered that its formula for success - low prices, zealous inventory control and a large array of merchandise - did not translate to markets with their own discount chains and shoppers with different habits”. Crack trong câu trên mang nghĩa thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường; zealous inventory control là kiểm soát nghiêm ngặt lượng hàng lưu kho - tức là một dạng quản lý Just-In-Time (cần bao nhiêu có bấy nhiêu hàng, chứ không trữ nhiều); còn did not translate to markets ở đây là [công thức thành công ở Mỹ] không có tác dụng [ở Đức].
Một tờ báo khác kết luận: “Wal-Marts experience in Germany, where it lost hundreds of millions of dollars since 1998, has become a sort of template for how not to expand into a country”. Phần cuối của câu này là một cách diễn đạt rất hay khi muốn đề cập đến các bài học… nên tránh và từ template (rất thông dụng trong ngôn ngữ tin học) được dùng với nghĩa “khuôn mẫu”, “mô hình”. Nhân tiện xin thông tin thêm, Wal-Mart bán 85 siêu thị của mình tại Đức cho tập đoàn Metro.
(TBKTSG, ngày 10-8-2006)
Vấn nạn giáo dục - ở đâu cũng thấy!
Tờ Economist tuần rồi có bài phân tích tình hình giáo dục tại Trung Quốc, trong đó có những từ miêu tả hệ thống giáo dục ở nước này rất gần với nền giáo dục nước ta. Ví dụ, các bạn có biết họ dùng từ gì để gọi các trường “điểm” không - “key schools”! “In June, a revision to the education law abolished the key-school system, which had caused much resentment”. Trước đó, “a two-tier system identified a few “key schools that receive extra money and other favours in order to nurture pockets of academic excellence”. Two-tier thường dùng trong các cụm từ như chế độ hai giá (two-tier pricing system), hệ thống y tế công tư kết hợp (two-tier health care); ở đây là hai loại trường, trường điểm thì được nhiều ưu đãi hơn. “Nurture pockets of academic excellence” cũng là một cách diễn đạt rất văn vẻ tình trạng chỉ “bồi dưỡng một nhúm học sinh giỏi”.
Bỏ trường điểm rồi thì học sinh sẽ tranh nhau vào trường có chất lượng cao và các trường này nhân cơ hội đó thu thêm phí: “Schools can charge high fees from students from outside their official catchment areas. This levy, which is known as a “school selection charge”, can amount to thousands of dollars.” Trong hai câu này có hai cụm từ đáng ghi nhớ “outside their official catchment areas” (học sinh khác tuyến) và “school selection charge” (phí chọn trường). Nhiều trường khác làm theo cách “dividing their intake into separate streams, they charge more for the classes with better teachers and facilities” - nghe cũng giống loại trường “tự chủ về tài chính” vì cũng chia đầu vào tuyển sinh thành nhiều loại, ai chọn lớp có thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt thì phải trả thêm tiền.
Trong khi đó, tờ Viewpoints của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cũng có một bài về giáo dục tại Việt Nam. Ở đây chúng ta chỉ chú ý đến cách dùng tiếng Anh để miêu tả một số hiện tượng độc đáo, chắc chỉ có trong nền giáo dục nước ta. Ví dụ câu: “Students throw their “Examination Floats” away after the examinations, right outside the examination halls”, chắc ít ai ngoài Việt Nam hiểu từ “Examination Floats” (phao thi). Trong bài này, tác giả đưa ra một sáng kiến đáng chú ý: “An opportunity is for a foreign investor to suggest to the Vietnamese government the installation of an independent examination system, very much like the arrangement that the Ministry of Education in Singapore has with Cambridge University”. Ý ông ta muốn nói nên mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào thiết lập hệ thống thi độc lập để đánh giá chính xác sức học của học sinh như mô hình Bộ Giáo dục Singapore hợp tác với Đại học Cambridge.
Ở góc cạnh kinh tế, tuần rồi cũng có nhiều bài báo nước ngoài điểm tình hình kinh tế của Việt Nam như bài “Good moring at last” trên tờ Economist, khen là chính nhưng cũng có những cảnh báo đáng chú ý. “As Vietnam joins the global economy, it is becoming more vulnerable to volatile commodity prices and fickle bond-market investors, whose gyrations are largely outside its control”. Vulnerabletrong câu này là “dễ bị tác động, dễ bị tổn thương”; “volatile commodity prices” chính là giá nguyên liệu đầu vào lên xuống thất thường; còn “fickle bond-market investors” ý nói đến các nhà đầu tư gián tiếp hay thay đổi, xoay chuyển dòng vốn (gyration) tùy nơi nào có lợi nhất. Tác giả miêu tả những điểm yếu của khối doanh nghiệp nhà nước rất gọn: “They are more graft-prone than private companies, and devour the lion's share of scarce land and credit while creating few new jobs”.Graft là tham nhũng, graft-prone là dễ xảy ra tham nhũng (như strike prone industries là những ngành dễ có đình công); devour thường đi thành cụm với the lion’s share (chiếm dụng phần lớn) - mà đúng là doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng phần lớn đất đai, tín dụng trong khi không tạo ra bao nhiêu việc làm mới cả.
Trong khi đó, tờ Financial Times lại so sánh Thái Lan với Việt Nam, để cảnh báo “Thailand’s economic engine at risk of losing steam” - ở đây dùng hình ảnh đầu tàu xẹp hơi nước, mặc dù hiện nay có đoàn tàu nào chạy bằng hơi nước đâu nhỉ? Cũng những vấn đề muôn thuở: “Nothing is written in stone: fumbling administration, a loss of confidence, a failure to address basic education problems can all erode a nation's narrative”. Nhưng ở đây tác giả dùng các cụm từ đáng học: Nothing is written in stone ở đầu câu ý nói, không có gì là bền vững mãi cả; hai vấn đề đầu muốn nhắc đến những lộn xộn trên chính trường Thái Lan vànarrative ở cuối câu dùng theo cách chơi chữ. Trước đây Thái Lan là một trong những câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ ở Đông Nam Á. Nay nếu các vấn nạn trên không được giải quyết, chúng sẽ làm xói mòn “truyền thuyết” này. Các từ này (stone, erode, narrative) kết hợp với nhau để câu văn tạo ra hình ảnh rất ấn tượng.
(TBKTSG, ngày 17-8-2006)
Cấm dùng động từ Google!
Google gây sững sờ trong giới báo chí khi đầu tuần trước hãng dịch vụ tìm kiếm thông tin trên Internet này gửi thư cho nhiều tờ báo lớn, yêu cầu chấm dứt sử dụng từGoogle như một động từ. Theo người phát ngôn của hãng này thì “It's important to make the distinction between using the word Google to describe using Google to search the Internet, and using the word Google to describe searching the Internet” - ý nói dùng từ Google để chỉ hành động tìm thông tin trên Internet qua dịch vụ Google thì không sao nhưng biến google thành động từ mang nghĩa “tìm thông tin trên Internet” chung chung là không được. Nghe oai thật, nên nhiều tờ báo mới phán: “The geeky-imaged outfit is getting too much like a typical bullyish corporation”.Geek là người say mê máy móc, kỹ thuật, outfit ở đây là công ty; bullyish là hơi ra vẻ ta đây, là kiểu lấy thịt đè người.
Thậm chí, Google còn đưa ra ví dụ. Viết “I ran a Google search to check out that guy from the party” là chính xác; còn “I googled that hottie” là vi phạm bản quyền! (tờ Washington Post bèn chọc quê ngay từ “hottie” vì ai đời một công ty lớn lại dùng từ thô thiển này (hottie là tiếng lóng, chỉ một cô gái hấp dẫn) - “Not only is googled inappropriate, but apparently the word hottie is frowned upon as well”. Chẳng qua Google sợ thương hiệu của mình sẽ dần dà biến thành một từ chung, không còn giá trị thương mại nữa.
Thật ra, tháng trước, từ điển Merriam-Webster's Collegiate Dictionary đã đưa “to google” vào ấn bản mới nhất của mình, với định nghĩa “to use the Google search engine to obtain information on the World Wide Web”; còn từ điển Oxford English Dictionary đưa từ này vào từ tháng 6 (nhưng từ Google được viết hoa).
Loại từ biến hóa từ thương hiệu thành danh từ hay động từ chung có khá nhiều.Hoover thoạt tiên là tên công ty sản xuất máy hút bụi nhưng sau đó dân Mỹ dùng làm động từ chỉ chuyện hút bụi; hay chiếc máy hút bụi chung chung. VelcroXerox lúc đầu cũng là thương hiệu có đăng ký hẳn hoi nhưng sau một thời gian biến thành từ chung (loại khóa bằng hai miếng vải áp vào nhau, sao chụp bằng máy photocopy). Thậm chí, có nhiều từ ít ai biết đã từng là thương hiệu: “True welfare reform is being bypassed for Band-Aid solutions” - Band-Aid lúc đầu là tên sản phẩm băng dán cá nhân, trong câu này có nghĩa bóng [những giải pháp] hời hợt bên ngoài. “The street is lined with low-cost apartment buildings and strewn with blue dumpsters” (dumpster thoạt tiên là tên sản phẩm thùng rác của một hãng). Thậm chí nhiều người ở Việt Nam quen thuộc với các từ Formica (loại gỗ mặt bóng), Frigidaire (tủ lạnh), Jacuzzi (hồ tắm massage), Ping PongAspirin… mà không ngờ chúng đã từng là thương hiệu.
Cho nên làm sao Google cấm báo chí cho được. Biết đâu một thời gian nữa chúng ta sẽ nghe những câu như “Cứ google địa chỉ đó là ra ngay”. Một bài báo kết luận: “Google needs to realize the meme; that is, Google.com has juggernauted far beyond the point of no return. It's part of the language. Good luck in changing it back”. Meme là một từ mới được chế ra từ năm 1976, mang nghĩa “a unit of cultural transmission, or a unit of imitation”; juggernaut vừa là danh từ, vừa là động từ, có nghĩa “an overwhelming, advancing force that crushes everything in its path”. Mà cũng đúng là ngôn ngữ có quy luật riêng của nó, không thể đảo ngược được.
Cũng liên quan đến một danh từ riêng khác, nếu chú ý, các bạn sẽ thấy báo chí bằng tiếng Anh hai tuần qua đã dần chuyển sang dùng từ Hizbullah thay cho từ Hezbollahkhi nhắc đến lực lượng quân sự tại Lebanon, thậm chí tạp chí Time dùng từHizballah. Cũng từ này nhưng đài Al Jazeera ghi là Hizb Allah.
Theo một số bách khoa từ điển, đây là cách ghi âm (transliteration) hai từ Hizb (có nghĩa là đảng, đội quân) và Allah (Thượng đế) ghép lại mang nghĩa “Party of God”; từ đầu đọc theo tiếng Ảrập hiện đại là Hizb còn đọc theo phương ngữ Lebanon hay tiếng Farsi (ngôn ngữ Iran hiện đại) là Hezb.
Tiếng Hoa khi phiên âm ra tiếng Anh cũng có sự thay đổi như thế. Trước đây sách báo thường ghi theo phương pháp của Wade-Giles (Peiching, Mao Tse-tung, Kung Tsu) nay đã chuyển sang hệ thống Pinyin phổ biến hơn, mang tính chính thức (Beijing, Mao Zedong, Kong Zi) (Bắc Kinh, Mao Trạch Đông, Khổng Tử). Cho nên đôi lúc thấy một từ tiếng Hoa ghi bằng tiếng Anh, phải xem nó được viết theo hệ thống nào mới tra cứu nhanh được.
(TBKTSG, ngày 24-8-2006)
Hoa mỹ văn kinh tế
Dường như e ngại văn kinh tế, thương mại là khô khan nên nhiều tác giả cố ý dùng loại văn hoa mỹ, đầy màu sắc, hình ảnh, âm thanh và nhiều đặc ngữ khi viết. Ví dụ tít một bài báo trên Vietnam News vào cuối tuần trước: “Catching up to Vietnam: flip-flops invade US streets”. Flip-flop là dép xỏ chân, dép “Lào”, dép “lẹt xẹt”, ít ai mang để đi làm. Thế nên khi dân Mỹ đua nhau mang dép ra đường, đi làm, đi học, tác giả dùng cụm từ “invade US streets” cho có hình ảnh. Đây là một bài báo của hãng AFP, nguyên văn không có cụm “Catching up to Vietnam”. Có lẽ biên tập viênVietnam News nghĩ rằng, chuyện này ở Việt Nam có gì là lạ nên mới thêm vào, ý nói “Chẳng thua kém gì ở Việt Nam”. Ở câu đầu, tác giả cũng dùng một động từ hình ảnh khi tả flip-flops đang “muscling out the pantyhose that once represented obligatory office attire for women even in stifling summer heat”. To muscle là dùng sức chen (vào-in; ra-out), ở đây là “loại bỏ”, “hất cẳng” cái “pantyhose” quen thuộc của quý bà. Năm ngoái, khi một đoàn vận động viên thể thao trẻ được Tổng thống Bush tiếp và chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Trắng, ai nấy đều bất ngờ khi phát hiện bốn cô ở hàng đầu “showed their toes in brightly-colored flip-flops”.
Một bài báo khác trên tờ The Economist, khi mô tả việc Trung Quốc nới lỏng quản lý đồng nhân dân tệ, để nó dao động theo thị trường, đã viết: “Volatility, of sorts, creeps into the yuan dollar exchange rate”. Động từ creep là bò, trườn, rón rén lẻn vào; ở đây ý nói chỉ mới bắt đầu thấy chút ít dao động thôi - nhất là khi dùng kèm với cụm từ “of sorts”. Cần chú ý vì “out of sorts” lại là “cáu kỉnh, bẳn gắt” như “The teacher is out of sorts this morning”. Sau khi liệt kê các lần lên xuống trong tỷ giá nhân dân tệ/đô la Mỹ, tác giả viết: “These jumps have not come entirely out of the blue”. “Out of the blue” là từ trên trời rơi xuống, là bất ngờ - Then one day, completely out of the blue, I had a letter from her.
Lối viết dùng từ hình ảnh hay đặc ngữ như thế thường thấy ở tít báo hay phần dẫn dắt vào câu chuyện nhằm thu hút người đọc. Khi tờ Time viết: How to clone Switzerland, rất dễ thắc mắc vì sao lại “nhân bản” Thụy Sỹ, hóa ra đây là bài nói về chuyện Singapore bắt chước mô hình ngành tài chính, ngân hàng của Thụy Sỹ như thế nào. Một trong những biện pháp là phạt thật nặng những nhân viên ngân hàng nào tiết lộ thông tin tài chính riêng tư của khách hàng, mà bài báo nhận xét, là “more draconian than Switzerland’s maximum punishment”. Draconian là khắc nghiệt, như a draconian legal code; draconian budget cuts. Từ này xuất phát từ tên củaDraco, một chính khách thời Hy Lạp cổ đưa ra sắc luật tử hình ngay cả với các tội nhẹ. Hay bài viết về chuyện hãng máy tính Dell phải thu hồi trên 4 triệu viên pin máy tính xách tay vì nguy cơ gây cháy nổ, The Economist đặt tít “Too hot to handle”, vừa dùng theo nghĩa đen - pin nóng quá, không dùng được; vừa theo nghĩa bóng - vụ này gây thiệt hại cả tài chính lẫn uy tín cho Dell, rất khó xử lý. Một bài khác, tít chỉ có một từ “Microsharks”, một từ chưa thấy có trong các cuốn từ điển. Ở đây phải biết hai từ: shark - kẻ cho vay nặng lãi và micro đi kèm với các từ khác như microcredit- tín dụng nhỏ, để hiểu rằng microsharks nói đến những kẻ lợi dụng chính sách cấp tín dụng nhỏ cho dân nghèo để hưởng lợi.
Lạ một điều, những đặc ngữ có từ business thường lại không dính líu gì đến kinh doanh cả. Chỉ xin kể một số câu ví dụ rất thông thường: As soon as I find my map and my keys we're in business (in business ở đây là bắt đầu được rồi). She screamed when she found herself facing the business end of his gun (business end trong câu này là họng súng). If you try any funny business you'll be sorry(funny business là có hành động bất thường). I'm not in the business of causing trouble (in the business of là không quen). Kids can work the Internet like nobody's business (like nobody’s business trong câu này là giỏi, nhanh). The changes the new government has made show they mean business (mean businesslà nghiêm túc, có ý định thật sự). Còn monkey business là trò ngu ngốc, trò nghịch ngợm như trong câu “So what kind of monkey business have you kids been up to while I was out?” và make it one’s business to do something là quyết tâm làm điều gì đó - He made it his business to find out what happened to the money.
Mà tiếng Anh là vậy, it’s none of our business, thắc mắc làm gì cho mệt.
(TBKTSG, ngày 31-8-2006)
Tìm từ chưa có trong từ điển
Tuần này, thay vì đi ngay vào các vấn đề thời sự, xin nêu một “chiêu thức” tìm các từ hay cụm từ chưa có trong từ điển. Trước đây, không tìm thấy chúng trong từ điển xem như thua. Ngày nay, bạn chỉ cần vào trang web quen thuộc của Google rồi gõ: define: [từ cần tìm] (nhớ có dấu hai chấm sau define).
Ví dụ, cụm từ “soccer mom” mới ra đời vào đầu thập niên 1990, nay đã có mặt trong một số từ điển lớn, ấn bản mới (a typical American suburban woman with school-age children - giống như các bà mẹ loay hoay chuyện học của con ở Việt Nam) nhưng cụm từ “Volvo-driving soccer mom” thì phải dùng công cụ define của Google để tìm định nghĩa: “Volvo-Driving Soccer Mom” is a song by the alternative rock/punk band Everclear, from their album Slow Motion Daydream (2003). The song spoofs girls who experiment with drugs and sex in high school and college but later grow up to be conservative “soccer moms” (spoof là nhại).
Ưu điểm của cách tìm này là nó sục sạo hết mọi glossary của nhiều trang web chuyên ngành cho nên nó cung cấp nhanh định nghĩa của các từ một cách chính xác. Tuần trước tờ Fortune có bài về dầu khí, trong đó có câu: “Some say BP might have avoided the shutdown if it had used smart pigs more often”. Đọc xong, chúng ta cũng đoán được smart pig chắc chắn không phải là con heo thông minh mà phải là một loại thiết bị gì đây. Sử dụng “chiêu thức” nói trên, chúng ta sẽ có ngay định nghĩa: “Smart pig - An internal inspection tool used in the pipeline industry to detect anomalies or irregularities on the inner walls of a pipeline”. Đọc một tài liệu kỹ thuật, thấy cụm từ “vacuum breaker”, nếu không dùng công cụ Google này, khó lòng biết được nghĩa của nó là van chống chảy ngược.
Ngoài ra, gõ “define: từ cần tìm” cũng giúp chúng ta tiết kiệm nhiều thời gian khi gặp những cụm từ gồm các từ thông thường nhưng kết hợp lại để có nghĩa mới. Nếu phải tra cứu từ điển, dù từ điển trên máy tính cũng mất công nhiều hơn. Ví dụ, cũng vào tuần trước tờ Time có bài về một doanh nhân sớm phát chóng tàn, đã viết: “The decision to abandon a high-profile case against a dotcom poster boy marks the end of a sorry era”. Trong câu này có cụm từ poster boy (hay poster child), nay mang nghĩa “một mô hình mẫu mực, một tấm gương, một điển hình”. Ở đây muốn nói doanh nhân này từng là nhân vật chói sáng của thời kỳ bùng nổ các công ty dotcom, từng bị truy tố nay được miễn truy cứu trách nhiệm.
Ở một câu khác, trên tờ Economist: “Giving land titles to the poor is no silver bullet”, thì silver bullet là một cụm từ đặc biệt (giải pháp đơn giản, hiệu quả cho một vấn đề khó). Thử tra một số cuốn từ điển Anh-Anh lớn thì thấy có nghĩa này nhưng các bạn cứ thử dùng cách define của Google nói trên sẽ bất ngờ khi thấy nó còn có nhiều nghĩa khác mà từ điển không ghi. Tuy nhiên, đôi lúc phải cẩn thận, Google define nhiều lúc không lường trước cách chơi chữ của một số bài báo, ví dụ tờ Newsweekkhi viết bài nhân một năm vụ bão Katrina, đã viết: “It’s cheaper to go Dutch”. Đây là một lối chơi chữ vì thành ngữ go Dutch thường dùng theo nghĩa ai ăn nấy trả tiền nhưng trong câu này chỉ có nghĩa bắt chước Hà Lan [để xây đập chống ngập lụt] lại rẻ hơn.
Một cách nữa là vào cuốn từ điển bách khoa “nhân dân” Wikipedia(en.wikipedia.org), dù còn nhiều lời chê bai về tính chính xác nhưng vẫn đang là nguồn tham khảo lớn nhất hiện nay. Chẳng hạn khi báo Time tường thuật chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa chủ hãng phim Paramount Pictures và diễn viên Tom Cruise đã bắt đầu bằng câu: “Sometimes, dating the prom king is more trouble than it’s worth”. Vào trang này, gõ vào từ prom, chúng ta sẽ biết đây là buổi tiệc liên hoan dạ vũ cuối cấp của học sinh trung học, cuối buổi có bầu chọnProm Queen và Prom King (cặp học sinh nam nữ được nhiều người chọn nhất). Như vậy ý tác giả muốn nói, chơi với một người hào hoa, phong nhã, người nổi tiếng, người được ưa chuộng chưa chắc đã đáng bõ công (Ở đây xin mở ngoặc nói thêm, dạ vũ loại này ở trường Úc và Anh gọi là ball, Canada và New Zealand gọi là formal).
Một cách khác nữa là vào trang web Double-Tongued Dictionary (www.doubletongued.org) là nơi chuyên sưu tầm những từ mới, từ lạ. Ví dụ, bạn đọc một tài liệu về xây dựng, thấy có cụm từ “mother-in-law unit”, đố kiếm được định nghĩa ở cuốn từ điển nào khác. Đây là loại phòng phụ, nhà phụ, cạnh nhà chính. Còn vì sao dân Mỹ xem loại phòng này là dành cho các bà mẹ vợ lại là chuyện khác, không dính líu đến vấn đề ngôn ngữ. Một từ mà trang web này mới đưa vào cuối tháng 8 là “bloody pocket syndrome” - the tendency of workers not to report injuries received while at work.
(TBKTSG, ngày 7-9-2006)
Đừng mất cảnh giác
Đôi lúc gặp những từ quá quen thuộc, người ta dễ gán cho chúng cái nghĩa đã nghĩ trong đầu và… không hiểu gì cả. Trong một bộ phim, khi hai nhân vật chính hỏi nhau: “Do you work out?” “Oh, no. I don’t have time” - phụ đề tiếng Việt đã dịch sai thành: “Cô có làm việc bên ngoài không?” [!] Thật ra, work out ở đây là tập thể dục, loại tập bài bản, có dụng cụ đàng hoàng.
Với các bài báo thời sự cũng vậy, nếu mất cảnh giác, chúng ta sẽ dễ hiểu nhầm khi “coi thường” các từ dễ. Trong bản tin của Bloomberg vào cuối tuần trước kể về chuyện một nhân viên giao dịch hàng hóa của Citigroup làm mất của ngân hàng này đến 20 triệu đô la đã viết: “At one point in December, 2002, she had $373 million in open positions”. Cả open lẫn position là từ quen thuộc nhưng khi dùng chung, chúng là từ chuyên môn trong giao dịch kỳ hạn. Nói ngắn gọn, khi dự báo giá thép sẽ giảm, mà chúng ta lại không có thép để buôn kiếm lời, chúng ta có thể vay thép, bán ra thị trường, đợi đến khi giá thép giảm thật sự, lấy tiền mua thép, trả lại cho chỗ cho vay, bỏ túi khoản chênh lệch. Như thế gọi là duy trì một vị thế “short position”. Vị thế ngược lại là “long position”. Các công ty giao dịch theo kiểu này thường phải giữ thế thủ - cứ có một short position thì phải kèm một long position để bù qua sớt lại - ai liều thì không cần bảo hiểm theo kiểu này, gọi là “open position”, tức là để hở sườn -Any deal which has not been offset or reversed by an equal and opposite deal.
Thật ra, ngay cả khi các từ dễ không được dùng theo nghĩa chuyên ngành, nó cũng có thể có nghĩa đặc biệt. Tờ Economist khi bình luận về cuộc đua giành chức thống đốc bang California sắp tới đã viết: “Arnold Schwarzenegger knows how to work a crowd”. Nếu không chắc nghĩa của từ work trong câu này, chúng ta nên tra từ điển và sẽ thấy work còn có nghĩa to exciteto provoke - “The rock musician worked the crowd of young girls into a frenzy”. Bài này khi kể về cựu diễn viên điện ảnh cơ bắp Arnold nay là Thống đốc bang California còn có câu “… where he used to pump iron”. Pump là từ dễ, iron cũng là từ dễ - nếu lơ đãng, chúng ta sẽ mất cơ hội học cụm từ to pump iron là cử tạ, tập tạ.
Một bài khác, giới thiệu cuốn sách mới của nhà kinh tế được giải Nobel, Joseph Stiglitz, cuốn Making Globalisation Work có tựa đề: “Joe has another go”. Joe là cách gọi thân mật; has another go là has another attempt - vì trước đó ông đã viết một cuốn khác về toàn cầu hóa. Đôi lúc, người ta dùng từ dễ, hóa ra lại làm khó nhiều người vì đã lỡ quen với từ khó. Như trong bài này có câu: The book also discusses patents, which encourage “me-too” drugs… Có lẽ nếu dùng generic drugs (loại thuốc Tây dùng cùng công thức như thuốc có bản quyền nhưng giá rẻ hơn), nhiều người sẽ thấy dễ hiểu hơn!
Cũng có lúc, từ dùng vẫn nằm trong nghĩa quen thuộc nhưng hàm ý khác nên gây khó cho người đọc. “One study - conducted in Sweden, of all places - showed that female medical-research scientists had to be twice as good as men to win research grants”. Places ở trong câu này vẫn mang nghĩa nơi chốn nhưng ý tác giả nói - Thụy Điển là nơi được tiếng tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ nhất mà hóa ra lại như thế này. Hay câu này, trong một bài nói về chuyện cấm sử dụng điện thoại di động trên máy bay: “On most flights a few mobile phones are left on by mistate, so if they were really dangerous we would not allow them on board at all, if you think about it”. Cụm từ if you think about it nên hiểu “cứ nghĩ mà xem”.
Cuối cùng, từ dễ hóa ra khó khi tác giả… chơi chữ. Tờ Fortune tuần trước có bài mang tựa đề: “Shaving the environment” - rất dễ tạo ấn tượng báo in sai chính tả. Hóa ra đây là chuyện xảy ra ở Philippines, nơi vừa xảy ra một vụ tràn dầu. Để cứu môi trường, Chính phủ Philippines kêu gọi người dân hiến tóc để làm thiết bị hút dầu theo kiểu thủ công - vì thế mới có chuyện “cạo đầu để cứu môi trường”. Một tựa khác “Good night and good luck” hoàn toàn không có từ nào khó cả nhưng tác giả dùng kỹ thuật liên tưởng. “Good night and good luck” là tên một bộ phim được đề cử sáu giải Oscar kể về cuộc đối đầu giữa nhà báo truyền hình Edward Murrow và Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy vào những năm 1950. Nay bài báo dùng lại tít này để kể về chuyện hãng truyền hình CBS cử Katie Couric làm người dẫn chương trình thời sự buổi tối với mức lương 15 triệu đô la mỗi năm với liên tưởng hy vọng Couric cũng thành công như Murrow ngày nào.
(TBKTSG, ngày 21-9-2006)
Tiếng Anh giọng London
Không hẹn mà nên, hai tờ tạp chí Time và Newsweek tuần rồi đều có bài liên quan đến tiếng Anh và việc học ngoại ngữ nói chung. Tờ Newsweek bắt đầu bằng câu: “My Japanese-language teacher is white, weighs less than a kilo and fits nicely in my jacket pocket”. Thầy giáo gì mà nhẹ chưa đến một ký, bỏ vừa túi áo vét? Hóa ra đó là chiếc máy iPod và các chương trình podcast dạy ngoại ngữ. Podcast là một từ mới - chỉ các chương trình ghi âm như một dạng radio mà người dùng có thể tải về để nghe, chủ yếu trên các máy iPod. Hiện nay trên trang web bán nhạc iTunes của Apple có rất nhiều podcast miễn phí và trong đó có rất nhiều chương trình dạy ngoại ngữ. Nhiều đến nỗi Apple khoe: “Oh, what a dilemma. Now that you can find thousands of podcasts all in one place, how ever will you decide what to download? Call it kid-in-a-candy-store syndrome…”. Trong câu này có cụm từkid-in-candy-store syndrome (hội chứng đứa trẻ trong tiệm kẹo) rất hình tượng.
Tác giả bài báo so sánh việc học theo cách đến lớp và học trên podcast để kết luận,the differences were starkStark ở đây là completeextreme như stark contrast,stark poverty. Một bên theo miêu tả của tác giả, “we learned the polite and informal names for various family members, how to describe our pastimes and how to make small talk about the weather”. Đúng là không khí lớp học không giống ngoài đời, chẳng hạn chúng ta thấy giới trẻ gặp nhau đâu hỏi “How are you?” như khi mình học mà cứ “What’s up?”, “How’s it going?”…
Bên kia thì khác, “On the entertaining podcast, New York-native Peter Galante and his Japanese colleagues wove instructive lessons around functional tips for navigating Japanese society--like what to do when you miss the last subway at night”. To weave around ở đây là xây dựng các bài học; functional tips là lời khuyên hữu dụng, còn navigating chỉ là xoay xở, tìm đường đi nước bước. Vì thế tác giả hỏi một câu ở dạng rhetorical question, tức là hỏi mà không cần trả lời, “Guess which lessons proved more useful in Japan?”.
Nhìn ở góc cạnh quản trị, bài báo viết: “One talented teacher can now reach an unlimited number of audience with no distribution costs”. Ngày nay, các lĩnh vực hay chồng chéo nhau như thế, ở đây là kết hợp chuyện dạy, công nghệ thông tin và hiệu quả kinh doanh nên người ta dùng từ distribution costs, đừng dịch thành chi phí phân phối thêm khó hình dung. Nói câu này là để tác giả dọa: “Podcast language training threatens the hell out of any business in the industry who ignores the new technologies”. Thật ra đây là một câu trích một nhân vật được phỏng vấn trong bài nên mới có cụm từ the hell out of để nhấn mạnh. Nói “You did one hell of a job” (làm giỏi đấy); He ran like hell to catch the bus (chạy thục mạng để đuổi kịp xe buýt); How the hell can I go? (Tôi đi bằng cách quái gì đây?)… là nói trong vòng bạn bè chứ ai mà dùng để viết báo.
Bài “Why can’ t the English learn how to speak English?” trên tờ Time nói chuyện khác - cách dân Anh luyện giọng để nói theo kiểu London cho oai. Bài báo bắt đầu bằng câu “Accent still matters…”. Matter ở đây là vẫn quan trọng, như chữ count(an opinion that counts for a great deal). Tác giả kể chuyện đi nhờ một voice trainer chỉnh giọng, được nghe phán: “Two vowels betray your background”.Betray ở đây là tiết lộ chứ không phải phản bội gì cả. Nói giọng Anh chuẩn theo kiểu phát thanh viên BBC gọi là RP, tức là received pronunciation. Nói theo kiểu này khó hòa đồng với người khác, vì theo lời tác giả, “men think I’ll boss them, employers think I’ll try and run the place”. Nếu dịch, đây là một câu điển hình cho sự khác biệt giữa tiếng Anh của người Anh viết và tiếng Anh của người Việt suy nghĩ ra: “đồng nghiệp (men) nghĩ tôi sẽ cưỡi cổ họ, sếp (employers) nghĩ tôi sẽ tìm cách hất chân họ…”.
Nhưng thật ra, đa phần đến học luyện giọng là để loại bỏ cách phát âm theo vùng bởi, “despite premature announcement of a classless society, plenty of native English speakers still want to lose or lessen regional accents”. Cái này dân chuyên môn gọi là accent smoothing hay accent softening. Vì vậy giới luật sư hay sinh viên thích luyện giọng RP (mà giọng được ưa chuộng nhất gọi là lazy RP) để dễ thuyết phục thân chủ hay dễ kiếm việc làm. Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết ở Anh, “accent was named as a cause of unfair treatment more often than race, gender or religion”.
Tác giả, vì lỡ có giọng “RP hạng nặng” thừa hưởng từ gia đình nên phải tự hỏi: “So is lazy RP in the cards for me?” - giọng nói ở đây như là hai công cụ trái ngược, một bên là để hòa đồng, một bên là để tiến thân. Đặc ngữ in the cards là very likely to happen, như câu: “Some reports suggest that a tax cut is still in the cards” nhưng ở đây là “hợp với tôi nhất”.
(TBKTSG, ngày 28-9-2006)
Bão và chuyện chữ nghĩa
Khác với những năm trước, kể từ trận bão Chanchu, báo chí trong nước đã bắt đầu quen dùng tên bão theo quy định của quốc tế chứ không gọi theo số nữa. Cơn bão mà văn bản chính thức, bản tin dự báo vẫn gọi là bão số 6 được tường thuật dưới tênXangsane (theo tiếng Lào, có nghĩa là “Con voi”). Tuy nhiên, với cơ quan nhà nước thì khác. Không hiểu sao Việt Nam đã đóng góp 10 tên để Trung tâm Bão Tokyo lần lượt sử dụng để đặt tên bão (như Trà Mi, Hạ Long, Vàm Cỏ, Sông Đà, Sao La) mà cho đến bây giờ vẫn chưa áp dụng cách gọi theo quốc tế một cách chính thức. Gọi bằng tên riêng dễ nhớ và nhớ lâu hơn gọi bằng số chứ.
Từ tiếng Anh liên quan đến bão có khá nhiều và dễ gây lẫn lộn. Đầu tiên là tropical depression (áp thấp nhiệt đới) khi gió dưới 63 ki lô mét/giờ. Trên mức này, ta cótropical storm (bão nhiệt đới nhỏ) và bắt đầu được đặt tên. Nếu gió mạnh hơn 118 ki lô mét/giờ, thì tùy vị trí địa lý mà có các tên gọi khác nhau. Ở vùng Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, nó được gọi là typhoon; ở Bắc Đại Tây Dương, Đông Bắc Thái Bình Dương, người ta gọi nó là hurricane và ở Tây Nam Ấn Độ Dương nó chuyển thành tropical cyclone. Khổ nỗi trong các văn bản tiếng Anh, tất cả các hiện tượng trên được gọi chung một từ là tropical cyclone hay storm nên dễ nhầm. Ví dụ câu miêu tả chung: “A tropical cyclone tends to develop an eye, a small, circular, cloud-free spot. Surrounding the eye is the eyewall, an area about 16-80km wide in which the strongest thunderstorms and winds circulate around the storm's center”. Tuy nhiên, biết cách phân biệt này giúp chúng ta khỏi dịch sai typhoon thành cuồng phong, hay cyclone thành lốc, gió xoáy theo quán tính.
* * *
Tuần trước, quan hệ giữa Malaysia, Indonesia và Singapore trở nên căng thẳng vì một câu phát biểu của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Nguyên văn câu của ông là “…Malaysia and Indonesia have problems with the Chinese. They are successful, they are hardworking, and therefore, they are systematically marginalized”. Từ marginalize, được báo chí Việt Nam dịch chưa chính xác là “cách ly”, xuất phát từ từ margin có rất nhiều nghĩa. Margin nghĩa là lề (he jotted a note on the margin of the page), ngưỡng (he has crossed the margin of civilized behavior); cho nên marginalize là gạt ra ngoài lề, cho ra rìa (we must not marginalize the poor in our society). Ý ông Lý Quang Diệu muốn nói người Hoa ở Singapore được đối xử bình đẳng còn ở Malaysia hay Indonesia, họ bị gạt ra khỏi đời sống văn hóa, chính trị… một cách có hệ thống (tức là cố ý)! Chẳng lạ gì, cả hai nước Malaysia và Indonesia đã triệu tập đại sứ Singapore lên yêu cầu giải thích cho rõ chuyện.
Cách đây hai tuần, Ngân hàng Phát triển châu Á cảnh báo những hiệp định thương mại song phương mà nhiều nước đang hăm hở ký có thể gây hại cho viễn cảnh phát triển của các nước đang phát triển. Một trong những lý do được đưa ra có dùng từmarginalize này “…bilateralism tends to marginalize weaker trading nations”.
Ở đây, có lẽ sẽ có ích hơn nếu chúng ta chú ý đến các nghĩa có liên quan đến kinh tế của từ margin. Đầu tiên, margin thường được dùng trong cụm profit margingross profit margin để chỉ tỷ lệ lãi trên doanh thu, thường được dịch là biên lợi nhuận.Margin còn là chênh lệch giữa giá thị trường của một món thế chấp và trị giá khoản vay dựa vào thế chấp này. Trong quản trị có khái niệm marginal như trong cụm từmarginal cost: chi phí biên, tức là chi phí sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa.
Purchase this book to continue reading. Show the author you appreciate their work!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét