Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Ông Trần Xuân Giá đề nghị đình chỉ vụ án ACB

Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội...
Ông Trần Xuân Giá
Ngày 18 tháng 9 năm 2012 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định số 83/QĐ-VKSTC-V1 phê chuẩn quyết định khởi tố bị can số 38/C46 (P10) ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) C46, Bộ Công an đối với Trần Xuân Giá về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Ngày 1/8/2013 Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành kết luận số 05/C46-P10 về vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Báo Người cao tuổi nhận được đơn đề nghị đình chỉ vụ án (kèm theo hồ sơ) của ông Trần Xuân Giá. Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi có nhờ Tiến sĩ, Luật sư Dương Mạnh Hùng thẩm định vụ việc dưới góc độ của luật sư. Báo Người cao tuổi giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây của tác giả Dương Mạnh Hùng...

Từ bản kết luận số 05/C46-P10 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an

Ngày 1/8/2013 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt bản kết luận số 05/C46-P10 như nêu ở trên. Cơ quan CSĐT đã kết luận ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB có hành vi cố ý làm trái với vai trò đồng phạm giúp sức như sau:
"Kí biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân uỷ thác cho nhân viên Ngân hàng ACB và công ty gửi tiền VNĐ, USD vào các tổ chức tín dụng". Theo đó, Cơ quan CSĐT đề nghị VKSND Tối cao truy tố để Tòa án xét xử đối với ông Trần Xuân Giá về tội danh trên.

Xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản đuợc quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS). Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức độ đáng kể, trái với Bộ luật Hình sự (BLHS) mới có thể được coi là tội phạm. Đây cũng là một trong những căn cứ, điều kiện khi xem xét, quy kết một người có phạm tội hay không.

Theo Điều 165 BLHS về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nuớc về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì đặc trưng của tội này là: - Người phạm tội phải là người có chức vụ quyền hạn; - Người đó đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nuớc về quản lí kinh tế; - Hành vi cố ý làm trái đó phải gây hậu quả nghiêm trọng.

Đây là những dấu hiệu đặc trưng bắt buộc của tội cố ý làm trái. Khi điều tra, muốn kết luận một người nào đó phạm tội này, nhất thiết và bắt buộc CQĐT phải có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh người đó đã có đủ những dấu hiệu đặc trưng trên.
Căn cứ Điều 165 BLHS, căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ việc và căn cứ vào nội dung biên bản họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 (gọi tắt là BB 22/3), cho thấy: Ông Trần Xuân Giá không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi lẽ: - Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 1997 không cấm việc một ngân hàng uỷ thác cho các nhân viên gửi tiền ở một ngân hàng khác; - Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không cấm hoạt động uỷ thác này.

Ngày 8/3/2012 NHNN ban hành thông tư số 04/2012/TT- NHNN hướng dẫn về nghiệp vụ nhận uỷ thác và uỷ thác của TCTD thì Ngân hàng ACB đã chấm dứt thực hiện việc uỷ thác nêu tại BB 22/3 gần nửa năm truớc đó. Nội dung trong BB 22/3 không đề cập gì đến các quy định về quản lí trần lãi suất của NHNN và ông Giá cũng chưa bao giờ đưa ra hay chỉ đạo về lãi suất tiền gửi mà Ngân hàng ACB phải được nhận với tư cách bên uỷ thác tiền gửi. Việc quy định mức lãi suất trả cho bên gửi tiền bao nhiêu, bằng phương thức nào thuộc về trách nhiệm, quyền hạn của bên huy động tiền gửi, Ngân hàng nhận tiền gửi.

Như vậy khi luật không cấm, các văn bản dưới luật không quy định, không điều chỉnh thì các TCTD có quyền làm mà không thể bị coi là cố ý làm trái luật. Đã không có hành vi làm trái luật thì đương nhiên không có tội phạm xảy ra và càng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không có hành vi nguy hiểm này. Rõ ràng về phương diện điều tra, Cơ quan CSĐT phải viện dẫn đúng được điều luật cụ thể nào về quản lí kinh tế mà việc làm của ông Trần Xuân Giá đã vi phạm, làm trái, làm ngược lại, làm không đúng với nội dung điều luật đó. Nhưng bản kết luận điều tra đã không chỉ ra được, chỉ ra đúng điều luật nên người bị quy kết chưa "tâm phục khẩu phục". Còn về tố tụng, VKS sẽ khó truy tố, buộc tội, Tòa án sẽ khó ra một bản án có tội đúng nghĩa.

Hậu quả nghiêm trọng theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”

Về hậu quả nghiêm trọng, bản kết luận điều tra khẳng định: "Việc Trần Xuân Giá đồng ý chủ trương uỷ thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Viettinbank, bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB tổng số tiền 718,908 tỉ đồng". Việc khẳng định do ông Giá gây ra không có đủ căn cứ, bởi vì:
- Khoản 8 Điều 12 quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN về quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD, Ngân hàng nhận tiền gửi phải "chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình". Nên việc quy kết hậu quả này cho ông Giá không khác gì "quýt làm cam chịu", đem hậu quả thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác gán ghép cho ông theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia" là trái với lí luận về mối quan hệ nhân quả theo Bộ luật Hình sự.

- Việc lừa đảo chiếm đoạt 718,908 tỉ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như tự làm, tự chịu trách nhiệm và không liên quan đến việc gửi tiền hợp pháp của 19 nhân viên Ngân hàng ACB; về mặt quan hệ nhân quả trong Bộ luật Hình sự hoàn toàn không phải do chính việc làm của ACB và ông Giá gây ra.

- Đến nay, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi tiến hành công vụ, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các TCTD và một số tội phạm khác vẫn chưa được xét xử, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật kết luận Huyền Như đã chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng ACB hay Ngân hàng Viettinbank? Do đó việc Cơ quan CSĐT kết luận 718,908 tỉ đồng là thiệt hại cho Ngân hàng ACB, e rằng, đó là việc "cầm đèn chạy trước ô-tô", về tố tụng là sự vuợt quá quyền năng tố tụng, có phần chủ quan, suy diễn bất lợi cho người bị quy kết.

Cơ quan CSĐT cho rằng do ông Trần Xuân Giá chủ trương cho phép uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng nên đã dẫn tới "… làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của các ngân hàng, từ đó làm ảnh hưởng đến việc ra chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ, gây hậu quả phi vật chất đặc biệt lớn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ".

Đây là nhận định chủ quan, thiếu căn cứ khi đánh giá, xác định hậu quả nghiêm trọng. Bản kết luận điều tra đã không chỉ ra được việc sai lệch số lượng tiền gửi hoặc tài sản thực có của các ngân hàng ảnh hưởng bởi việc gửi 37 nghìn tỉ đồng của Ngân hàng ACB là như thế nào? Bản kết luận điều tra cũng không đưa ra được bằng chứng nào về việc cả thị trường tiền tệ bị rối loạn ra sao từ việc uỷ thác nhân viên gửi với tổng số tiền 37 nghìn tỉ đồng của Ngân hàng ACB. Nội dung nêu trong bản kết luận điều tra nói trên là nhận định chủ quan, duy ý chí, trên thực tế không hề có thiệt hại này xảy ra.
Có đồng phạm với vai trò giúp sức hay không?
Điều 290 BLHS quy định: "Đồng phạm là trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm". Trước tiên, không thể quy kết một cách suy diễn rằng các thành viên Thường trực HĐQT khi thông qua việc ra chủ trương tại thông báo của Thường trực HĐQT là người giúp sức (đồng phạm) với Nguyễn Đức Kiên. Theo lí luận, người đồng phạm phải có hành vi cố ý, phải nhận thức được hành vi mà mình thực hiện là trái pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện, người đó phải thấy trước được hậu quả có thể xảy ra hoặc tất nhiên xảy ra, mong muốn cho hậu quả xảy ra.

Về chủ quan, khi kí BB 22/3/2010, ông Giá hoàn toàn nhận thức hành vi của mình, không trái luật tại thời điểm ban hành chủ trương, kí biên bản. Ông cũng không thể thấy được sẽ có hậu quả gì xảy ra khi đó là chủ trương không trái luật, chắc chắn trong thâm tâm ông hoàn toàn không mong muốn cho hậu quả xảy ra như cáo buộc, nên không thể có sự cùng chung cố ý với Nguyễn Đức Kiên để rồi bị úm ba la "biến" thành đồng phạm.

Theo khoản 2 Điều 20 BLHS, người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Về khách quan, ông Giá không có hành vi giúp sức về vật chất hay tinh thần cho Nguyễn Đức Kiên phạm tội. BB 22/3/2010 với nội dung không trái luật do ông Giá tham gia kí, không thể coi là vật chứng để cho rằng đã có sự giúp sức về tinh thần. Ở đây ông Giá cũng không có hành vi trái pháp luật hình sự, không có hành vi cố ý làm trái. 


Cần xem xét khách quan, khoa học để dư luận hiểu, nhất là khi ông Giá đã từng 25 năm là Thứ trưởng, Bộ trưởng của Nhà nước, từng lãnh đạo một Bộ lớn mà nhiều người đến nay vẫn dành những tình cảm tốt đẹp đối với con người đã quá cái tuổi "cổ lai hi".

(Người Cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét