Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

ĐNA: ĐỒNG TIỀN MẤT GIÁ VÀ NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Bảy, ngày 12/10/2013, TTXVN (New York 11/10)Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã dựa quá nhiều vào tín dụng để duy trì tăng trưởng khi kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng nhưng sự phụ thuộc này đã dẫn tới một chu kỳ điều chỉnh khác. Lo ngại đang gia tăng khi các quốc gia khu vực quá phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài cũng như tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc làm gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính 1997 ở châu Á. 
Theo mạng tin tình báo “Stratfor”, dù các quốc gia này có thể không phải trải qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ như những năm 1990 nhưng mỗi nước Đông Nam Á đang cảm nhận được tác động của chu kỳ điều chỉnh khác nhau, tùy theo cấu trúc kinh tế và rủi ro chính trị của riêng mình.
Trên thế giới, các nền kinh tế mới nổi đang chịu nhiều áp lực. Đồng tiền của các quốc gia này đang mất giá mạnh do nhà đầu tư rút lượng lớn tiền về thế giới phát triển sau động thái giảm bớt gói kích thích tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED).



Trên thực tế, giá trị của đồng real (Brazil), đồng rupi (Ẩn Độ) và đồng rupiah (Indonesia) đã mất giá khoảng 10% trong 3 tháng qua, khiến mọi người liên tưởng lại các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico (1994), và châu Á (1997). Các cuộc khủng hoảng này đã làm cho nền kinh tế các nước rơi vào suy thoái kéo dài, dẫn đến bất ổn xã hội và thậm chí cả thay đổi chế độ. Các chính phủ khu vực sợ rằng nếu thanh khoản toàn cầu giảm mạnh cùng với tác động tiêu cực từ các nền kinh tế mới nổi khác có thể một lần nữa lại làm tổn hại đến các nền kinh tế Đông Nam Á.

Rủi ro kinh tế gia tăng

Sau năm 1997, thành viên các nước ASEAN đã áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng tương tự. Mỗi quốc gia đã tích cực tăng dự trữ ngoại hối của riêng mình và ở mức độ thấp hơn là thông qua các quỹ tạo thanh khoản khu vực trong tình trạng khủng hoảng như quỹ được thiết lập với Sáng kiến Chiang Mai. Từ năm 1997- 2012, dự trữ ngoại hối của 10 nước ASEAN đã tăng từ khoảng 200 tỷ USD đến khoảng 800 tỷ USD. Đối với hầu hết các nước, số dự trữ này sẽ đủ bù đắp cho khoảng 7-8 tháng nhập khẩu, trong khi năm 1997, dự trữ ngoại hối chỉ đáp ứng được 3 hoặc 4 tháng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN đã áp dụng cơ chế trao đổi ngoại hối linh hoạt, khiến rủi ro khủng hoảng giảm bớt so với năm 1997, khi hầu hết các nước sử dụng biện pháp cố định tỷ giá. Khi sức ép đầu cơ quá mạnh, các quốc gia này buộc phải thả nổi đồng tiền và để thị trường quyết định giá trị. Và khi đồng tiền của các nước này mất giá dự trữ ngoại hối sẽ giảm theo, nhất là ở các quốc gia đang trải qua những năm có mức đầu tư nước ngoài quá nhanh. Việc mất giá đồng tiền gần đây của các nước trong bối cảnh hệ thống tài chính đã vững hơn, hệ thống ngân hàng đã được cải tổ, sức mạnh tài khóa cũng tốt hơn so với năm 1997 nên rủi ro của một cuộc khủng hoảng toàn diện như năm 1997 sẽ thấp hơn.

Tuy nhiên, với việc đồng tiền đang giảm giả và nguồn vốn chạy khỏi thị trường là biểu hiện của rủi ro khủng hoảng tại các nền kinh tế này, điều đó cũng không thay đổi nhiều kể từ năm 1997. Dù nỗ lực giảm mức độ phụ thuộc vào thương mại ở một số quốc gia, tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN vẫn phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Lấy ví dụ, xuất khẩu chiếm khoảng 31% GDP của Philippines, 80% GDP của Malaysia. Vì vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào từ nhu cầu bên ngoài cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế này do tiêu thụ nội địa chưa bù đắp được những đóng góp vào GDP của xuất khẩu.

Ở góc độ nào đó, hầu hết các nền kinh tế hướng vào xuất khẩu được xây dựng cách đây hai hoặc ba thập kỷ. Ban đầu, các nền kinh tế này khá thành công với mô hình của Nhật Bản cho tới những năm 1990. Thập kỷ qua, Trung Quốc đã giúp giữ cho các nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của Đông Nam Á tương đối thịnh vượng nhờ tăng trưởng và nhu cầu vô tận về các nguồn tài nguyên và nguyên liệu thô. Nhưng với việc Trung Quốc đang trải qua chu kỳ điều chỉnh kinh tế của riêng mình, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á này phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế.

Trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tiếp tục phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài để bù đắp mất cân bằng cán cân thanh toán cho phát triển kinh tế. Các nước thu hút đầu tư bằng cho vay tín dụng nước ngoài quá mức, nhất là thông qua các quỹ đầu tư đã không được sử dụng hiệu quả như những năm 1990. Khi đã có một số điều chỉnh chu kỳ, các quốc gia này vẫn kỳ vọng vào tăng trưởng và thanh khoản toàn cầu cao hơn để duy trì dòng tiền đầu tư, điều chỉ làm tăng nguy cơ sụp đổ của các nền kinh tế.

Chuyển đổi cơ cấu

Dù khả năng khủng hoảng chưa xảy ra, sự sụt giảm về thanh khoản không tránh khỏi dẫn đến sự điều chỉnh cơ cấu khác cho các nước Đông Nam Á. Mỗi quốc gia sẽ chịu mức độ tác động khác nhau từ những điều chỉnh này.

Trong số này, những nước chịu sức ép lớn nhất là các quốc gia có cán cân thanh toán đang mất cân đối nghiêm trọng cũng như các nước phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền đổ vào để giúp cân bằng thâm hụt thương mại và dịch vụ. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia đã chứng kiến sự đảo ngược từ cuối năm 2011 do giá hàng hóa như than, đá, dầu cọ và đồng cũng như nhu cầu bên ngoài sụt giảm (nhất là từ Trung Quốc). Trong khi đó, bao cấp ngành năng lượng đã làm giảm mạnh ngân sách nhà nước. Xuất khẩu hàng hóa chiếm khoảng 50% tổng xuất khẩu của đất nước, 40% nguồn thu của chính phủ. Thâm hụt tài khoản vãng lai hiện đã đạt gần 4,4% GDP trong quý 11/2013, mức cao nhất trong một thập kỷ. Điều này buộc chính phủ phải tăng lãi suất ngày 29/8 trong khi lãi suất cho vay đã phải tăng 2 lần từ tháng 6. Indonesia cũng đánh thuế nhập khẩu cao hơn và giảm thuế để thu hút đầu tư cuối tháng 8 vừa qua.

Điều này đồng nghĩa với sức ép lạm phát gia tăng. Hiện nay, lạm phát của Indonesia là 8,6% tính tới cuối tháng 7/2013, so với 4,3% cuối năm 2012. Sự mất giá của đồng tiền cũng sẽ làm giảm nỗ lực của chính phủ chống lạm phát, vì thế tăng nguy cơ bất ổn kinh tế và đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Dù vậy, cho tới nay, quốc gia này tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành khai khoáng, chế tạo và xây dựng hạ tầng và các khoản đầu tư đó có thể giúp Indonesia giảm được sức ép thị trường và duy trì tăng trưởng, được dự báo đạt 5% năm 2013.

Quý trước, thặng dư tài khoản vãng lai của Malaysia giảm xuống chỉ còn 1% GDP. Thái Lan đã chuyển từ mức thặng dư sang thâm hụt tài khoản vãng lai tới 5,1% GDP. Do phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nguyên liệu thô, chiếm khoảng 30% tổng xuất khẩu của Malaysia và 15% tổng xuất khẩu của Thái Lan, sự sụt giảm nhu cầu bên ngoài đã tác động tiêu cực cả 2 quốc gia này, buộc họ phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng. Theo đó, Malaysia dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ đạt từ 4,5%- 5% (giảm từ mức dự báo 5%-6% trước đó) và Thái Lan dự báo kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 3,8%-4,3% (so với 4,2%-5,3% trước đó). Khó khăn này dẫn tới nợ nước ngoài tăng mạnh ở cả 2 quốc gia. Tỷ lệ nợ của Malaysia đã đạt 53% GDP, còn Thái Lan là 40% GDP. Điều này không có nghĩa là sẽ sớm xảy ra khủng hoảng nhưng nó sẽ tác động đến niềm tin đầu tư, tạo nguy cơ rút vốn ồ ạt khỏi các thị trường này.

Mối lo lắng đặc biệt cao ở Thái Lan khi nhu cầu nội địa giảm cùng với ngân sách hạn hẹp đang đe dọa gây suy giảm tăng trưởng kinh tế. Dù cả 2 nền kinh tế Malaysia và Thái Lan ổn định hơn nhiều so với thời điểm năm 1997, nhiều quan ngại vẫn đặt ra do độ mở với các thị trường bên ngoài cũng như nhu cầu của 2 quốc gia này hướng tới chuỗi giá trị cao hơn.

Việt Nam cũng có mối lo tương tự. Dù vẫn kiểm soát dòng vốn, quốc gia này vẫn đang chật vật phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 2009 khi sự suy giảm kinh tế toàn cầu làm bộc lộ những bất cập về cơ cầu kinh tế của đất nước. Sự suy giảm mạnh giá trị tiền Đồng, dòng vốn mất đi, sức ép lạm phát gia tăng cùng với khủng hoảng hệ thống ngân hàng là những vấn đề nan giải của Việt Nam hiện nay. Hai năm qua, Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát tín dụng, tăng năng xuất lao động và tái cơ cấu các thị trường tài chính, phần nào đã giúp ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, với thâm hụt thương mại triền miên, độ mở lớn của nền kinh tế cùng với sự đảo chiều dòng vốn toàn cầu sẽ tạo sức ép mạnh lên Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á này điều chỉnh nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các thị trường tài chính.

Đáng chú ý, Philippines có thể thực sự hưởng lợi từ một đồng tiền yếu hơn, kích thích xuất khẩu. Kiều hối đã đóng góp hơn 40% tổng xuất khẩu, một nguồn đặc biệt quan trọng cho quốc gia thường xuyên duy trì thâm hụt thương mại cao và nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài. Tuy nhiên, về dài hạn, sự phụ thuộc này sẽ càng làm Philippinesdễ bị tổn thương trước các bất ổn kinh tế toàn cầu, suy thoái có thể khiến kiều hối giảm. Nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại, sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường nội địa với nhu cầu còn thấp.

Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng sự sụt giảm về thanh khoản toàn cầu có thể dẫn tới việc thay đổi cấu trúc ở các nền kinh tế Đông Nam Á. Khủng hoảng lan rộng ở khu vực là điều khó xảy ra và như thế trong những năm tới, các quốc gia này sẽ phải xoay sở để đối phó với một nghịch lý rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ thúc đẩy thương mại nhưng khi kinh tế tăng trưởng nóng, buộc Mỹ phải giảm các biện pháp kích thích tiền tệ, điều lại ngăn cản dòng vốn đổ vào châu Á./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét