Những giờ phút cuối của Tướng Giáp
Ông Giáp chưa bao giờ giữ vị trí tứ trụ như các tướng khác
Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Tướng Võ Nguyên Giáp đã kể với BBC về những giờ phút cuối cuộc đời của huyền thoại cuối cùng và cũng chia sẻ suy nghĩ của ông về di sản của Tướng Giáp.Nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC qua điện thoại hôm 16/10, ông Huyên nói:"Đại tướng đã ốm nặng nhiều năm rồi và cho đến lúc ra đi Đại tướng cũng đã không tỉnh táo, không còn nói năng gì được nữa.
"Vì vậy lúc Đại tướng ra đi, trước đó ít phút tôi còn ở trong đó, tôi về đến nhà thì Đại tướng ra đi và tôi trở lại ngay". "Lúc đó gia đình cũng có một số người ở đấy rồi, anh em cũng có mặt ở đấy rồi.Đại tá Huyên nói con trai Võ Hồng Nam cũng ở bên Đại tướng khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Cho dù thừa nhận rằng nhiều người mong Đại tướng "sống mãi với nhân dân, với đất nước", ông Huyên nói đã "vài năm nay" Đại tướng đã không còn minh mẫn và không thể bàn về những vấn đề của đất nước.
"Đại tướng đã nằm ở bệnh viện bốn năm nay rồi và khi vào bệnh viện sau một năm đã thấy là Đại tướng không trao đổi ý kiến gì được."
"Đại tướng không có bệnh tật gì ở trong người, nhưng sức khỏe cứ yếu dần đi, các bộ phận cứ yếu dần đi.
"Vì vậy Đại tướng không có những cơn đau đớn gì khi ra đi như những người có bệnh tật khác.
"Ăn thì phải ăn bằng xông rồi. ... Ăn ít thôi, ngày càng ít đi.
'Hẫng hụt' và 'bàng hoàng'
Ông Huyên nói mặc dù là người theo dõi sức khỏe của Tướng Giáp hàng ngày và biết rằng vị Đại tướng đang ngày càng yếu đi, ông vẫn cảm thấy bị "hẫng hụt" và "bàng hoàng" khi "mất đi tình cảm lớn".
Vị Đại tá nói gia đình Đại tướng đã quyết định mở cửa tư gia tại 30 Hoàng Diệu để người dân tới viếng Tướng Giáp vì có quá nhiều người dân đã tới đó sau khi ông qua đời.
Theo ông Huyên, ngày giờ an táng ông Giáp do gia đình quyết định.
Đây có lẽ là lý do Việt Nam không thể rời ngày an táng sớm lên để không trùng với ngày Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Việt Nam.
Ông Huyên nói Tướng Giáp suy nghĩ
nhiều vì Việt Nam còn kém phát triển
Khi được hỏi Tướng Giáp nghĩ sao khi Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, Đại tá Huyên nói:
"Suy nghĩ của Đại tướng là làm sao để đất nước ta giàu mạnh, 'sánh vai với các cường quốc năm châu' như lời Bác Hồ mong muốn.
"Đại tướng nghĩ rằng Việt Nam mình không thể kém các nước khác xung quanh được.
"Nhưng mà mình bây giờ chưa bằng, và còn kém, thì đấy là điều trăn trở nhất của Đại tướng.
"Đại tướng muốn đóng góp vào để làm sao đất nước vượt lên, sánh vai với các nước chứ không thể thua kém được.
"Đó là suy nghĩ của Đại tướng về một đất nước Việt Nam không những anh hùng mà còn là nước xây dựng giàu mạnh."
Mặc dù Tướng Giáp được coi là vị tướng huyền thoại, ông chỉ được giao trọng trách cao nhất là phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng, tương đương phó thủ tướng hiện nay.
Trong khi đó một số vị tướng khác như Lê Đức Anh đã làm tới chủ tịch nước, Lê Khả Phiêu từng là tổng bí thư.
Ông Huyên bình luận: "Tôi là người gần gũi giúp việc Đại tướng, tôi có cảm giác Đảng ta phát huy khả năng, vai trò của Đại tướng chưa hết tầm.
"Tôi nghĩ rằng nếu phát huy được tốt hơn thì Đại tướng đóng góp cho đất nước được nhiều hơn. Có lẽ cái đó nhân dân nhiều người cũng cảm thấy như thế."
Di sản
Ông Huyên nói Tướng Giáp đã có vai trò lớn trong chiến thắng của Việt Nam trước đây và di sản của ông sẽ vẫn còn có giá trị cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Ông nói: "Tôi thấy di sản Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại là Đại tướng đã có công lao to lớn trong công cuộc giải phóng đất nước.
"[Ông] không những là người làm nên lịch sử mà còn viết lại lịch sử giai đoạn đó của dân tộc cho nên Đại tướng có những di sản đóng góp cho dân tộc mà qua đó giáo dục tinh thần yêu nước cho tuổi trẻ Việt Nam.
"Quan điểm của Đại tướng rất rõ là không bao giờ giáo điều, phải đi vào thực tiễn, từ thực tiễn rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục vận dụng phát triển đất nước.
"Trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng cũng như thế, đi vào thực tiễn kháng chiến để đúc kết kinh nghiệm trở thành lý luận quân sự nhằm huấn luyện cho bộ đội đánh giặc."
Ông Huyên nói một số lãnh đạo hiện nay đã không tìm hiểu thực tiễn để ra chính sách mà có xu hướng "bảo thủ, trì trệ."
Đại tá nói việc Việt Nam phát triển nhanh hay chậm và có theo kịp các nước trong thời gian tới đây sẽ phụ thuộc vào sự "năng động, sáng tạo" của giới lãnh đạo.
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét