Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Khủng hoảng ngân sách Mỹ bao trùm Thượng đỉnh APEC

Khủng hoảng ngân sách Mỹ bao trùm Thượng đỉnh APEC
Hôm nay, 07/10/2013, Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – APEC – khai mạc tại Bali, Indonesia trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới chưa sáng sủa và Hoa Kỳ lại bị rơi vào tình trạng tê liệt do khủng hoảng ngân sách. 
Sự kiện đáng chú là Tổng thống Mỹ Barack Obama không tham dự APEC, một diễn đàn quan trọng bao gồm các quốc gia chiếm tới một nửa tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.Nguyên thủ Mỹ đã buộc phải hủy bỏ chuyến công du Châu Á, không tham dự Thượng đỉnh APEC ở Indonesia và Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN, ở Brunei.
Sự vắng mặt của Tổng thống Obama làm cho một số đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực lo ngại và gây mối hoài nghi về quyết tâm thực hiện lời hứa « xoay trục » chính sách đối ngoại sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.Việc nguyên thủ Mỹ không tham dự APEC cũng ảnh hưởng tới các nỗ lực của Washington nhằm thực hiện mục tiêu là đạt được hiệp định tự do trao đổi mậu dịch trong vùng Thái Bình Dương, còn gọi là hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP vào cuối năm nay. TTP hiện bao gồm 12 quốc gia, không có Trung Quốc.



Theo giới phân tích, sự vắng mặt của Hoa Kỳ tạo thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện một cuộc tấn công ngoại giao, kinh tế, tranh thủ các nước trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thay mặt tổng thống Obama làm trưởng phái đoàn, đã trấn an rằng sự vắng mặt của nguyên thủ Hoa Kỳ không hề làm thay đổi chính sách đối ngoại của Washington đối với Châu Á.

Tuy nhiên, lãnh đạo các nước trong vùng không dấu diếm lo ngại về sự vắng mặt này. Giới quan sát cho rằng, một số quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam, Philippines, trông đợi nhiều vào sự ủng hộ của Mỹ để làm đối trọng, kìm hãm tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ lâu nay, Bắc Kinh đơn phương quyết đoán có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng lớn về dầu khí và có vai trò quan trọng trong thông thương hàng hải quốc tế. Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực.

Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, không một cường quốc nào, kể cả Trung Quốc, Trung Quốc, có thể thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực.

Trong lúc đó, cuộc khủng hoảng ngân sách và nguy cơ bế tắc về việc nâng trần mức nợ công tại Mỹ đã đề nặng lên bầu không khí APEC, đặc biệt là viễn cảnh kinh tế thế giới hiện nay chưa sáng sủa.

Trong thông cáo được công bố trước lúc khai mạc Thượng đỉnh Diễn đàn, các Bộ trưởng Thương mại APEC nhấn mạnh : « Tăng trưởng thế giới còn quá yếu. Các nguy cơ vẫn tồn tại » và các triển vọng kinh tế cho thấy tăng trưởng có thể còn thấp hơn và mất cân đối hơn như dự kiến.

Theo dự thảo thông cáo chung Thượng đỉnh APEC mà AFP có được, lãnh đạo 21 nước thành viên kêu gọi các quốc gia tiến hành một loạt các cải tổ cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động, sự tham gia của nhân lực và đào tạo các việc làm có trình độ chuyên môn.

Hôm qua, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker đã cảnh báo là tình trạng tê liệt ngân sách tại Mỹ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng của các doanh nghiệp có được các thông tin.

Các cuộc đàm phán về TPP cũng có thể hứng chịu hậu quả về sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ, người luôn thúc giục sớm ký kết được hiệp định này.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng khó thực hiện được lịch trình ký kết TPP mà nguyên thủ Mỹ mong muốn, vì các cuộc thương lượng đòi hỏi phải có thêm thời gian.

Thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương sẽ kết thúc vào ngày mai, 08/10/2013.

THeo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét