Hơn cả nói dối chính là... thống kê
Thời gian gần đây, những con số thống kê về tình hình kinh tế đã trở thành đề tài bàn thảo sôi nổi trên mặt báo, với nhiều nghi ngờ.Không ai biết chính xác tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu. Thống đốc ngân hàng Nhà nước trước đây cho rằng con số nợ xấu là 10%, nhưng chính ông sau đó vài ngày lại nói là 8,6%. Sự “nhảy đầm” của những con số như thế làm người dân thấy rất khó tin. Ngay cả nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan còn phải thốt lên là ông cảm thấy khó tin vào thống kê của Chính phủ!Số dối tại ngườiSự thiếu tin tưởng vào con số thống kê không phải là hiện tượng mới. Phương Tây có một câu nói nổi tiếng: “Có ba loại nói dối: dối, dối đáng nguyền rủa, và… thống kê”(*). Con số thống kê được xếp vào nhóm nói dối còn tệ hơn là đáng nguyền rủa!
Tại sao con số thống kê được xem là kinh tởm như thế? Tại vì người dùng con số và bản chất khoa học của con số. Người dùng con số thống kê thường là những người có học, họ xuất hiện trước công chúng một cách nghiêm chỉnh (veston, thắt cravat) và do đó càng tăng mức độ tin cậy. Vói sự kỳ vọng như thế, khi công chúng biết rằng họ nói dối thì đó là một sự thất vọng ghê gớm. Khác với con chữ, bản thân con số là sự chính xác của khoa học (nếu ai đó nói rằng “một thiểu số cán bộ” thì không thuyết phục bằng “có 1% cán bộ”), và khoa học theo nguyên tắc thì không được dối trá. Do đó, dùng con số thống kê để nói dối là một “trọng tội”, vì nó nguy hiểm hơn tất cả các loại nói dối khác.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nghị trường ở các nước phương Tây, con số thống kê được sử dụng rất cẩn thận. Nói dối trong xã hội phương Tây là điều đại kỵ, dù chính trị gia nổi tiếng là nói dối. (Xin mở ngoặc để nói thêm rằng ở các nước phương Tây, các thành phần xã hội bị người dân khinh thường nhất gồm người bán xe cũ, giới làm việc trong ngân hàng, và… chính trị gia). Ở Úc, nếu bộ trưởng trình bày một con số hay một phát biểu quan trọng mà không có cơ sở thì được xem là trọng tội, và bị ghi vào hồ sơ quốc hội.
Nhưng ở Việt Nam, có nhiều quan chức, kể cả quan chức cao cấp, có xu hướng dùng con số thiếu cẩn thận. Người ta thường dùng (hay có khi “vặn vẹo”) con số thống kê được để yểm trợ cho các phát biểu nào đó. Điều trớ trêu nhất có lẽ là con số tăng trưởng GDP. Trong khi cả nước tính trung bình, tỷ lệ tăng trưởng GDP khoảng 6%, nhưng các tỉnh/thành thì báo cáo tăng trên 10%. Những khác biệt đến vô lý như thế làm cho ngay cả chuyên gia thống kê cũng phải thốt lên “sự dối trá của số liệu”. Trong khoa học, vặn vẹo số liệu là một trọng tội và nhà khoa học sẽ bị kỷ luật, nhưng trớ trêu thay, trong nghị trường thì chẳng ai bị kỷ luật gì cả!
Thật ra, con số không dối trá, chỉ có người sử dụng con số để nói dối. Để chứng minh thành tích giáo dục, người ta có thể làm cho con số tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao ngất ngưởng tới 95 – 100%. Trong trường hợp này, con số đó là được thu thập đúng, nhưng nó là con số đã bị “tra tấn”. Do đó, thủ phạm nói dối ở đây chính là cái hệ thống đã tra tấn, đã tạo ra con số đó chứ không phải con số.
“Sai con toán, bán con trâu”
Con số thống kê cũng là một sản phẩm của xã hội, chứ không tồn tại một cách độc lập. Chính vì thế mà con số cần phải đặt trong bối cảnh thì mới có ý nghĩa. Mới đây, một trong những con số gây ra nhiều nghi ngờ nhất có lẽ là con số 1% cán bộ công nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ. Càng đáng nghi ngờ hơn khi trước đó ngay trong nghị trường Quốc hội, có con số 30% cán bộ công chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Người ta nghi ngờ con số 1% không chỉ vì nó khác biệt quá lớn với con số 30%, nhưng còn vì không biết con số đó được thu thập và tính toán như thế nào, và định nghĩa thế nào là “không hoàn thành nhiệm vụ”. Không có câu trả lời cho hai câu hỏi đó thì con số 1% hay 30% đều chưa nói lên ý nghĩa thật của chúng.
Nếu con số thống kê bị làm cho sai, bị biến thành một công cụ để nói dối thì các chính sách công sẽ gây ảnh hưởng xấu đến rất nhiều người.
Bối cảnh của con số rất quan trọng. Nhiều người rất tự hào rằng tỷ lệ phát triển kinh tế (qua con số tăng trưởng GDP) cao nhất nhì thế giới, nhưng có lẽ họ quên rằng Việt Nam xuất phát từ một cơ sở rất thấp so với các nước trong vùng như Thái Lan và Malaysia. Có thể (chỉ là ví dụ) thu nhập bình quân của người dân Việt tăng gần bốn lần từ năm 2000 – 2012, nhưng thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vào năm 2000 chỉ 402 USD (bằng 1/5 của Thái Lan). Nếu chúng ta tăng trưởng thì các nước láng giềng cũng không đứng một chỗ. Đặt trong bối cảnh như thế mới thấy còn quá sớm để tự hào.
Bối cảnh còn quan trọng hơn khi con số liên quan đến tử vong. Khoảng năm năm trước, tôi kinh ngạc khi đọc một bản tin trên báo trích dẫn phát biểu của một quan chức rằng “Lao động Việt Nam tại Malaysia: tỷ lệ tử vong chỉ 0,09%”. Tại sao “chỉ”, trong khi có hàng trăm người chết? Có 315 người Việt đã chết trên xứ người, với những nguyên nhân mù mờ, là một điều rất đáng quan tâm. Mỗi cái chết là một thảm trạng cho gia đình nạn nhân. Con số 315 tử vong cũng có nghĩa là 315 gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn, khốn đốn. Chẳng những là 315 cái tang gia đình, mà còn là một sự mất mát không nhỏ cho quốc gia Việt Nam. Cần nhắc lại rằng những người lao động kém may mắn này chết trong độ tuổi sung mãn nhất của đời người. Nếu tuổi thọ trung bình trong nam giới cả nước là 71, tính trung bình mỗi cái chết tương đương 46 năm sống bị mất, và tính chung 315 người chết có nghĩa là trên 14.000 năm sống bị mất đi. Con số 0,09% có lẽ quá nhỏ đối với người mê sảng con số, chứ nó không hề nhỏ với cộng đồng.
Con số có khi còn được sử dụng để nguỵ biện. Không ít người nghĩ rằng ngành y tế Việt Nam dù được đầu tư thấp nhưng có hiệu quả cao. Nhận định này dựa vào so sánh con số thống kê tuổi thọ trung bình của dân số và đầu tư cho y tế của Việt Nam và các nước tiên tiến như Mỹ hay Âu châu. Nhưng đây là một nguỵ biện bằng con số, bởi vì đánh giá hiệu quả của một nền y tế không ai chỉ chọn một chỉ tiêu duy nhất như tuổi thọ trung bình, mà còn phải xem xét đến tỷ lệ tử vong ở trẻ em sơ sinh, chất lượng chăm sóc, sự hài lòng của bệnh nhân, v.v. Vả lại, người dân Việt Nam bỏ tiền túi cho y tế nhiều hơn là đầu tư trung bình của Nhà nước. Do đó, một so sánh giữa Việt Nam và Mỹ rất khó cho chúng ta một kết luận đúng.
Người Việt chúng ta có câu “sai con toán, bán con trâu” để nói lên hệ quả nghiêm trọng của việc tính toán sai. Tính toán sai có thể bắt nguồn từ con số sai. Nếu con số thống kê bị làm cho sai, bị biến thành một công cụ để nói dối thì các chính sách công sẽ gây ảnh hưởng xấu đến rất nhiều người.
Nguyễn Văn Tuấn
(*) “There are 3 kinds of lies: lies, damned lies, and statistics”. Nhiều người cho rằng tác giả câu này là Benjamin Disraeli, Thủ tướng Anh vào thế kỷ 19, nhưng trong thực tế ông không nói câu đó. Rất có thể người nói là nhà văn Mỹ Mark Twain.
(SGTT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét