Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

CT Trương Tấn Sang: Duy trì cơ chế cũ là chết!

Bác Sang là người tôi rất quý. Dư luận tiếu lâm rằng "Quen đánh giặc miệng là Trương Tấn Sang", nhưng ít ra bác còn đánh giặc miệng, chứ người khác thì tham gia với giặc hoặc ngậm miệng ăn tiền. Thậm chí có người gần như cả đời im lặng tuyệt đối, cuối đời mới lên tiếng chủ yếu để minh oan cho mình, nhưng không hiểu tại sao lại được khen nức nở là "nhẫn". Thời bình không phải thời chiến thì để đánh giặc, bao giờ cũng phải dùng miệng (chứng minh, giải thích, thuyết phục) trước đã. Khi đã được dân tin, ủng hộ, thì dân sẽ gây áp lực với giặc để được bầu vào vị trí có thực quyền, khi đó mới có thể làm được gì đó (luật ở ta chưa cho Chủ tịch nước cái thực quyền ấy). Các chính khách phương Tây đều thế cả, họ đều là những nhà hùng biện, nói không cần giấy và nói có nội dung, đúng hoàn cảnh chứ không phải nói như vẹt học thuộc bài (vì đi đâu cũng một bài như vậy, nói mãi thành thuộc) giống một vài bác đang nắm thực quyền ở nước ta. Nhiều chính khách phương Tây cả đời chỉ đánh giặc miệng nhưng những người nắm quyền rất tôn trọng và làm theo chính sách do họ đề xuất.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Duy trì cơ chế cũ là chết!
Rất nhiều vấn đề bức xúc trong thời gian qua như lấy phiếu tín nhiệm, lương “khủng” của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích ở TP HCM, giá điện, xăng... đã được đề cập trong buổi tiếp xúc cử tri TP HCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 4 vào chiều 10-10.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ cử tri quận 4, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh


Chống tham nhũng: Hô khẩu hiệu quá nhiều

Xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm từ Quốc hội đến HĐND cấp tỉnh, thành phố thời gian qua, nhiều cử tri đề nghị 2 thay vì 3 mức như hiện nay. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, điều này Quốc hội đã bàn, dư luận cũng nói nhiều. Theo Chủ tịch nước, việc bỏ phiếu tín nhiệm không được dĩ hòa di quý, ai đúng nói đúng, sai là nói sai, không thể lập lờ.
“Anh HĐND, Quốc hội thì phiếu cao nhưng anh UBND, Chính phủ thì phiếu thấp vì điều hành, cọ xát nhiều với dân. Mình không nên so sánh quá chi tiết như vậy. Chung đụng, va chạm nhiều thì phiếu thấp, ít thì phiếu cao là tâm lý chung, trong Đảng cũng vậy. Vấn đề ai phiếu cao thì tiếp tục phấn đấu cao hơn nữa, ai phiếu quá thấp, quá mất tín nhiệm thì cấp ủy thay thế” - Chủ tịch nước phân tích.

Nhiều ý kiến cử tri cho rằng tham nhũng chưa giảm mà càng tăng, Chủ tịch nước đánh giá: “Chúng ta hô khẩu hiệu nhiều quá, văn bản nhiều lắm rồi”. Chủ tịch nước đề nghị người dân tăng cường giám sát. Ai ngại nói công khai thì nói riêng với Chủ tịch nước bởi tham nhũng là vấn đề nhạy cảm và rất hệ trọng của đất nước, của Đảng.

Trước những lo lắng của cử tri về nhà ở xã hội, Chủ tịch nước cho rằng đây là chủ trương rất lớn nhưng sức nhà nước có hạn, các thành phần kinh tế phải tham gia. “TP HCM nên tổng kết và làm một chương trình nhà ở xã hội vì tôi biết thành phố có nội lực làm chuyện này” - Chủ tịch nước đề nghị. Chủ tịch nước khuyến khích TP HCM mạnh dạn làm, nếu có vướng mắc gì thì trung ương sẽ ban hành thêm chính sách và cơ chế.

Vụ lương “khủng”: Nghe xấu hổ quá!

Liên quan vụ lương “khủng”, Chủ tịch nước hoan nghênh TP HCM đã tích cực chỉ đạo, kiên quyết xử lý, không chỉ các đơn vị đã phát hiện mà còn tổng kiểm tra toàn thành phố. Thủ tướng Chính phủ cũng rút kinh nghiệm và có văn bản chỉ đạo cả nước. Theo Chủ tịch nước, luật đã có từ lâu nhưng chúng ta không làm.

“Các bản quyết toán bỏ trong cặp, trong hộc tủ, công chúng ai biết đâu mà nói. Nổ cái đùng ra mấy chục ngàn tỉ đồng! Nguyên nhân chính là không công khai, minh bạch. Nếu công khai, minh bạch thì dân chúng giám sát sẽ phát hiện ngay. Các ông cứ giấu giếm nên mấy năm liền mới phát hiện, nghe xấu hổ quá. Việc công khai, minh bạch, Đảng đã có chủ trương chứ có phải bây giờ đâu mà mỗi nơi làm khác nhau? Nơi nào úm úm, giấu giấu thì nơi đó tiêu cực, tham nhũng nhiều nhất” - Chủ tịch nước bức xúc.

Chủ tịch nước yêu cầu TP HCM nên khen thưởng người phát hiện vụ lương “khủng” để tạo phong trào. “Tôi thấy TP nên tiếp tục làm cái này, dân không kêu ca gì. Trung ương cũng không ai rầy mà còn hoan nghênh, khuyến khích các địa phương khác làm như TP” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đâu thể quán triệt vài câu là hết tiêu cực

Đề cập giá điện, khẳng định vì không theo cơ chế thị trường nên có nhiều tiêu cực, Chủ tịch nước nêu rõ: “Vấn đề này đau đầu lắm. Chủ trương chung là phải thị trường hóa giá điện, tạo sự cạnh tranh thì giá mới thấp, cứ dựa vào nhà nước thì chết. Không có nhà nước nào đủ tiền mà xoay nổi”.

Theo Chủ tịch nước, phải dùng chính sách kích thích để các thành phần kinh tế đầu tư vào điện thì giá mới xuống. Đối với người nghèo, diện chính sách, khó khăn thì phải có chính sách riêng của Nhà nước. Có như vậy mới hết tình trạng ép giá.

“Nguyên nhân sâu xa của tiêu cực là cơ chế cũ của mình tồn tại quá lâu. Mình lấn cấn giữa một bên là thị trường giá điện và một bên là lo chính sách xã hội, nhập nhằng chỗ này. Mà quy mô nền kinh tế càng lớn, tổng số tiền điện càng to, những vụ tham nhũng chắc chắn sẽ lớn. Giống như khi Vinashin xảy ra, chúng ta mới giật mình. Nếu chúng ta cứ duy trì cơ chế cũ thì sẽ chết. Cũng không thể tổ chức hội nghị, lên hội trường quán triệt mấy câu rồi về thì hết tiêu cực” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đề cập vấn đề cố hữu khác là khi giá điện, xăng tăng là giá cả thị trường cũng tăng theo, Chủ tịch nước cho rằng ai lợi dụng thì phải dùng cơ chế, luật pháp để trị. “Chúng ta chưa quen, chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý giá cả trong điều kiện thị trường nên bị người ta “ăn theo”.

Về vấn đề tiền lương chưa kịp tăng, giá cả đã tăng, Chủ tịch nước mong muốn cử tri hiến kế, giúp nhà nước, Chính phủ về vấn đề này.

Phan Anh
(Người Lao động)

1 nhận xét:

  1. Anh Tư đang thực thi chỉ đạo của BCT mờ... Có ngu mới tin bác ý nói?

    Trả lờiXóa