Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Càng đọc tin chuẩn bị tang lễ Đại tướng, càng thấy sốc

Càng đọc tin chuẩn bị tang lễ Đại tướng mình càng thấy sốc, hết 4 máy bay lại đến mấy đoàn tầu hỏa, rồi dăm chục xe chuyên dụng đưa đón hai đầu các cảng hàng không, giờ là hàng trăm ô tô, máy ủi, máy xúc tất bật và hàng nghìn người vất vả thi công... Mình tin là chi phí tổ chức sẽ lớn gấp rất nhiều lần so với chi phí tang lễ cho tất cả các bác lãnh đạo khác ở VN (trừ trường hợp Bác Hồ), trong khi ngân sách quốc gia đang cạn kiệt (và thời nào thì cũng cần tiết kiệm). Có lẽ khu mộ Đại tướng sẽ trở thành Lăng mộ giống lăng mộ các hoàng triều phong kiến cổ xưa; đây cũng có lẽ là ngoài dự kiến của Đại tướng. Nếu sau này báo chí chụp hình đưa lên cho thấy đúng là một Lăng mộ phong kiến thật thì không bao giờ mình lai vãng đến chỗ đó. Đọc bài dưới đây mình nghĩ có lẽ người được lợi duy nhất là chủ vùng đất nơi an táng Đại tướng, nghe nói là chính con trai Đại tướng (thuê vùng đất này để đầu tư trồng rừng, nhưng lại biến thành khu du lịch).
Hè rồi về nước thăm nhà, nhiều người nói với mình giờ đời sống khó khăn quá trong khi đất nghĩa trang ngày càng khó kiếm và giá tăng vùn vụt, nên dân ta đang có phong trào hỏa táng. Bố mẹ mình trước kia rất phản đối chuyện này, nay quay sang ủng hộ và muốn khi mất đi cũng làm như vậy. Nhìn sang Lào, Campuchia, rồi nhìn ra thế giới, khắp nơi đều như thế. Thế mà... Giờ mình thấy tiếc cho Đại tướng, nếu biết con cháu làm tang lễ thế này thì vào quách Mai Dịch an nghỉ như mọi người có công khác.
5 ngày gấp rút mở đường đón Đại tướng về nơi an nghỉ
"Chúng tôi như đang bước vào trận đánh lớn với Tướng Giáp là người chỉ huy", công nhân đang tất bật thi công tuyến đường gần 2 km tại Vũng Chùa dẫn vào khu an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình, chia sẻ.
Bốc dỡ đoàn xe pháo hộ tống linh cữu Đại tướng khỏi tàu hỏa
Tuyến đường nối từ thôn Thọ Sơn đến đỉnh núi Mũi Rồng, nơi an táng 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được gấp rút hoàn thành. Ảnh: Lê Hoàng.
Trên công trường núi Mũi Rồng (Quảng Bình), hàng trăm ôtô, máy ủi, máy xúc đang được huy động để sớm hoàn thành tuyến đường đến khu vực an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Địa điểm an táng đã được quyết định là khu Vũng Chùa - Đảo Yến trên núi Mũi Rồng, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, theo ý nguyện của Đại tướng. Đây là nơi không có dân cư sinh sống, được bao bọc các bên bởi núi, biển và đảo. Từ Quốc lộ 1A vào đến nơi an táng dài khoảng 4 km, trong đó hơn 2 km cuối cùng không có đường vào.

Phương án mở đường vào khu vực an táng nhanh chóng được phê duyệt. Các đội thi công chỉ có 5 ngày để hoàn thành tuyến đường gần 2 km từ chân núi Mũi Rồng đến nơi Tướng Giáp yên nghỉ, với mục tiêu đảm bảo kịp ngày 13/10 đón linh cữu Đại tướng từ Hà Nội chuyển về quê.

Hàng nghìn công nhân cùng rất nhiều phương tiện máy móc đã được tỉnh Quảng Bình huy động. Chỉ trong vài ngày, các đỉnh dốc đã được “phạt” ngang, hàng nghìn khối đất được san ủi, hình thành một con đường bằng phẳng. Mưa to nhiều ngày qua khiến tuyến đường trở nên lầy lội, nhưng việc thi công vẫn tiếp tục bất kể ngày đêm. Các công nhân, kỹ sư, phương tiện cơ giới trên công trường làm việc hầu như không nghỉ.

Đêm 10/10, cơn mưa nặng hạt kéo dài nhiều giờ khiến con đường đất đỏ ven sườn núi Mũi Rồng thêm lầy lội. Những chiếc xe ben trọng tải lớn chở đầy đá vẫn bám theo sườn núi lao tới. Phía dưới, công nhân máy lu, máy san ủi miệt mài làm việc bên ánh đèn pha đỏ quạch chiếu vào từng vạt rừng thâm u, tĩnh mịch.

22h đêm, nhóm lái xe của anh Trần Công Tới (quê ở xã Hòa Thủy, huyện Lệ Thủy) mới nghỉ tay ăn tối. Ăn vội vài chén cơm, các công nhân lại nhảy lên ca bin hối hả nhấn ga làm việc. Anh Tới cho biết, đội xe của anh được điều động đến công trường Mũi Rồng 2 ngày trước.

“Chúng tôi mỗi người làm việc bằng hai, ba mức bình thường, với quyết tâm hoàn thành con đường vượt tiến độ. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ nghỉ vài tiếng ngay trên xe sau đó lại lao vào làm việc. Ai cũng xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng với đất nước mà còn là tình cảm thế hệ trẻ dành cho vị Đại tướng đất Quảng”, anh Tới tâm sự.


Nhiều phương tiện, máy móc cơ giới hiện đại được huy động làm việc hết công suất. Ảnh: Lê Hoàng.


Ở sườn núi phía Đông, nhóm Trần Ngọc Khánh (19 tuổi) đang lu lèn nền đất. Khánh bảo đã từng tham gia thi công nhiều cung đường nhưng chưa bao giờ có cảm xúc khác lạ như lần này.

“Mọi người như đang bước vào một trận đánh lớn, quyết làm xong tuyến đường trước kế hoạch để kịp đón thi hài Đại tướng về đất mẹ. Tất cả anh em công nhân ai cũng muốn dành tặng món quà cuối cùng này để tưởng nhớ, tri ân công ơn của Đại tướng đã dành trọn cuộc đời cho tổ quốc, quê hương”, anh Khánh tâm sự.

1h sáng nay, cơn mưa vẫn trút xuống vùng Vũng Chùa xối xả. Nhóm công nhân mặc manh áo mưa mỏng lại vội nhảy lên ca bin xe ủi đạp ga khoét núi.

Được giao trách nhiệm thi công tuyến đường này, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh cho biết: “Xác định đây là sự kiện trọng đại nên tập đoàn tập trung mọi phương tiện máy móc hiện đại và gần nghìn nhân lực làm việc suốt ngày đêm để hoàn thành con đường đúng tiến độ”.

Trao đổi với VnExpress.net, đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tuyến đường đã hoàn thành 70% khối lượng. Dự kiến đến trưa 12/10, các hạng mục sẽ hoàn tất để bàn giao cho Ban tổ chức chuẩn bị các công việc cuối cùng.

Cũng theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, hiện các đơn vị quân đội đang khẩn trương hoàn tất công tác rà phá bom mìn quanh khu vực an táng Đại tướng và cử lực lượng túc trực bảo vệ an toàn Vũng Chùa. Những ngày qua có rất đông người dân đã lặn lội tìm về núi Mũi Rồng, chiêm ngắm nơi Đại tướng an nghỉ. Tuy nhiên, con đường vào núi Mũi Rồng đang được quân đội canh giữ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho công tác thi công. 



Các công nhân làm việc xuyên ngày đêm trên công trường Vũng Chùa. Ảnh: Lê Hoàng. 
Thôn Thọ Sơn ôm trong lòng một quần thể núi non ngoạn mục, có những danh thắng tồn tại hàng trăm năm lịch sử như Vũng Chùa - Đảo Yến, đền Liễu Hạnh Công Chúa, Hoành Sơn Quan... tạo cảnh quan hùng vĩ. Trong đó, Vũng Chùa - Đảo Yến được hợp thành bởi 2 địa danh là bãi biển Vũng Chùa nằm ở đất liền và đảo Yến cách đất liền khoảng 15-20 phút đi thuyền. 

Theo các cụ cao niên trong làng Thọ Sơn, khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, nhất là đỉnh núi Mũi Rồng được nhân dân truyền tụng là nơi rất linh thiêng.

Nằm bên vịnh nước sâu Hòn La, dưới chân đèo Ngang hùng vĩ, Vũng Chùa là bãi biển cát trắng trải dài, được bao quanh bởi màu xanh ngút ngàn của cây cỏ, được hình thành bởi một triền núi đá đâm ra biển, người dân địa phương gọi là Mũi Rồng. Địa điểm an táng Đại tướng ở lưng chừng triền núi phía nam, cách ngọn Mũi Rồng khoảng 1 km. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên mênh mông và thơ mộng, địa thế lý tưởng về phong thủy "tọa sơn vọng thủy".

Lê Hoàng

http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/5-ngay-gap-rut-mo-duong-don-dai-tuong-ve-noi-an-nghi-2893362.html

3 nhận xét:

  1. Họ đang sợ những gì họ đã từng "chơi" ĐT. Giờ đang cố rùm beng để lấy lòng dân. Nhưng đã quá muộn rồi...

    Trả lờiXóa
  2. Họ mà biết sợ ? Bác lầm rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Cả cuộc đời Đại Tướng chỉ toàn chiến công hiển hách, có bại nhưng rất nhỏ, tuy nhiên có lẽ trận đánh mà Đại Tướng bại thê thảm nhất chính là chiến trường mang tên Võ Điện Biên.

    Trả lờiXóa