Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của trợ lý

Theo tin trên mạng, VTV1 đã sơ xuất để lọt trường hợp phỏng vấn đại tá Hà Minh Phương khi để ông này tiết lộ “Đời sống đại tướng nay đang khó khăn!? Lương đại tướng nay còn thấp hơn lương em”…và có rơm rớm nước mắt thật tình khi nói đến chuyện Cụ muốn chia tiền bản quyền với đại tá Phương nhưng ông từ chối! Bài viết lại dưới đây đã cắt bỏ đoạn trên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của trợ lý
VOV.VN -Đại tướng không chỉ quyết đoán mà rất tôn trọng tập thể, ý thức chờ đợi để tạo nên sự nhất trí. Hơn 25 năm làm trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Hoàng Minh Phương - Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ năm 1950 đến sau năm 1975) có nhiều ấn tượng đẹp về một vị tướng tài đức vẹn toàn, một người liêm khiết, thanh bạch và có cuộc sống đời thường giản dị. VOV TP HCM có bài phỏng vấn Đại tá Hoàng Minh Phương.
Đại tá Hoàng Minh Phương (thứ hai từ phải qua) - ảnh Vietnamnet.vn
PV: Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có một yếu tố quyết định là cách đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển từ cách “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ông đánh giá như thế nào về tâm và tầm của Đại tướng trong sự kiện này?
Đại tá Hoàng Minh Phương: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, điều quan trọng nhất là quyết định của Đại tướng về phương châm chiến dịch.
Ngày 12/1/1954, Đại tướng đến Tuần Giáo và họp Đảng ủy. Đa số Đảng ủy chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”.
Theo phân tích của cách đánh này chúng ta có nhiều lợi thế là: Khí thế bộ đội rất cao, đánh xong về đồng bằng, bớt gian khổ; giải quyết được khó khăn về tiếp tế vì đường vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến rất dài, độc đạo nên khó khăn. Sau khi triển khai phương án thì kéo pháo, thực tế kéo pháo lên đồi rất khó.
Đến ngày 19/1, một ngày trước khi mở chiến dịch theo phương án 3 đêm 2 ngày, phần lớn pháo chưa vào trận địa. Đại tướng phải quyết định hoãn ngày nổ súng đến ngày 25/1.
Đến ngày 23/1, Đặc phái viên của Đại tướng cử đi theo dõi việc kéo pháo vào trận địa báo cáo: Phần lớn pháo đã vào trận địa, nhưng trận địa pháo kéo bằng sức người đang bày ra giữa nơi trống trải, nếu địch dùng không quân oanh tạc hoặc pháo bắn phá thì không có xe kéo, không thể nào cứu được, đề nghị chỉ huy cân nhắc.
Một bức điện của ta do Cục Cung cấp Tiền phương bị lộ nên địch biết ngày 25/1 chúng ta sẽ nổ súng. Nhân cơ hộ đó, Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công thêm 1 ngày, dự tính đánh chiều 26/1.
Tối 25/1, Đại tướng cân nhắc rất kỹ. Sau một đêm thức trắng, nhức đầu phải buộc ngải cứu, Đại tướng thuyết phục Trưởng đoàn cố vấn với 3 lý do là: Bộ đội Việt Nam từ trước tới nay mới chỉ có khả năng tiêu diệt một tiểu đoàn tại một cứ điểm trong 1 đêm rồi rút ra trước trời sáng, không có khả năng trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt 49 tiểu đoàn ở 49 cứ điểm trong 3 phân khu có liên hệ vững chắc về hỏa lực.
Thứ hai, bộ đội Việt Nam lâu nay quen tác chiến bộ binh, lần đầu tiên có 24 khẩu pháo 105 ly và 3 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly xuất trận, bộ đội tin tưởng và thêm quyết tâm nhưng bộ - pháo hiệp đồng quy mô lớn là lần đầu tiên, lại chưa qua diễn tập, không tránh khỏi khó khăn trong thực tế.
Thứ ba, chủ trương đánh 3 đêm thì có 2 ngày đánh địa hình trống trải, trên những ngọn đồi trọc bên sông Nậm Rốm, trong khi địch có ưu thế về không quân nên khó tránh khỏi thương vong.
Thêm vào đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch hết sức kiên cố, không dễ công phá nên đánh theo lối cũ là thất bại.
Trưởng đoàn cố vấn thấy khó khăn thật và thấy người chỉ huy của Việt Nam cân nhắc như vậy thì đồng tình và nói sẽ đả thông cho đoàn cố vấn, còn đồng chí đả thông cho cán bộ Việt Nam vì bây giờ ai cũng muốn “đánh nhanh thắng nhanh” cả.
Sau đó, Đại tướng thuyết phục Đảng ủy. Cuối cùng, mọi người nhất trí là nếu đánh theo phương án 3 đêm 2 ngày sẽ nhiều khó khăn mà chưa có cách khắc phục được. Cho nên, Đại tướng kết luận: Thực hiện lời dạy của Hồ Chủ Tịch là trận này rất quan trọng, chắc thắng mới đánh, cho nên quyết định lui quân, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Đó là 11h ngày 26/1 và nhờ quyết định sáng suốt đó chúng ta mới có chiến thắng "lừng lẫy năm châu/chấn động địa cầu".
PV: Chúng ta đã chiến thắng thực dân Pháp nhờ chiến lược đúng đắn. Với cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, Đại tướng là người đã đưa việc mở đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Riêng với chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, vai trò của Đại tướng như thế nào, thưa ông?
Đại tá Hoàng Minh Phương: Đại tướng thành lập Tổ trung tâm nghiên cứu giải phóng miền Nam.
Qua 8 lần trao đổi ý kiến, chúng ta đi đến phương án là giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 và 1976), bắt đầu bằng cuộc tiến công vào Tây Nguyên.
Khi chúng ta triển khai kế hoạch, Đại tướng đã tham khảo ý kiến của những cán bộ có kinh nghiệm và nhất trí, muốn đánh Tây Nguyên phải đánh vào điểm huyệt là Buôn Ma Thuột. Cho nên chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta đánh Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975, khiến địch phải bỏ Tây Nguyên rút chạy. Ta tiêu diệt địch trên đường 17 và đường 19, tạo nên sự thay đổi lớn trong cục diện chiến tranh.
Lúc đó, Đại tướng thấy rằng, chúng ta có khả năng giải phóng miền Nam trong năm 1975, cho nên phải tranh thủ thời cơ để mở ngay chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng vào hạ tuần tháng 3/1975.
Chúng ta đã giải phóng Huế vào các ngày 23-25/3 và Đà Nẵng ngày 29/3. Sau đó thành lập ngay cánh quân phía Đông tiến theo ven biển miền Trung về Sài Gòn, song song với cánh quân theo đường Trường Sơn.
Đại tướng chấp nhận phương án sử dụng cánh quân phía Đông là lực lượng đột kích chủ yếu, tiến quân thần tốc.
Ngày 7/4/1975, Đại tướng ra bức điện “thần tốc, thần tốc, táo bạo, táo bạo tiến về miền Nam".
Sau đó, Đại tướng nhấn mạnh: “Thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa, giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Lệnh động viên của Đại tướng đã cổ vũ các cánh quân tiến về Sài Gòn và kết quả cả 5 cánh quân đã hợp vây quân địch, tiến vào Sài Gòn vào sáng 30/4/1975 lịch sử.
PV: Ông là người sát cánh bên Đại tướng trong công việc, gần gũi với Đại tướng trong cuộc sống. Vậy trong cuộc sống hàng ngày, Đại tướng là người như thế nào, thưa ông?
Đại tá Hoàng Minh Phương: Đại tướng vô cùng liêm khiết, giản dị, thanh bạch, không bao giờ lợi dụng chức quyền để đòi hưởng thụ cho cá nhân và gia đình. Gia đình Đại tướng là gia đình trí thức, đầm ấm.
Đại tướng là người tài đức vẹn toàn, người không chỉ quyết đoán mà rất tôn trọng ý kiến tập thể, ý thức chờ đợi để tạo nên sự nhất trí.
PV: Ông có thể kể lại một số kỷ niệm sâu sắc của ông với Đại tướng?
Đại tá Hoàng Minh Phương: Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi triển khai đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta gặp khó khăn vì chưa tiêu diệt được đồi C1, A1, bộ đội thương vong nhiều, trời mưa, chiến hào lầy lội, có ngày cả chiến dịch chỉ nhận được 1 tấn gạo.
Đại tướng ngày đêm không ngủ, trăn trở. Có đêm, tôi thấy Đại tướng nghe tiếng sấm, bước ra khỏi lán, nhìn trời thấy mây đen ùn đầu núi lại lo không biết gạo, đạn có đến được chiến dịch.
Một kỷ niệm khác là cuối tháng 4, đồng báo Tuyên Quang gửi tặng Đại tướng bưởi Đoan Hùng. Đại tướng gọi tôi cùng ăn và khen bưởi ngọt. Đại tướng nói, tôi đào 3 lỗ cạnh lán để gieo hạt.
40 năm sau, năm 1994, tôi trở lại thăm, 3 cây bưởi cao bên cạnh lán của Đại tướng. Tôi hỏi Giám đốc Bảo tàng Điện Biên Phủ, 3 cây bưởi này có còn không. Vị giám đốc này trả lời tôi rằng, 3 cây bưởi vẫn sống khỏe và đó cũng là một di tích lịch sử./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét