Tượng Hồ Chí Minh ở thị trấn Anh
Một bức tượng lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh được trao tặng vùng Sussex,
nơi được cho là ông từng qua lại trong khi làm việc trên chuyến phà nối Anh-Pháp.
Đại sứ Việt Nam ở Anh Quốc, ông Vũ Quang Minh, mở tấm vải che chiếc tượng đồng ở bảo tàng thị trấn hôm Chủ nhật 19/05, dịp sinh nhật lần thứ 123 của ông Hồ Chí Minh.Thị trấn Newhaven cũng dùng mối liên quan của mình với Hồ Chí Minh như một trong các cách thức thúc đẩy du lịch.Tấm biển treo ở cảng West Quay, Newhaven viết: “Bạn có biết Hồ Chí Minh từng là thợ làm bánh trên chuyến phà Newhaven-Dieppe?”
Một số chi tiết khác cũng sẽ xuất hiện trên các tấm biển treo ở khắp thành phố, trong đó có sự kiện vua Pháp Louis Philippe năm 1984 chạy sang vùng đất này sau khi mất ngôi, và vụ chiếc xe hơi của Lord Lucan được tìm thấy bị bỏ lại ở bến cảng sau khi xảy ra cái chết của Sandra Rivett năm 1974.
'Quan hệ hữu nghị'
Thị trưởng Newhaven, bà Julie Carr, bày tỏ hy vọng sự kiện “sẽ thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Newhaven và Việt Nam”.
Giáo sư lịch sử châu Âu Hiện đại ở Đại học Sussex, ông Martin Evans, cho biết lần đầu tiên ông được nghe về mối liên quan giữa Hồ Chí Minh với thị trấn là từ một nhà cộng sản người Pháp hồi thập niên1980.
"Tôi tới Dieppe hồi cuối thập niên 1980, trong phái đoàn chính thức tới thăm hội đồng Dieppe và nói chuyện với một người cộng sản Pháp địa phương về những điều mà tôi có nghe được."
"Đó là chuyện ông Hồ Chí Minh đã từng làm việc trên chuyến phà nối Dieppe với Newhaven ngay sau Đại chiến Thế giới thứ nhất."
"Ông ấy sống ở Pháp từ 1917 và có vẻ như sau đó thì ông ấy làm người nấu bếp, chuyên làm bánh trên tuyến phà nối Dieppe với Newhaven."
Giáo sư giảng dạy lịch sử ở Đại học Essex, ông Mark Frost nói toàn bộ thông tin về giai đoạn đầu của cuộc đời Hồ Chí Minh, kể cả bản tự truyện, đều cần tranh luận lại.
Tiến sĩ Frost nói các tài liệu chính thống có mục tiêu chính trị rõ rệt, để mô tả Hồ Chí Minh là một người vô sản dễ gần, giản dị nhưng cũng có phong cách lãnh tụ tương lai.
"Vậy nên ông Hồ cũng có thể đã làm đầu bếp trên chuyến phà Dieppe-New Haven sau Thế chiến. Điều này là có thể."
"Mọi chuyện phụ thuộc vào độ khả tín từ nhân vật cộng sản Pháp."
Còn học giả và nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh, Sophie Quinn-Judge, tỏ ra nghi ngờ về mối liên quan của Newhaven với Hồ Chí Minh, nhưng đồng tình rằng thời điểm trùng với những gì người ta đã biết.
"Đó là một giả thiết khá độc đáo, nhưng ta không thể loại bỏ hẳn."
"Ở một lúc nào đó trong năm 1913, ông ấy sống ở London nhằm học tiếng Anh. Dựa theo các tấm bưu thiếp ông gửi cho học giả Phan Châu Trinh ở Paris, rõ ràng ông ấy không phải là một người lao động bình thường."
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét