Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Luận văn ở đại học: Đọc và ghi chép

Luận văn ở đại học: Đọc và ghi chép
Nguyễn Hưng Quốc
1. Đọc như thế nào?
Dựa theo cách chỉ dẫn trong bài “Luận văn ở đại học: Tìm tài liệu”, sinh viên có thể tìm ra cả hàng chục cuốn sách cần phải đọc. Cho dù đã biết rõ cái gì cần đọc trước, cái gì cần đọc sau thì sinh viên vẫn phải đối diện với một vấn đề khác: làm sao để có thể đọc hết ngần ấy tài liệu? Sinh viên chỉ có mấy tuần để viết luận văn. Trong mấy tuần ấy sinh viên phải đi học, phải làm các bài tập và phải viết nhiều bài luận văn khác nhau. Làm sao để có thể đọc đủ các tài liệu cần thiết được?
Dĩ nhiên là có cách. Cách ấy nằm trong cách đọc của chúng ta. Nói chung, có ba cách đọc chính:

  • nghiền ngẫm
  • đọc lướt
  • đọc nhảy
1.1. Nghiền ngẫm:
Nghiền ngẫm là cách đọc từ từ, chậm rãi, cẩn thận; đọc từ trang đầu đến trang cuối, vừa đọc vừa suy nghĩ để hiểu hết mọi khía cạnh của vấn đề; vừa đọc vừa ghi chép. Đây là một cách đọc để học, chứ không phải để giải trí hay chỉ để cốt tìm tài liệu. Đối với bất cứ vấn đề gì, sinh viên cũng cần nghiền ngẫm ít nhất là vài tài liệu căn bản nhất, chủ yếu là các bài viết trong sách giáo khoa. Không có giai đoạn nghiền ngẫm này, sinh viên khó có thể nắm vững được vấn đề, do đó, khó mà nghiên cứu sâu rộng thêm được điều gì.


 
Nếu mỗi đề tài, sinh viên nghiền ngẫm khoảng hai chương sách, mỗi chương 20 trang, thì tổng cộng số trang cần phải đọc kỹ lên đến khoảng 40 trang. Nên thu xếp thì giờ để có khoảng một tuần lễ cho công việc này.
 
1.2. Đọc lướt:
Đọc lướt (skimming) là cách đọc thật nhanh, chỉ cần quét mắt lên các trang sách. Mục đích là để (i) nắm được đại ý của cuốn sách hay của bài báo; (ii) tìm hiểu cách nhìn của tác giả về vấn đề mình đang nghiên cứu để xem có thể sử dụng vào bài viết của mình được hay không; (iii) và để phát hiện những chi tiết trực tiếp liên quan đến đề tài của mình, những chi tiết mình có thể sử dụng trong bài viết.
 
Đọc lướt là đọc nhanh nhưng phải biết dừng lại ở một số trọng tâm. Các trọng tâm ấy là:
 
(i) Trong cả cuốn sách :

  1. nhan đề
  2. mục lục
  3. lời nói đầu (trừ đoạn cuối. Trong sách tiếng Anh, đoạn cuối của “Lời nói đầu” bao giờ cũng chỉ dành cho mấy lời cảm tạ)
  4. lời kết luận (nếu có)
  5. các đồ biểu (diagrams) 
(ii) Trong từng chương:
  1. phần tóm tắt ở đầu chương (nếu có)
  2. đoạn đầu
  3. đoạn cuối 
(iii) Trong từng đoạn:
 
Trong văn nghị luận, mỗi đoạn (paragraph) thường là một đơn vị ý tưởng, có kết cấu nội tại chặt chẽ và có quan hệ mật thiết với các đoạn đi trước và đi sau, cũng như với toàn bộ bài viết hoặc chương sách. Nhờ đặc điểm ấy, đối với từng đoạn văn nghị luận, chúng ta có thể chỉ cần đọc lướt qua câu mở đầu cũng có thể hình dung ít nhiều được đại ý của cả đoạn.
 
Ví dụ, chúng ta thử đọc mấy đoạn trích trong bài “Hôn nhân và nghề cầm viết” của Nguyễn Hiến Lê in trong cuốn 10 câu chuyện văn chương do Văn Nghệ xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1986 (tr. 126-7). Tạm gọi mấy đoạn này là bản A:
 
“Một nhà văn có một lối làm việc: người viết đứng như Hugo, kẻ viết nằm như Đông Hồ, đại đa số viết ngồi và sau này chắc các nhà văn của ta cũng sẽ đánh máy như các nhà văn phương Tây, một số sẽ đọc trước máy ghi âm, rồi có thư kí đánh máy lại; có nhà như Balzac được một nhà quí phái vẫy là bỏ hết công việc, nhảy qua Thuỵ Sĩ hay Ba Lan cả tháng, cả năm, về nhà lại cắm cổ viết, uống cà phê đặc quánh để viết mỗi ngày mười tám, hai mươi giờ, chân ngâm trong nước hột cải cho bớt nhức đầu; có nhà như Hugo sống rất chừng mực, viết đều đều mỗi buổi sáng, buổi chiều nghỉ, lại nhà tình nhân. Lối nào cũng có kết quả, lối của Balzac tổn thọ hơn lối của Hugo. Nhưng dù sống rất chừng mực, làm việc rất đều đều như một công chức, nhà văn vẫn không phải là một công chức.
 
Họ khác nhau xa từ tính tình đến lối sống. Nhà văn sống một đời độc lập và tự lập: không nhận chỉ thị của ai, không chịu một kỉ luật nào trừ kỉ luật chính mình tự đặt cho mình; họ tự tạo lấy giá trị của mình chứ không nhờ một quyền uy nào cả, có khi từ chối cả những vinh dự thế tục coi trọng nữa, cho nên tính tình thường ngang tàng, kỳ cục ít nhiều, bất chấp dư luận, thích cái gì thì làm cái đó, dù biết nó không có lợi về danh vọng, tiền bạc. Bà Tolstoi không hiểu tâm lý ấy của chồng nên phàn nàn rằng sao ông không chịu viết tiểu thuyết mà viết những tập sách nhăng nhít cho con nít; sao ông không nhận tiền đặt trước cả vạn rúp (Nga kim) của các nhà xuất bản, mà đi viết những truyện bình dân bán ba xu một tập.
 
Một số nhà văn, nhất là các tiểu thuyết gia đại tài còn có tính tình kì cục này nữa là thay đổi như chong chóng, lúc muốn thế này, lúc muốn thế khác, tâm hồn đầy mâu thuẫn. Trường hợp điển hình nhất là Tolstoi: ông vừa muốn giữ những đặc quyền quí tộc của ông, mà lại vừa muốn làm bình dân, ăn mặc như nông dân; muốn chia ruộng đất cho nông dân mà lại cứ tậu thêm điền trang; ham săn bắn mà làm bộ che chở loài vật; mạt sát đàn bà là gây tật xấu cho đàn ông mà xa vợ ít bữa thì chịu không nổi; thích ăn ngon mà lại hô hào cả nhà ăn chay...
 
Một số khác như Dostoievski, Maupassant... sau mỗi cơn bệnh thần kinh ý tưởng mới dồi dào, sâu sắc. Một phần kinh Coran là do Mohamed đọc cho đệ tử chép sau những cơn động kinh của ông.
 
Những tật đó có lợi cho sự nghiệp của họ nhưng có hại cho hạnh phúc gia đình; nhà văn thường đau khổ, cô độc, nỗi đó người thân phải hiểu cho họ.”
 
Sau khi đọc toàn văn của mấy đoạn trên, chúng ta hãy thử đọc lại chỉ những câu mở đầu của từng đoạn. Tạm gọi những câu này là bản B:
 
Một nhà văn có tài có một lối làm việc...
Họ khác nhau xa từ tính tình tới lối sống...
Một số nhà văn, nhất là các tiểu thuyết gia đại tài còn có những tính tình kì cục này nữa là thay đổi như chong chóng, lúc muốn thế này, lúc muốn thế khác, tâm hồn đầy mâu thuẫn...
Một số khác như Dostoievski, Maupassant... sau mỗi cơn bệnh thần kinh ý tưởng mới dồi dào, sâu sắc...
Những tật đó có lợi cho sự nghiệp của họ nhưng có hại cho hạnh phúc gia đình...
 
So sánh bản A và bản B với nhau, chúng ta sẽ thấy ngay bản B là dạng tóm tắt của bản A. Ý chính của hai bản không hề khác nhau. Điều này chứng tỏ là, trong công việc nghiên cứu, với mục đích tìm tài liệu cho bài viết của mình, chúng ta không cần phải mất quá nhiều thì giờ để đọc toàn văn các cuốn sách chúng ta có trong tay. Ngược lại, chỉ cần liếc qua các câu mở đầu, chúng ta cũng có thể nắm bắt những ý chính và những tài liệu chính chúng ta cần dùng.
 
Một ví dụ khác: Chúng ta thử đọc mấy câu mở đầu của mỗi đoạn trong bài viết dưới đây:
 
Suốt hơn năm mươi năm hết lòng với chữ nghĩa, Võ Phiến hoàn tất 35 quyển sách....
Với một đời người 35 quyển sách quả là nhiều....
Nguyễn Tuân hơn Võ Phiến 15 tuổi và sớm có một vị trí cao ngay từ khi mới xuất hiện....
Ngoài tuỳ bút, Võ Phiến còn sở trường về truyện ngắn....
Trên lãnh vực biên khảo, bộ Tổng quan văn học miền Nam là một bộ sách mà...
Giá trị của bộ sách thì hiện nay còn mới mẻ....
Trong cái nhìn rất chủ quan của người viết bài này, truyện dài của ông không đạt được những thành quả như trong tuỳ bút, truyện ngắn cũng như biên khảo....
 
Đọc những câu văn mở đầu của mỗi đoạn như trên, chúng ta cũng nắm bắt được đại khái một số chi tiết và luận điểm chính của tác giả:
 

  • Võ Phiến là một nhà văn có sức sáng tác khá dồi dào.
  • Trong sự nghiệp sáng tác của Võ Phiến, tuỳ bút là một thể loại nổi bật. Tác giả có ý so sánh tuỳ bút của Võ Phiến và tuỳ bút của Nguyễn Tuân, một nhà văn thuộc thế hệ đàn anh. Chúng ta chưa biết kết luận của tác giả trong sự so sánh ấy ra sao, tuy nhiên, dựa vào các câu sau, chúng ta có thể đoán một điểm mà tác giả có lẽ sẽ muốn nêu bật lên là: Võ Phiến không những là một cây bút dồi dào mà còn là một cây bút đa dạng, bởi vì
  • ngoài tuỳ bút, ông còn viết truyện ngắn, truyện dài và biên khảo.
  • Trong tất cả các thể loại ấy, Võ Phiến thành công nhất ở tuỳ bút, truyện ngắn và biên khảo.
 
Bây giờ, chúng ta thử đọc lại nguyên cả mấy đoạn văn trên của Hoàng Khởi Phong đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 tại California, Hoa Kỳ, số 68 (Tháng 12.1994):
 
“Suốt hơn năm mười năm hết lòng với chữ nghĩa, Võ Phiến hoàn tất 35 quyển sách. Trong số đó có: truyện dài, truyện ngắn, truyện dịch, tuỳ bút, tạp bút, tạp luận, biên khảo. Ấy là chưa kể thơ. Nếu tính theo niên biểu thì quyển đầu tiên Chữ tình in năm 1956 tại Quy Nhơn, quyển cuối cùng Ký, Bút, Kịch miền Nam 1 in năm 1993 tại Hoa Kỳ. Nếu nói về nơi xuất bản thì hai quyển đầu in tại Quy Nhơn, 22 quyển in tại Sài Gòn, 10 quyển in tại Hoa Kỳ, một quyển đăng báo Tiền Tuyến năm 1973 chưa kịp xuất bản thì năm 75 ập đến. Chi li hơn một chút thì Võ Phiến viết có 29 quyển... rưỡi, vì trong số các sách có đề tên Võ Phiến này phải trừ đi năm quyển, dịch từ truyện ngoại quốc, và sau cùng quyển Ly Hương viết chung với Lê Tất Điều vào năm 1977, nghĩa là thời gian cả hai chân ướt, chân ráo mới định cư tại Mỹ chưa đầy hai năm.
 
Với một đời người, 35 quyển sách quả là nhiều, nhưng chưa hết vì quyển sau cùng tên sách có số 1, hẳn là quyển 2, và có thể là quyển 3 còn đang viết dở chưa in. Những người yêu đọc sách, những người chuộng văn chương, những nhà biên khảo chuyên về phê bình văn học, hầu như đã đồng ý với nhau một điểm: Võ Phiến là một trong hai người viết tuỳ bút cực hay của văn học Việt Nam, người còn lại tên là Nguyễn Tuân. Tuy nhiên bút pháp của hai nhà hoàn toàn không giống nhau.
 
Nguyễn Tuân hơn Võ Phiến 15 tuổi và sớm có một vị trí cao ngay từ khi mới xuất hiện. Khi Võ Phiến vào nghề văn thì địa vị của Nguyễn Tuân đã cao vòi vọi với tác phẩm Vang bóng một thời. Trong tuỳ bút của họ Nguyễn, nét tài hoa rõ mồn một khiến người đọc ông như đang xem một bức hoạ toàn cảnh của câu chuyện nhà văn đang đề cập tới. Trong cái tài hoa này, vẻ khinh bạc của Nguyễn Tuân cũng lộ hẳn ra không giấu giếm. Đối với họ Võ thì khác, tuỳ bút và tạp bút của Võ Phiến nhẹ nhàng thanh thoát hơn, người đọc có cảm giác như trông thấy nhà văn nheo mắt một cách nghịch ngợm trước trang giấy. Võ Phiến vẽ những nét chi li, thậm chí có khi nhỏ như sợi lông trên cánh tay của nhân vật trong câu chuyện. Cái nhìn của Nguyễn Tuân cực đoan, khe khắt (thí dụ như trong Chùa Đàn chẳng hạn), trong khi Võ Phiến bao dung, tinh quái hơn. Nếu như Nguyễn Tuân nhấn sâu vào sự kiện, thì Võ Phiến lại trải rộng tầm nhìn...
 
Ngoài tuỳ bút, Võ Phiến còn sở trường về truyện ngắn. Ông có một kỹ thuật rất cao trong thể loại này. Những nhân vật trrong truyện ngắn của Võ Phiến là những con người ta bắt gặp nhan nhản hàng ngày, ngay trước mắt ta mà ta không thấy. Truyện ngắn của ông không khô khan, nhờ ông dặm thêm những đoạn tả cảnh cần thiết để cho cái tình, cái tính của nhân vật có chỗ tựa vào.
 
Trên lãnh vực biên khảo của Võ Phiến, bộ Tổng quan văn học miền Nam là một bộ sách mà trong đó người đọc bắt được những cảm nghĩ của Võ Phiến trong khi ông đọc và viết về những nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia và những nhà báo của miền Nam trong giai đoạn 1954-75. Hầu như ông không bỏ sót một tác phẩm, một cây bút giá trị nào. Từ thơ, văn, truyện dài, truyện gắn, ký, bút, kịch... và ngay cả báo chí, ông cũng giúp cho những người đi sau ông một cái nhìn theo chủ quan của ông. Có thể nói chưa một nhà phê bình nào phân tích các tác giả chi li như ông. Thỉnh thoảng ông có cái nhìn nghiêm khắc trong những nhận định của ông.
 
Giá trị của bộ sách thì hiện nay còn mới mẻ, nhưng tôi tin rằng sau này, khi nói tới giai đoạn văn học thời đất nước chia đôi người ta không thể không bước vào quyển sách này. Chúng ta có nhiều nhà viết phê bình văn học, nhưng hình như chúng ta chỉ được đọc những bài viết điểm sách rời rạc. Ngoài bộ Tổng quan văn học miền Nam của Võ Phiến, hầu như không có một công trình quan trọng nào trong bộ môn này.
 
Trong cái nhìn rất chủ quan của người viết bài này, truyện dài của ông không đạt được những thành quả như trong tuỳ bút, truyện ngắn cũng như biên khảo. Cái chi li của biên khảo, cái tinh quái của truyện ngắn, cái dí dỏm trong tuỳ bút, cái hiểu biết thật rộng về ngôn ngữ, tất cả hình như không có chỗ dụng võ trong truyện dài của ông. Nhiều tuỳ bút và truyện ngắn của ông đọng lại trong đầu tôi một thời gian thật lâu, song truyện dài Nguyên vẹn đến bây giờ tôi không còn nhớ nổi cả cốt truyện. Tôi chỉ nhớ quyển truyện viết về những thay đổi, chộn rộn của năm 75, trước và tháng Tư một thời gian ngắn...”
 
Đọc nguyên cả đoạn văn dài của Hoàng Khởi Phong, chúng ta thấy cách hiểu ban đầu của chúng ta ở trên không có gì sai lầm cả. Nó không có những chi tiết cụ thể, dĩ nhiên. Nhưng ấn tượng và ý niệm chung về vấn đề thì như nhau. Điều đó chứng tỏ là việc đọc lướt khá có kết quả: nó giúp chúng ta thu nhận được nhiều tài liệu trong một khoảng thời gian ngắn nhất.
 
Một điều cần chú ý là: trong khi đọc lướt như thế, nếu phát hiện được chi tiết nào quan trọng và cần thiết cho bài luận văn, chúng ta dừng lại, đọc kỹ những chi tiết ấy; nếu không, chỉ ghi lại những luận điểm chính của tác giả.
 
1.3. Đọc nhảy:
 
Nếu đọc lướt là đọc gần hết cuốn sách với một tốc độ thật nhanh thì đọc nhảy, ngược lại, là đọc lỗ mỗ một số đoạn trong cả cuốn sách mà thôi. Đó là những đoạn trực tiếp liên quan đến vấn đề chúng ta đang tìm. Để phát hiện ra những đoạn ấy, chúng ta chỉ cần dò tìm trong “Bảng tra cứu” (Index) in ở cuối sách. Ví dụ, để tìm tài liệu về học giả Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Văn học miền Nam, tổng quan (1996) của Võ Phiến, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem phần “Danh biểu”, ở đó, chúng ta sẽ biết được là Võ Phiến nhắc đến Nguyễn Hiến Lê trong các trang 21, 40, 48, 52, 53, 60, 62, 63, 65, 92, 93, 94, 97, 142, 143, 158, 191, 237 và 285. Thử mở trang 21:
 
“Thật vậy, trước 1975 học giả Nguyễn Hiến Lê đã cho xuất bản hơn một trăm tác phẩm, bây giờ mở tập thư mục thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ấn bản 1982 đếm thử được bảy nhan đề!”
 
Trang 40:
 
“Nguyễn Hiến Lê có lần nói một câu chua chát: ‘Trong những thời loạn thì văn hoá chỉ đóng vai trò rất phụ, có thì thêm rôm rả mà chẳng có thì cũng chẳng ai thấy thiếu’.”
 
Trang 53:
 
“Tiêu biểu cho nếp sống mẫu mực, nghiêm chỉnh là Nguyễn Hiến Lê. Ông không thức quá khuya, dậy quá sớm, ông không làm việc ‘bù đầu bù óc’. Ông làm vừa sức mình, nhưng rất đều, giữ đúng chương trình, mỗi ngày ngồi vào bàn viết vào giờ nhất định, rời khỏi bàn viết vào giờ nhất định. ‘Tôi tự đặt cho tôi một kỉ luật, trừ khi đau ốm còn ngày nào thì cũng dậy từ 6 giờ hay 6 giờ rưỡi, điểm tâm lúc 7 giờ, rồi nằm đọc sách, chín giờ lại bàn viết để viết luôn đến 12 giờ, bữa trưa. Ăn trưa xong tôi nghỉ khoảng một giờ, nhắm mắt lại, chợp độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi dậy, nằm ở giường đọc sách đến 3 giờ. Chiều lại viết từ 3 giờ đến 5 giờ rưỡi, 6 giờ; tắm xong, ăn bữa tối lúc 7 giờ. Cả buổi tối, cho đến 10 giờ, tôi chỉ nằm đọc sách báo.’ Cứ như vậy trong hơn 30 năm ông viết được 120 nhan đề. Ông tính ra: ‘120 nhan đề đó được khoảng 30.000 trang, chia cho 33 năm chỉ có khoảng 900 trang một năm, trung bình chưa được 3 trang mỗi ngày mà!’ (Đời viết văn của tôi).”
 
Cứ thế, đọc 19 chỗ Võ Phiến nhắc đến Nguyễn Hiến Lê, có lẽ mất chừng từ 10 đến 20 phút. Trong mục đích tìm tài liệu, chỉ để tìm tài liệu, với cách đọc nhảy như thế, chúng ta có thể 'đọc' một cuốn sách trong vòng từ 10 đến 20 phút. Bạn không nên lấy làm lạ khi nhiều nhà nghiên cứu có thể 'đọc' cả hàng chục cuốn sách dày cộm trong một ngày. Không đọc như thế, không có cách nào 'ngốn' hết cả hàng núi tài liệu cứ ùn ùn được xuất bản khắp nơi trên thế giới.
 
2. Ghi chép tài liệu
 
2.1. Tại sao phải ghi chép?
Đọc nhiều và đọc nhanh như trên, chúng ta không thể nhớ tất cả những gì chúng ta đã đọc. Nếu nhớ thì cũng nhớ mơ hồ, lõm bõm. Trong khi công việc viết luận văn lại đòi hỏi chúng ta phải trích dẫn chính xác từng số liệu, từng ý kiến với những xuất xứ rõ ràng: tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản, năm và nơi xuất bản, và thêm cả số trang, nơi số liệu hoặc ý kiến ấy xuất hiện nữa. Bởi vậy, việc ghi chép là điều cực kỳ cần thiết.
 
Ngoài ra, qua quá trình ghi chép, chúng ta có thể:
 

  • tóm tắt những ý tưởng quan trọng liên quan đến vấn đề
  • chọn lọc những điểm thích hợp cho bài viết của mình
  • hiểu rõ hơn và sâu hơn tài liệu mình đang đọc
  • học cách diễn tả và cách lý luận của tác giả
 
Cuối cùng, qua công việc ghi chép, chúng ta tiếp tục tư duy, tiếp tục động não về đề tài của mình: nhiều ý kiến loé lên có vẻ như là một sự bất ngờ thật ra chính là kết quả của công việc đọc, ghi chép và nghiền ngẫm liên tục ấy.
 
2.2. Ghi chép cái gì?
 
Có hai trường hợp thường thấy: có sinh viên quá tham lam, ghi chép quá nhiều, cuối cùng họ bị ngập lụt trong đống tài liệu mình ghi chép được đến độ không còn biết số liệu mình cần nằm ở đâu; lại cũng có những sinh viên đọc xong cả mấy cuốn sách vẫn hoang mang không biết ghi chép cái gì, cứ tiếp tục than thở là 'không đủ tài liệu' để viết.
 
Không có nguyên tắc nào có thể giúp chúng ta biết được thế nào là ghi chép vừa đủ. Nó tuỳ đề tài, tuỳ nguồn tài liệu, tuỳ thời gian chúng ta có, tuỳ tham vọng chúng ta muốn đạt được qua bài luận văn. Chỉ có điều là: chỉ ghi chép những gì trực tiếp liên hệ đến đề tài mình đang viết.
 
Những cái liên hệ ấy thường thuộc hai loại:
 

  • số liệu: ví dụ, đối với đề “Có phải chúng ta đang chứng kiến cái chết của gia đình hay không?”, những số liệu liên hệ là số liệu về hôn nhân, về ly dị, về người đồng tính luyến ái, người sống độc thân, trẻ em không có gia đình, v.v. qua những mốc thời gian khác nhau.
  • ý kiến của các tác giả về vấn đề mình đang bàn luận. Cũng lấy ví dụ như trên: ở đây, chủ yếu là những nhận định của các chuyên gia về vấn đề gia đình; cách họ phân tích những sự thay đổi trong cấu trúc gia đình, cách họ lý giải nguyên nhân của những sự thay đổi ấy, và cách họ tiên đoán xu thế của những sự thay đổi ấy trong tương lai. Nên chú ý đến những loại ý kiến khác nhau.
 
Ngoài ra, có một điều quan trọng cần nhớ: nên ghi lại ngay tất cả những ý nghĩ gì liên quan đến đề tài tình cờ loé lên trong óc bạn. Bất kỳ ý gì. Đúng hay sai, hay hay dở sẽ tính sau. Cần nhất lại phải ghi lại ngay, nếu không, chúng rất dễ biến đi mất.
 
2.3. Ghi chép như thế nào?
 
Có hai cách chính:
 
Thứ nhất là chép nguyên văn. Lưu ý: Chỉ nên chép nguyên văn những số liệu, những ý kiến ngắn mình dự định sẽ trích lại trong bài luận văn mà thôi. Càng ngắn càng tốt.
 
Thứ hai là tóm tắt, tức chỉ ghi lại các ý chính bằng văn của bạn. Cách này có nhiều cái lợi. Một là nó tiết kiệm được thì giờ: chúng ta chỉ viết năm bảy câu thay vì phải viết cả trang giấy, chẳng hạn. Hai là nó là hình thức kiểm tra để chúng ta biết được là mình có hiểu rõ những gì mình vừa đọc hay không: nếu chưa hiểu, chúng ta sẽ không thể nào tóm tắt được. Ba là, nó bắt chúng ta tập viết, tập diễn đạt ý tưởng bằng văn của mình, ngôn ngữ của mình.
 
Nên lưu ý: Cần ghi đầy đủ xuất xứ của tài liệu với các chi tiết về tác giả, nhan đề, nhà xuất bản, năm xuất bản và số trang.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét