Cho giáo viên làm đề thi của học sinh để kiểm tra chất lượng?
(Dân trí) -Trong đợt thi học kỳ 2 của học sinh khối 12 Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) vào tháng 4 vừa qua, cô Hoàng Thị Mai -hiệu trưởng nhà trường đã đột xuất yêu cầu các giáo viên môn Toán, Anh Văn, Địa, Sinh cùng làm đề thi của các em để đánh giá chất lượng.
Việc làm thử nghiệm này ít nhiều đánh giá được tức thời một phần thực chất của giáo viên (GV) khối 12 - khối trọng điểm với nhiệm vụ hướng dẫn học sinh (HS) thi tốt để vượt qua ngưỡng cửa cấp 3. Tuy nhiên cũng gây một số khó chịu nhất định với GV, vốn lâu nay được đánh giá chất lượng bởi nhiều hình thức khác, chứ không phải đi làm bài thi của HS. PV Dân trí vừa có cuộc trao đổi với hiệu trưởng Hoàng Thị Mai về phương pháp thử nghiệm "lạ" này.
Xin cô cho biết thêm về việc Trường THPT Cao Thắng yêu cầu đột xuất GV khối 12 làm đề thi của HS?
Trước đây, vào mỗi kỳ thi học kỳ khối 12, chúng tôi vẫn thường hay làm là cho GV cốt cán đọc đề chung của Sở GD-ĐT (vì đề thi học kỳ của HS 12 do Sở GD-ĐT ra), từ đó đánh giá xem HS làm được bao nhiêu phần trăm. Tuy nhiên, GV chưa đánh giá đúng thực chất của các em. Ví dụ như đánh giá đề tương đối dễ, sẽ có trên 65% HS khối 12 làm điểm trên trung bình, nhưng khi chấm thì ngược lại, có trên 65% HS làm bài dưới trung bình.
Vì vậy, muốn để chắc chắn, chúng tôi đã có ý nghĩ, cho GV làm đề thi của HS công khai tại trường, song song với buổi làm bài thi học kỳ của các em. Để thử nghiệm, chúng tôi đã yêu cầu 15 GV khối 12 của 4 môn là Toán, Anh Văn, Sinh, Địa trong đợt thi học kỳ 2 vừa qua, sau khi xem đề xong thì cho vào ngồi cùng 1 phòng và làm đề thi lớp 12 theo từng môn mình phụ trách. Những GV này được miễn coi thi, và được thay thế bằng các người khác. Nhưng vẫn được tính tiết coi thi. Trong phòng làm bài, GV được theo dõi nghiêm ngặt bởi ban giám hiệu.
Bài làm xong, được chúng tôi rọc phách và chấm công bằng. Kết quả, các GV Toán làm bài rất chuẩn, chỉ hơn 50% thời gian đã xong. Điểm cao nhất là 10, thấp nhất là 9,5 điểm. GV Anh văn có phần lúng túng hơn dù có người cũng làm rất chuẩn, điểm dao động từ 7,5 đến 9,5 điểm. GV Địa và Sinh cũng chuẩn. Có GV cùng 10 điểm, nhưng chúng tôi đánh giá cao hơn người nào làm bài nhanh hơn.
Từ kết quả này, tổ bộ môn sẽ biết được phần nào năng lực của từng GV. Chúng tôi sau khi công bố điểm đã họp lại và thưởng động viên mỗi người 100.000 đồng, làm bài điểm cao hay thấp gì cũng thưởng cho vui vẻ. Tổng tiền thưởng cho 15 GV là 1,5 triệu đồng do tôi tự trích tiền túi ra.
Bài làm của 1 giáo viên Toán ở Trường THPT Cao Thắng (TP Huế) sau khi làm xong được cắt phách, ghi số hiệu để chấm khách quan như bài làm của học sinh.
Tâm lý của các GV ra sao khi có kết quả điểm, thưa cô?
Những người làm bài cao thì thấy hãnh diện so với những người khác trong tổ. Những người điểm thấp cũng có phần xấu hổ với ban giám hiệu.
Xin cô cho biết lợi ích của việc cho GV làm đề thi của HS?
Sau khi làm bài thi HS xong, các GV trong từng bộ môn phải hội ý lại để bàn về đáp án. Cho nên sẽ thuộc đáp án để chấm điểm nhanh cho HS sau đó, không cần mất thời gian cho việc ngồi lại một lần để bàn đáp án nữa. Thứ hai, sẽ tạo sự cạnh tranh trong GV.
Trong giờ chào cờ, chúng tôi có nói với HS khối 12 là trong lúc các em làm bài thi học kỳ 2 đợt vừa qua, thì các thầy cô em cũng được làm bài luôn. GV Toán chỉ làm 50% thời gian và được 10 điểm. Các em phải noi gương các thầy cô. Điều này đã làm cho HS rất phấn chấn.
Đây cũng là 1 điều ngấm ngầm cho ban giám hiệu chúng tôi là qua kết quả này, để có một phần cơ sở đánh giá GV chủ chốt dạy khối 12 trong năm sau. Tất cả điều chúng tôi làm đều không đưa vào quá trình thi đua của GV.
Học sinh trường THPT Cao Thắng sau kỳ thi mới biết là trong lúc mình làm bài thì các thầy cô cũng làm cùng đề thi để kiểm tra chất lượng.
Có những phản ứng nào từ phía GV không, thưa cô?
Có những người yếu thì có vẻ bực bội. Nhưng tôi làm việc này là để nâng cao trách nhiệm, chuyên môn GV chứ không có ý gì xấu cả.
Theo cô, những GV thấp điểm là do đâu?
GV trong trường đa phần đều tốt, họ làm thấp điểm có thể do tâm lý trong ngày đó, hoặc do không được chuẩn bị trước việc phải làm đề thi của HS.
Năm tới cô có định áp dụng hình thức này tiếp tục với GV không?
Đây là năm làm thử nghiệm và mang tính đột xuất. Cái này do mình lao động, sáng tạo nên nảy ra ý tưởng. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Không biết mình làm thế này cấp trên biết được có ý kiến la rầy gì không nữa. Nhưng năm tới, nếu tiếp tục cho GV làm đề thi của HS thì mình sẽ báo cho GV trước để có sự chuẩn bị tốt hơn về tâm lý.
Cô Hoàng Thị Mai - hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng (TP Huế).
Xin cô cho biết nguyên nhân sâu xa của việc thử nghiệm này?
Vấn đề dạy thêm học thêm từ lâu nhiều người đã nói rồi, nên tôi nghĩ không "đánh" từ gốc thì làm sao mà giải quyết được. Căn nguyên của việc dạy thêm là thầy cô nào dạy HS được điểm cao thì được nhiều em tới học. Những GV trong trường, lúc trước, khi trường ra đề và giao đề thi, đề kiểm tra 1 tiết, 15 phút xuống tổ bộ môn thì ít nhiều cũng biết cấu trúc đề một vài phần. Nên họ đem về dạy HS đang học thêm chỗ họ. Khi thi, HS đương nhiên được cao điểm.
Giờ đề của trường chỉ có tôi và một số rất ít người biết, chứ không giao về bộ môn nữa. Lần đầu làm, GV cũng “đảo chính” tôi, vì đó chính là cơm áo gạo tiền của họ. GV dạy lớp nào thì cứ "lùa" HS nhiều về nhà họ dạy. Nhưng sau khi quản lý đề, các HS thấy học ở GV dạy trên lớp mà điểm vẫn thấp thì tỏa ra đi học thêm ở những thầy cô giỏi ở trong toàn thành phố. Chứ không học nhiều ở GV dạy mình như trước đây.
Điều này đã khiến trình độ các em nâng lên cao hơn. Chứng tỏ trong kỳ thi tốt nghiệp 3 năm qua, 100% HS đậu toàn bộ. Trong năm 2012, đậu tốt nghiệp loại Khá, Giỏi đã tăng với hơn 30%. Thi đại học vượt trên điểm sàn có 76,4%. Đậu nguyện vọng 1 đại học, trường có hơn 150 em, chiếm một nửa số HS lớp 12 đi thi. Trước đây, trường chúng tôi có đầu vào lớp 10 đứng gần chót trong các trường cấp 3 ở Huế. HS học ở đây yếu nhiều. Nhưng do làm chặt, hiện tượng này đã giảm hẳn.
Chúng tôi cũng có một điểm nữa là 1 tuần chào cờ đến 3 lần, mỗi lần chào cờ cho mỗi khối để nói được với các em nhiều vấn đề sâu hơn. Dù mệt hơn nhưng tôi nghĩ mình phải dành tâm huyết cho học sinh. Tôi có chiếu trên máy chiếu cho toàn trường xem mỗi thầy cô dạy HS tương ứng với bao nhiêu em được điểm yếu, trung bình hay khá, giỏi qua các bài kiểm tra, bài thi để toàn bộ đánh giá khách quan năng lực của mình.
Việc kiểm tra đột xuất khi cho GV thi đề của HS như vừa qua cũng là một cách làm mới để góp phần nâng cao chất lượng GV trong trường mà thôi. Và tôi cũng mong cách làm của mình được nhiều người ủng hộ.
Xin cảm ơn cô!
Đại Dương (ghi)
DCNM
(5/7/2013 11:26:00 PM)
thuylan559@yahoo.com
Cần nhiều hơn nữa những người như cô Mai .
trần hoàng dơn
(5/7/2013 11:25:00 PM)
hoangdon79@ymail.com
xin hoan nghênh sáng kiến của cô Mai-đại diện tiêu biểu cho giáo viên tâm huyết với giáo dục; lúc đầu thực hiện tuy có nhiều áp lực nhưng em tin những giáo viên có tâm, có tầm đều ủng hộ cách làm của co
đặng văn thành
(5/7/2013 11:18:00 PM)
dangthanhphat6@gmail.com
tôi cũng đồng tình và ủng hộ cách làm nay.
Phạm Bình Minh
(5/7/2013 11:17:00 PM)
Boy_dhhh_hp@yahô.com
Giáo viên mà chỉ làm đề học kỳ thì đánh giá sao được. Phải cho làm đề thi đại học thì mới đánh giá được chất lượng giáo viên. Vì những đề này thì học sinh từ mức trên khá,giỏi là làm được rồi.
Trần Công Văn - Giáo viên Hàm Nghi
(5/7/2013 11:16:00 PM)
trancongvan14284@gmail.com
Trước hết xin cám ơn báo Dân Trí đã có cuộc trao đổi và đăng bài viết thú vị này đến bạn đọc. Với tư cách là người trong nghề, tôi thật sự bất ngờ và thầm cám ơn cô Hoàng Thị Mai hiệu trường Cao Thắng (Huế) đã có một sáng kiến vừa thích thú, vừa nhiều trăn trở và không ít đắn đo cho nhiều người... Lâu nay, chúng ta chỉ có thói quen kiểm tra, đánh giá học sinh của mình mà không bao giờ thử đóng vai các em , cùng làm đề thi với các em, để mình thật sự trải nghiệm. Chúng ta đâu dám chắc rằng nếu làm vậy mình sẽ hơn được các em-nhất là các em khá ,giỏi. Các em sẽ cảm thấy rất tự hào khi thấy một thầy cô cùng làm bài với mình, thầy chỉ làm có nửa thời gian là được điểm tối đa. Hình ảnh của thầy sẽ đẹp biết bao, các em sẽ đón đợi tiết học của thầy nhiều hơn và hiệu quả giảng dạy sẽ nâng cao- đó là điều chắc chắn. Nhưng nếu ngược lại thì sao?...ta hãy tự trả lời! Nhưng chắc chắn sẽ rất buồn và hổ thẹn. Nghĩ thế thấy sáng kiến của cô thật là một mũi tên bắn trúng cả 3 đích: Giáo viên phải luôn luôn tự học, tự rèn nghiêm chỉnh hơn, ý thức hơn, ngăn nắp hơn. Học sinh tự tin hơn hứng thú hơn, tự hào hơn. Ngành giáo dục vì thế sẽ tốt hơn, chất lượng hơn, nhiều niềm vui hơn. Đó chẳng phải là một sáng kiến độc đáo, cần được ghi nhận và trân trọng hay sao?
Dũng
(5/7/2013 11:01:00 PM)
ledungbv87@gmail.com
Không ổn lắm. Phương án kỳ quặc...chẳng giống ai. vì khi dạy Hs thì Hiệu Trưởng không ai hết hiểu GV đó dạy ntn năng lực ra sao.haiz,...làm vậy sẽ làm mất lòng tự trọng quá
tiêu dân
(5/7/2013 10:50:00 PM)
tieu_dan@yahoo.com
Chắc bạn là một giáo viên đạt 7,5 điểm phải ko? chỉ như vậy bạn mới phát biểu được như thế thôi. Giao viên mà làm sai tơi 25%, không ổn chút nào
QQ
(5/7/2013 10:47:00 PM)
quyenln82@gmail.com
Nói vậy cũng thiệt thòi cho các thầy cô. Đùng một cái kêu bạn đứng lên giới thiệu về bản thân đôi khi bạn còn lúng túng nói không trọn vẹn chứ nói gì cả một bài thi. Làm gì thì cũng phải có thời gian chuẩn bị mới có thể làm tốt được chứ thi bất ngờ như thế thì sai sót chút đỉnh là bình thường. Nhất là các môn có nhiều số liệu như Sử, Địa.
VuongDinhHoi
(5/7/2013 10:42:00 PM)
vuongdinhoinyt@gmail.com
Hay cách làm hay nếu trường tôi hiệu trưởng làm thế tôi giơ hai tay ủng hộ.
hung
(5/7/2013 10:36:00 PM)
kieuhungpharm@gmail.com
Chỉ có những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới có những việc làm hay như vậy. Tất nhiên cái mới ắt sẽ có một số người không ủng hộ vì lý do khác nhau. Chúc cô mạnh khỏe, vững vàng và tiếp tục có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét