Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Nobel Kinh tế cho “Nguyên nhân và hậu quả trong kinh tế vĩ mô”

Nobel Kinh tế cho “Nguyên nhân và hậu quả trong kinh tế vĩ mô”

Hạ Ninh

Ông Thomas J. Sargent. Ảnh: Nobelprize

  (TBKTSG Online) - Giải Nobel Kinh tế 2011 đã được Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển công bố thuộc về hai nhà kinh tế người Mỹ, Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims hôm 10-10.

Ủy ban trao giải Nobel cho hay: “Hai ông được trao giải nhờ những công trình nghiên cứu kinh nghiệm về nguyên nhân và hậu quả trong kinh tế vĩ mô”.

Giáo sư Thomas J. Sargent  hiện giảng dạy tại Đại học New York (Mỹ) và giáo sư Christopher A. Sims hiện giảng dạy tại Đại học Princeton, New Jersey (Mỹ). Hai người từng được dự đoán nhận giải Nobel Kinh tế năm 2008.

Đại diện ủy ban trao giải phát biểu trong buổi công bố giải thưởng: “Sự gia tăng tạm thời tỷ lệ lãi suất hoặc cắt giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến GDP và lạm phát như thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngân hàng trung ương tạo ra sự thay đổi lâu dài trong mục tiêu lạm phát hoặc một chính phủ thay đổi mục tiêu cân bằng ngân sách? Năm nay, những người được nhận giải Nobel đã phát triển phương pháp để trả lời những điều này và nhiều câu hỏi khác liên quan đến mối quan hệ nhân quả giữa chính sách kinh tế và các biến số kinh tế vĩ mô khác nhau, chẳng hạn như GDP, lạm phát, việc làm và đầu tư.



Ông Christopher A. Sims. Ảnh: Nobelprize
Những việc xảy ra thường có mối quan hệ hai chiều - chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế, nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến chính sách. Kỳ vọng về tương lai là khía cạnh chính. Những kỳ vọng ở bộ phận tư nhân liên quan đến hoạt động kinh tế trong tương lai và các quyết sách ảnh hưởng đến tiền lương, tiết kiệm và đầu tư. Đồng thời, các quyết sách kinh tế bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về sự phát triển trong khu vực tư nhân. Những phương pháp của các nhà kinh tế trên có thể được áp dụng để xác định các mối quan hệ nhân quả và giải thích vai trò của kỳ vọng. Điều này giúp tạo khả năng xác định ảnh hưởng của các biện pháp chính sách bất ngờ cũng như những thay đổi chính sách hệ thống.

Ông Sargent đã cho thấy nghiên cứu kinh tế vĩ mô khung có thể được dùng để phân tích các thay đổi vĩnh viễn trong chính sách kinh tế. Phương pháp này có thể được áp dụng nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế vĩ mô hộ gia đình và công ty, điều chỉnh kỳ vọng của họ đồng thời với sự phát triển kinh tế.

Ví dụ, thời kỳ sau Thế chiến II, nhiều nước ban đầu có xu hướng thực hiện chính sách lạm phát cao nhưng cuối cùng lại đưa ra những thay đổi hệ thống trong chính sách kinh tế và trở lại là tỷ lệ lạm phát thấp hơn.

Trong khi đó, ông Sims phát triển phương pháp dựa trên cái gọi là “sự tự điều chỉnh véc-tơ” để phân tích nền kinh tế đang bị những thay đổi tạm thời trong chính sách và các yếu tố khác ảnh hưởng như thế nào. Ví dụ, ông Sims và các nhà nghiên cứu khác đã áp dụng phương pháp này để kiểm tra tác động của sự gia tăng tỷ lệ lãi suất của ngân hàng trung ương. Thường phải mất một hoặc hai năm, tỷ lệ lạm phát mới giảm, trong khi tăng trưởng kinh tế giảm dần trong ngắn hạn và không phát triển bình thường trở lại vài năm sau đó.

Mặc dù ông Sargent và ông Sims thực hiện nghiên cứu độc lập, nhưng sự đóng góp của họ bổ sung cho nhau bằng nhiều cách. Những công trình mang tầm ảnh hưởng của họ suốt những năm 1970 – 1980 đã được các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới thông qua. Ngày nay, các phương pháp do ông Sargent và ông Sims phát triển là những công cụ thiết yếu trong phân tích kinh tế vĩ mô.

Năm 2010, công trình nghiên cứu về thất nghiệp và những cản trở trong quá trình tìm việc của người lao động và tìm nhân lực của nhà tuyển dụng đã giúp ba nhà kinh tế Peter A. Diamond (MIT), Dale T. Mortensen (Đại học Northwestern) và Christopher A. Pissarides (London School of Economics) đoạt giải Nobel Kinh tế. Công trình nhìn tình trạng thất nghiệp của nền kinh tế từ góc độ hành vi cá nhân của người tìm việc và nhà tuyển dụng trong thị trường lao động, nhằm giải thích vì sao thậm chí trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng vẫn có người thất nghiệp và doanh nghiệp thiếu nhân lực.

Những nhà kinh tế đã nhận giải thưởng Nobel Kinh tế từ năm 1969 gồm có Milton Friedman, Amartya Sen, James Tobin, Paul Krugman, Robert Solow và Gunnar Myrdal.

Giải Nobel Kinh tế cũng là giải Nobel cuối cùng của năm 2011 được tuyên bố. Các giải thưởng sẽ chính thức được trao vào ngày 10-12, nhân kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel.

(theo Nobelprize)
-----------

Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims - hai nhà khoa học người Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh tế 2011 vì những nghiên cứu của họ về chính sách kinh tế vĩ mô.
>Nobel Kinh tế 2010/2009/2008

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế học năm nay, thuộc về hai nhà khoa học Mỹ Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims.
Christopher Albert "Chris" Sims, sinh năm 1942 là nhà kinh tế học người Mỹ. Hiện ông là Giáo sư cấp cao giảng dạy bộ môn Kinh tế và Ngân hàng tại Đại học Princeton.
Còn Thomas John "Tom" Sargent, sinh năm 1943 là nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô, và tiền tệ. Ông được tôn vinh là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay.
Hai nhà kinh tế học vừa đoạt giải Nobel.
Hai nhà kinh tế học vừa đoạt giải Nobel.
Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển tuyên bố trao giải Nobel Kinh tế năm 2011 cho hai nhà khoa học người Mỹ Thomas Sargent và Christopher Sims vì những nghiên cứu của họ về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế.
Hai người chiến thắng đã trả lời được những câu hỏi như kinh tế tăng trưởng như thế nào và lạm phát bị chi phối bởi sự tăng lên tạm thời của lãi suất và cắt giảm thuế ra sao. Họ thực hiện những nghiên cứu độc lập từ những năm 1970 và 1980.
Nghiên cứu của Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims chủ yếu xoay quanh quan hệ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với những biến đổi của nền kinh tế. Tương tự như câu chuyện “con gà và quả trứng”, giới kinh tế học trước đây thường tranh luận về việc các chính sách là nguyên nhân gây ra biến đổi trong nền kinh tế hay những biến động thực tế là cơ sở để hình thành chính sách.
Tuy nhiên, nghiên cứu của 2 nhà khoa học Mỹ đã góp phần xác định một cách định tính và định lượng mối quan hệ nêu trên. Chẳng hạn các chính sách của cơ quan quản lý như Chính phủ hay Ngân hàng trung ương sẽ tác động như thế nào, bao lâu và với liều lượng ra sao đối với các biến số của nền kinh tế như GDP, lạm phát…
Trong khi các nghiên cứu của Christopher A. Sims tập trung vào những biến động ngắn hạn như tăng lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, trong khi Thomas J. Sargent tập trung vào những thay đổi mang tính hệ thống và dài hạn hơn như mục tiêu lạm phát, thâm hụt ngân sách…
Do không thể thực hiện các thực nghiệm tương tự các môn khoa học tự nhiên, nghiên cứu của 2 nhà khoa học chủ yếu dựa trên các dữ liệu quá khứ. Thông qua các dữ liệu này, họ xây dựng các mô hình toán học, lý giải và cuối cùng là mô hình phỏng đoán cho các biến động có thể xảy ra với nền kinh tế khi chính sách thay đổi trong tương lai.
"Ngày nay, các phương pháp do Sargent và Sims phát triển có vai trò rất quan trọng trong việc phân tích kinh tế vĩ mô", Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển tôn vinh hai nhà kinh tế.
Cũng như những người đoạt giải Nobel khác, hai nhà khoa học sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,5 triệu USD).
Kết quả này cũng trùng khớp với dự đoán trước đó của giới khoa học thế giới. Hai nhà khoa học người Mỹ được chọn từ một danh sách với hàng loạt cái tên như nhà lý thuyết học người Ấn Độ Avinash Dixit; Giáo sư người Pháp Jean Tirole với các nghiên cứu về tổ chức công nghiệp; Giáo sư từ trường MIT Jerry A. Hausman, người đã tạo ra phương pháp giúp các nhà khoa học đánh giá biểu mẫu thống kê.
Năm 2010, Nobel Kinh tế được trao cho 2 nhà khoa học người Mỹ và một người Anh: Peter A. Diamond - Học viện công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ); Dale T. Mortensen - Đại học Northwestern (Mỹ); Christopher A. Pissarides - Trường Kinh tế và Chính trị London (Anh).
Trước đây, Kinh tế học vốn không phải là một trong những lĩnh vực được nhà công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel chọn trao giải thưởng như theo di chúc của ông.
Năm 1968, giải thưởng dành cho các nhà kinh tế học bắt đầu được tổ chức. Từ năm 1969 đến 2009, lần lượt đã có 41 giải thưởng được trao cho 64 nhà kinh tế học. Trong đó có hơn 40 người Mỹ.
Người trẻ nhất từng nhận giải là ông Kenneth J. Arrow đến từ Đại học Harvard (Mỹ). Ông nhận giải thưởng này năm 1972, khi mới 51 tuổi, cùng một cộng sự hơn mình 17 tuổi. Chủ nhân già nhất của giải Nobel Kinh tế là ông Leonid Hurwicz, nhà kinh tế gốc Nga giảng dạy tại Đại học Minnesota (Mỹ). Ông nhận giải năm 2007, khi tròn 90 tuổi.
Thanh Bình - Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét