Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Nợ công thành đại họa, nếu...

Nợ công thành đại họa, nếu…

TP - “Nếu nợ công tăng cao mà không có khả năng trả nợ thì có thể dẫn đến vỡ nợ như Hy Lạp bây giờ. Quản lý yếu kém không những khiến nợ công thất thoát, không phát huy hiệu quả mà còn đẩy quốc gia đến nguy cơ mất chủ quyền vì phụ thuộc bên ngoài”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Nợ tăng, khó trả
Nợ công tăng cao và tăng nhanh gần đây. Điều đó nói lên vấn đề gì, thưa ông?
Điều đó nói lên Việt Nam muốn đầu tư phát triển kinh tế và những dự án đầu tư vượt ngân sách của Nhà nước. Mỗi năm Việt Nam đầu tư 42-43% GDP, trong khi tiết kiệm nội địa chỉ khoảng chừng 30% GDP, có nghĩa là mình đầu tư trên khả năng tiết kiệm 13-14%. Muốn có phương tiện để đầu tư cao hơn tiết kiệm nội địa thì một là vay nước ngoài, hai là vay trong nước.
Nhà nước đi vay để đầu tư vào những vấn đề mà người dân không thể đầu tư như phát triển hạ tầng mềm như giáo dục, y tế... hay hạ tầng cứng như đường sá, cầu cống, bến cảng... Mỗi ngày kinh tế của mình phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu về vốn tăng cao để đầu tư vào những lĩnh vực mà người dân không thể đầu tư được nên nợ công tăng nhanh cũng là dễ hiểu.
Nợ công đang ở mức độ nào và đã đến mức cảnh báo chưa?
Nợ công hiện nay của Việt Nam ở mức hơn 52% GDP, nhưng điều đó không nói lên vấn đề gì. Vay về để làm gì và có đủ khả năng trả nợ hay không mới là vấn đề đáng nói. Nếu mình vay 52% GDP mà GDP của mình mỗi năm tăng 5-7% và tạo ra các nguồn thu ngân sách, và trả được nợ công thì không thành vấn đề.
Chúng ta phải xem xét nợ công đang được đầu tư vào lĩnh vực gì và hiệu quả tới đâu thì mới biết 52% là nhiều hay ít. Nếu đầu tư vào những Cty phát triển tốt và chỉ số ICOR thấp thì hiệu quả kinh tế cao sẽ không có vấn đề gì. Nhưng nếu đầu tư vào những doanh nghiệp Nhà nước bị lỗ và ICOR là 8, 9 thậm chí 14, tức là không có hiệu quả kinh tế và như vậy thì rất nguy hiểm.
Theo ông, khả năng trả nợ công của nền kinh tế hiện nay như thế nào?
Chúng ta đang rất khó khăn. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 30% doanh nghiệp đứng trước tình trạng phá sản và 50% doanh nghiệp đứng trước tình trạng khó khăn. Nếu tình hình kinh tế cứ đình đốn thế này thì lấy đâu nguồn thu để trả nợ công.

Tham nhũng, rút ruột kéo dài
Ngoài việc sử dụng vào mục đích đầu tư, nợ công còn được đem cho vay lại?
“Những người đại diện Nhà nước sử dụng tiền Nhà nước vay nước ngoài về để làm những việc ích nước lợi dân mà không làm, mà làm thất thoát nghiêm trọng nợ công thì tội rất lớn.
Những người có trách nhiệm mà rút ruột công trình thì không phải chỉ mắc tội ăn cắp mà còn là tội làm mất chủ quyền quốc gia vì khiến quốc gia bị lệ thuộc nước ngoài. Tội đó là cực kỳ nghiêm trọng.
Không phải chỉ 5, 10 hoặc 20 năm nữa các thế hệ sau phải trả những khoản nợ đó mà khiến quốc gia rơi vào nguy cơ mất chủ quyền như bài học của Hy Lạp thì cái đấy mới là nguy hiểm”- Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Thì đấy, Nhà nước phát hành trái phiếu vay hàng trăm triệu USD về cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng. Mỗi năm, Nhà nước đều cấp tiền cho các doanh nghiệp Nhà nước, một là dưới hình thức cấp vốn, hai là dưới hình thức cho vay lại. Nhiều trường hợp cho vay xong rồi lỗ thì khoanh nợ, khoanh xong rồi xóa nợ...
Theo ông, việc sử dụng nợ công hiệu quả tới đâu?
Ở Việt Nam đang có vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, đó là nạn tham nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công. Ví dụ mình vay tiền về xây dựng xa lộ với mục đích là bền vững, hiện đại nhưng vì rút ruột nợ công nên nền móng của con đường không có chất lượng, mới mấy năm đã trồi lên trụt xuống.
Một lần làm không xong, không đủ chất lượng phải phá ra làm lại, nhưng làm lại vẫn bị rút ruột. Một công trình bị rút ruột ba, bốn lần. Nếu cứ tiếp tục như thế thì nợ công chồng chất.
Theo báo cáo của Quốc hội, công trình nào cũng bị rút ruột 5, 10, 20%, thậm chí đến 30%. Theo tôi được biết từ báo cáo của Chính phủ, tình trạng rút ruột công trình rất nhiều mà không giải quyết được. Một mặt, mình đầu tư vào những dự án không có hiệu quả kinh tế; mặt khác do quản lý kém nên để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và rút ruột các công trình đầu tư từ nợ công.
Mình sử dụng nợ công vào việc có ích, nhưng hiệu quả rất thấp. Chẳng hạn, mình làm con đường thì là có ích chứ, bởi nó giúp cho việc thông thương hàng hóa, đời sống kinh tế, xã hội hai bên con đường đó phát triển. Nhưng lẽ ra hiệu quả phải gấp 2-3 lần. Tức là hiệu quả không xứng với đồng tiền bỏ ra và chỉ hiệu quả tức thời. Ví như con đường người ta làm chạy được 20-30 năm thì mình làm chỉ chạy được 3-4 năm đã phải đào lên sửa chữa.
Theo ông, làm thế nào để giảm nợ công?
Trước nhất, Nhà nước phải xem lại tất cả các công trình đầu tư, cái nào cần và cái gì chưa cần. Vừa qua phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhưng địa phương làm vì quyền lợi của địa phương chứ không phải vì quyền lợi của toàn quốc gia. Dẫn đến mỗi địa phương lại có một cái cảng, địa phương đua nhau làm sân bay...
Anh nào cũng muốn làm nhà máy xi măng, nhà máy đường kể cả làm nhà máy đường ở nơi không có mía, làm xong để đó cho hư hỏng hoặc xin ngân sách để chuyển đi nơi khác có mía... Mình phải rà soát lại và muốn nợ công được sử dụng tốt thì phải xem lại nợ công dùng để làm gì. Nếu thật sự cần thiết thì phải làm hết sức tốt, nếu không cần thiết thì dứt khoát cắt giảm.
Quản lý yếu kém khiến nợ công thất thoát đang là mối lo lớn
Quản lý yếu kém khiến nợ công thất thoát đang là mối lo lớn.
Có thể vỡ nợ như Hy Lạp
Nợ công liên tục tăng cao sẽ dẫn đến hệ lụy gì?
Nếu nợ công tăng cao mà không có khả năng trả nợ thì có thể dẫn đến vỡ nợ như Hy Lạp bây giờ. Hệ lụy của nợ công, nếu không trả được sẽ dẫn đến lệ thuộc nước ngoài, lệ thuộc các quốc gia hay những tổ chức tài chính nào đó, bởi mình không có quyền kiểm soát mà phải nghe theo họ. Thậm chí phải chấp nhận những việc mà bình thường một quốc gia không thể chấp nhận được.
Hiện Việt Nam không có lý do gì phải đi vay nợ công 100%, thậm chí 200% GDP như một số nước, nhưng nếu cần thiết để phát triển kinh tế thì nợ công ở mức 50, 60 hay 70% GDP mà mình có khả năng để hoàn trả thì không có vấn đề gì.
Theo ông vấn đề quan trọng là phải giảm nợ công hay quản lý nợ công có hiệu quả?
Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất vẫn là quản lý có hiệu quả, và quản lý cái gì thì phải xem lại đầu tư vào những cái gì, chứ không phải đầu tư vào những công trình mà mình chưa cần dùng. Mình có chừng đó tiền thì phải làm những cái gì cho nó tốt nhất chứ không phải là cắt giảm.
Mục đích không phải là giảm nợ công mà là sử dụng hiệu quả để đất nước phát triển. Mà muốn sử dụng cho tốt thì phải rà soát lại tất cả dự án đầu tư công và phải có những nhân sự cần thiết để quản lý cho hiệu quả.
Ông Thành nói: Theo báo cáo của Bộ Tài chính vừa công bố, nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến tháng 12-2010 là 32,5 tỷ USD, tăng từ 27,9 tỷ USD cuối năm 2009, trong đó nợ trực tiếp của Chính phủ là 27,9 tỷ USD, còn lại là nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh. Năm 2009, nợ trực tiếp của Chính phủ là 23,9 tỷ USD, bảo lãnh là 3,98 tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính dự kiến, nợ công năm 2011 khoảng 58,7% GDP.
Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ công năm 2007 là 33,8% GDP, 2008 là 36,2%, 2009 là 41,9% và 2010 là 56,7% GDP. Những con số này cho thấy tỷ lệ nợ công tăng cao và tốc độ tăng nợ công mỗi năm khoảng 5%.
 
Đại Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét