Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

40 NĂM PHIM “HÀ NỘI TRONG MẮT AI"

40 NĂM PHIM “HÀ NỘI TRONG MẮT AI"
Fb Mạc Van Trang MVT- Ông bạn Trần Văn Thuỷ đau yếu dài dài, mà lúc nào hỏi thăm cũng bảo: Buồn lắm, bao nhiêu chuyện… bây giờ tôi chả làm được gì!
Tôi bảo, ông đã có phim “Những người dân quê tôi", “Phản bội", “Hà Nội trong mắt ai", “Chuyện Tử tế" và hàng chục phim khác để đời, lại thêm cuốn “Chuyện Nghề của Thuỷ", vậy là quá đủ rồi…

Lão Thuỷ bảo, ờ nhỉ, loáng cái đã 40 năm “Hà Nội trong mắt ai" rồi! Ngày ấy không thể hiểu, tại sao mình đem hết tâm huyết chuyển tải những thông điệp của cha ông, chỉ mong chính quyền này học lấy cách trị nước an dân của tiền nhân để mở mày, mở mặt ra… Vậy mà bị hành trên bờ xuống ruộng, khốn khổ, khốn nạn…May mà còn sống đến hôm nay!

Ông bạn ơi, bây giờ vẫn vậy, TẤT CẢ LÀ TẠI ĐÁM TƯ TƯỞNG, TUYÊN HUẤN! 

Xem “Chuyện nghề của Thuỷ" thì rõ. Xin lẩy ra 2 đoạn.

Đoạn 1:
TẠI SAO LẠI “HÀ NỘI TRONG MẮT AI”? ĐỘNG CƠ GÌ? MỤC ĐÍCH GÌ?

Sau khi phim “Phản Bội” gây chấn động và đoạt Giải Vàng 1980, Thủy chẳng biết làm cái gì tiếp theo.
Đề tài trên đưa xuống vẫn là những chuyện "Cúng cụ". Làm tiếp cái gì đây khi mà "Phản Bội" đã là một cột mốc khó vượt qua ? Năm 1981 Thủy lang thang, vật vờ, cuối năm bình bầu, Thủy chả được “tiến tiến” hay “hoàn thành nhiệm vụ” đã đành mà còn bị xếp loại lao động “kém”!
Năm 1982, Thủy chơi dài cũng chán, nên chủ động đề nghị “trên” giao cho làm phim gì, đề tài gì cũng được...miễn là có phim, cuối năm đỡ rắc rối về "Năng suất lao động". Rồi tình cờ được giao làm phim “Hà Nội năm Cửa ô” - một loại phim quảng bá cho khách du lịch về Hà Nội... Và từ đó sinh ra lắm chuyện LẠ.
Từ “Hà Nội năm cửa ô” sao lại thành “Hà Nội trong mắt ai”?
Kể như người dễ tính, hồn nhiên thì làm phim “Hà Nội năm cửa ô” ngon lành, nhoáng cái là xong, khéo còn được khen “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”!...
Nhưng khốn nỗi “máu nghệ sĩ”, của Thủy lại không cho phép làm như vậy. Thủy lang thang, lần mò qua các Cửa ô, các di tích lịch sử, suy tưởng mung lung, quan sát phố phường... Thuỷ kể:
“Hàng tháng trời tôi lang thang vào các đền chùa, điện Huy Văn, gọi là điện thì thật là tội nghiệp, chùa Bộc, đền Quan Thánh, nhà thờ Nguyễn Trãi, nhà thờ Chu Văn An, nhà thờ Ngô Thời Nhậm, Văn Miếu, mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, dấu xưa của Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... Cả tháng trời tôi lần mò đọc sách ở Thư viện Quốc Gia, Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học; tìm gặp các nhà nghiên cứu như ông Nguyễn Vinh Phúc, ông Trần Huy Bá (ông Bá là anh em thúc bá với sử gia Trần Huy Liệu)...
Có lúc bỗng như bừng tỉnh, tôi tự hỏi, tôi đang làm gì thế này? Quên béng rằng công việc trước mắt của tôi là làm phim chứ không phải tìm đọc lan man như thế.
Tất cả những gì làm nên sự tích của các bậc tiên liệt tôi sưu tầm được, học hỏi được đều ám ảnh tôi, lôi cuốn tôi. Đêm ngày tôi sống với những chuyện ấy, bị hút hồn vào những chuyện ấy. Tôi bàng hoàng và mặc cảm, thì ra trước đây tôi chẳng hiểu gì về Hà Nội cả. Tôi thấy ngàn lần có lỗi với tiền nhân vì không ý thức được rằng cha ông ta đã dày công như thế nào, đã hoài vọng như thế nào đối với hậu thế”...
“Thôi thì đằng nào cũng nhận làm rồi. Cũng tiền của ấy, công sức ấy, thời gian ấy, cũng vẫn đề tài Hà Nội nhưng làm khác đi về nội dung, về hồn cốt. “Hà Nội Năm Cửa Ô” là Hà Nội cho quảng bá du lịch. “Hà Nội Trong Mắt Ai” là Hà Nội tư tưởng, Hà Nội cho cách thức trị nước yên dân. Trước khi khởi quay, tôi bỏ thời gian lấy giấy bút ra làm rất kỹ cái việc “kê đơn bốc thuốc”, nghĩa là xã hội đương thời có những khuyết tật gì, bệnh hoạn gì cần điều trị, tôi ghi ra theo cách gạch đầu dòng để khi trích các tích tuồng của lịch sử trong quá vãng mà có thể khiến người ta liên tưởng, người ta giật mình, người ta ngẫm nghĩ thì tôi tương vào”...

2. Thế lực nào xúi giục, đứng sau “Hà Nội trong mắt ai”?

Sau khi hoàn thành, “Hà Nội trong mắt ai” đưa duyệt, cấp trên đập bàn: Ai chủ trương làm phim này? Nhưng chiếu thử ở một số cơ quan, đơn vị, lại gây tiếng vang. Đa số thấy hay quá, tán thưởng, nhưng một số, nhất là bên Tuyên huấn, cụ thể là các ông Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường, Văn Phác bị sốc. (Sau này Thủy mới biết, các ông "bị sốc" cũng là theo lệnh của cấp trên các ông). Phim bị cấm chiếu và Thủy bắt đầu bị nghi vấn: “Có thế lực nào đứng sau”, có “ai xúi giục, kích động không”? “Phim làm với động cơ, mục đích gì”?...
Thủy nhớ lại:
“Khốn nạn quá! Cái chữ “xưa” sau này làm mình điêu đứng. Người ta thẩm vấn: Thế thì tại sao không phải thời phong kiến mà lại là thời phong kiến xưa? Anh nói như thế là có thời phong kiến nay à? Rồi thì “Lê mạt là Lê nào?”
Thủy kể: “1983, 1984, 1985, 1986... tôi không còn cái gì nữa. Kể cả điều kiện làm việc cho đến “miếng cơm manh áo”, tất tật. Vợ tôi bảo tôi điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn”...
Khi bị truy hỏi, Thủy luôn khẳng định với cơ quan công an và những người có trách nhiệm rằng:
- “Kịch bản “Hà Nội Năm Cửa Ô” chỉ là cái cớ để tôi khởi đầu, để tôi có người cộng sự, có máy móc, có phim nhựa, nó không có liên quan gì đến hồn cốt của “Hà Nội Trong Mắt Ai” cả.
- Nội dung “Hà Nội Trong Mắt Ai”, tức là cái kịch bản đích thực để làm phim là do chính tôi viết, tôi thực hiện, tôi chịu trách nhiệm.
- Khi phim dựng xong, cái tên phim “Hà Nội Trong Mắt Ai” do tôi đặt và toàn bộ lời bình cũng do tôi viết.
Tôi không thể đổ sự phiền lụy cho ai và càng không thể bịa ra rằng ai đã xúi bẩy tôi trong công việc này”...
...Hàng ngày Thủy tìm đến những nơi từng quay bộ phim này để suy ngẫm, thắp hương và khấn thầm: “Thưa các bậc tiên liệt, con có tội tình gì không? Bộ phim chỉ nói về sự anh minh của các vị, lẽ nào lại bị đổ”...
Sao lúc ấy Thủy không khai với An ninh và Tuyên giáo: Chính các vị Tiên liệt đã xui khiến, kích động tôi làm bộ phim này! He he!

3. Tại sao phim không sửa được?

Thủy “kêu” với các vị chức sắc: Xin các anh chỉ bảo cho những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi sửa. Ít nhất thì các anh cũng phải chiếu cho anh chị em trong hãng, trong Cục Điện ảnh, Xưởng phim bạn, cho các Hội văn học, nghệ thuật để người ta góp ý...
Xem phim xong, nhiều người thốt lên: “Sao cái phim như thế này lại bị cấm?”. Không ai, kể cả các vị bên Viện Triết, Viện Sử, Viện Văn, Viện Hán Nôm... đều tán thành nội dung cuốn phim. Ban giám đốc hãng “kính chuyển” ý kiến này lên những người “cầm cân nảy mực”. Họ đồng ý cho sửa bộ phim, nhưng khi hỏi “cần sửa chỗ nào” thì một vị nói gọn lỏn: “Bộ phim này sai đến mức không thể sửa được”! Và có lệnh bất thành văn từ đâu đó: “Không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào!”.
Tại sao lại không thể sửa được? Vì sửa sao được những bằng chứng lịch sử của tiền nhân! Sửa sao được các Danh ngôn của các Danh nhân? Vì phim toàn nói đúng sự thật, thì sửa sao được SỰ THẬT. Đây là vài ví dụ từ Phim:
- ... “nơi vườn hoa Cửa Nam bây giờ, năm 1491, Lê Thánh Tông đã cho dựng đình Quảng Văn, trong đình đặt trống Đăng Văn để ai có điều gì oan khuất, hết nơi bày tỏ, đến đây đánh lên ba hồi trống, nội quan ra nhận đơn và nhà vua sẽ xét xử.
Luận về các thời phong kiến xưa, các sử gia góp rằng “giá như thời hậu Trần hay thời Lê mạt mà đặt trống Đăng Văn ở đây thì dân chúng quanh vùng sẽ phải đinh tai nhức óc”...
“Khéo thay 38 năm Lê Thánh Tông cầm quyền lại là một giai đoạn cực thịnh của đất nước. Vua hiền, tôi giỏi, tỏ rõ cái tài coi sóc trăm họ của một người công minh”...
Có phải A-bu-ta-líp đã nói với chúng ta rằng:
“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
- “3 lần ra Thăng Long, lần nào cũng kinh thiên động địa. Đâu đó như còn vang vọng lời Quang Trung hào hùng lệnh cho tướng sĩ:
“Đánh cho nó tan tành xe pháo;
đánh cho nó mảnh giáp sạch không;
đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ...”
“Ngôi chùa này - chùa Bộc nằm ngay trên chiến trường cũ của vua Quang Trung. Một tấm bia trong chùa còn ghi rằng: “Khoảnh dĩ binh tai chi hậu chuyển nhỡn thành không”; nghĩa là: Sau trận hỏa công chớp mắt tan ra mây khói.
Trong chùa này chứa đựng một chân lý vĩnh hằng.
Đó là Lòng Dân.
Ngay dưới thời nhà Nguyễn chống Tây Sơn, dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung, tôn thờ người anh hùng áo vải mà tấm lòng bao dung quảng đại còn lớn hơn cả uy vũ vốn đã rất lẫy lừng...
... “Phải chăng vì thế từ năm Bính Ngọ, trong lúc mọi di chỉ Quang Trung đều bị nhà Nguyễn thù hận đốt phá tan tành nhưng dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung. Dòng chữ “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” được tạc kín đáo ở phía sau chân tượng. Phải chăng vì thế mà phía trên đầu Quang Trung không thờ chữ Dũng, chữ Vũ, chữ Uy, chữ Linh mà rực rỡ chỉ một chữ Tâm”.
- Chuyện kể rằng: Hồi cuối Lê, Quang Trung Nguyễn Huệ sau khi diệt Trịnh đã đến thăm vua Lê Cảnh Hưng. Ông vua già mất quyền đã lâu, quan văn quan võ thưa thớt, nay Bắc Bình Vương đường hoàng bước lên thềm rồng, lưng đeo kiếm, mọi người xanh mắt sợ... Chỉ có một mình Phương Đình Pháp tiến ra, lễ phép nhưng dõng dạc nói: “Thưa tướng quân, phép nước lên điện không được đem vũ khí, xin tướng quân cởi kiếm!” Nguyễn Huệ trừng mắt, nhưng Pháp vẫn điềm nhiên. Chợt nghĩ phải, Nguyễn Huệ thản nhiên trao kiếm cho Pháp”...
(Lời bình có tiếng vọng (echo) vang lên trang nghiêm và đĩnh đạc): “Trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn, xã tắc chỉ có thể hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới nói điều phải trái”.
- Sử viết rằng: Mùa xuân năm Bính Thân 1416 ở Lũng Nhai, Lam Sơn, Lê Lợi cho lập đàn cao một trượng rồi cùng Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi và các nghĩa sĩ làm lễ tế trời đất, kết nghĩa ăn thề nguyện đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau trừ ngoại xâm cứu trăm họ. Lúc ấy Lê Lợi chân thành nói:
“Ta là người mặc áo vải chuyên nghề cày cấy nay vì trừ bạo mà nổi binh, lòng không nghĩ đến việc xưng vương xưng bá ”.
Bia Vĩnh Lăng được dựng lên để ghi công lao to lớn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn, nhưng không thấy trên bia ghi câu nói trên; cũng không thấy ghi rằng năm 1429 vì ngờ vực mà Lê Lợi đã sai giết Phạm Văn Xảo; sai 42 lực sĩ về trại Sơn Đông nơi Trần Nguyên Hãn cáo quan ở ẩn, bắt Hãn về kinh trị tội. Dọc đường Hãn đã nhảy xuống sông tự vẫn. Cũng không thấy ghi rằng chính Lê Lợi đã sai bắt Nguyễn Trãi, tước hết quan chức và tống ngục...
... “Mười năm nằm gai nếm mật với nhau là thế”!
- Với vua Lê, Nguyễn Trãi vẫn tha thiết: “...Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng, khiến cho trong xóm ngoài làng không còn tiếng oán hận sầu than. Đó chính là cái gốc của quốc nhạc vậy... Thương yêu dân chúng hãy làm những việc nhân đức. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, chớ vì mình giận mà phạt bừa. Đừng thích tiền của mà xa xỉ. Có thế quốc gia mới yên ổn bền vững lâu dài được.”
Thờ chữ Tâm trong lòng và ngòi bút dám viết lên trời xanh những điều trung thực, Nguyễn Trãi ghi: “Trời không che riêng ai; đất không chở riêng ai. Mến người có nhân là dân, mà người chở thuyền lật thuyền cũng là dân.”
Trong “Quân Trung Từ Mệnh Tập”, Nguyễn Trãi viết: “Lẽ thành bại và sự hưng vong của một quốc gia có liên quan mật thiết tới nỗi vui buồn của người dân.”
- Phải chăng Nguyễn Trãi đã kế thừa tinh thần của Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần đời Trần. Độ nói: “Phàm đã làm vua trong thiên hạ phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, phải biết lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình.”
Phải chăng Nguyễn Trãi đã kế thừa lời trăng trối của Trần Hưng Đạo với vua Trần Anh Tông. Khi Anh Tông vào hỏi kế giữ nước nếu giặc phương Bắc xâm lấn: “Khoan sức dân làm kế sâu gốc bền rễ, lẽ đó là thượng sách để giữ nước.”
-...Tô Hiến Thành là người Hạ Mỗ, Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội. Cuối đời bệnh nặng, có viên tham tri chính sự trong triều là Võ Tán Đường ngày đêm chăm sóc thuốc men; còn quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá bận việc triều chính thì ít đến. Khi ông sắp mất, hoàng thái hậu mới hỏi ông rằng:
- Thưa tướng công, chẳng may một mai tướng công qua đời lấy ai nối nghiệp?
Không đắn đo, ông trả lời:
- Gián nghị đại phu Trần Trung Tá.
Thái hậu rất ngạc nhiên mà rằng:
- Võ Tán Đường mới là người hết lòng phục dịch tướng công, cớ sao tướng công không tiến cử lại lại tiến cử Trần Trung Tá là người ít chăm lo đến tướng công?
Tô Hiến Thành nghĩ rất lung mà rằng:
- Xét trong triều chỉ có Trần Trung Tá là người làm được việc lớn nên tôi tiến cử; nếu thái hậu hỏi người giỏi việc hầu hạ thì tôi sẽ tiến cử Võ Tán Đường!
TÓM LẠI, thói đời, có tật giật mình. Người quân tử thấy Phim nói đúng TẬT của mình thì biết suy ngẫm mà tự SỬA MÌNH; kẻ tiểu nhân thấy Phim nói đúng TẬT của mình thì tức tối, bắt phải SỬA PHIM! Cái máu tuyên huấn nó vẫn thế đấy!
(Nguồn: Chuyện Nghề của Thủy, tr. 155 – 173)
MVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét