Chuyện viết tắt
Trong những năm gần đây, việc viết tắt đã trở nên phổ biến ở đất nước ta. Không những viết tắt được sử dụng phổ biến trên báo chí và ngoài đường phố mà cả ở trong các bài thi của học sinh, sinh viên. Rất nhiều khi chúng ta không hiểu được từ viết tắt đó nghĩa là gì. Trên trang FB này của tôi, anh Tom Nguyen đã nhiều lần bình luận phàn nàn về việc viết tắt làm anh rẩt mệt khi muốn hiểu người viết muốn nói gì.Năm 1959, khi đến thăm Nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm, khi nhìn thấy dòng chữ "NMCKGL nhiệt liệt chào đón Bác Hồ về thăm", Hồ Chủ Tịch đọc to: Nhà Mày Có Khỉ Già Lắm", rồi hỏi Ban giám đốc có phải ý tứ như vậy không, mày là ai ? khỉ già là ai ?
Viết tắt nhằm mục tiêu tiết kiệm giấy mực nên nó chỉ được sử dụng khi cụm từ đó được dùng lặp đi lặp lại nhiều lần trong một văn bản, và nhất thiết phải có cụm từ nguyên văn đầy đủ khi viết lần đầu tiên trong văn bản đó.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp cụm từ đó chỉ được dùng duy nhất 1 lần nhưng vẫn được viết tắt, hoặc viết tắt nhiều lần nhưng trước đó không có cụm từ nguyên văn đầy đủ. Ngoài ra người ta chỉ dùng từ viết tắt ngắn, tối đa chỉ 6-8 từ, như HĐND, ĐCSVN, ASEAN, NATO, UN.
Tôi cho rằng viết tắt không tiết kiệm được bao nhiêu giấy mực nhưng làm văn bản trở nên xấu xí và đôi khi làm người đọc không thể hiểu nổi. Lạm dụng viết tắt thể hiện người viết lười biếng và thiếu trách nhiệm với chính văn bản của mình. Hơn nữa, nó còn làm mất đi sự trong sáng và cái đẹp của tiếng Việt. Đó là chưa nói tới việc thiếu tôn trọng người đọc.
Do vậy, khi công tác, khi viết công trình khoa học hay giảng bài cho sinh viên, hiếm khi tôi viết tắt. Đặc biệt, tôi cũng nghiêm khắc yêu cầu sinh viên không được viết tắt khi làm các bài thi. Trước khi cho sinh viên thi, bao giờ tôi cũng thông báo không chấp nhận những từ viết tắt, những ký hiệu toán học hay mũi tên thay cho lời văn. Tôi cũng không chấp nhận dùng từ tiếng Anh thay cho tiếng Việt, ví dụ dùng "of" thay cho "của". Khi chấm đến đoạn có những loại từ này, giáo viên coi như không hiểu sinh viên viết gì nên sinh viên sẽ không có điểm.
Cụm từ viết tắt dài dằng dặc trong ảnh dưới đây có thể diễn giải theo rất nhiều nghĩa khác nhau rất tai hại, ví dụ: "Tình dục được khuyên xử dụng đúng so với ham muốn ở khu dân cư"...
Vì những lý do trên, nhân dịp đầu năm mới 2022, tôi đề nghị cộng đồng mạng hạn chế sử dụng các các từ viết tắt, đồng thời cộng đồng mạng cũng cần lên tiếng phản đối việc lạm dụng các từ viết tắt trong văn bản nhà nước, trong báo chí và trong xã hội.
Còn một điều nữa tôi thường hướng dẫn cán bộ dưới quyền và sinh viên: Mọi bài viết, dù là một bài tập nhỏ, cũng phải có 3 phần: mở đầu, phần làm và kết luận.
Ví dụ khi làm một bài tập tính toán, sinh viên phải bắt đầu bằng các từ giải thích tại sao phải làm (mục đích), cơ sở nào (theo giả thiết của đề bài là..., vì giá và sản lượng cân bằng xảy ra khi cung bằng cầu... nên chúng ta có Qs=Qd hay......). Tiếp đó là phần tính toán, chứng minh, giải thích, giải phương trình cụ thể (thân bài). Cuối cùng trong phần kết luận phải trả lời câu hỏi của đầu đề kèm đơn vị tính, ví dụ đề ra tính sản lượng, thì sau khi tính xong, phải có câu: Vậy sản lượng là... tấn.
Hầu hết sinh viên thời nay vào làm bài là tính toán luôn, không có lập luận, tính ra kết quả xong cũng không có kết luận, không có đơn vị tính...
vkl!
Trả lờiXóa