Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Nước mắt cá sấu

Nước mắt cá sấu
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhà sử học Lotots của Hy Lạp đến thăm nước Ai Cập, ông đã đến thành O Bots tham quan một hồ lớn nuôi cá sấu. Ông ngạc nhiên nhìn thấy trên kè đá một chú cá sấu khổng lồ nằm duỗi dài, mắt lim dim hiền lành thoải mái, mõm há rộng giống chiếc bẫy sập đầy những răng nhọn hoắt; một chú chim nhỏ từ mặt đất nhanh nhẹn nhảy tót vào miệng cá sấu, cần mẫn nhẹ nhàng rỉa những xơ thịt còn mắc trong kẽ răng cá. Chuyện được nhà sử học Trung Quốc viết trong cuốn Động vật hoang dã diệu kỳ (Đoàn Mạnh Thế dịch). 
Mọi loài muông thú đều lẩn tránh sợ hãi cá sấu, riêng chỉ chú chim nhỏ chẳng những không sợ hãi mà còn rất thân thiện với con cá sấu khổng lồ… Mỗi khi cá sấu bò lên bờ sưởi nắng nó lại há to mõm chờ chú chim nhỏ chui vào “xỉa răng” và nhặt hết các loài ký sinh như đỉa… bám trong miệng. Loài chim này có tên “yến thiên”, thường làm tổ đẻ trứng trên hàng cây quanh hồ nơi cá sấu sinh sống. Tổ chim yến thiên như là “vọng gác”, chim yến thiên như là “lính canh” cho cá sấu. Khi xung quanh có động tĩnh gì, chim kêu thất thanh như báo động cá sấu tỉnh giấc nghênh chiến với kẻ thù…

Trong chuyện Cổ học tinh hoa của Trung Quốc viết: Ở một vùng quê bên vực sông sâu có tục mỗi năm người dân phải góp tiền mua một cô gái xinh đẹp ném xuống sông làm vợ cho hà bá - được mô tả như con cá sấu. Đêm trước xuống sông làm vợ, cô gái phải đến chung chăn gối với xã trưởng. Sự mê tín ấy đã có từ lâu đời. Năm ấy có ông quan mới chuyển về cai quản vùng đất này. Ông thân hành ra làm chủ lễ cưới vợ cho hà bá. 

Trước mặt bô lão hào trưởng, ông đồng bà cốt, ông quan gọi người con gái ấy đến. Cô gái khóc lóc van xin lạy lục mọi người tha cho để được sống với mẹ cha, làng xóm. Ông quan chê cô gái này không được đẹp, ông sẽ nhờ ông đồng, bà cốt, hào trưởng xuống nói với hà bá hoãn lễ cưới lại để tìm cô gái đẹp hơn. Nói xong, ông quan lập tức sai lính khiêng ông đồng quẳng xuống vực sâu. Chờ một lúc, ông nói “Sao lâu thế”. Rồi ông nói “Nhờ bà cốt xuống hỏi hộ”. Lập tức toán lính khiêng bà cốt ném xuống sông. 

Chờ một lúc lâu, ông quan nói: “Sao không thấy tin tức gì cả. Chắc lũ đồng cốt xuống hỏi không nên lời, dám phiền hào trưởng xuống hỏi chắc sẽ được việc”. Lập tức toán lính lôi hào trưởng vất tòm xuống sông sâu. Chờ một lúc lâu, ông quan nói “Chắc phải có hai ba người cùng lúc xuống hỏi mới được việc”. Toán lính khiêng bọn hương hào lý dịch bày ra trò cưới này vất xuống sông… Mọi người xanh mặt, toát mồ hôi, run như cầy sấy xin ông quan ngừng lại cho. Ông nói với mọi người: “Như thế là hà bá không lấy vợ nữa rồi”. Tục lệ quái gở ấy được dẹp bỏ từ đó.

Cá sấu tại Nam Cát Tiên

Ở nước ta, thời chiến tranh chống Mỹ, vào cuối năm 1974 đoàn phóng viên báo Quân đội Nhân dân đến vùng rừng Cát Tiên, Đầm Sấu (Đồng Nai - Lâm Đồng). Chúng tôi được bà con kể cho nghe những câu chuyện đau lòng. Đầm Sấu ngày đó hoang sơ lọt thỏm giữa rừng Cát Tiên, là lãnh địa của loài cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm). Nơi đây lũ giặc đã táng tận lương tâm gây ra bao điều tàn ác. Những cán bộ của ta bị chúng bắt, chúng tra tấn đến chết; những chiến sĩ quân Giải phóng bị bắt, chúng đưa ra làm bia di động cho lính tập bắn; các chị nữ du kích, nữ giao liên bị bắt, chúng làm nhục đến chết rồi đưa thi thể ra ném xuống Đầm Sấu. 

Một buổi tối, tên ác ôn cầm đầu lũ đàn em đưa ba chị du kích bị chúng hiếp còn thoi thóp ra ném xuống đầm. Lũ ác ôn còn nhìn các chị thều thào nói với nhau thì tên cầm đầu nhảy xổ tới quát đàn em: “Chúng mày thương hại mấy con Việt Cộng à”, rồi hắn hung hăng giang tay xô đẩy các chị xuống đầm. Lúc ấy từ mí nước đã lúc nhúc cá sấu đói quẫy sóng. Bờ đầm bùn trơn, trời nhá nhem tối, tên ác ôn trượt chân, chới với ngã nhào xuống nước. Hai thằng đàn em vội chạy tới níu áo, cầm tay hắn kéo lại nhưng rồi cũng trượt chân ngã theo. Lập tức bầy cá sấu đói đập đuôi nhào vào há mõm ngoạm lấy tay, lấy đầu kéo cả lũ ác ôn ra xâu xé.

Sách đỏ Việt Nam ghi rằng cá sấu là loài động vật quý hiếm của nước ta, được xếp vào hạng nguy cấp cần phải bảo vệ. Cấm tuyệt đối săn bắt, buôn bán và khuyến khích chăn nuôi. Hiện nay số lượng cá sấu sống tự nhiên của nước ta đã giảm hơn 80%, gần mức cạn kiệt. Nhiều nơi trước đây có, nay không còn. Sách đỏ thế giới, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) cũng ghi loài cá sấu là động vật hoang dã quý hiếm cần phải được bảo vệ, cấm săn bắt sát hại…

Theo Bách khoa toàn thư mở, loài cá sấu trên thế giới có 23 giống đều được mệnh danh là “vua đầm lầy”. Nó là loài bò sát lưỡng cư lớn nhất trên trái đất. Cá sấu có mặt cùng thời với khủng long khoảng 240 triệu năm trước. Cá sấu là loài bò sát máu lạnh ăn thịt, ưa thích sống môi trường đầm lầy, cửa sông, cửa biển nơi có dòng nước chảy chậm. Cá sấu có biệt tài trong kỹ năng mai phục rình mồi rồi hạ đòn tấn công chí tử thì không con vật nào bằng nó. Các nhà nghiên cứu cho biết cá sấu là loài động vật cao cấp nhất trong các loài bò sát sinh trưởng. Cá sấu có cơ hoành và vỏ não, giữa khoang bụng và ngực có vách ngăn giống như hoành cách mô của loài động vật có vú. Điểm đặc biệt này làm cho nó được đánh giá tiến hóa hơn hẳn những loài lưỡng cư khác.

Riêng cá sấu ở một số vùng thuộc châu Phi có tuyến thải nước muối trong miệng nên chúng có thể sống được trong biển cả. Còn cá sấu châu Mỹ không có tuyến thải này. Đó là lý do cá sấu châu Mỹ chỉ sống trong rừng đước, rừng đầm lầy nước lợ ở cửa sông. Cá sấu có thể bơi với vận tốc mỗi giờ gần được 40km nhờ chiếc đuôi cực khỏe. Trên cạn, cá sấu có những cú nhảy xa đến hơn 3m. Đó là di truyền của nòi giống nó từ 240 triệu năm trước lúc nó chỉ dài chưa đến 1m và đi bằng… hai chân. 

Điều thú vị ít người biết tới là hàm răng cá sấu có 24 chiếc sắc hơn lưỡi dao, nhọn hơn mũi mác được liên tục thay suốt trong cuộc đời nó. Hàm răng làm trụ cho nó xoay mình cắn xé đứt từng mảng thịt con mồi rồi nuốt chửng! Với dạ dày “như sắt”, cá sấu nuốt cả… đá để hỗ trợ cho việc nghiền nát thức ăn. Điều lạ lùng là cá sấu cũng đã dùng hàm răng sắc, nhọn đó nhẹ nhàng vuốt ve nâng chiều đàn con, đưa nó ra khỏi tổ. Và, “nàng” sấu cũng dùng hàm răng đó để âu yếm “bạn tình”. Lúc đôi bạn lên bờ nằm sưởi nắng đã dính mõm vào nhau như “hôn nhau”, cọ răng vào nhau như “thủ thỉ” với nhau.

Một điều lý thú là vào mùa cá sấu “giao phối săn tình” vào độ cuối thu. Trên những đầm, hồ, dòng sông, cửa biển nơi có nhiều cá sấu sinh sống sẽ có những “dàn đồng ca” náo động, ồn ào. Chàng sấu đầu đàn là những “ca sĩ” ầm ĩ nhất. Chàng phát ra âm thanh có thể sánh bằng động cơ chiếc máy bay cỡ nhỏ. Âm thanh lan truyền trong làn nước làm náo động cả khúc sông, vùng biển. Âm thanh đó đã kêu gọi hàng chục, hàng trăm chàng sấu về vẫy vùng, quẫy phá. Rồi tất cả thi nhau cất “tiếng ca trầm hùng” như một dàn đồng ca lớn làm sóng nước bắn lên cao hàng chục mét. Các nàng sấu nghe dàn đồng ca giục giã đã động lòng rủ nhau về bơi lởn vởn vòng ngoài chiêm ngưỡng tìm “bạn tình”. Chàng sấu nào cảm nhận thấy chàng kia to mồm hơn, mình yếu thế hơn thì tự lẳng lặng rời cuộc chơi, lủi thủi bơi đi. 

Sau cuộc “đồng ca mùa săn tình” náo động như vậy đã có những trận “quyết đấu” nổ ra giữa những hàm răng sắc nhọn để tranh giành bạn tình. Và sau mùa “đồng ca giao phối săn tình” ấy chàng sấu to mồm, mạnh mẽ nhất sẽ chiếm lĩnh được nhiều nàng sấu nhất. Chàng sấu thắng cuộc là chàng đa thê nhất trong loài động vật lưỡng cư vùng lãnh thổ đó (thế giới có 2.000 loài động vật lưỡng cư).

Sau mùa tụ hội săn tình, vào khoảng tháng 12 đến tháng 3 hằng năm, các nàng sấu lên bờ tìm nơi đào hang đẻ trứng. Mỗi lứa sấu mẹ đẻ từ 20 đến 80 quả trứng. Mỗi năm sấu mẹ đẻ một lứa. Trứng được ủ trong đám cây cỏ, đất khô để bảo toàn nhiệt độ sinh sản. Sau 75 đến 85 ngày trứng nở. Sấu con dài hơn 200mm. Nhưng rất rủi ro cho lũ sấu “ấu thơ” này. Vì có đến trên 90% sấu con lúc mới nở đã là món ăn khoái khẩu cho loài thằn lằn, linh cẩu, chuột và chim cò…

Có nhà nghiên cứu nói rằng cá sấu là loài bò sát khổng lồ có năng lượng “trường sinh bất tử”. Nó có khả năng đánh bại cái chết, trừ nguyên nhân bệnh tật và bị con người kết thúc cuộc đời nó. Vì sự lão hóa dẫn đến tử vong là thuật ngữ dùng để chỉ sự suy yếu của cơ bắp làm giảm khả năng hoạt động của cơ thể, khiến các giác quan mất dần các tính năng. 

Điều chung nhất, hầu hết các loài động vật đều bị lão hóa. Tuy vậy vẫn có những loài động vật đặc biệt như cá sấu thì phủ nhận định nghĩa lão hóa. Nên khi một con cá sấu 70 tuổi sẽ không có gì khác với con cá sấu 7 tuổi. Có chuyên gia trường Đại học Yale đã công bố bí mật về chuyện này nằm ở bộ gien cá sấu khi chúng cho phép các vi khuẩn cộng sinh tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nó. Điều này làm chậm lại quá trình lão hóa của loài bò sát này và thời gian không làm chúng yếu đi. 

Tuy vậy hiện nay chưa có phương pháp nào để khẳng định tuổi cá sấu. Chỉ có cách duy nhất là đo vòng tuổi xương và răng của chúng. Mỗi vòng sẽ hiện lên một sự trưởng thành mới (một tuổi). Nên ta mới chỉ biết loài cá sấu sống trung bình được 71 năm. Đặc biệt có con cá sấu đã vượt qua con số 100 tuổi: con cá 115 tuổi ở vườn thú nước Nga, và con cá sấu nước ngọt giống đực sống được 130 tuổi ở vườn thú nước Australia.

Trong dân gian từng lưu truyền câu nói “nước mắt cá sấu”. Đó chỉ là cụm từ miêu tả sự đau khổ vờ vịt giả tạo của con người. Còn hiện tượng cá sấu chảy nước mắt trong khi chúng đang ăn thịt con mồi là có thật. Nhưng không phải chúng “khóc” do sự thương cảm con mồi mà do cấu tạo về cơ thể sinh lý thải bớt lượng muối thừa làm cho nước trong mắt chúng chảy ra. Vì cá sấu có đôi thận chưa hoàn chỉnh, không thể thải hết lượng muối thừa trong cơ thể, nên khi ăn mồi vào là lượng muối tăng lên, cá sấu phải thải ra. Tuyến nước muối dự trữ của nó lại nằm ngay dưới đôi mắt. Cá sấu càng nuốt mồi càng ép vào tuyến nước muối khiến nước mắt tuôn trào làm cho con người ngộ nhận rằng cá sấu khóc thương con mồi xấu số.

Ở nước ta, cá sấu sinh sống ở sông Sa Thầy (Kon Tum), sông Ba (Gia Lai), sông Krông Ana (Đắc Lắc), Đồng Nai… Đặc biệt ở Bầu Sấu trong Vườn quốc gia Cát Tiên rộng 2.500ha vào mùa mưa, được mệnh danh là đầm lầy nguyên thủy có số lượng cá sấu nhiều nhất Đông Nam Á. Để nơi này thành khu Bảo tồn du lịch độc đáo nuôi giữ tài nguyên quý hiếm của đất nước, ta đã năm lần thả thêm trăm con cá sấu nước ngọt vào đây để tạo nên loài cá sấu thuần giống của Việt Nam. Giờ đây khách đến du ngoạn Bầu Sấu, ban đêm soi đèn xuống mặt nước, một cảnh đẹp thi vị hiện lên hệt như nhìn lên bầu trời ngàn sao lấp lánh. Đó là mắt loài cá sấu chứa các tinh thể phản xạ ánh lên…

nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét