Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Về sự đào tạo tiến sĩ mà tôi mơ ước

Về sự đào tạo tiến sĩ mà tôi mơ ước
25/07/2021 - Phạm Khánh Nam - Tiến sĩ, anh chị là ai? Là người có kiến thức tiên tiến chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của một lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, có kỹ năng làm chủ các lý thuyết khoa học, phương pháp nghiên cứu, có khả năng sáng tạo tri thức mới. Tôi không tự nghĩ ra định nghĩa này đâu. Tôi lấy từ khung trình độ quốc gia, bậc trình độ 8, cho bằng tiến sĩ. Làm thế nào để tạo ra được người này?

Từ quy định của nhà nước
Hiện có cuộc tranh luận khá nóng trong giới đại học, so sánh thông tư quản lý đào tạo tiến sĩ nào tiến bộ hơn, 08/2017 (TT08) hay 18/2021 (TT18). Với tôi hai thông tư này có một số khác biệt nhưng không nhiều, ví dụ TT08 yêu cầu có một bài ISI/Scopus hoặc hai bài báo cáo hội nghị quốc tế - trong khi TT18 là một bài ISI/Scopus hoặc hai bài trong nước để bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn, và công bố phải đạt 2.0 điểm trở lên theo thang điểm của Hội đồng giáo sư nhà nước. 

Việc đạt được tối thiểu hai điểm này thực ra không dễ hơn so với có công bố tại hội thảo quốc tế, hiện có rất nhiều trường đại học trong nước tổ chức hội thảo khoa học quốc tế một cách dễ dãi, miễn có thêm đối tác nước ngoài và bài viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên sự giống nhau là hai thông tư sẽ tạo ra những tiến sĩ tầm tầm trung bình, có thể không quá kém, và sẽ không tạo ra được tiến sĩ xuất sắc.

Tôi mơ ước một quy chế quản lý đào tạo tiến sĩ, đóng vai trò bệ đỡ, cho phép đào tạo những tiến sĩ ngang tầm quốc tế. Triết lý chính của quy chế này là giao quyền xác định chất lượng cho cơ sở đào tạo. Trao quyền có thể nâng cánh bay cho những nhà nghiên cứu trẻ nhiều hoài bão, đồng thời trao quyền có thể cho ra lò một số tiến sĩ chất lượng kém. Và các tiến sĩ chất lượng kém này sẽ được các chính sách khác hạn chế, tôi sẽ bàn ở phần sau bài viết.



Tại sao các quy định hiện hành chỉ tạo ra được các tiến sĩ chất lượng trung bình? Điểm mấu chốt ở đây là cả hai thông tư quy định luận án phải có sản phẩm rõ ràng, đã được bình duyệt, ở giai đoạn trước bảo vệ hội đồng cấp đơn vị chuyên môn. Yêu cầu sản phẩm rõ ràng trong thời gian ngắn. Và đây là một trở ngại lớn nếu muốn có sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao.

Tôi có hướng dẫn một bạn nghiên cứu sinh theo cơ chế của TT08. Bạn nói thầy ơi em nhất thiết phải ra trường trong bốn năm, còn không sẽ rất khó khăn về tài chính cho gia đình. Bạn đã trăn trở về đề tài luận án từ khi bắt đầu vào học chương trình tiến sĩ. Sau gần hai năm bạn đã có một đề cương hoàn chỉnh, rất có tiềm năng xuất bản được vài bài báo trên tạp chí tốt. Nhưng bạn nói em làm không kịp rồi, vì cần có một bài đăng tạp chí quốc tế mới được bảo vệ cấp cơ sở, mà thời gian bình duyệt của tạp chí rất lâu. Tôi tư vấn là luận án có ba mục tiêu nghiên cứu, nghĩa là sẽ có ba bài viết, bạn chọn mục tiêu nghiên cứu nào yếu nhất, làm nhanh, đăng nhanh được trên tạp chí Scopus Q3 hay Q4 là đủ tiêu chuẩn TT08. Hy sinh một bài và để dành đầu tư lâu dài hai bài còn lại cho tạp chí xếp hạng cao. Bạn nói, để tập trung học NCS toàn thời gian, em đã xin nghỉ dạy ở trường cũ rồi, ngay cả khi như thế vẫn không kịp viết hai bài, vì còn phải thu thập số liệu, phân tích, viết ra bài nữa, mặc dù tiêu chuẩn của tạp chí Scopus không cao.

Từ khóa là không kịp thời gian, ngay cả khi chỉ để cho có sản phẩm chất lượng trung bình thấp.

Để giải thích cho lời than của bạn nghiên cứu sinh, tôi giải thích sơ đồ tóm tắt quy trình đào tạo tiến sĩ theo quy định của TT08 và TT18 (sơ đồ 1). Các kinh nghiệm này dành cho ngành kinh tế - kinh doanh, các ngành khác có thể khác một chút.



Thời gian đào tạo tiến sĩ tiêu chuẩn là từ 3 – 4 năm, theo TT18. Tôi lấy mốc bốn năm cho rộng rãi và sẽ phân tích ngược từ phải qua trái để thấy muốn có kết quả, phải thực hiện những bước cần thiết gì. Cuối năm thứ tư, NCS bảo vệ luận án cấp cơ sở đào tạo, nếu thành công, xem như đã hoàn tất quá trình đào tạo và chờ nhận bằng tiến sĩ. Để đi đến hội đồng này, luận án phải được hai phản biện độc lập thông qua về chuyên môn. Quá trình phản biện và trả lời thường kéo dài 4 – 5 tháng. Thời gian làm hồ sơ phản biện, phản hồi, hồ sơ bảo vệ luận án cấp cơ sở đào tạo và lập hội đồng có thể kéo dài một năm. Như vậy NCS phải cố gắng để có được hội đồng bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn vào khoảng cuối năm thứ ba. Tại thời điểm này, theo cả TT08 và TT18, luận án cần có các sản phẩm hoàn chỉnh, được công nhận xuất bản trên tạp chí ISI hoặc Scopus, hoặc phải có hai sản phẩm hoàn chỉnh được bình duyệt, hoặc nộp cho hai hội thảo quốc tế (TT08) hoặc hai tạp chí trong nước 1.0 điểm (TT18). Tôi nhấn mạnh lại, cuối năm thứ ba, NCS phải có hai sản phẩm được bình duyệt thành công. Có thể đích đến chất lượng không cao, nhưng phải là sản phẩm hoàn chỉnh.

Để có hai sản phẩm hoàn chỉnh, thời gian viết ra bài và thời gian bình duyệt có thể sẽ tốn một năm. Như vậy đến cuối năm thứ hai, hầu như NCS đã phải có tất cả mọi nguyên liệu cho việc viết bài: lược khảo lý thuyết, số liệu, phân tích. Trong vòng hai năm đầu của giai đoạn học tiến sĩ, NCS phải học các học phần, làm lược khảo tài liệu – bước đi sâu vào kho trí khôn nhân loại, nhiều NCS đi vào như mê cung không có đường ra – sau đó xây dựng đề cương hoàn chỉnh, lấy ý kiến đóng góp, thu thập số liệu và phân tích.

Nghiên cứu sinh đứng trước viễn cảnh này sẽ phải chọn một trong hai hướng đi: (1) đề tài đơn giản, đã có người làm rồi, chỉ cần lặp lại với bộ số liệu khác, vẫn có thể xuất bản trên một tạp chí chất lượng thấp nhưng đủ chuẩn theo quy định; hoặc (2) đề tài có chiều sâu, phức hợp, sáng tạo trong phương pháp xử lý, nhiều trường hợp sẽ công phu trong thu thập dữ liệu, để đăng được tạp chí chất lượng cao cần lược khảo lý thuyết toàn diện và sâu sắc, cần đầu tư cực kỳ nhiều thời gian và công sức; chưa kể khi gửi đăng tạp chí chất lượng cao sẽ chịu nhiều rủi ro vì cạnh tranh vị trí với cả thế giới. Chọn hướng hai, NCS sẽ phải chịu nhiều áp lực, cả về thời gian và đánh giá của dư luận. Vì chưa thấy sản phẩm nên người ngoài không biết nghiên cứu là hay hay dở. Làm nghiên cứu lâu không xuất bản được gì, chưa ra trường được, chắc là dở rồi. Đa số sẽ chọn hướng một.

Và tôi cũng tự hỏi, khi nhìn vào sơ đồ trên, tại sao có sản phẩm xuất bản đạt được hai điểm của hội đồng giáo sư nhà nước rồi mà luận án còn cần phải thông qua hai phản biện độc lập, và phải thông qua hội đồng bảo vệ cuối cùng nữa? Có phải chúng ta đang lãng phí một năm trong chương trình đào tạo tiến sĩ chỉ để chờ đợi?

Nghiên cứu sinh ở các chương trình đào tạo tiến sĩ tốt trên thế giới theo quy trình nào? Sơ đồ thứ 2 tiếp theo là quy trình của một chương trình tiến sĩ điển hình của trường đại học tốt của Hoa Kỳ.



Khi ra hội đồng bảo vệ luận án cuối cùng, nghiên cứu sinh không cần nộp bài tạp chí đã xuất bản, chỉ cần giảng viên hướng dẫn thấy đủ khối lượng chuyên môn, hội đồng đánh giá các nghiên cứu có tiềm năng xuất bản tốt. Thử xem lý lịch khoa học của các tiến sĩ tốt nghiệp từ Harvard, MIT hay các trường khác, thường các bài báo từ luận án được xuất bản 1 – 2 năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, và trên các tạp chí đầu ngành. Việc đánh giá tiêu chuẩn tiến sĩ được phân quyền hoàn toàn cho giảng viên hướng dẫn và hội đồng bảo vệ, và được thực hiện vào thời điểm cuối cùng của toàn bộ quá trình. Trước đó, NCS cứ yên tâm gom góp túi khôn của nhân loại và đầu tư thời gian sức lực cho nội dung nghiên cứu.

Trong chương trình chuẩn bốn năm, NCS ở Việt Nam, dù dưới TT08 hay TT18, chỉ thực dành khoảng 2.5 năm đầu tiên để làm nghiên cứu. Và phải có sản phẩm hoàn chỉnh được chấp nhận xuất bản trong khoảng thời gian làm quen đó. Thời gian ấp ủ, nuôi dưỡng ngắn như vậy thì sản phẩm dù có đạt chuẩn cũng sẽ là chuẩn ở mức thấp.

NCS ở các chương trình tiến sĩ ở Hoa Kỳ sẽ có khoảng 3.5 năm, từ khi còn bỡ ngỡ tập làm quen với môi trường học thuật mới đến khi chín muồi. Nhiều thời gian nghiên cứu và không cần yêu cầu sản phẩm xuất bản, nghiên cứu sinh có thể đào sâu và khám phá tri thức.

Trong quy định đào tạo tiến sĩ ở Hoa Kỳ, hội đồng tại cơ sở đào tạo được phân quyền đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra, đánh giá chất lượng nghiên cứu cuối cùng. Cộng đồng bên ngoài, là các tạp chí khoa học, đóng dấu ấn xác nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ sau khi nhà trường đã tạo ra sản phẩm tiến sĩ. Ở Việt Nam, sớm hơn rất nhiều, quy định quản lý yêu cầu dấu ấn xác nhận chất lượng phải được đóng trong quá trình đào tạo. Sản phẩm đào tạo, là nhà nghiên cứu, và trường đại học tạo ra sản phẩm đó chắc cũng phải là siêu nhân, năng suất cao, tổ chức sản xuất hiệu quả để sớm có thành phẩm được đóng ấn?

Đến nội lực người học và môi trường nghiên cứu

Quy chế đào tạo tiến sĩ chỉ là đường cất cánh, với những vạch kẻ quy định đảm bảo không chệch hướng, với độ dài đường băng cho phép máy bay lấy đà chạy để bay lên. Chắc chắn để lên được cao, máy bay cần đường băng đủ dài. Và để bay cao, bay xa, máy bay cần có khối động cơ mạnh mẽ, cần được đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ, cần môi trường tốt nâng cánh. Dưới đây tôi sẽ bàn những điều kiện cần và đủ cho chiếc máy bay học thuật đó bay cao, bay xa.

Ba điều kiện cần để một nghiên cứu sinh có thể làm được bài báo đúng chuẩn nghiên cứu, nghĩa là đăng được trên đó tạp chí khoa học có xếp hạng ở mức trung bình: (1) Kiến thức nền chắc chắn, kỹ năng phân tích dữ liệu tốt và kỹ năng viết học thuật; (2) có giảng viên hướng dẫn tốt, am hiểu sâu về chuyên ngành nghiên cứu sinh đang làm luận án, để đảm bảo nghiên cứu sinh đi đúng hướng lý thuyết và sử dụng phương pháp phân tích hợp lý; và (3) có hệ thống góp ý tốt để bài nghiên cứu được cọ xát, trưởng thành khỏe mạnh trước khi nộp cho tạp chí. Hệ thống góp ý này gồm các seminar học thuật và chuyên gia góp ý cho đề cương nghiên cứu, báo cáo chuyên đề và bản thảo bài báo.

Tôi sẽ phân tích chi tiết từng yếu tố để thấy đa số chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam khó đáp ứng được một phần hoặc toàn bộ các điều kiện này.

Về điều kiện thứ nhất, hệ thống kiến thức nền, kỹ năng phân tích và viết học thuật của một nghiên cứu sinh đến từ ba nguồn chính: (1) chương trình đại học và thạc sĩ; (2) các học phần trong chương trình tiến sĩ; và (3) đầu tư tự học của nghiên cứu sinh.

Kết cấu đa số chương trình đại học và thạc sĩ khối ngành kinh tế hiện nay ở Việt Nam đều định hướng phục vụ thị trường lao động phổ quát, không định hướng nghiên cứu. Trong 120 tín chỉ bậc đại học, sinh viên khối ngành kinh tế chỉ bắt buộc học duy nhất một môn toán ba tín chỉ là “Toán cao cấp” và trong 10 tín chỉ thực tập/khóa luận tốt nghiệp, sinh viên có thể chọn viết báo cáo thực tập - thuật là những gì đã học được từ thực tập - thay vì làm và viết ra một bài nghiên cứu khoa học. Hầu hết chương trình thạc sĩ khối ngành kinh tế theo hướng ứng dụng – nghĩa là luận văn tốt nghiệp không nhất thiết phải là bài nghiên cứu tiêu chuẩn. Hầu hết chương trình thạc sĩ ở Việt Nam tổ chức kiểu vừa làm vừa học, không phải học toàn thời gian như chương trình thạc sĩ ở các trường trên thế giới. Chương trình học bán thời gian và định hướng ứng dụng, do đó nội dung giảng dạy cũng được thiết kế tương ứng: nhẹ nhàng về tải lượng kiến thức và phục vụ thị trường số đông. Với hành trang kiến thức dính líu đến nghiên cứu ít ỏi đó từ chương trình đại học và thạc sĩ, nghiên cứu sinh bước vào chương trình tiến sĩ, mặc dù nhiều hoài bão nhưng với nhiều khoảng trống mênh mông.

Cũng may không như nhiều trường ở châu Âu hay Úc, nghiên cứu sinh ở Việt Nam phải học các học phần kiến thức phục vụ nghiên cứu, thường hoàn tất trong năm đầu tiên của chương trình tiến sĩ. Không bàn về số lượng học nhiều hay ít, chất lượng các học phần bậc tiến sĩ mới là vấn đề quan tâm và lo ngại. Tôi không có số thống kê, nhưng kinh nghiệm từ tham gia giảng dạy, ngồi hội đồng góp ý, trao đổi với nhiều nghiên cứu sinh từ các trường khác nhau cho thấy kiến thức trong học phần bậc nghiên cứu sinh thường chỉ cao hơn bậc thạc sĩ một chút và không đạt đến mức tiêu chuẩn của thế giới. Và đặc biệt hầu như không chương trình nghiên cứu sinh khối ngành kinh tế nào có môn Toán Kinh tế. Mà để hiểu các mô hình lý thuyết trong kinh tế học, người nghiên cứu phải biết đọc ý nghĩa của công thức toán, dù là ở mức căn bản.

Vâng, nghiên cứu sinh có thể tự học. Họ sẽ phải tự học trong đơn độc, vì môi trường xung quanh không ai bỏ thời gian làm tương tự và cũng ít người biết kiến thức đó để giúp. Và khó khăn hơn, nghiên cứu sinh phải tự học khi vừa phải hoàn thành công việc ở đơn vị họ đang được nhận lương. Trong khi đó nghiên cứu sinh ở các chương trình tiến sĩ ở các nước châu Âu và Hoa Kỳ học toàn phần và có nguồn kinh phí tối thiểu để sinh sống. Bạn nghiên cứu sinh tôi đang hướng dẫn phải xin nghỉ việc ở trường đại học bạn đang làm, vì đơn giản không thể kham nổi khối lượng giảng dạy nhà trường giao và vừa tự học bổ sung kiến thức.

Về điều kiện cần thứ hai, để có bài báo đúng chuẩn, vấn đề lớn trong hệ thống đào tạo bậc tiến sĩ ở Việt Nam, ít nhất là trong khối ngành kinh tế, là chúng ta thiếu chuyên gia trong từng chuyên ngành hẹp để có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh đi đúng hướng, làm đúng phương pháp. Nghiên cứu xuất bản được trên tạp chí ISI tốt cần phải đi vào chuyên ngành sâu, giải quyết vấn đề cụ thể được định vị từ khoảng trống trong hệ thống lý thuyết và dùng phương pháp nghiên cứu phù hợp. Mặc dù số lượng xuất bản quốc tế của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng nếu lọc ra các bài đăng trên tạp chí Scopus Q3, Q4 không cần chuyên môn sâu đặc thù, thì số lượng còn lại không nhiều. Nếu phân chia số đáp ứng được tiêu chuẩn này ra các ngành nhỏ khác nhau, chúng ta sẽ thấy Việt Nam thực sự thiếu nhiều chuyên gia. Nếu giảng viên hướng dẫn chỉ góp ý chung chung như trích dẫn sai quy định, chỗ này viết dài quá, chỗ kia cần viết thêm thì sẽ không giúp nghiên cứu sinh cải thiện chất lượng nghiên cứu được. Nghiên cứu sinh cần giảng viên hướng dẫn khẳng định hay bác bỏ hướng nghiên cứu, chỉ ra bài nghiên cứu quan trọng hay hiện đại nhất cho chủ đề nghiên cứu, hay giải quyết vướng mắc về phương pháp.

Điều kiện thứ ba, ngay cả khi có được chương trình học và giảng viên hướng dẫn tương đối ổn rồi –điều không dễ trong tình hình đào tạo hiện nay, bài nghiên cứu trước khi nộp cho tạp chí cần được cho va chạm, xới lên để giảm bớt điểm yếu, tăng cường điểm mạnh. Bài nghiên cứu cần được đưa ra hội thảo ở khoa, được gửi chuyên gia góp ý nhận xét. Các chương trình đào tạo nghiên cứu sinh hiện nay vẫn tổ chức hội thảo, vẫn gửi chuyên gia, nhưng kết quả rất hạn chế. Lý do là chúng ta không có môi trường nghiên cứu đủ mạnh, đủ rộng để có thể bao phủ, làm bệ đỡ, làm lò luyện cho nhiều chủ đề chuyên môn sâu của một luận án tiến sĩ nào đó. Nếu khoa chuyên môn tổ chức một hội thảo về tăng trưởng kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài, thể chế, đo lường hiệu quả, kết quả hoạt động hay các loại hàm sản xuất trong nông nghiệp, sẽ có nhiều chuyên gia tham gia bình luận, góp ý. Nhưng nếu chủ đề báo cáo của nghiên cứu sinh rơi ra ngoài nhóm thời thượng này thì đa phần seminar học thuật sẽ im lặng như tờ.

Và đề nghị về sự đào tạo tiến sĩ mơ ước

Tôi dùng chữ “sự đào tạo tiến sĩ” vì không muốn chỉ bàn luận gói gọn trong quy trình đào tạo tiến sĩ của nhà nước. Cái sự đào tạo tiến sĩ này bao gồm cả quy trình đào tạo do nhà nước ban hành, chuẩn bị năng lực khoa học cho nghiên cứu sinh, đầu tư môi trường học thuật và tổ chức thị trường sử dụng lao động khoa học. Nghĩa là để có được tiến sĩ đạt khung trình độ quốc gia, vâng khung trình độ quốc gia của Việt Nam đã ngang tầm tiêu chuẩn thế giới, chúng ta cần thay đổi từ chương trình đại học, đến chương trình tiến sĩ và các quy định quản lý kèm theo, đến môi trường học thuật, nghiên cứu, đến việc dùng sản phẩm đào tạo tiến sĩ.

Các chương trình đào tạo bậc đại học và thạc sĩ có một kênh dành riêng cho những sinh viên yêu thích nghiên cứu. Hiện tại thị trường lao động cần sản phẩm đào tạo có kiến thức và kỹ năng làm việc trực tiếp, nên đa số trường đại học thiết kế chương trình đáp ứng nhu cầu thị trường. Hậu quả là các môn học nền tảng cần thiết cho nghiên cứu khoa học như toán, kỹ thuật phân tích dữ liệu (ví dụ trong khối ngành kinh tế) bị cắt ra khỏi chương trình học để dành chỗ cho các môn học trực tiếp đáp ứng theo tiếng gọi thị trường. Xu thế thị trường càng đậm khi trường đại học phải tự chủ tài chính, với nguồn tài chính chủ đạo của các trường đến từ học phí. Vì sản phẩm đào tạo hướng nghiên cứu là hàng hóa công, nhà nước nên đầu tư cho các trường mở kênh riêng, lớp riêng dành cho những sinh viên có khả năng và quan tâm đến hướng nghiên cứu. Nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng nghiên cứu làm đầu vào cho chương trình nghiên cứu sinh là cần thiết và chậm nhất là từ bậc đại học

Thực ra đây là chương trình ươm mầm nghiên cứu cho cả nền khoa học nước nhà. Nếu xu hướng đào tạo phục vụ thị trường như hiện nay tiếp diễn, khoảng 10 – 15 năm nữa nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học đến từ đâu? Nếu sinh viên chỉ được học hướng ứng dụng, ai sẽ là người làm nghiên cứu cơ bản sau này?

Quy chế đào tạo tiến sĩ nên phân quyền tự chủ quyết định chất lượng đầu ra chương trình tiến sĩ cho trường đại học. Không cần yêu cầu sản phẩm cụ thể để biết nghiên cứu sinh có đạt chuẩn đầu ra chương trình tiến sĩ hay không. Sự đạt chuẩn sẽ do trường đại học lấy uy tín ra đảm bảo và thị trường khoa học sau đó xác nhận. Sự phân quyền có thể sẽ tạo ra một số tiến sĩ chất lượng kém do cơ sở đào tạo kém sản sinh ra. Thị trường sử dụng nhân lực tiến sĩ sau đó sẽ nhận diện và quyết định. Trong quá khứ, vấn đề lớn nhất trong phân biệt tiến sĩ kém và tiến sĩ giỏi là hiện tượng thông tin bất cân xứng. Thị trường sử dụng lao động khó phân biệt được tiến sĩ giỏi hay kém. Ngày nay, công nghệ có thể đóng vai trò lớn trong giải quyết bài toán này. Các yêu cầu minh bạch thông tin sẽ giúp cả cộng đồng khoa học dễ dàng kiểm tra chất lượng tiến sĩ, nhiều khi chỉ bằng những cú nhấp chuột nhanh chóng.

Chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển trong thị trường nghiên cứu khoa học, theo hướng thị trường chọn lọc nhân lực khoa học thực chất hơn. Giảng viên, nhà nghiên cứu đang có nhiều động lực để đầu tư nghiên cứu và xuất bản bài báo khoa học quốc tế. Xuất bản quốc tế và đóng góp tri thức cho xã hội đang dần trở thành chuẩn mực vô hình để nhà nghiên cứu hướng tới. Chuẩn mực này cần thực lực nghiên cứu thực sự. Tiến sĩ giả hiệu từ lò ấp, có thể lò ấp tồn tại được do phân quyền, không thể đáp ứng được các yêu cầu này từ thị trường nghiên cứu. Cộng với các cơ chế minh bạch thông tin, họ sẽ từ từ thoái trào, nhường chỗ cho sự thật.

https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Ve-su-dao-tao-tien-si-ma-toi-mo-uoc-28320

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét