Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

Đóng thuế và quỹ vaccine nhưng phải mất tiền để tiêm ?

Đóng thuế và quỹ vaccine nhưng phải mất tiền để tiêm ?
Cho đến hôm nay, Việt Nam đã được cam kết cung cấp 38,9 triệu liều vaccine ngừa COVID từ các quốc gia phát triển trên thế giới theo cơ chế COVAX và thực tế đã nhận hơn 14 triệu liều vaccine. Bộ Y tế cho biết số lượng vắc xin này đã “đủ để tiêm cho 19,4 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên”. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ không bỏ tiền ngân sách và tiền huy động dân ra mua vắc xin mà sẽ thực hiện “xã hội hóa”, tức là trên 50 triệu dân sẽ phải đóng tiền để tự mua vaccine mà tiêm cho mình.
Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang đứng và văn bản
Các công ty được nhà nước cấp phép đang đàm phán mua 30 triệu liều AstraZeneca. Một số tỉnh thành cũng sẽ dùng ngân sách để mua vaccine tiêm cho dân (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, TP. HCM...). Người dân sẽ phải trả tiền để được tiêm số vaccine này. Số vaccine thiếu cũng đang được đàm phán tìm nguồn mua hoặc tự sản xuất và sau đó cũng sẽ “sử dụng cơ chế xã hội hóa, tức là tiêm dịch vụ (người được tiêm tự trả tiền), hoặc các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tài chính để mua…”

Quỹ vaccine ra đời khi nhà nước có sáng kiến kêu gọi toàn dân và các doanh nghiệp đóng góp. Nhiều cụ già trăm tuổi và trẻ em chưa đến tuổi đi học đã phải bòn mót từng đồng để đóng góp vào quỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vận động người dân góp tiền bằng những lời hấp dẫn ngọt hơn đường như “Quỹ vắc xin COVID-19 là quỹ của sự nhân ái, tinh thần đoàn kết và trái tim kết nối trái tim”...

Khi kêu gọi đóng góp Thủ tướng đã hùng hồn tuyên bố “Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường" và "Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch”...

Người dân ngày nào cũng nhận được nhiều tin nhắn kêu gọi đóng tiền, tổ dân phố đi thu tiền từng nhà, công nhân viên nhà nước bị trừ ngày lương, trẻ em đập ống heo, người già rút tiền tiết kiệm… Tất cả đều có chung một mong muốn là có được vaccine càng sớm càng tốt cho tất cả cộng đồng và hoàn toàn tin tưởng lời hứa được tiêm vaccine miễn phí từ tiền thuế và tiền đóng góp của chính bản thân mình và gia đình.

Đến nay, quỹ vắc xin đã thu nhận được gần chục nghìn tỷ đồng từ các doanh nghiệp và người dân. Số tiền này được nhà nước xem là tiền nhàn rỗi nên đã mang đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Tuy nhiên, người dân không được biết số tiền gốc đã gửi và số tiền lãi  định kỳ là bao nhiêu và cơ chế quản lý chúng như thế nào.

Khi kêu gọi đóng góp, nhà nước dự định phải tiêm cho 75 triệu dân nên cần mua 150 triệu liều vaccine với kinh phí 25.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra khoảng 15.700 tỷ đồng và người dân đóng góp 9.500 tỷ đồng. Như vậy, cho đến nay người dân đã đóng góp gần đủ cho số tiền nhà nước cần dân đóng góp. Điều này có nghĩa là người dân đã hoàn thành nghĩa vụ 
tài chính của mình để mua vaccine. Vấn đề còn lại là trách nhiệm mua và tiêm cho người dân của nhà nước theo đúng cam kết thực hiện mục tiêu tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân để đạt được miễn nhiễm cộng đồng.

Nhưng Bộ Y tế dường như không muốn thực hiện cam kết của chính phủ với người dân mà muốn dùng số tiền đóng góp của người dân vào mục tiêu khác khi đề nghị “không mua tiếp vắc xin từ nguồn ngân sách, đề nghị chuyển sang cơ chế xã hội hóa” mà ai cũng hiểu là tức là tiêm dịch vụ hay là người dân phải trả tiền để mua vaccine cho bản thân mình và gia đình.

Lưu ý là gần 40 triệu liều vaccine được các nước viện trợ theo cơ chế COVAX cho toàn dân nhưng lại nằm trong tay Chính phủ và Chính phủ có toàn quyền sử dụng theo mục tiêu của mình. Dĩ nhiên, như chúng ta đã thấy, số vaccine này đã và đang được sử dụng cho nhiều đối tượng không thuộc diện có nguy cơ bị nhiễm và tử vong cao, trong khi về đạo lý cần phải ưu tiên cho họ, gồm những đối tượng như các nhân viên y tế và những người tham gia chống dịch của khu vực tư nhân, những người chăm sóc các đối tượng F0 và F1 tại nhà riêng, những người cao tuổi (60-65 tuổi trở lên), những người không cao tuổi nhưng sức yếu, có bệnh lý nền và những người làm việc ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như giáo viên, người buôn bán nhỏ... Đó là chưa kể vaccine trong tay nhà nước còn được sử dụng cho người thân, người quen của các quan chức nhà nước như đã được công khai trên báo chí chính thống và buộc Thủ tướng phải chỉ đạo làm rõ.

Gần 40 triệu liều vaccine chỉ đủ để tiêm cho khoảng 20 triệu người. 
30 triệu liều AstraZeneca đang được đàm phán đủ để tiêm cho khoảng 15 triệu người nhưng người dân muốn tiêm thì phải tự bỏ tiền ra. Số 35-40 triệu người còn lại cũng sẽ phải tự bỏ tiền ra mua vaccine. Khả năng lớn là đất nước nghèo, dân nghèo, nên số người này sẽ được tiêm bằng vaccine Trung Quốc sắp được nhập về và vaccine nội địa sắp được cấp phép lưu hành sau khi thử nghiệm lâm sàng trong vài tháng tới.

Báo chí nhà nước đã có nhiều bài viết khuyên người dân không nên kén cá chọn canh đối với vaccine phòng ngừa COVID. Họ viện ra đủ thứ lý do, nào là thời gian là vàng cần khẩn trương tiêm ngay hay được tiêm là mừng rồi chớ còn kén chọn gì nữa. Ông đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại còn cao kiến hơn, đề nghị cho mở các điểm tiêm dịch vụ và sử dụng vaccine nội địa dự định sẽ sản xuất khoảng 7-7,2 triệu liều mỗi tháng để bán phục vụ rộng rãi nhân dân. Ngoài ra, ông còn đề nghị “cùng với ý kiến của hội đồng khoa học, hội đồng y khoa, cần mời thêm chuyên gia nước ngoài để thẩm định, trường hợp vắc xin đảm bảo an toàn rồi thì có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vắc xin của Việt Nam, sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.”

Không có mô tả ảnh.
Sợ thật, "có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vắc xin của Việt Nam". Thế thì ông coi pháp luật là mớ giấy vụn, coi sức khỏe và tính mạng của người dân như rác rưởi sao ? Ông muốn người dân được tiêm bằng loại vaccine rẻ tiền bất chấp chất lượng và 
quy trình phê duyệt, trong khi bản thân ông đã được tiêm vaccine xịn nhập khẩu (vì ông là ĐBQH đã được tiêm bằng vaccine Covax rồi), còn nhà nước Việt Nam được tiếng là quan tâm chăm lo đầy đủ cho sức khỏe của nhân dân. Và rồi cả hệ thống chính trị và báo chí nhà nước các ông sẽ lại rộ lên những lời ca ngợi "tự hào quá vaccine Việt Nam ơi” hay "trí tuệ của người Việt Nam rất tuyệt vời" như ông vừa dõng dạc tuyên bố trước Quốc hội cách đây 3 hôm khi nói về vaccine nội địa.

Các ông bà đại biểu quốc hội, các quan chức và nhà báo nhà nước nói ngon lắm vì các ông bà thuộc danh sách các đối tượng ưu tiên rồi. Khốn nạn nhất là đám bồi bút. Trong cơn đại dịch, chúng vẫn được đi lại tung hoành để tác nghiệp kiếm ăn, lại được ưu tiên tiêm vaccine ngay từ đầu. Thế thì tại sao không khen nức nở và tô vẽ cho tình hình thật đẹp nhỉ.

Các ông bà đã an toàn, nên muốn phán sao cũng được, ca ngợi chính sách vaccine của và chống Covid của chính phủ trên diễn đàn Quốc hội, trên tivi và báo chí thế nào cũng được. Nhưng có giây phút nào các người nghĩ đến người dân yếu thế đang khốn khổ trong cơn bão đại dịch không ? Nhiều người dân và doanh nghiệp đã kiệt quệ lắm rồi, lòng tin đối với chính phủ cũng sụt giảm theo tỷ lệ thuận các người có biết không ? Tới đây dân sẽ phải tốn tiền lần thứ hai để mua vaccine Tàu và vaccine nội để tiêm chứ không được phép chọn vaccine, thì không biết lòng tin của họ đối với chính phủ còn được bao nhiêu ?

Ngân sách là tiền thuế do dân đóng, chứ chẳng phải tiền riêng gì của các người. Vaccine do quỹ COVAX viện trợ miễn phí là để tiêm cho người nghèo, người yếu thế chứ không phải cho một nhóm những người khỏe mạnh, có tiền và có chức, có quyền trong xã hội. Hãy tỉnh lại đi các ông bà lãnh đạo ơi, đừng đẩy người dân vào bước đường cùng nữa! Tôi rất mong các ông bà đấy.

Đây là tâm sự của tôi những ngày qua và sau khi đọc một số bài tương tự trên mạng.
Cám ơn các bạn đã đọc

https://tuoitre.vn/kien-nghi-mo-tiem-dich-vu-de-nguoi-dan-tiep-can-vac-xin-20210726101022233.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét