Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Xin nghỉ mà không được nghỉ?

Trong bài này, TS Chu băn khoăn về trường hợp bác Trọng tái cử chức TBT nên vi phạm quy định của Điều lệ Đảng là “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Rất nhiều người dân cũng thắc mắc điều này. Một số quan chức đã cao giọng giải thích không cần sửa điều lệ nhưng bác Trọng không vi phạm vì bác là "trường hợp đặc biệt", "trường hợp ngoại lệ" mà đã thuộc loại này thì không cần tính đến luật lệ. Tôi đang chờ xem bác Trọng có trả lời như thế này không để bình luận, nhưng tính đến thời điểm này, bác đang quên chưa trả lời. Nói thực, là một đảng viên, tôi hoàn toàn không tán thành cách làm nhân sự vô nguyên tắc và không có giải thích rõ ràng này của Ban chấp hành TW khóa XIII. Tôi cũng không tin trong số năm triệu 100 nghìn đảng viên, không có ai có tài đức hơn hay bằng bác Trọng, để đến nỗi bác phải tiếp tục ở lại làm nhân sự đặc biệt rồi lúng túng giải thích "tôi cũng đã xin nghỉ nhưng Đại hội bầu nên là đảng viên, tôi phải chấp hành". Thế giới không đâu bắt người không muốn làm vẫn phải làm như mình, vì họ đã không muốn làm thì sẽ làm chẳng ra gì. Bác đã làm hai nhiệm kỳ gồm một thập kỷ, bao nhiêu tài năng, trí tuệ và sức lực đã phô ra hết rồi. Giờ thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa hỏi bác lấy đâu trí tuệ và sức lực để làm việc cho dân, cho nước trong nhiệm kỳ này ?

Xin nghỉ mà không được nghỉ?
fb Nguyễn Ngọc Chu ngày 1-2-2021 
Cho đến sáng nay (01/2/2021), trên báo chí chính thống của Nhà nước chưa thấy thông báo về sửa đổi Điều 17 Điều lệ Đảng. Chiều nay (01/2/2021) được biết Đại hội XIII không sửa đổi Điều lệ Đảng. Vậy điều khoản “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” của Điều 17 Điều lệ Đảng được tuân thủ như thế nào? Cần lưu ý rằng, hạn chế 2 nhiệm kỳ không phải là sáng kiến riêng của Việt nam. Đây là đúc kết kinh nghiệm của nhân loại. Đây chính là “Lồng nhốt quyền lực”.
Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, mọi người trên sân khấu và đám đông
I. “ĐẢNG VIÊN THÌ PHẢI CHẤP HÀNH”?
1. Hôm nay nhiều báo đăng lời của TBT Nguyễn Phú Trọng lý giải tại sao tiếp tục ở lại – dù tuổi cao, dù không khoẻ lắm. Báo Vietnamnet.vn đưa tin: “Tôi thì không khỏe lắm, tuổi cao rồi, tôi xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm vì là đảng viên thì phải chấp hành”.

Còn báo Tuổi Trẻ điện tử thì:

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước: ‘Tôi đã xin nghỉ nhưng được phân công, đảng viên phải chấp hành””.

Lời của TBT Nguyễn Phú Trọng trên đây gợi nhớ đến trả lời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 14/11/2012 trước câu hỏi của ông Dương Trung Quốc về từ chức:

“Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng chấp thuận tôi làm Thủ tướng Chính phủ nên tôi cũng sẽ chấp hành, chấp nhận nhiệm vụ giao phó. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó”.

Từ 2 trường hợp trên thì thấy được rằng, không có tự từ chức đã đành, lại còn xin nghỉ mà không được nghỉ.

2. Điều thứ 2 rất trăn trở là: Có phải cứ phân công là phải đảm nhiệm?

Bởi vì biết đâu sự đảm nhiệm đó không mang lại lợi ích mà có khi còn mang lại tác hại? Chẳng hạn như trường hợp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tự tự chức vì ông cảm thấy sức khoẻ không đủ – có thể làm ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến vận mệnh quốc gia.

3. Điều thứ 3 phải trăn trở là: Việc phân công TBT Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ TBT nhiệm kỳ thứ III liên tiếp tương thích như thế nào với Điều 17 của Điều lệ Đảng?

Điều 17 Điều lệ ĐCS Việt Nam ghi rõ: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Điều khoản này được thông qua lần đầu tiên tạị Đaị hội IX ngày 22/ 4/2001. Đây là nỗ lực của các cựu TBT Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và các lãnh đạo cách mạng lão thành khác như Đại tướng Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và toàn Đại hội IX – trong ngăn chặn sự kéo dài quyền lực, để “nhốt quyền lực” bằng Điều Lệ Đảng mà không một đảng viên nào có thể vi phạm.

Quy định “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” lại được toàn thể Đại hội XI nhất trí thông qua ngày 19/01/ 2011, cuối thời TBT Nông Đức Mạnh.

Cho đến sáng nay (01/2/2021), trên báo chí chính thống của Nhà nước chưa thấy thông báo về sửa đổi Điều 17 Điều lệ Đảng. Trong khi đó, Hội nghị 11 BCH Trung ương Đảng (07/10-12/10/2019) tán thành trình Đại hội XIII: Giữ nguyên Điều lệ Đảng, không sửa đổi, không bổ sung.

Chiều nay (01/2/2021) được biết Đại hội XIII không sửa đổi Điều lệ Đảng.

Vậy điều khoản “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” của Điều 17 Điều lệ Đảng được tuân thủ như thế nào?

Cần lưu ý rằng, hạn chế 2 nhiệm kỳ không phải là sáng kiến riêng của Việt nam. Đây là đúc kết kinh nghiệm của nhân loại. Đây chính là “Lồng nhốt quyền lực”.

Đến như ông Putin, sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Nga, cũng phải chuyển sang làm Thủ tướng một nhiệm kỳ, trước khi làm Tổng thống nhiệm kỳ thứ 3.

Tại sao trong 5 triệu 100 ngàn đảng viên mà không thể tìm ra người tài giỏi, để người xin nghỉ vẫn không được nghỉ? dù “không khoẻ lắm”? Đây là điều trăn trở của mọi đảng viên.

Rõ ràng là công tác quy hoạch cán bộ có vấn đề. Sau 2 nhiệm kỳ 10 năm mà vẫn không thể tìm được người đảm nhiệm chức vụ TBT. Như vậy các đồng chí trong BCT của cả 2 nhiệm kỳ XI, XII là chưa đủ năng lực? chưa có người giỏi chăng?

Tháng 07 năm 1936 tại Hội nghị BCHTƯ, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm TBT thay đồng chí Lê Hồng Phong TBT của Đảng mới có hơn một năm trước (03- 1935). Chỉ chưa đầy 2 năm, Tháng 3/1938 đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm TBT thay đồng chí Hà Huy Tập. Khi đồng chí guyễn Văn Cừ bị địch bắt tháng 1/1941 thì tháng 5/1941 đồng chí Trường Chinh được cử lên thay. Sau TBT Trường Chinh là TBT Lê Duẩn, TBT Nguyễn Văn Linh, TBT Đỗ Mười…

Đảng không bao giờ thiếu TBT. Giỏi như TBT Lê Hồng Phong, TBT Hà Huy Tập đều phải thay thế chỉ sau 1, 2 năm. Liên tục trong nhiều năm Đảng thay đổi TBT nhiều lần. Chỉ sau này chức TBT mới bị kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Đó là nguyên do dẫn đến quy định “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Người tài trong dân còn nhiều hơn nữa. Như Nguyễn Trãi đã từng viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”.

Không có ai là vĩ đại muôn năm. Không có ai là không vượt qua được. Nhân loại tiến bộ nhờ đời sau giỏi hơn đời trước. Khi một người vĩ đại đến mức đời sau không có ai vượt qua thì đó là hoạ chứ không phải là phúc. Trong thực tế, điều đó không bao giờ xảy ra. Cha ông đã dạy: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Cho nên, phải hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ để lúc nào cũng có sẵn TBT mới. Đảng chỉ mạnh khi hội tụ nhiều người tài giỏi.

II. BAO GIỜ THÌ CÓ “LỒNG NHỐT QUYỀN LỰC”?

Việc TBT Nguyễn Phú trọng giữ nhiệm kỳ III liên tiếp, cho thấy con đường xây dựng “Lồng nhốt quyền lực” thật gian truân.

Một là, “Lồng nhốt quyền lực” sẵn có mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang dùng thì nước ta chưa ưng ý. Mặc dù đó là loại “Lồng nhốt quyền lực” đã được kiểm nghiệm thực tế qua hàng trăm năm ở 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng một số người ở nước ta hiện nay đang kiên trì xây dựng “Lồng nhốt quyền lực” kiểu khác.

Hai là, xây dựng “Lồng nhốt quyền lực” mà được phần nào lại tự dỡ bỏ đi phần ấy bằng “ngoại lệ” thì biết bao giờ xong?

III. SỰC NHỚ ĐẾN LỊCH SỬ

Chẳng hiểu sao lại sực nhớ, vua Càn Long ở ngôi 61 năm – luôn giữ Hoà Thân là kẻ gian thần tham lam xu nịnh để khống chế người trung lương như tể tướng Lưu gù. Lại sực nhớ, Tào Tháo rút gươm chém kẻ đến gần vì giả mơ ngủ, để không kẻ nào dám bén mảng lúc Tháo ngủ.

Lại sực nhớ năm 220 Hán Hiến Đế 3 lần viết chiếu nhường ngôi cho Tào Phi (con của Tào Tháo) mà Tào Phi từ chối. Đến lần thứ 4 Tào Phi mới chịu nhận ngôi vua mà lập nên nhà Tào nguỵ. Nhưng thật trớ trêu, chỉ 46 năm sau, chắt của Tào Phi – Tào nguỵ nguyên đế Tào Hoán – cũng phải 3 lần viết chiếu nhường ngội cho Tư Mã Viêm là cháu của Tư Mã Ý thì Tư Mã Viêm mới chịu nhận ngôi vua mà trở thành Tấn Vũ Đế.

Còn sực nhớ nhiều điều nữa mà vẫn chưa tỉnh ngủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét