Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Liệu ông Nên có nên cơm cháo?

Tôi nghĩ ông Nên sẽ không làm được cái gì đáng kể ở tp Sài Gòn vì ông không phải là nhà kỹ trị. Ông Nên bắt đầu là chiến sĩ cảnh sát hình sự năm 1975 và trở thành Trưởng công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vào năm 1989. Như vậy ông cũng giống như Nguyễn Đức Chung ở Hà Nội, chỉ khác là Chung lên đến giám đốc công an Hà Nội rồi mới chuyển sang làm hành chính để rồi vào tù. Sài Gòn là một đô thị lớn, cần một người có nghiệp vụ và kinh nghiệm quản lý đô thị làm lãnh đạo, trong khi ông Nên và ông Chung đều không có thì e chừng các ông làm ít phá nhiều như ông Chung đã làm. Tuy nhiên trong bài dưới đây, nhà báo Võ Văn Tạo viết "ông Nên, chịu ảnh hưởng ông Võ Văn Kiệt, ưa lắng nghe trí thức và rất tâm huyết với công việc chung" và "sạch sẽ hiếm hoi, chưa nghe tì vết, tai tiếng gì" nên tôi cũng cố hy vọng ông làm được cái gì đó cho Sài Gòn. Bộ chính trị kỳ tới có khá nhiều gương mặt "chịu ảnh hưởng ông Võ Văn Kiệt" và không quá giáo điều, bảo thủ, thì cũng là điều đáng mừng. Những gương mặt trong Bộ chính trị kỳ tới (2021-2025) hoặc kỳ tới nữa (2026-2030) mà người dân có thể hy vọng họ làm ra một cuộc chuyển biến lớn cho đất nước có thể là các ông Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Văn Bình, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Võ Văn Thưởng, Lương Cường, Trần Tuấn Anh, và bà Lê Thị Nga. Ngoài ra cũng có thể kể tới ông Vương Đình Huệ cũng tham gia vì ông này cứ thấy phe nào mạnh hay thấy mình tham gia có lợi cho cá nhân là đi theo.
Liệu ông Nên có nên cơm cháo?
Võ Văn Tạo - Truyền thông nhà nước vừa loan tin ông Nguyễn Văn Nên được điều chuyển từ Chánh VPTW đảng vô TP HCM. Ai cũng biết, Bí thư Thành ủy TP HCM, ủy viên BCT chỉ là vấn đề thủ tục nay mai.
Tôi không quen thân ông Nên, chỉ biết ông sơ sài vài nét như ông là nhân sự cấp cao sạch sẽ hiếm hoi. Từ khi rời chức Bí thư Tây Ninh ra làm CN VPCP, rồi Chánh VP TW đảng, chưa thấy có gì nổi trội, nhưng được cái chưa nghe tì vết, tai tiếng gì.

Thay thế ông Nguyễn Thiện Nhân - người ban đầu được không ít người dân, cán bộ kỳ vọng, rồi thất vọng, vì mờ nhạt, vô tích sự - tại một địa bàn quan trọng nhất cả nước về kinh tế, nhiệm vụ của ông Nên chẳng nhẹ nhàng gì. Liệu ông Nên có làm nên cơm nên cháo gì?

***

Nhân tiện xin kể mẩu chuyện nhỏ liên quan ông Nên:

Dịp ông Nên mới được điều động ra làm Chủ nhiệm VPCP, có lần tôi đến nhà bác sĩ Kiều Xuân Cư để chúc Tết. Bác sĩ là một trí thức cao niên, một cuốn biên niên sử sống mà cánh báo chí hay tận dụng khai thác. Với tư tưởng khá thực tế và cấp tiến, ông cũng là người cởi mở, thiện chí với báo giới.

Tại nhà BS Cư, hôm đó tình cờ gặp con trai BS Cư là anh Kiều Xuân Long - từ TP HCM về ăn Tết với cha. BS giới thiệu nhà báo VVT với anh Long. Anh rất ngạc nhiên, vui sướng và cho biết anh thường đọc các bài viết chính luận mang tính phê bình thẳng thắn nhưng xây dựng của tôi trên Tuổi Trẻ, SGGP, Kinh Tế SG, Vietnamnet... và rất tâm đắc. Ví dụ như khi nhà nước chủ trương thành lập Ban phòng chống tham nhũng các cấp, bèn giao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Trưởng Ban Chỉ đạo ở TW. Ở các tỉnh thì giao cho các Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng ban. Ở cấp huyện là Chủ tịch UBND huyện. Tại các doanh nghiệp nhà nước thì nghiễm nhiên giám đốc là trưởng ban. Tôi liền viết bài phê phán cái tối kiến ấy và phân tích rằng giao cho một người làm trưởng ban mà tay phải người ấy ký các quyết định, các dự án có "màu mỡ", tay trái lại ký kết luận xác minh đơn tố cáo người ấy tham nhũng thì thật vô lý, rất tai hại. Theo tôi, ở TW, nên giao cho CT QH hoặc CTN. Ở tỉnh, huyện, nên giao cho Phó BT thường trực đảng bộ. Ở DNNN, giao cho CT công đoàn hoặc bí thư cấp ủy. Có như vậy mới tản quyền, tạo đk chế ước, giám sát quyền lực, hạn chế tiêu cực.

Quả nhiên, ông Dũng, sau 2 nhiệm kỳ Thủ tướng và gần 10 năm trưởng Ban chỉ đạo PCTM TW đã để hậu quả ra sao thì đến nay chúng ta đã rõ. Đến nỗi, quá xót ruột, TBT Ng Phú Trọng phải dứt khoát giành lại chức Trưởng ban ấy từ tay đương chức TT NTD.

Bên chén trà Xuân, anh Long gợi ý tôi gửi email các bài báo cho ông Nên. Tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện và hỏi anh Long vì sao lại khuyên tôi làm như thế? Anh bảo anh có quen thân và hiểu rõ ông Nên. Theo anh Long, ông Nên, chịu ảnh hưởng ông Võ Văn Kiệt, ưa lắng nghe trí thức và rất tâm huyết với công việc chung.

Tôi nghe vậy thì biết vậy. Vả lại chưa một lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Long nên rút cục tôi không gửi bài báo nào đến ông. Lại nữa, vốn dĩ lâu nay, tôi ít thiện cảm với đại đa số quan chức đảng tai to mặt lớn. Nên chuyện chỉ dừng ở đó.

Xin nói thêm về anh Kiều Xuân Long: trước 1975, anh là cán bộ Tuyên huấn Miền. Cơ quan anh nằm trong cơ quan đầu não của Mặt trận DTGP MNVN rồi sau là Chính phủ CMLT CHMNVN, đóng tại căn cứ Tây Ninh.

Trong cuốn Bên Thắng Cuộc, nhà báo Huy Đức có nhắc chuyện anh Long là chính là người đưa ông Trần Xuân Bách đến ký túc xá sinh viên Trần Hưng Đạo (SG) để nói chuyện thời sự và truyền bá tư tưởng đổi mới, cấp tiến cho sinh viên.

Võ Văn Tạo

(FB Võ Văn Tạo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét