Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Hội nghị TW chưa thể quyết trường hợp đặc biệt

Hội nghị Trung ương chưa thể quyết trường hợp đặc biệt, khó khăn chọn người cho Tứ trụ?
RFA 2020-10-14 - Tại Hội nghị báo cáo viên tháng 10 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức sáng 14/10, ông Lê Quang Vĩnh, trợ lý thường trực Ban bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản 13 chưa xem xét các trường hợp đặc biệt, quá tuổi được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá tới. Liệu đây có phải là những khó khăn trong việc chọn người vào 4 vị trí cao nhất nước khi phần đông các ứng viên đủ tiêu chuẩn đều đã quá tuổi theo quy định?

Ảnh minh họa: cuộc bỏ phiếu bầu cho Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 10 năm 2018.

Vẫn theo phát biểu của đại diện Ban bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị trung ương 13 vừa diễn ra ở Hà Nội hôm 5/10 và kéo dài 5 ngày vừa qua mới chỉ xem xét các trường hợp nằm trong khung tuổi, đủ tiêu chuẩn điều kiện.

Còn các nhân sự thuộc diện trường hợp đặc biệt, trên 60 tuổi đối với ủy viên trung ương; trên 65 tuổi đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các trường hợp đặc biệt có tham gia lần đầu hay không, có tái cử hay không như một số bí thư tỉnh ủy chạm giới hạn tuổi, tham gia lần đầu không quá 55, đến giờ 56 thì chưa được xem xét trong hội nghị lần này, mà Ban Chấp hành trung ương sẽ xem xét trong hội nghị 14 và có thể là hội nghị 15.

Giải thích rõ hơn về nội dung vừa nêu, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA tối 14/10 như sau:

“Khi xét những trường hợp có văn bản Bộ Chính trị ban hành, có vấn đề liên quan đến điều lệ đảng cần phải vượt qua thì phải có ý kiến của Đại hội biểu quyết mới được, bây giờ chưa có thẩm quyền. Nếu bây giờ ở lại quá tuổi thì có một số người quá tuổi nhưng dự kiến ở lại chẳng hạn như ông Thủ tướng. Có một quy định trong nội bộ là những người đương là Bộ Chính trị và muốn tái cử lại thì dưới 65 (tuổi) được quyền tái cử khóa tiếp, nếu trên 65 thì không được đắc cử. Hoặc những người tới tuổi hưu là 60 (tuổi) mà đến Đại hội là 60 thì không được đắc cử. Bây giờ nếu quy định những người quá 65 (tuổi) tiếp tục ứng cử thì những trường hợp đó cũng đặc biệt. Theo điều lệ đảng thì người làm Tổng Bí thư thì không được làm 2 nhiệm kỳ liên tục, tức nhiều nhất 2 nhiệm kỳ nhưng cũng có người làm qua nhiệm kỳ thứ 3, nếu muốn ở lại thì phải hỏi Ban Chấp hành Trung ương mới có thể quyết được những việc không phù hợp với điều lệ đảng, trường hợp đặc biệt là được quy định như vậy.”

Trước đó, Đại hội đảng cộng sản lần thứ XII tổ chức đầu năm 2016 có 5 người được giới thiệu là “trường hợp đặc biệt”.

Bốn người trúng cử gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ông Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu, Bùi Văn Nam, người còn lại không trúng cử là ông Huỳnh Phong Tranh.

Các quy định và thông lệ của đảng yêu cầu các ủy viên Bộ chính trị, những người có tuổi đời quá 65 hoặc đã phục vụ hai nhiệm kỳ, phải nghỉ hưu. Chỉ thị số 35-CT/TW được Bộ Chính trị ban hành xác định năm 2020 là hạn để quyết định độ tuổi hợp lệ cho các ứng viên cho một trong 4 vị trị trứ trụ.

Trong danh sách 17 Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, có đến 8 người đã quá độ tuổi 65 vào nhiệm kỳ tới và theo nguyên tắc sẽ phải nghỉ hưu trừ trường hợp đặc biệt. Đó là: Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình.

Cùng tuổi đời và tuổi đảng với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, Luật sư Trần Quốc Thuận đưa ra một vài lãnh đạo có thể nằm trong danh sách trường hợp đặc biệt cho Đại hội XIII sắp đến:

Hình minh hoạ. Đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 28/1/2016
Hình minh hoạ. Đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản VN ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

“Cũng nghe nói có mấy (trường hợp) đặc biệt là Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước. Nếu quá tuổi thì ông Trần Quốc Vượng quá 2 tuổi, ông Phúc quá 1 tuổi, bà Kim Ngân quá 1 tuổi, cụ Trọng thì quá nhiều rồi, kể cả quá 2 nhiệm kỳ, đây là nhiệm kỳ thứ ba, bây giờ làm tiếp nữa thì để Đại hội quyết.”

Vẫn theo phát biểu của ông Lê Quang Vĩnh trong buổi họp ngày 14/10, ngoài 119 người được giới thiệu tái cử còn có 107 người lần đầu được giới thiệu tham gia để bầu ủy viên Ban Chấp hành trung ương chính thức và 44 người tham gia lần đầu để bầu ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội cho rằng với hàng trăm người mới được giới thiệu và hàng trăm người tái cử nên sẽ là mâu thuẫn nếu vẫn có trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng khả năng trường hợp đặc biệt sẽ có khoảng từ 1-3 người, được quyết định và công bố sau 2 cuộc họp trung ương nữa. Đặc biệt, ông nhận xét về trường hợp ở lại của ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như sau:

“Tôi nghĩ khả năng ông ấy ở lại rất thấp vì như thế là quá đáng. Với tuổi tiêu chuẩn là 67 thì đã quá mà ông 76 tức quá 10 năm nên có muốn trụ lại cũng khó có thể. Đặc biệt kiểu gì cũng không thể quá đáng như vậy. Chưa kể sức khỏe của ông ấy không thể đảm nhiệm những chức vụ như vậy trong thời gian nữa. Nhưng mình không thể biết thế nào vì đây là chuyện nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trong một đảng luôn luôn giữ kín thông tin rất kỹ như thế thì mình không thể đoán được.”

Một số chuyên gia quốc tế theo dõi tình hình chính trị Việt Nam cho rằng có nhiều khả năng ông Trần Quốc Vượng sẽ là trường hợp ngoại lệ để làm Tổng Bí thư thay ông Trọng đã nghỉ hưu. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng ông Trọng muốn ở lại thêm 2 năm nữa trước khi trao quyền lại cho ông Vượng.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thời Báo tại Đức cho rằng:

“Theo tôi được biết ông Nguyễn Phú Trọng muốn ở lại thêm nhiệm kỳ 2 năm nữa để ông Trần Quốc Vượng cứng cáp hơn và có thể thế ông Trọng làm vai trò Tổng Bí thư. Ông Trần Quốc Vượng hiện đang làm Thường trực Ban Bí thư đáng lẽ có thể làm Tổng Bí thư khóa này nhưng ông không được uy tín cao trong nội bộ Bộ Chính trị, đồng thời không có kinh nghiệm trong quản lý hoạt động ở cơ quan chính phủ trước đây cũng không có. Việc này khó ở chỗ ông Trọng muốn thế nhưng những ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị khác lại không muốn thế vì họ không muốn lặp lại hình ảnh một người già tiếp tục ở lại và gần như không hoạt động, thỉnh thoảng xuất hiện mà vẫn chiếm giữ vị trí cao nhất của đất nước như Chủ tịch nước và chức vụ cao nhất của đảng là Tổng Bí thư. Theo tôi việc đó khó thực hiện và 90% ông Nguyễn Phú Trọng sẽ về hưu đợt này.”

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những dự đoán được đưa ra lúc này chỉ dựa trên tình hình hiện tại nhưng xác suất xảy ra hay không lại là một vấn đề khó nói khác:

“Tôi phải nói thật không thể biết được ở chính trường Việt Nam, phải đến phút 89 hay nói cách khác là phải đến khi đại hội chính thức sắp sửa khai mạc, tức đại hội thật là đại hội trù bị, đại hội chính thức chỉ là đại hội diễn, trong đại hội thật thì mới ngã ngũ ai làm gì hay cụ thể ông Tổng Bí thư là ai. Bây giờ rất khó nói, từ thời ông Nguyễn Văn Linh đến ông Lê Khả Phiêu rồi ông Nông Đức Mạnh thì chẳng ai nghĩ những ông ấy làm Tổng Bí thư.”

Nhà báo Lê Trung Khoa cũng cho rằng nhân sự đảng đang là vấn đề nan giải hiện nay vì Đại hội đảng 13 tới đây là kỳ đại hội hết sức lúng túng và khó khăn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông lập luận:

“Trước làn sóng hội nhập Việt Nam với quốc tế, trước sự tìm hiểu và hiểu biết của người dân Việt Nam và trước sự nhận biết của các quan chức đảng cộng sản Việt Nam thì thấy rằng cách làm cũ, đường lối cũ, đặc biệt là cán bộ đầu não hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể như cũ được nữa. Nếu như vậy đất nước ngày càng lụn bại, khó khăn và ngày càng đi vào cực đoan, trở thành cộng sản cực đoan. Đặc biệt là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng lúng túng hơn vì ông thực sự đã già yếu. Những phe phái, những người ủng hộ ông ta đều biết sức khỏe ông yếu như vậy thì trước sau cũng phải về.”

Ngoài trường hợp ông Vượng, cũng đã có một số ý kiến cho rằng cũng có khả năng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trường hợp ngoại lệ khác về độ tuổi có thể được cân nhắc ở lại trong nhiệm kỳ tới.

Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIII sẽ được tổ chức vào tháng 1/2021 tới đây. Công tác nhân sự đảng vẫn luôn là đề tài được nhiều người quan tâm thời gian vừa qua.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp ngày 5/10 lên tiếng khẳng định rằng nhân sự cấp cao của Đảng chuẩn bị cho Đại hội XIII đã được chuẩn bị hết sức công phu, với quy trình chặt chẽ. Ngoài ra, công tác cán bộ cấp cao của Đảng được ông Trọng nói sẽ tiếp tục hoàn thiện, để có được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ tầm đưa đất nước tiến về phía trước.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-difficult-to-choose-people-for-the-four-pillars-10142020164233.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét