Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Đạo cha con và 3 triệu USD ông Son nhận hối lộ

Sợ rằng có bàn tay đạo diễn phía sau để đôi bên chính quyền và gia đình ông Son cùng có lợi, chỉ riêng nhân dân thiệt. Riêng đối với gia đình ông Son, nếu con gái ông khai có nhận 3 triệu USD từ bố và chịu nộp lại cho Nhà nước thì cô ta sẽ bị đi tù vì tội đồng phạm hoặc tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Còn ông bố Son sẽ "thoát án tử hình", chuyển sang tù chung thân (vì đã khắc khục được trên 3/4 số tiền). Như vậy gia đình tan nát. Ngược lại, nếu cô nàng không chịu khai nhận thì sẽ không bị khởi tố ( như đã thấy). Ông Son sẽ lãnh án "tử hình". Sau đó, cô và gia đình sẽ nộp cho nhà nước khoảng 3/4 số tiền đó gọi là "khắc phục hậu quả". Đến phiên phúc thẩm, ông Son sẽ được giảm xuống còn chung thân. Chính quyền gồm toàn bạn bè, đồng nghiệp của ông Son và tham nhũng như ông Son nên cũng không muốn tử hình ông làm gì... Gia đình ông Son giữ được 1/4 số tiền, tương đương 750 nghìn đô la, gấp nhiều lần số tiền tham nhũng của ông Trương Minh Tuấn (200 nghìn), đủ để lo cho ông Son được giảm án tiếp sau một số năm ngồi tù... Phương án này nhìn tổng thể có lợi cho "đại cục" hơn nhiều.
Đạo cha con và 3 triệu USD ông Son nhận hối lộ
9/9/2019 - Về mặt đạo lý, từ cuộc đối chất bất thành của hai cha con tại CQĐT về số tiền nhận hối lộ, cha đã không đúng với con hay ngược lại? Hiện CQĐT và nhiều người đều chưa thể có câu trả lời tường tận có hay không việc giao nhận các khoản tiền lớn quá sức tưởng tượng giữa hai bên nhưng trời biết, đất biết… Và chắc chắn lương tâm của cha, con cũng đều biết rất rõ.

Ông Nguyễn Bắc Son khai đã đưa tiền 

nhận hối lộ cho con gái mình. Ảnh: CT
(PL)- Phi vụ MobiFone mua cổ phần AVG gây nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.000 tỉ đồng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không chỉ là tình tiết số tiền nhận hối lộ “khủng” đến hơn 3 triệu USD mà lần đầu tiên được công khai thừa nhận, cựu bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son còn bị nhiều chỉ trích về lời khai đụng đến con gái.


Theo kết luận điều tra mới đây của cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an, bị can Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG) đã đến nhà riêng của bị can Bắc Son để giao số tiền nêu trên. Bị can Bắc Son cho biết đã đưa tiền đó cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Về phía người con, bà quả quyết không nhận bất cứ khoản tiền nào từ cha. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và lời khai của những người có liên quan, CQĐT kết luận không đủ căn cứ xử lý hình sự người con.

Lập tức, tình cha con của ông Bắc Son trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người. Nào là “làm cha mà đi đổ tội cho con, đẩy con vào vòng nguy hiểm”; nào là “làm cha mà đẩy con vào tội bất hiếu, bất nhân”; nào là “vì tiền mà cha con tương tàn, bố hết tiền, con cạn tình”…

Ôi thôi là đủ lời phê phán, suy đoán, chưa biết trúng hay trật của những người ngoài cuộc. Kết tội người cha đã đành, dư luận còn “ném đá” vào người con như thể không muốn tin CQĐT đã bất lực thật sự về bãi đáp của 3 triệu USD.

Miệng đời là thế nhưng với pháp luật thì có những nguyên tắc mà các cơ quan chức năng bắt buộc phải tuân thủ để chỉ có đúng chứ không được phép sai. Đó là ai làm nấy chịu, người bị cho là có liên can chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi CQĐT chứng minh được có vi phạm, còn không thì phải được xác định là không có hành vi phạm tội.

Cụ thể, bị can Nguyễn Bắc Son phải tự chịu trách nhiệm đối với số tiền nhận hối lộ đã thừa nhận (cùng tội vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng đang bị đề nghị truy tố) mà sau này được tòa án kiểm tra, xác định.

Theo khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự, người nhận hối lộ trên 1 tỉ đồng có thể bị phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu thành khẩn khai báo, cố gắng tự nguyện bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, bị can có thể được hưởng mức án nhẹ hơn.

Trường hợp bị phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần (thường là ít nhất 1/2) nghĩa vụ dân sự thì phạm nhân có thể được cho ra tù sớm.

Trường hợp vẫn bị kết án tử mà sau đó đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ… thì người phạm tội có thể giữ được mạng sống. Tất nhiên, việc bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả có thể do chính bị can, bị cáo thực hiện bằng tài sản của chính mình hoặc được người thân thực hiện thay bằng tài sản thuộc sở hữu của họ.

Đối với người con, nếu muốn nói là có hành vi phạm tội thì phải dựa trên các bằng chứng có nhận tiền và có biết là do người cha thực hiện hành vi phạm tội mà có tiền. Tội danh phù hợp có thể là tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay tội rửa tiền.

Còn như người con phủ nhận hết thảy và CQĐT cũng không có đủ bằng chứng thì phải chấp nhận là lời khai của người cha không có căn cứ để xử lý.

Ngay từ lúc này hoặc sau phiên tòa xử tội người cha, nếu muốn và có tài sản thì người con vẫn có thể đỡ đần cha bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả. Việc bỏ tiền khắc phục này chỉ có thể là tự nguyện chứ pháp luật không có quyền áp đặt người con.

Trách nhiệm pháp lý độc lập của từng người xem ra đã rõ. Còn về mặt đạo lý, từ cuộc đối chất bất thành của hai cha con tại CQĐT về số tiền nhận hối lộ, cha đã không đúng với con hay ngược lại?

Hiện CQĐT và nhiều người đều chưa thể có câu trả lời tường tận có hay không việc giao nhận các khoản tiền lớn quá sức tưởng tượng giữa hai bên nhưng trời biết, đất biết… Và chắc chắn lương tâm của cha, con cũng đều biết rất rõ.

1 nhận xét:

  1. Quý vị cứ xoắn vào cái đạo ngĩa cha con mà quện mịa nó thằng cha Son và con gái hắn đều là cáo già ,bọn họ đang chơi trò cù nhầy đấy .Tất cả các bài viết về tình cha con của tên son đều viết theo đơn đặt hàng để định hướng dư luận . Quý vị ngu quá,và ngu lâu .Cha con họ đang ra chiêu để tung hoả mù cứu nhau ,cứ chờ xem nhá. Vãi !

    Trả lờiXóa