Ván xì phé giữa Obama và Raul Castro
Lữ Giang
Mặc dầu Hoa Kỳ và Cuba đã thiết lập bang giao, “cuộc chiến” giữa Cuba và Hoa Kỳ vẫn còn gay cấn, vì Cuba không tin vào sự chân thành Hoa Kỳ. Sự thiếu tin tưởng này trước hết phát xuất từ cuộc đối đầu lâu dài giữa hai bên đã kéo dài suốt 55 năm, trong gian đoạn đó Hoa Kỳ đã tổ chức ám sát lãnh tụ Fidel Castro đến 638 lần và Hoa Kỳ không từ chối bất cứ thủ đoạn nào có thể dùng để làm cho chế độ Fidel Castro sụp đổ, nhưng mọi âm mưu đều thất bại. Lý do thứ hai là Cuba thấy rằng Hoa Kỳ vẫn còn tiếp tục xử dụng “lá bài xã hội dân sự” và “chiêu bài dân chủ và nhân quyền” với mục tiêu gây bất ổn rồi phá sập chế độ Castro và thay thế bằng những tên tay sai của Mỹ như đã làm dưới thời VNCN năm 1963. Raul Castro cảnh giác Mỹ không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
Chủ tịch Raul Castro
Khi Tổng Thống Obama đến Havana, Chủ Tịch Raul Castro không ra đón tại phi trường mà để phái đoàn ngoại giao đón. Còn ông Fidel Castro từ chối gặp Obama.
ĐẤU KHẨU GIỮA OBAMA VÀ RAUL CASTRO
Trước khi Tổng Thống Obama đến Cuba, báo chí ở Havana đã nói rằng nếu ông Obama sang đây chỉ để cố thuyết phục Cuba thay đổi lập trường chính trị thì tốt nhất ông đừng sang, hay “nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ không thể thay đổi Cuba và tốt hơn là ông ta đừng cố gắng làm điều đó”.
Theo Reuters, phát biểu tại Quốc hội ngày 20.12.2014, Chủ tịch Raul Castro nói:
“Cũng giống như việc chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi Mỹ thay đổi chế độ chính trị của họ, chúng tôi sẽ yêu cầu sự tôn trọng với chế độ chính trị của chúng tôi.”
Hôm 28.1.2015, khi phát biểu tại Thượng Hội Đồng Cộng Đồng các Quốc Gia Mỹ Latinh và Caribbean tại Costa Rica, ông Raul Castro nói rõ hơn:
“Cuba và Mỹ phải học nghệ thuật sống, để làm thế nào chúng ta chung sống một cách văn minh, trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt giữa hai chính phủ và hợp tác trong các vấn đề vì lợi ích đôi bên, góp phần giải quyết những thách thức mà cả hai nước và thế giới đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là Cuba sẽ từ bỏ những lý tưởng của mình về độc lập, công bằng xã hội hay nhượng bộ bất kỳ nguyên tắc nào, cũng như bất kỳ mi-li-mét lãnh thổ quốc gia nào.”
Trong cuộc gặp gỡ ngày 21.3.2016, Chủ tịch Raul Castro nói với Tổng Thống Obama: “Có nhiều khác biệt sâu sắc giữa Mỹ và Cuba. Những khác biệt ấy sẽ không bao giờ biến mất”. Ông nhắc lại rằng Mỹ và Cuba phải chung sống với những khác biệt đó một cách “văn minh”.
Ngày 22.3.2016, Tổng Thống Obama đã đọc tại Gran Teatro (Nhà Hát Lớn), Havana, một bài diễn văn được “người Việt quốc gia” khen nức nở vì tin rằng nó có thể áp dụng cho CSVN. Tổng Thống Obama tuyên bố:
“Hôm nay tôi đến đây để chôn những di vật cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tôi đến đây để bắt tay và kết bạn với người dân Cuba…”
“Tôi xác minh rằng Hoa Kỳ không đủ sức và cũng không muốn ép Cuba phải thay đổi. Cuba có thay đổi hay không, điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn của người dân Cuba…”
Nhưng ông lại nói:
“Tôi tin rằng mọi công dân đều có quyền phát biểu ý kiến mà không sợ bị bắt bớ. Ai cũng có quyền lập hội, quyền chỉ trích nhà nước, và quyền phản đối trong ôn hòa. Tôi tin rằng pháp luật không được phép bỏ tù người dân khi họ sử dụng những quyền căn bản này…”
“Không phải ai cũng đồng ý với tôi hay với người dân Mỹ về những điểm này. Nhưng tôi tin rằng các nhân quyền nói trên áp dụng cho tất cả mọi người. Nó đúng cho dân Mỹ, cho dân Cuba, và cho tất cả mọi dân tộc khác trên thế giới…”
Hình như lúc đó tại Little Saigon, nhiều “người Việt quốc gia” đã vỗ tay ào ào. Nhưng không phải ai cũng tin lời ông Obama nói.
OBAMA ĐÃ BỊ LẬT TẨY
Trong bài "Vì các quan hệ với Cuba tan băng, Mỹ cần ngăn chặn các lợi ích quân sự của Trung Quốc và Nga tại Cuba" đăng trên Fox News của Mỹ, bà K.T. McFarlane, một nhà phân tích về chính sách ngoại giao, đã viết:
“Quyết định khôi phục quan hệ với Cuba của Tổng thống Obama là chính xác,nhưng hoàn toàn không xuất phát từ nguyên nhân do ông đưa ra.”
Bà Kathleen T. McFarland là một cố vấn truyền thông Mỹ, từng làm Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ dưới thời Tổng Thống Regan, đặc trách các vấn đề về quan hệ công, hiện phụ trách biên tập về các vấn đề chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Fox News. Bà nói:
“Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Mỹ là áp dụng biện pháp bảo đảm cho Cuba sẽ không trở thành đầy tớ của Nga hoặc Trung Quốc, ngăn chặn họ thiết lập hiện diện quân sự tại Cuba, biến Cuba thành bàn đạp để đe dọa an ninh của Mỹ.”
Tại sao bà Kathleen T. McFarland đã cảnh cáo như vậy?
Nga và Cuba
Trước đây Nga đã có một căn cứ do thám điện tử ở Lourdes, Cuba, từ năm 1967. Đây là căn cứ tình báo lớn nhất của Liên-xô, với khoảng 3.000 nhân sự làm việc. Sau khi Liên-xô sụp đổ, căn cứ này đã dần thu nhỏ quy mô và đến năm 2001 thì ngừng hẳn mọi hoạt động, chủ yếu vì chi phí duy trì quá cao.
Putin và Raul Castro
Nhưng kinh tế cũng là quân bài chiến lược mà Nga xử dụng để lôi kéo Cuba. Trong chuyến thăm Cuba vào tháng 7/2014, ông Putin đã xóa 90% các khoản nợ của Cuba thời Liên Xô, có tổng trị giá lên đến 32 tỷ USD. Moscow còn ký với Havana một loạt thỏa thuận công nghiệp, kinh tế và thương mại, đặc biệt là dự án thăm dò khai thác dầu tại vùng biển của quốc gia Trung Mỹ này.
Trung Quốc và Cuba
Ngày 21.7.2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thủ đô La Havana thăm hữu nghị chính thức Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ hai của Cuba, sau Venezuela. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm ngoái đạt tổng cộng khoảng 1,8 tỷ đô la. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc sang đảo quốc này bao gồm xe hơi và đồ điện tử, ngược lại, Cuba chủ yếu xuất khẩu đường sang Trung Quốc.
Tập Cận Bình và Raul Castro
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho biết năm 2012, phía Cuba đã chủ động đề xuất Trung Quốc đặt các tàu của họ trong vùng biển Caribbe cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung. Ngày 10.11.2015 ba tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã cập bến hải cảng Havana trong chuyến thăm nhằm tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Đây là lý do chính khiến ông Obama phải đi Cuba gấp, chứ không phải “để chôn những di vật cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Lạnh” hay “để bắt tay và kết bạn với người dân Cuba…” như ông Obama đã tuyên bố.
RAUL CASTRO CŨNG NGHĨ KHÁC OBAMA NÓI
Ngày 21.3.2016, sau khi gặp Raul Castro, Obama tuyên bố: "Trong hơn nửa thế kỷ, tầm nhìn của một Tổng thống Hoa Kỳ ở Havana là không thể tưởng tượng, nhưng đây là một ngày mới". Nhưng đối với ông Castro, “ngày mới” mà ông Obama nói không có nghĩa là “chôn những di vật cuối cùng của cuộc Chiến Tranh Lạnh” như ông Obama đã nói.
Một báo cáo ngày 3.4.2014 tiết lộ Mỹ đã xử dụng các công ty bí mật núp dưới vỏ bọc tài trợ ngoại quốc để tạo ra một mạng lưới kích động những bất đồng chính trị để chống lại chế độ Cuba. Theo AP, đứng đằng sau dự án này chính là Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), một tổ chức chuyên đem viện trợ đến cho những nước nghèo. Đây cũng là cơ quan đã chứa các điệp viên của CIA điều khiển vụ thiêu sống Hòa Thượng Thích Quảng Đức ở Saigon năm 1963 và là nơi đã cho Thích Trí Quang ẩn nấp khi cảnh sát lục xét chùa Xá Lợi. USAID vốn được coi là tổ chức bình phong (front organization) của CIA.
Tháng 12/2015, Chủ tịch Raul Castro đã thúc giục chính phủ Hoa Kỳ ngưng các chương trình phát thanh và truyền hình mà Cuba coi là “có hại”. Đó là đài phát thanh Radio Marti và truyền hình TV Marti do Hội đồng Quản trị Phát thanh và truyền hình của Mỹ BBG (Broadcasting Board of Governors) quản lý và điều hành. Ông Castro nói rằng “chính phủ Cuba sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng để đạt được mối quan hệ bình thường, chính phủ Hoa Kỳ cần phải loại bỏ mọi chính sách trong quá khứ đang tác động tới người dân Cuba cũng như không phù hợp với bối cảnh quan hệ song phương hiện thời hoặc với ý nguyện mà hai nước đã tuyên bố nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao”.
Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, Chủ tịch Raoul Castro còn đòi Hoa Kỳ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ «chiếm đóng trái phép» từ 1903 để xây căn cứ Guantanamo.
NHỮNG TÍNH TOÁN CỦA RAUL CASTRO
Dù biết rất rõ chủ trương, đường lối và thủ đoạn của Mỹ, nhưng vì nhu cấu phát triển và không muốn bị Trung Quốc áp đảo hoàn toàn, cả Việt Nam lẫn Cuba đã quyết định vừa bắt tay với Trung Quốc vừa với Mỹ vì hai lý do:
Lý do thứ nhất, với kinh nghiệm, cả Việt Nam lẫn Cuba đều thấy rằng các “tổ chức xã hội dân sự” dù được Mỹ yểm trợ tối đa cũng khó có thể tạo ra được những biến động lớn vì họ đã có cách ngăn chận.
Mỹ vẫn coi người Cuba tị nạn như là một công cụ để thực hiện đấu tranh chính trị ở trong nước. Hiện có gần một triệu người Cuba tị nạn đang ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Mexico, Venezuela, Australia… Ở Mỹ, đa số đang sống ở Florida gồm các thành phố Tampa Bay (94,000), Orlando (43,000) và Jacksonville (12,000); một số đang ở Kentucky gồm Las Vegas (21,000) và Louisville (9,000); một số khác ở New York City (145,000). Thủ đô của họ là Little Havana ở Miami, giống Little Saigon của người Việt tại Orange County. Họ đã lập đủ thứ tổ chức tranh đấu để đòi lật đổ chính quyền Castro, nhưng cũng như người Việt tỵ nạn, họ là một tập thể không có lãnh đạo nhưng ai cũng là lãnh tụ, nên cuộc chiến đấu của họ chẳng đi tới đâu. Mỹ cũng không để họ tự do quyết định đường lối mà phải làm theo Mỹ hay làm công cụ cho Mỹ.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc mở rộng bang giao sẽ thổi một luồng gió mới vào trong nước, làm nổi lên những phong trào phản kháng và đòi đổi mới, đưa tới sự sụp đổ chế độ. Nhưng Cộng Sản Việt Nam cũng như Cuba đã áp dụng phương thức cố hữu là theo dõi và thanh toán các thành phần tranh đấu có tổ chứcvà có kế hoạch, và các thành phần có khả năng xách động quần chúng. Triệt các thành phần này, cuộc tranh đấu sẽ không bùng phát được.
Lý do thứ hai, CSVN cũng như Cuba không đứng trong vị thế đơn độc như VNCH trước đây phải lệ thuộc vào Mỹ 1000%, nên Mỹ muốn lật đổ rất khó. Cũng như CSVN, Cộng Sản Cuba luôn dựa vào thế lực của Trung Quốc và Liên Sô (nay là Nga) để tồn tại. Trong tiến trình bang giao, nếu có những bất trắc xảy ra, họ sẽ quay về với Trung Quốc và Nga.
AI SẼ THẮNG TRONG VÁN XÌ PHÉ NÀY?
Có thể nói đây là một ván xì phé mà bên này đã biết rõ con bài tẩy của bên kia nên rất khó ai lừa được ai. Ông Obama tuyên bố:
“Ai cũng có quyền lập hội, quyền chỉ trích nhà nước, và quyền phản đối trong ôn hòa. Tôi tin rằng pháp luật không được phép bỏ tù người dân khi họ sử dụng những quyền căn bản này…”
Nhưng cả CSVN lẫn Cuba đều hiều rằng Mỹ chỉ nói những lời đó với các chế độ Mỹ muốn lật đổ và thay thế bằng tay sai của họ. Còn các chế độ khác, dù vi phạm dân chủ và nhân quyền gấp nhiều lần, Mỹ chẳng quan tâm. Đó là những chuyện đang xảy ra hàng ngày ở Ấn Độ, ở Pakistan, ở Bangladesh, ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở các quốc gia Hồi Giáo… Với chế độ cộng sản, thực hiện dân chủ đa nguyên và kinh tế thị trường có nghĩa là tự sát. Do đó, hai đảng CSVN và Cuba không dại gì nghe lời Mỹ, trừ khi họ bị bệnh tâm thần.
Cuba tin rằng với sự dòm ngó và thèm muốn của Trung Quốc, trước sau rồi Mỹ cũng sẽ ký tuyên bố “đối tác toàn diện” và công nhận chế độ hiện tại của Cuba như đã làm với CSVN.
Trong bài “Vì các quan hệ với Cuba tan băng…” nói trên, chuyên gia K. T. McFarlane đã nói với Tổng Thống Obama:
“Nếu Trung Quốc trở thành nước lớn hàng đầu phát triển ở Cuba, thì tàu ngầm Trung Quốc chạy đến đường bờ biển của Cuba sẽ không còn là chuyện viển vông nữa...”
“Bất cứ thế lực to lớn nào giúp Cuba bước vào thế giới hiện đại sẽ có quyền lực to lớn ở đó trong một thế hệ. Thế lực to lớn đó phải là chúng ta.”
Ông Obama và quốc hội Mỹ chắc đã hiểu rõ điều đó.
Ngày 7.4.2016
Lữ Giang
Xin đừng vội nói về chủ thuyết này nọ hay so sánh thể chế chính trị... mà hãy xem cuộc sống của người dân thì đủ hiểu! Nếu CS tốt đẹp thì tại sao người dân Cuba (và cả người VN hiện nay) phải bỏ nước ra đi và tại sao người dân Cuba (và cả người VN hiện nay) lại háo hức chờ đón ông Obama?
Trả lờiXóa