Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

CHERNOBYL - CÁI GIÁ CỦA SỰ CHE ĐẬY

CHERNOBYL - CÁI GIÁ CỦA SỰ CHE ĐẬY
30 năm sau, hôm nay tôi lại rơi vào cái cảnh chả khác gì “đầu trần đi chơi dưới đám mây phóng xạ” ấy một lần nữa. Một tai họa xảy đến mà từ chính quyền cho đến giới chuyên môn không nói ra được nguyên nhân cho thuyết phục, mức độ báo động, nguy cơ tiềm ẩn và ít nhiều phải có hướng dẫn cho người dân phòng tránh, khắc phục hậu quả như thế nào... nhưng hầu như chả có gì ngoài một cuộc họp báo một phía kéo dài chưa đầy chục phút của một tay thứ trưởng. 
 Cách đây đúng 30 năm, tôi còn là một sinh viên vừa mới trả thi xong một môn và tót ngay ra đường. Trời Liên Xô đầy mây trắng, đầu hè nắng ấm, gió nhẹ hây hây, cây cối xanh tươi đẹp vô cùng, đến mức bây giờ cảm giác lâng lâng đó vẫn còn nhớ như in. Và đến giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác mấy hôm sau, ngồi trong nhà mà vẫn choáng váng, khi đó mới biết được tin là tôi cùng bạn bè, cũng như bao nhiêu công dân Xô Viết khác đã nhiều ngày nay chịu một nỗi nguy hiểm chết người, đáng lẽ chính quyền phải báo cho tất cả để biết mà tránh đi, thì ngược lại họ đã cố tình làm ngơ...

Vụ nổ tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ucraina-CCCP) xảy ra đêm 26/4/1986-tổ máy thứ 4 của nhà máy đã tự nhiên nóng lên quá mức, cháy và phát nổ. Mối nguy hại lớn nhất đối với con người là sự nhiễm xạ (chứ không phải gây phá hoại như mấy quả bom nguyên tử ném xuống Nhật)-chất nhiễm xạ sẽ theo gió mây lan đi khắp chốn, đọng lại ở rừng cây, đường phố, sông hồ, hệ số phân hủy tuy khác nhau nhưng phải nhiều nhiều năm sau mới có thể tự triệt tiêu đi gần hết. Đây là sự cố đáng tiếc lớn nhất trong lịch sử các lò phản ứng nguyên tử của thế giới!

Trớ trêu thay ngày 30/4 là ngày giải phóng Berlin, 01/5 là Quốc tế lao động, 09/5 là ngày Chiến thắng-mọi sự đã chuẩn bị đâu ra đấy: duyệt binh, diễu hành, ngày lễ. Và có vẻ chính quyền chẳng muốn xáo động lòng dân, thêm nữa lại không muốn xấu mặt với quốc tế, nên chẳng ai nói về tai họa lớn khủng khiếp này, tất nhiên đã như vậy thì đâu có cảnh báo được cho dân để mà phòng chống đâu (trong đó có lũ học sinh nước ngoài chúng tôi!). Tuy ở cách xa Chernobyl mấy trăm km nhưng hướng gió lại đưa đám mây phóng xạ đi đúng về đấy, và thế là mấy ngày nắng đẹp chúng tôi hứng chịu kha khá bụi phóng xạ mà vẫn cứ vô tư...

Liên Xô muốn giấu, và thế là những lời cảnh báo đầu tiên xuất phát từ châu Âu, họ cũng bị “vạ lây” bởi những đám mây phóng xạ chả khác gì tôi (xin tham khảo thêm bài viết: https://www.facebook.com/namhhn/posts/918302111565060 )

Cực chẳng đã Liên Xô phải công bố, nhưng với lời lẽ rất chung chung, đại loại là thông báo trên đài: “...Tại lò phản ứng số 4 của NMĐNT Chernobyl đã xảy ra sự cố kỹ thuật, tuy nhiên mọi việc đã trở lại trong tầm kiểm soát. Những người bị nạn đều được trợ giúp y tế. Đã lập hội đồng phụ trách việc khắc phục hậu quả...”. Chỉ có trong vòng bán kính 10 km tất cả được đi sơ tán gấp: dân tình của cả một thành phố phải di dời, bỏ lại tất cả đồ đạc và gia súc, dù đó là gấu bông của trẻ em! Lúc đầu họ được khuyến cáo là chỉ đi 3 ngày rồi lại quay trở về...

Hồi đó thông tin liên lạc còn khá thô sơ, thế nên tỷ lệ người biết chuyện nhỏ lắm, cả đất nước Liên Xô vẫn phấn khởi làm lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, mặc dù đã bắt đầu có những lời đồn đại gây hoang mang. Duyệt binh, diễu hành tưng bừng, tất nhiên là giữa quảng trường bất chấp mây phóng xạ. Bí thư nước cộng hòa Ucraina còn dẫn theo lên lễ đài cả 2 đứa cháu nhỏ của mình để trấn an nhân dân và lấy lòng Tổng bí thư Gorbachev. Chỉ đến mấy ngày sau, khi không còn giấu được nữa thì đài báo, truyền hình mới nói đến nguy cơ phóng xạ và kêu gọi phòng tránh, nhưng dù sao lượng phóng xạ mấy ngày đầu là lớn nhất! Và quy mô của tai họa lúc đó chưa được nói đến, nên mọi người chỉ đoán già đoán non và thường không đánh giá được độ nguy hiểm của nó.

200000 km2 bị nhiễm xạ nặng nhiều năm (bằng 2/3 nước ta!) trong đó đa số là lãnh thổ của các nước cộng hòa trong CCCP cũ. Số người chết không thể đo đếm chính xác được, từ 4000 cho đến vài chục nghìn, đa phần bị ung thư, trong số họ một phần khá lớn là những người được phân công khắc phục hậu quả tại nhà máy Chernobyl (nôm na là họ bị tuyên truyền và không xác định được đó là một công việc chết người). Một phần không nhỏ trong đó đáng lẽ có thể không thiệt mạng nếu được cảnh báo kịp thời. Thiệt hại nếu tính theo tiền hiện nay là vài trăm tỷ USD, trong đó có hơn chục nhà máy điện hạt nhân tại CCCP đang xây dở phải bỏ dự án, tốn phí vô ích. Châu Âu và Bắc Mỹ cũng bị ảnh hưởng, mãi đến năm 2002 họ mới dám xây tiếp NMNLNT. Còn sinh viên chúng tôi chả biết có làm sao không... CCCP tan rã, Ucraina với sự trợ giúp của các nước G7 tiếp tục khắc phục hậu quả tại nhà máy, cho đến 2010 mới được coi là tạm chấm dứt. Một vùng bán 30 km cho đến nay vẫn không một bóng người.

Gorbachev lúc đó đang ra sức kêu gọi và ép dân phải tuân thủ “Sắc lệnh cấm rượu” nhưng ở những vùng bị phóng xạ vodka lại được bán tràn lan để dân uống (vì vodka có tác dụng kháng nhiễm phóng xạ khá tốt, đấy là nghe nói thế chứ Bô Y tế không thấy đưa ra cơ sở khoa học nào). Thực phẩm cũng dồn từ nơi khác về nhiều thêm cho những vùng có nhiều người bị gặp nạn, thế nên bọn tôi cũng coi như “trong cái rủi lại có cái may!”

Bản chất cũng đã hay che giấu, chỉ vì mấy ngày lễ trọng mà Gorbachev lại cho tay chân ếm nhẹm thông tin cảnh báo đi, quả là quá bất nhân đối với những người vô tội. Chưa kể là cứ che giấu càng lâu thì tầm cỡ của tai họa lại còn tăng lên nữa, sau này người dân oán thán, phí tổn để khắc phục cũng lớn vô cùng! Đã chạy đua vũ trang với Mỹ thời Reagan sắp kiệt quệ thì vụ Chernobyl như một trận ốm lớn cho cả một quốc gia, có thể nói 1991 CCCP tan rã hẳn cũng một phần khá lớn nhờ vào sự khủng hoảng lòng tin của dân sau tai họa đã bị giấu diếm này, chưa nói đến sự kiệt quệ về tài chính.

Sau này vào năm 1993 Tổng thống Boris Yeltsin ra sắc lệnh về các trường hợp khẩn cấp tại Nga: không đươc cho bất cứ thông tin nào về thiên tai địch họa trở thành tin tối mật (và sẽ không được gian dối mà dấu đi). Có lẽ lúc đó người Nga mới thấm thía một điều: cái giá của sự che giấu, giả dối cao vô cùng!

30 năm sau, hôm nay tôi lại rơi vào cái cảnh chả khác gì “đầu trần đi chơi dưới đám mây phóng xạ” ấy một lần nữa. Một tai họa xảy đến tại một vùng cách chỗ tôi vài trăm km, mà từ chính quyền cho đến giới chuyên môn không nói ra được nguyên nhân cho thuyết phục, mức độ báo động, nguy cơ tiềm ẩn và ít nhiều phải có hướng dẫn cho người dân phòng tránh, khắc phục hậu quả như thế nào... nhưng hầu như chả có gì ngoài một cuộc họp báo một phía kéo dài chưa đầy chục phút của một tay thứ trưởng. Chỉ có một niềm hy vọng là tai họa ấy không tác hại lắm đâu, nhưng dựa trên cơ sở nào? Có lẽ sử dụng vodka cũng vẫn là một giải pháp không tồi, nhưng lần này lại không được ăn với cá...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét