Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Lấy lòng dân hay sợ ảnh hưởng đến ghế của mình?

“LÝ SỰ CÙN”
Trong tranh luận, trước những lẽ phải khó phủ nhận, nhưng có thể vì còn muốn giữ sĩ diện, cũng có thể thiếu tính phục thiện, không muốn thừa nhận sự “thua cuộc”, những người thuộc “phe” đuối lý thường đưa ra những lý lẽ cuối cùng. Những cái gọi là lý lẽ này thường chẳng thuyết phục được ai.
Người có học hành thường gọi thế là ngụy biện; người tỏ sự không vừa ý thường gọi là “cù nhầy” hay “cãi chầy cãi cối”. Những người còn có chút bao dung thì hay gọi “lý sự cùn”. “Lý sự cùn” là lý lẽ của những người biết là khó thuyết phục, nhưng không muốn chấp nhận thất bại hoặc ngoan cố giữ cái lý của mình. Họ cố vớt vát trong tranh luận, nói chung, cái lý ấy thường đi ngược lại với sự tiến bộ, với lẽ phải.

Điểm lại những cuộc tranh luận trên các diễn đàn trong đó có các mạng xã hội hiện nay có thể thấy không ít những “lý sự cùn” kiểu ấy. Trước tình trạng tai nạn giao thông đang rất phổ biến, mỗi tháng làm chết và bị thương cả nghìn người, nhất là trong khi đường xá, phương tiện ngày càng hiện đại nhưng người tham gia giao thông vẫn giữ những thói quen đi lại như trên đường làng ngõ xóm, cơ quan quản lý đưa ra quy định: xe máy lưu thông trên đường cao tốc sẽ bị tịch thu. 

Có thể nói đây là một quy định hợp lý. Trước hết, nó bảo đảm an toàn cho người đi xe máy. Những va chạm trên đường cao tốc khi các loại xe ô tô đều có thể chạy với tốc độ khoảng 100 km/h chắc chắn sẽ gây tử vong cho người đi xe máy. Hơn nữa, những va chạm ấy còn gây thiệt hại cho không ít những người khác. Tịch thu xe tôi nghĩ, không đơn thuần là một biện pháp kinh tế. Chủ yếu, nó thể hiện một thái độ kiên quyết không chấp nhận vì sự nguy hiểm cho không chỉ một người của hành vi này. 

Lẽ ra, hầu hết những người tham gia giao thông đều chẳng bao giờ dám đi xe máy vào đường cao tốc, những người quan tâm đến tình trạng tai nạn giao thông đang ở mức báo động phải ủng hộ. Thế mà có những người phản đối, họ đưa ra lý sự: Cả nhà người ta có mỗi cái xe máy để kiếm ăn hàng ngày, tịch thu xe thì người ta chết đói à? Nghe chừng rất nhân văn, nhân ái.

Tình trạng học sinh các trường phổ thông ở các thành phố đi xe máy không ít. Những học sinh này rõ ràng coi thường pháp luật (vì sử dụng xe máy khi không có bằng lái), thách thức dư luận. Các trường học đã có nhiều biện pháp nhưng không có tác dụng. Trước tình trạng đó, Sở Giáo dục Hà Nội đã dự thảo đưa ra quy định: học sinh đi xe máy sẽ bị đuổi học một tuần lễ. Những người làm nghề dạy học, những người quan tâm đến giáo dục trong đó không ít cha mẹ học sinh có con đang đi học các trường PTTH đều rất tán thành quyết định này. Họ không muốn để tồn tại hiện tượng những người coi thường pháp luật nhởn nhơ làm gương xấu cho con em mình. Thế mà có người lớn tiếng: đuổi học là vi phạm nhân quyền vì học tập là quyền của trẻ em.

Rồi trước hiện tượng nhiều người vi phạm luật giao thông bị cảnh sát truy đuổi đã bỏ chạy gây thương tích, tai nạn cho người đi đường, cũng có nhiều “lý sự cùn” để bệnh vực cho họ và dĩ nhiên phê phán cảnh sát giao thông quyết liệt.

Ai chẳng xót thương cho những người nghèo chỉ có mỗi cái xe máy để kiếm ăn. Nhưng tại sao lại đi xe máy vào đường cấm?

Đúng học tập là quyền của trẻ em. Nhưng có quyền lợi thì cũng phải có trách nhiệm. Học sinh có quyền tới trường nhưng cũng có trách nhiệm tôn trọng nội quy của nhà trường và pháp luật của Nhà nước.

Những người đưa ra những “lý sự cùn” ấy thực chất là để dung túng, bênh vực cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Còn chuyện có thể gây tai nạn cho người đi đường là không ai muốn. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà để cho những kẻ công khai vi phạm luật cứ tự tung tự tác, coi thường tất cả kể cả mạng sống của mọi người?

Trước đây, với các “lý sự cùn”, người ta thường không “chấp”, mọi việc vẫn bình thường như cuộc sống vốn như thế. Chỉ tiếc là những người có trách nhiệm các cấp, các ngành bây giờ thường dễ dàng khuất phục trước những “lý sự cùn” ấy, tiếp tục để xã hội tồn tại rất nhiều những vấn đề lẽ ra có thể giải quyết nhanh chóng, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, văn minh.

Họ lấy lòng dân, hay họ sợ đụng chạm ảnh hưởng đến cái ghế của mình?

http://onggiaolang.com/ly-su-cun/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét