44% người dân phải đưa hối lộ mới xong sổ đỏ
Số người phải chi “lót tay” để làm sổ đỏ năm 2015 tăng gấp đôi năm trước, với khoảng 44% "phải đưa hối lộ mới làm xong". Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 tiếp tục cho thấy tính chất “kinh niên” của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Toàn cảnh buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015.
Báo cáo PAPI 2015 vừa công bố sáng nay cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương dường như đi xuống, đặc biệt là khi so sánh với kết quả năm 2013. Người trả lời trên phạm vi toàn quốc cho rằng hiện trạng vị thân khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng hơn, trong khi quyết tâm phòng, chống tham nhũng của chính quyền và người dân ngày càng hạn chế.Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc –UNDP kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2015 cho thấy “chạy chức chạy quyền là có và chúng ta phải sốt ruột hơn nữa”.
“Chúng tôi đã hỏi người dân về việc thân quen ảnh hưởng như thế nào đến xin việc. Người dân cho biết thân quen rất quan trọng để xin vào nhà nước chứ không phải liên quan đến trình độ, bằng cấp hay ngoại ngữ. Mặt khác, người dân đang chấp nhận tham nhũng, sống chung với lũ”, TS. Giang cho biết.
Theo kết quả khảo sát, năm 2015 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. So với kết quả năm 2014, điểm chỉ số này giảm 3%.
So với 2 năm trước, kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương. 54% người trả lời đồng ý với nhận định cho rằng cán bộ chính quyền không sử dụng công quỹ vào mục đích riêng (59% năm 2014), 48% người trả lời đồng ý rằng cán bộ không vòi vĩnh đòi hối lộ khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất (54% năm 2014) hoặc khi thụ lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng của người dân thấp hơn trước (49% so với 58% năm 2014).
Quảng Trị, Cần Thơ và Trà Vinh được người dân đánh giá cao lần lượt ở ba chỉ tiêu này. Trong khi đó, Hà Giang, Bình Dương và TP.HCM đứng cuối bảng lần lượt ở ba chỉ tiêu .
“Tỉ lệ người dân nhận định không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận và giáo viên tiểu học công lập năm 2015 thấp hơn so với hai năm trước, một chỉ báo cho thấy hiện tượng phải “chung chi”, “bồi dưỡng” ngoài quy định có xu hướng phổ biến hơn”, báo cáo PAPI chỉ ra.
Ở hơn nửa số tỉnh/thành phố trên toàn quốc, tỉ lệ người trả lời cho biết không phải bồi dưỡng ngoài quy định khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận chỉ dao động từ 28% đến 47%. Tại hơn một nửa số địa phương trên cả nước, chỉ có 36% đến 59% số người được hỏi cho rằng không có hiện tượng phụ huynh học sinh phải “bồi dưỡng”giáo viên xảy ra.
Người dân cũng bày tỏ quan ngại về công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công. Kết quả khảo sát PAPI giai đoạn 2011- 2015 cho thấy, “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực đã trở thành vấn nạn trong khu vực công.
Chẳng hạn ở Hà Nội, chỉ có 14% số người được hỏi cho biết họ không phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan nhà nước. Ở Hà Giang, 2015 là năm thứ hai liên tiếp người dân tỉnh này cho rằng quan hệ cá nhân có ý nghĩa quan trọng khi xin việc vào cơ quan nhà nước, thể hiện qua việc hầu như không có người trả lời nào cho rằng không cần quan hệ cá nhân để xin vào làm việc ở năm vị trí công vụ cấp xã/phường được hỏi.
Quyết tâm của người dân trong việc trong việc tố giác các hành vi tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ chính quyền có xu hướng suy giảm. Năm 2015, chỉ khoảng 3% số người đã bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền.
“Ngoài ra, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh, hối lộ của người trả lời trên toàn quốc lớn hơn rất nhiều so với những năm trước: người bị vòi vĩnh sẽ không tố giác hành vi đòi hối lộ nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới khoảng 24 triệu VNĐ” tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết.
Đáng nói là so với năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ năm 2014 (24%).
Cũng theo kết quả khảo sát, Trà Vinh đạt điểm cao nhất trong chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng” năm 2015. So với kết quả năm 2011, điểm số của Trà Vinh tăng đến 47% sau 5 năm. Nam Định đạt điểm cao nhất ở nội dung “quyết tâm chống tham nhũng” của chính quyền và người dân năm 2015”.
Phần lớn những tỉnh/thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất và trung bình cao tập trung ở miền Trung và miền Nam. Trong nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất có tới 11 địa phương ở miền Nam và bốn địa phương ở miền Trung.
Long An và Sóc Trăng là hai tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất trong 5 năm liên tục từ 2011 đến 2015, trong khi Hà Nội luôn ở trong nhóm đạt điểm thấp nhất trong cùng giai đoạn.
Cũng theo kết quả khảo sát PAPI 2015, chỉ số ‘thủ tục hành chính công’ cũng giảm nhẹ trong năm 2015. Trong bốn dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.
Chỉ có chỉ số nội dung ‘Cung ứng dịch vụ công’ cho thấy có sự cải thiện dù không đáng kể trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công tới người dân. Tuy vậy, người dân vẫn quan ngại về chất lượng dịch vụ ở bệnh viện tuyến huyện/quận và cũng không mấy hài lòng với chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.
PAPI được phối hợp triển khai bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)
Chỉ số PAPI đo lường sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay.
Báo cáo Chỉ số PAPI 2015 phản ánh ý kiến đánh giá của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Diệu Thùy
http://infonet.vn/44-nguoi-dan-phai-dua-hoi-lo-moi-xong-so-do-post196001.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét