Tham Gia TPP, Việt Nam Được Lợi và Hại Gì?
Trong thời gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến sự kiện CSVN đang đàm phán với 11 quốc gia để được gia nhập vào TPP, chữ viết tắt của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement).Chính vì lẽ đó mà CSVN hy vọng việc “được” gia nhập vào TPP sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam lớn mạnh, đặc biệt là giúp tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang gặp rất nhiều trì trệ sau khi một số tập đoàn kinh tế bị phá sản từ năm 2010.
Mục tiêu chính của TPP - vượt cao hơn WTO hay những hiệp ước thương mại (FTA) khác - là nhằm xây dựng vùng mậu dịch có 2 đặc điểm:
1/ Xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Trong nỗ lực này, bản thân TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế có khả năng điều chỉnh chính sách và hướng đi luật pháp của các nước thành viên. Tức là các điều luật về mậu dịch của những quốc gia thành viên phải tuân theo định hướng của TPP.
2/ Thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động, quyền công nhân, kiểm soát chặt chẽ các công ty quốc doanh không chèn ép tư doanh vân, vân…
Với nền tảng luật lệ và phạm vi kết nối của 12 quốc gia thành viên trong TPP như vậy, liệu CSVN có khả năng thích ứng hay không và nhất là Việt Nam được hưởng những lợi ích gì khi tham gia TPP?
Việt Nam được lợi gì?
Theo thống kê của Bộ tài chánh CSVN thì trong thời gian gần đây kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến 11 quốc gia thành viên thuộc TPP đã có những thay đổi đáng kể. Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu gần 28 tỷ Mỹ Kim hàng hóa của các nước trong TPP, tương đương với 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu đạt 48 tỷ Mỹ Kim chiếm 39% kim ngạch xuất khẩu. Riêng về lãnh vực đầu tư, gần 32% vốn FDI của Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP.
Với những số liệu thống kê nói trên, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam với các nước trong TPP rất khả quan. Vì thế nếu TPP chính thức ra đời sẽ còn mang nhiều thuận lợi cho Việt Nam.
Theo ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ công thương CSVN, cho biết việc gia nhập vào TPP sẽ giúp cho Việt Nam đạt 4 lợi điểm như sau:
Thứ nhất, thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu gia tăng, thu hút đầu tư và mở rộng các hoạt động về dịch vụ mang tính toàn cầu.
Thứ hai, Việt Nam sẽ có lợi thế trong trung hạn trước nhiều đối thủ cạnh tranh khi xâm nhập các thị trường. Trong chiều hướng đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản xuất bằng cách đổi mới kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao về hàng hóa, nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp.
Thứ ba, cơ hội để người dân Việt Nam được tiếp cận với nguồn hàng hóa có chất lượng, phong phú, đa dạng về thể loại, giá cả cũng như giúp nâng cao đời sống tốt đẹp hơn.
Thứ tư, giúp tạo ra môi trường chính sách rõ ràng, minh bạch và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, qua đó, giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc tái phối trí cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Như vậy, điều thuận lợi nhất cho Việt Nam khi gia nhập TPP chính là giúp cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng và vì thế thu hút đầu tư nhiều hơn.
Việt Nam bị thách đố gì?
TPP là một hiệp định có mức độ tự do hóa cao và sâu giữa các quốc gia thành viên. Trong khi đó, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, đa số các doanh nghiệp hoạt động dựa vào vốn bên ngoài, quản lý yếu kém, công nghệ thô sơ nên sẽ gặp một số thách đố, nếu không nỗ lực khắc phục:
Thứ nhất, các mặt hàng nông phẩm của Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi các nước thành viên khác. Tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, năng xuất lại càng thấp so với tiêu chuẩn của quốc tế và nhất là vốn đầu tư còn quá yếu kém nên sẽ không thể khai thác các lợi thế xuất khẩu, thuế suất giảm của TPP.
Nếu Việt Nam không khắc phục thì nông phẩm của các nước khác sẽ nhập vào giết chết nền nông phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như hiện nay hàng hóa Trung Quốc đang khống chế thị trường Việt Nam.
Thứ hai, đa số các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường kinh tế mang tính “ăn xổi ở thì” và thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, do đó mà khi hội nhập vào TPP, doanh nghiệp Việt Nam chỉ loay hoay trong sân chơi của mình, trong khi các doanh nghiệp của những quốc gia thành viên TPP sẽ nhảy vào đầu tư ở Việt Nam để “đón sóng” TPP, nhất là các ngành da giày, dệt may - những ngành được cho là thế mạnh của Việt Nam.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, qua đó đẩy mạnh phát triển khu vực tư doanh để tận dụng sự nhạy bén thị trường của giới doanh nhân, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị thì mới có thể tham gia vào sự cạnh tranh đầy hứa hẹn của TPP. Nếu không thì hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tiếp tục đứng ở bảng thấp nhất trong các nước.
Thứ ba, trong các quốc gia thành viên TPP, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Trong quá trình đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, vì Hoa Kỳ có một nền kinh tế lớn, đa dạng và phức tạp nên vì thế mà nội dung đàm phán rất gay go, đặc biệt là những đòi hỏi mở rộng thị trường của Hoa Kỳ.
Phía Việt Nam thì ưu tiên đòi hỏi những ưu đãi trong xuất khẩu ngành dệt may, da giày. Trong khi đó phía Hoa Kỳ thì danh sách đàm phán khá dài như yêu cầu Việt Nam mở cửa cho ngành xe hơi, thịt lợn, thịt gà, sắt thép, nông phẩm được nhập vào. Ngoài ra, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện công ước CITES (Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Nếu sau khi đồng ý qua đàm phán mà Việt Nam không đáp ứng hay vi phạm những gì đã cam kết, thì Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên khác trong TPP sẽ trừng phạt bằng cách rút lại những ưu đãi. Đây là điều mà Hà Nội lo ngại nhất vì biết là chưa đủ khả năng để đáp ứng các đòi hỏi của những quốc gia đã phát triển về lãnh vực hàng hóa và dịch vụ.
Thứ tư, khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ phải cam kết thi hành hai điều không có trong WTO. Thứ nhất là phải cam kết công khai hóa về đầu tư công, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và vấn đề quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Thứ hai là phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, công đoàn…
Những cam kết nói trên là các vấn đề rất mới và đụng ngay đến nền tảng của cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nói cách khác là CSVN sẽ phải điều chỉnh lại vai trò của thị trường, nhà nước, xã hội, trong đó thị trường sẽ giữ vai trò quyết định trong việc phân bố nguồn lực, thì Việt Nam mới tiến đến “nền kinh tế thị trường” đúng nghĩa.
Đó là Việt Nam phải cam kết tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như công nhận sự hoạt động của các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động.
TPP và tương lai Việt Nam
TPP sẽ không dừng lại ở 12 quốc gia thành viên mà sẽ thu hút thêm nhiều quốc gia khác tham gia trong tương lai. Tuy mang đặc tính là một thị trường mở để các quốc gia thành viên giao dịch hàng hóa và dịch vụ với nhau, nhưng trên mặt chiến lược, đây là thị trường nằm dưới sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ nhằm đối đầu lại thị trường có hơn 1,3 tỷ người ở Hoa Lục.
Nói cách khác, TPP là một công cụ nằm trong chiến lược xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bằng cách dùng các ảnh hưởng kinh tế để hình thành một liên minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Trong khi đó, tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh dưới thời Tập Cận Bình qua mục tiêu xây dựng Con đường tơ lụa kinh tế xuyên qua vòng đai Trung Tâm Âu – Á và Con đường tơ lụa hàng hải xuyên qua biển Đông và Ấn Độ Dương.
Với chiến lược bành trướng nói trên, Trung Quốc sẽ nối kết 64 quốc gia trong khu vực với tổng nhân số lên đến 4,4 tỷ người, chiếm 29% GDP của cả thế giới.
Điều này cho thấy là tại Á Châu sẽ có hai thị trường lớn được hình thành song song, trong đó TPP có nhiều ưu thế hơn vì là thị trường có hai cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản dẫn đầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ có hai chọn lựa:
Một là tích cực cải cách để hội nhập tốt đẹp vào TPP hầu tạo cơ hội phát triển đất nước, và nhất là thoát khỏi sự khống chế của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay mà cụ thể là chấm dứt nạn nhập siêu quá lớn từ hàng hóa Trung Quốc.
Hai là tiếp tục đu dây như hiện nay để tham gia vào cả hai thị trường TPP và Con đường tơ lụa của Bắc Kinh hầu không làm Trung Quốc khó chịu. Nhưng khác với trước đây, việc đu dây lần này sẽ bị chính những thành viên TPP tạo áp lực và bị chế tài vì không chu toàn trách nhiệm.
Nhìn thuần tuý trên mặt kinh tế, TPP là một thách đố rất lớn cho Việt Nam để thoát xác nghèo đói. Còn nếu nhìn trên mặt quyền lợi dân tộc, TPP là một cơ hội để thoát khỏi gọng kềm Bắc Phương.
TPP và nhân quyền Việt Nam
Trong Hiệp Định TPP, các quốc gia thành viên phải cam kết công khai hóa về đầu tư công, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và vấn đề quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước… Đồng thời phải điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, môi trường, công đoàn…
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Politico Magazine vào ngày 11/6/2015, có tựa đề “TPP sẽ giúp người lao động ở Việt Nam theo đuổi nhân quyền” của ông Tom Malinowski, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về dân chủ, nhân quyền và lao động, đã viết như sau:
Hiệp định TPP sẽ bao gồm đòi hỏi về việc Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do lập hội, bằng cách cho phép người lao động thành lập công đoàn độc lập thực sự. TPP sẽ đòi hỏi tất cả các nước tham gia hiệp định này phải thay đổi luật pháp và tập quán theo những nguyên tắc và quyền lao động căn bản.
Việt Nam sẽ phải thực hiện những cải cách cần thiết hoặc bị mất những lợi ích của hiệp định.
Những diễn tiến này không tự chúng bảo đảm sự tôn trọng đầy đủ quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam nhưng là những bước cần thiết và quan trọng để đi đến hướng đó.
Với những quy định nói trên, nhiều người hy vọng là qua Hiệp định TPP, CSVN sẽ phải công nhận quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập của người lao động tại Việt Nam, chấm dứt sự khống chế của Tổng liên đoàn lao động trên người lao động trong những năm vừa qua. Và khi Công Đoàn Độc Lập xuất hiện thì dù có luật hay không có luật về quyền lập hội, lần lượt các tổ chức, đoàn thể xã hội và chính trị sẽ ra đời hoạt động công khai như các đoàn thể xã hội dân sự hiện nay.
Nhưng cũng có người không lạc quan như thế mà cho rằng, CSVN sẽ tiếp tục trì hoãn bằng cách giao cho quốc hội nghiên cứu nhưng không bao giờ mang ra biểu quyết như tình trạng Luật Biểu Tình, Luật về Quyền Lập Hội như hiện nay. Hơn thế nữa, trong lúc cần Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ cho việc tham gia TPP, CSVN sẽ hứa làm tất cả, nhưng sau khi gia nhập rồi thì Hà Nội làm ngơ, hay đàn áp thô bạo hơn. Sự tráo trở của Hà Nội khiến cho người ta không tin vào các cam kết của CSVN.
Tuy nhiên, nếu chúng ta coi các ràng buộc về quyền của người lao động, sự hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong TPP là những cam kết mà các quốc gia thành viên của TPP phải thi hành, thì đó là những lý cớ tốt nhất để tiếp tục vận động tạo áp lực buộc Hà Nội phải tôn trọng và thi hành.
Không có áp lực nào mạnh mẽ, buộc đối phương cam kết thi hành nếu không có đấu tranh. Vì thế, chúng ta nên coi việc CSVN đàm phán với các quốc gia, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ để tham gia vào TPP, là một cơ hội nhằm mở rộng các cuộc vận động buộc Hà Nội phải (...........) tôn trọng các hoạt động của những đoàn thể xã hội.
Kết luận
TPP không phải là chiếc đũa thần sẽ mang lại phồn vinh nhanh chóng cho Việt Nam nhờ vào gia tăng xuất khẩu và thu hút đầu tư của thị trường chiếm 40% GDP toàn thế giới.
Điều quan trọng là CSVN có nghiêm chỉnh thi hành những khuyến cáo của các quốc gia thành viên trong quá trình đàm phán và cam kết áp dụng quy định của TPP để không bị chế tài, thì mới tạo ra một không gian phát triển thuận lợi hơn cho Việt Nam.
Muốn như vậy, thì đây là thời điểm thuận lợi cho đảng CSVN nhìn lại toàn bộ chủ trương, đường lối và các chính sách phát triển kinh tế nhân tổ chức đại hội đảng lần thứ XII dự trù diễn ra vào tháng 1/2016.
Thứ nhất là CSVN nên sớm chính thức chia tay chủ nghĩa Mác Lê-nin lạc hậu đã kéo đất nước trì trệ từ hàng chục năm qua và (................).
Thứ hai là nên bỏ chính sách ba không, tích cực đẩy mạnh các quan hệ với Hoa Kỳ để cùng hợp tác bảo vệ con đường tự do hàng hải trên biển Đông, vì nếu Trung Quốc khống chế sẽ làm ảnh hưởng rất lớn cho TPP.
Nếu lãnh đạo CSVN làm được 2 điều nói trên thì việc gia nhập TPP mới thực sự mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc và đất nước Việt Nam.
Nhưng từ bỏ quyền lực hay thực hiện một chính sách tôn trọng nhân quyền là điều mà không một chế độ độc tài nào tự ý làm nếu không có nỗ lực đấu tranh của người dân. Vì thế, chúng ta nên coi việc CSVN đàm phán với các quốc gia, đặc biệt là đối với Hoa Kỳ để tham gia vào TPP, là một cơ hội nhằm mở rộng các cuộc vận động buộc Hà Nội phải (..............) tôn trọng các hoạt động của những đoàn thể xã hội. Đồng thời, những đòi hỏi gắn liền TPP với cải thiện nhân quyền của CSVN cũng gởi một thông điệp cụ thể tới chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên TPP về chính nghĩa và mục tiêu đấu tranh không khoan nhượng của người Việt yêu nước.
Lý Thái Hùng
(Dân Luận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét