Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Thấy gì qua việc Vĩnh Phúc xây Văn Miếu?

Thấy gì qua việc Vĩnh Phúc xây Văn Miếu?
Việc tỉnh Vĩnh Phúc xây lập Văn Miếu là một 'chuyện bình thường' mặc dù có những dư luận phê phán, quan ngại trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung căng thẳng lâu nay và nghi ngờ của dư luận về bất minh 'tài chính' trong thiết kế, thi công, triển khai công trình, theo ý kiến khách mời của Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC.
Tỉnh Vĩnh Phúc cho hay vẫn chưa quyết định có
 thờ Khổng Tử trong Văn Miếu mới lập hay không.
Hôm thứ Năm, 11/6/2015, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa học từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói với BBC: "Tôi nghĩ rằng bản thân việc xây dựng Văn Miếu này là một chuyện rất bình thường, không có gì là lớn cả. Bởi vì chúng ta biết rằng truyền thống văn hóa của chúng ta, từ khi nhà Lý tiếp nhận Nho giáo, thì Nho giáo đã đóng một vai trò rất quan trọng với nền giáo dục cũng như là tổ chức quốc gia Việt Nam.

"Nếu như trong lịch sử Trung Hoa đã từng có những thời kỳ ông Khổng Tử bị ném xuống bùn, rồi lại được dựng lên, thì Việt Nam chúng ta chưa bao giờ có chuyện đó cả. Chúng ta là một dân tộc có văn hiến, biết tôn sư, trọng đạo, biết quý trọng người hiền tài.
"Ở Việt Nam, không chỉ Vĩnh Phúc là có văn miếu mà còn có rất nhiều văn miếu. Cho đến nay, đã từng có văn miếu ở Hà Nội, thì ai cũng biết, có văn miếu cũ ở Huế, văn miếu cũ Mao Điền ở Hải Dương, văn miếu Xích Đằng ở Hưng Yên, văn miếu Bắc Ninh, văn miếu Vinh ở Nghệ An, văn miếu Diên Khánh ở Khánh Hòa và văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai đây, rồi bên dưới nữa có văn miếu Vĩnh Long và gần Cao Lãnh.
"Tất cả những văn miếu này là văn miếu đã được khôi phục và văn miếu Trấn Biên là văn miếu khôi phục cách đây khoảng hơn chục năm, cuối năm 1990 và nó được làm rất tốt và phục vụ rất tốt cho văn hóa của tỉnh, trong đó người ta thờ không chỉ là Khổng Tử, thực ra là thờ ở bên ngoài, để ở bên ngoài, bên trong thờ những danh nhân văn hóa của Việt Nam, những danh nhân văn hóa của đất Nam Bộ, và có ý tưởng rất thú vị là đưa 18 kg đất và 18 lít nước từ đền Hùng về để người dân miền Nam Việt Nam được gần gũi với Tổ tiên.
"Thì tôi nghĩ những chuyện như thế là những chuyện tốt đẹp và chị (TS. Vũ Thị) Phương Anh nói rất đúng là mỗi khi nói chuyện xây dựng với số tiền tỷ, trăm tỷ, thì người ta dế nghĩ đến chuyện thất thoát, đến chuyện tham nhũng, thì chuyện đó là tình trạng chung của Việt Nam.
"Và đó là một câu chuyện khác, là chuyện thanh tra, chuyện quản lý, và không phải vì thế mà chúng ta dừng lại tất cả mọi thứ xây dựng. Cuộc sống vẫn phải đi (lên), việc gì cần làm vẫn phải làm...", Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói với Tọa đàm của BBC.

'Không xấu'


Hậu trường cuộc Tọa đàm của BBC với các khách mời 
hôm 11/6/2015 về Văn miếu mới xây lập ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, ở ý kiến mở đầu cuộc tọa đàm với tư cách khách mời, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục, nói:
"Mặc dù khi nói đến xây miếu thờ Khổng Tử, vào lúc Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng ở Biển Đông, nhiều người nghĩ ngay tới đó là một sự lệ thuộc Trung Quốc về mặt văn hóa.
"Tôi nghĩ nó không hoàn toàn như thế, mà vấn đề nghiêm trọng hơn và phổ biến hơn là xây dựng ở Việt Nam. Tức là lãng phí và thất thoát.
"Khi mà tôi nghĩ tới chuyện xây (dựng), thì nhiều người bạn bè tôi nói ngay là trước hết đấy là chuyện họ muốn xây. Ở Việt Nam, ai cũng nghĩ là hễ có xây dựng, chỗ nào cũng có thất thoát, có lãng phí, có tham nhũng, nói thẳng ra là như vậy."
Từ Paris, nhà báo tự do Võ Trung Dung, người đã đang cộng tác với các tờ Le Monde, truyền hình TV5 Monde và Asialyst.com nêu quan điểm:
"Theo tôi xây một công trình 100 tỷ, 300 tỷ hay là 500 tỷ ở một vùng nào đó, ngay cả ở một vùng có thể gọi là nghèo, (chịu) những chỉ trích ở trên cộng đồng mạng và dư luận ở Việt Nam, hay ở nước ngoài là tại sao tỉnh đó có nhiều người nghèo mà vẫn bỏ ra 300 tỷ để xây cái đó?
"Tôi thấy cái đó cũng không có vấn đề gì mà có thể thể là một cái 'sốc' được, ngay cả nên xây ở vùng nghèo một công trình gì đó. Để làm gì? Để có thể từ cái đó phát triển một nền kinh tế qua công ăn việc làm của người dân, những công ty địa phương v.v...
"Và có thể đem tới lợi nhuận qua những cuộc thăm viếng, khách du lịch đến vùng quê hương nghèo đó, thì thực sự không có gì là xấu.
"Chỉ có vấn đề như GS. Thêm và TS Phương Anh đã nói đó là vấn đề người dân và dư luận thiếu lòng tin vào những người lãnh đạo, nhất là những người lãnh đạo ở địa phương là có chấm mút, rồi thêm bớt rổi vân vân và vân vân.
"Cái đó là vấn đề lớn của Việt Nam, giống như GS Thêm đã nói vấn đề là giám sát và vấn đề là thanh tra để coi tiền thuế, tiền công có sử dụng đúng hay không," nhà báo tự do nói với BBC.

'Lúng túng'

Nhà báo Nguyễn Giang, điều hợp Tọa đàm đặt câu hỏi liệu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có ý thức được phản ứng của dư luận trước chuyện xây công trình thờ Khổng tử trong bối cảnh căng thẳng Việt - Trung hay không.

Nhà báo Nguyễn Giang đặt câu hỏi liệu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có ý thức được phản ứng của dư luận trước việc xây lập công trình trong bối cảnh căng thẳng Việt - Trung hay không.
Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Trần Ngọc Thêm nói:
"Chuyện rằng ông Giám đốc Sở Văn hóa Tỉnh (Vĩnh Phúc) trả lời trên báo chí rằng có thể sẽ không thờ Khổng Tử thể hiện rất rõ sự lúng túng của họ.
"Bởi vì theo dự kiến ban đầu được công bố trên trang Web Văn miếu Vĩnh Phúc thì công bố rằng ở giữa sẽ thờ Khổng tử, hai bên, mỗi bên bốn vị là đại diện cho tám địa phương của tỉnh nhà.
"Thế nhưng bây giờ trả lời là có thể không thờ Khổng Tử nữa là họ rất là lúng túng, rất là khó xử trong chuyện này.
"Nhưng mà chúng ta bây giờ đã xây xong rồi, cũng không thể đập nó đi, cũng không thể chuyển cái tiền đó quá bất kỳ một việc nào khác.
"Cho nên vấn đề bây giờ đặt ra tôi cho rằng là (Đại biểu Quốc hội) Dương Trung Quốc nói rất đúng rằng là phải khai thác nó như thế nào, sử dụng nó như thế nào.
"Và những địa phương khác có tiền thì phải sử dụng nó như thế nào cho hợp lý, cho có hiệu quả hơn.
"Chứ còn đối với Vĩnh Phúc, thì nó đúng là chuyện đã rồi."
Khi được hỏi phải chăng công trình Văn Miếu mới xây lập ở Vĩnh Phú là hoàn toàn 'xây mới', ở một địa điểm 'hoàn toàn mới' và không phải là 'trùng tu, phục cổ', Giáo sư Trần Ngọc Thêm thừa nhận"
"Đúng là như thế!", ông nói với BBC.

Khách mời

Bàn tròn hôm 11/6 thảo luận về việc vì sao tỉnh Vĩnh Phúc của Việt Nam bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây, lập Văn Miếu vào thời điểm hiện nay.
Chương trình được phát vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày 11/6/2015 trên kênh Youtube của chúng tôi tại đây.
Một số vấn đề sẽ được các khách mời thảo luận tại tọa đàm như:
'Nhà bái đường' trong công trình Văn Miếu ở Vĩnh Phúc năm 2015.
Câu chuyện về tỉnh Vĩnh Phúc xây, lập Văn Miếu thực chất là của riêng một tỉnh hay phản ánh xu hướng văn hóa xây cất, thờ phụng thế nào trên cả nước ở Việt Nam hiện nay?
Có thể gọi công trình này là gì? Là miếu, bảo tàng, công trình văn hóa để khuyến học, đề cao Nho giáo hay là gì?
Dù dưới tên gọi gì, thì công chúng được hưởng gì từ công trình hàng trăm tỷ đồng này? Đạo Khổng còn đóng vai trò gì không? Tại sao lại 'thờ' Khổng tử vào thời điểm này?
Có gì đáng bàn về chi tiêu công cho các công trình khổng lồ hoặc tiền tỷ như trường hợp Văn Miếu ở Vĩnh Phúc hay không?
Các khác mời tham gia Tọa đàm gồm có:
- GS. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý luận và Ứng dụng Văn hóa học, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tham gia từ Sài Gòn.
- Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, nhà nghiên cứu độc lập về giáo dục, từ Sài Gòn.
- Nhà báo Võ Trung Dung, nhà báo tự do, cộng tác viên của Le Monde, TV5 Monde, từ Paris, Pháp.
- Dẫn chương trình và điều hợp Tọa đàm, nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng ban Việt ngữ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150611_hangout_vn_vanmieu_vinhphuc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét