MẸ VÀ CON
Trần Mộng Tú (Một đêm mất ngủ, chập chờn giữa tỉnh và mơ)
Buổi chiều đang xuống từ vòm cây trứng cá, chị đứng nhìn mẹ giũ mái tóc ướt trong ánh nắng vàng nhạt, tóc mẹ dài lắm, dáng mẹ cao, mẹ mặc bộ quần áo lụa màu mỡ gà. À cái màu này lạ lắm, phải lớn lên ở quê chị thì mới hiểu được tại sao lại gọi cái màu vàng vàng, bong bóng ấy là màu mỡ của con gà.Màu mỡ gà thường dễ lẫn vào màu da phụ nữ. Mẹ quay lại nhìn chị, tóc mẹ làm ướt cả một khoảng trên vai áo, chị nghe thấy mẹ nói, nhưng không rõ mẹ nói gì, chị nghe được cả tiếng gió lao xao rung rung những chùm lá của cây trứng cá. Mẹ đứng chải tóc, rồi bỗng dưng lại không thấy mẹ nữa, mẹ biến mất vào trong màu mỡ gà rồi. Chao ôi, chị khóc ôi là khóc!
Hôm nay, ngày đầu tiên chị dắt thằng bé đến trường, hôm qua chị mới cắt tóc cho nó, cái đầu tròn như cái bắp cải, trông nó xinh quá! Nó vừa vào lớp vừa nắm chặt tay mẹ, cô giáo phải cho chị ngồi lại với nó thật lâu.
Chị đi đón con về, đứng nhón gót nhìn qua cửa sổ lớp, thằng bé đang ngồi trong cái vòng tròn với bạn, ngước nhìn lên thấy mẹ, nó òa khóc.
Cậu thanh niên vung ra khỏi tay mẹ, chạy theo chùm bong bóng đang bay trên bầu trời, chùm bong bóng bay mất hút, cậu chạy theo, vừa chạy vừa vấp ngã, đứng dậy, chạy tiếp. Chị nhìn theo con rưng rưng lệ.
Con em kế tiếp, mới bốn tuổi, cầm cái hộp cơm nhựa màu hồng, im lặng vào lớp, quay nhìn mẹ, rồi ngồi xuống cái vòng tròn với bạn mới. Chị ra về, nó không khóc.
Bỗng con bé vươn vai một cái, mười tám tuổi, đi học xa, vẫn không khóc, chỉ có chị là đằm đìa nước mắt.
Thằng út đi học, chị dắt con tới trường, trước khi vào lớp, chị bảo con: hôn mẹ đi, thằng bé chỉ ra sau cái xe, nó muốn hôn mẹ ở chỗ khuất để không ai nhìn thấy.
Ơ kìa, tự nhiên sao thằng Út cao vọt lên, nó buông tay chị, bước đi một mình, đi thật xa chị, chị trông vời theo con, nó quay lại vẫy vẫy, rồi tiếp tục đi, tiếp tục đi, xa dần, xa dần.
Chị thấy mình ở trong một ngôi nhà lạ, nhưng còn nguyên cả mẹ cha và anh, chị, em. Ngôi nhà đó vẫn ở ngay trên quê cũ. Mẹ bao giờ cũng như đang làm một cái gì đặc biệt lắm: khi mẹ cho con chó uống thuốc, khi mẹ muối cả một vại dưa, khi mẹ kho nồi cá thu,(chắc là sắp Tết). Cũng có khi mẹ ngồi may ở cái máy may hiệu Singer mầu đen, mẹ may quần áo cho mấy cô con gái.
Chị lại nhìn thấy cái sập gụ, cái tủ chè, đúng là nhà mình rồi.
Mẹ vẫn còn đấy, mẹ đâu có bỏ đi xa. Thế mà khi chị cất tiếng gọi, mẹ không nghe thấy tiếng chị, mẹ cứ thản nhiên may. Chị nghe thấy tiếng động từ mũi kim chạm xuống mặt vải và tiếng chân mẹ đạp máy, lạ thật! Hay tại mẹ không nhìn thấy mình.
Chị thấy mình trong một quán ăn Đại Hàn, chị ngồi trước mặt con trai và cô bạn gái của cậu. Thức ăn mang ra: ngoài món chính, còn có thêm vài ba đĩa kim chi nhỏ, và mỗi người được riêng một con cá nướng chỉ to hơn chiếc lá chanh một chút.
Con trai chị cầm đĩa cá của mình, đưa cho chị, nói có một tiếng: “Mẹ”, chị hiểu ngay là cậu muốn mẹ gỡ xương hộ cậu.
Chị nhận đĩa cá ở tay con, để trước mặt mình, gỡ dần những cái xương nhỏ xíu trong một con cá không lấy gì làm lớn. Nhưng lòng chị thì nở ra như một đóa hoa. Chị nhớ lại, đã lâu lắm rồi, từ hồi con trai còn ở nhà, chị vẫn gỡ cá cho con, chị gỡ cho cả nhà mỗi khi ăn cá. Chị sợ chồng, con hóc xương. Cả nhà ăn phần thịt cá, chị ăn cái đầu. Chị lớn lên ở một quê hương, mọi người đều biết nhằn xương cá từ nhỏ, nên cái phần xương chị giữ cho mình cũng đúng thôi, có gì là nghiêm trọng đâu.
Chị thấy hình như mình đang đứng ở một bãi đất trống, gió thổi mạnh lắm, những nén nhang trên tay chị bị gió làm tắt ngúm, những bông hoa trên tay chị, gió cũng giật đi. Chị cúi xuống, tên ai sao giống tên mẹ vậy. Chị đánh vần: N..g…u..y..Sao không thấy chữ ê và chữ n nhỉ. Không lẽ gió thổi tung đi rồi, hay không phải tên mẹ, chị vừa đi vừa gọi: Mẹ, mẹ…m…ẹ…ẹ…ẹ…. Tiếng chị kéo dài trong gió. Có bao nhiêu người đàn bà trong bãi đất trống này, chị không biết, nhưng sao nhiều người cùng chạy ra ôm lấy chị, gọi:
Con ơi!
Rồi tất cả bốc thành khói, bay đi, bay đi.
Nơi chị ở đông người lắm, ai cũng già như chị, có người đứng, có người nằm, họ đi lại trên những chiếc xe lăn, trong im lặng. Họ in những chiếc bóng mong manh, còng xuống trên tường, nhưng ai cũng luôn luôn ngóng nhìn ra phía cửa chính. Chị thấy con trai út của mình đi vào với một bó hoa và người bạn gái, khi hai người bước vào tất cả mọi người trong nhà đều chạy ra, và gọi con chị rối rít. Họ gọi:
- Con trai của tôi, con trai của tôi!
Không chị nhớ rõ ràng, đó là con trai của chị mà, thằng út giống chị nhất nhà. Mắt, môi này là của chị. Tại sao họ nhận. Hay ở đây mọi người đều chung một con trai thôi. Hình như ai cũng thèm khát được làm mẹ, được có một người có tên là “Con” chú ý đến mình.
Con trai chị cầm bó hoa, tháo ra từng bông một, trao cho những người đàn bà mong manh bao chung quanh cậu. Bó hoa như không bao giờ hết và những người đàn bà cứ liên tục gọi “Con ơi!”
Nhưng rồi cậu con cũng bỏ ra về, bỏ lại chị. Cả không gian rơi vào một cái hố đen, không tiếng động.
Những người già gục xuống như cây đổ trong rừng.
Chị nhìn thấy một người đàn bà trẻ, lúi húi với hai đứa nhỏ. Hai đứa nhỏ chỉ bé bằng hai bông hoa, bay ngả nghiêng trong gió, nở tung từng cánh trong nắng. Người đàn bà trẻ đó cứ cầm cái dù quay tròn che nắng và hứng những giọt mưa chung quanh hai bông hoa. Người đàn bà đó trông quen lắm, mà sao chị không nhận ra nhỉ.
À, hay là con gái chị, chị đoán thế vì hình như chị cũng có một đứa con gái.
Con gái chị làm mẹ từ bao giờ nhỉ?
Bỗng thoắt chị thấy người đàn bà trẻ đó lưng còng xuống, thân thể như co lại, da nhăn nheo đang ngồi trên một chiếc xe lăn. Hai bông hoa nở tung ra từng cánh và theo gió bay đi thật xa.
Người đàn bà cứ vươn tay nắm bắt vào một khoảng không trước mặt.
Chị chạy lại vòng tay ôm cái thân hình mong manh đó vào lòng, chị vỗ vỗ nhẹ lên mái tóc đang úp vào vai chị. Chị và người đàn bà không còn trẻ nữa, đã chập lại thành một.
Có tiếng mẹ chị gọi “Con ơi!” từ một cõi thật xa xăm. Nghe như tiếng gọi trong một giấc mơ.
Trần Mộng TúTháng 6/2/2015
http://tranmongtu.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét