Xây dựng mối quan hệ đối tác với Trung Quốc nhằm tránh cuộc chiến tranh thế giới
George Soros - Hợp tác quốc tế đang suy giảm trong cả lĩnh vực chính trị và tài chính. Liên Hiệp Quốc đã thất bại trong việc giải quyết bất kỳ cuộc xung đột lớn nào kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh; Hội nghị Biến đổi Khí hậu Copenhagen 2009 đã để lại dư vị đắng; Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã không kết thúc vòng thương mại quan trọng nào kể từ năm 1994. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang ngày càng bị đặt nghi vấn bởi sự quản trị lỗi thời, và Nhóm G20, nổi lên trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với vai trò là công cụ hợp tác quốc tế đầy quyền lực tiềm năng, dường như đã lạc đường. Trong tất cả các lĩnh vực, quốc gia, sắc tộc, kinh doanh, và các lợi ích đặc biệt khác được ưu tiên hơn lợi ích chung. Xu hướng này đã đạt đến cột mốc mà ở đó, thay vì một trật tự toàn cầu (global order) thì chúng ta phải nói về sự rối loạn toàn cầu (global disorder).Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh, tháng 11 năm 2014 - President Barack Obama and Chinese President Xi Jinping, Beijing, November 2014
Trong lĩnh vực chính trị, xung đột địa phương xấu hơn và gia tăng. Từng xung đột riêng lẻ có thể được giải quyết nhưng chúng có xu hướng được kết nối với nhau và người thua cuộc trong một cuộc xung đột có xu hướng trở thành kẻ phá đám trong các cuộc xung đột khác. Ví dụ, cuộc khủng hoảng Syria xấu hơn khi nước Nga của Putin và chính phủ Iran giải cứu Tổng thống Bashar al-Assad với lý do riêng của mỗi bên. Ả Rập Saudi cung cấp số tiền ban đầu cho ISIS và Iran xúi giục phiến quân Houthi ở Yemen trả đũa Ả Rập Saudi. Thủ tướng Bibi Netanyahu đã cố gắng khiến cho Quốc hội Mỹ chống lại hiệp ước hạt nhân mà Mỹ đang đàm phán với Iran. Có quá nhiều xung đột cho dư luận quốc tế phát huy ảnh hưởng tích cực.
Trong lĩnh vực tài chính, các định chế Bretton Woods – IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) – đã mất đi vị trí độc quyền. Dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, một bộ định chế tương tự đang nổi lên. Liệu chúng sẽ mâu thuẫn hay chúng sẽ tìm ra được cách thức nào đó để hợp tác? Bởi các lĩnh vực tài chính và chính trị cũng được kết nối với nhau, con đường tương lai của lịch sử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách Trung Quốc giải quyết quá trình chuyển đổi kinh tế từ tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa, và cách Mỹ phản ứng với điều đó như thế nào. Một quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ngăn chặn sự phát triển của hai khối quyền lực mà chúng hoàn toàn có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột quân sự.
Chúng ta đã chạm đến cột mốc của sự rối loạn toàn cầu này như thế nào? Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, thế giới được kiềm chế bởi hai siêu cường. Mỗi siêu cường duy trì mức độ kiểm soát nhất định đối với các đồng minh và các vệ tinh của nó, và tránh đối đầu quân sự trực tiếp với bên còn lại bởi sự nguy hiểm của Tất yếu Hủy diệt Lẫn nhau (Mutually Assured Destruction - MAD). Đây là hệ thống MAD và nó đã phát huy tác dụng: gây ra một số xung đột quân sự địa phương nhưng tránh khỏi một cuộc chiến tranh thế giới.
Khi đế chế Xô Viết sụp đổ, Hoa Kỳ có cơ hội trở thành siêu cường duy nhất và là người đảm bảo hòa bình trên thế giới, nhưng Mỹ đã không cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ này. Mỹ được thành lập trên nguyên tắc tự do cá nhân và không hành xử để trở thành cảnh sát của thế giới. Thật vậy, đã không có một cái nhìn thống nhất về ý nghĩa của sự lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế. Trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, đã có chính sách đối ngoại của cả hai đảng mà cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phần lớn đồng ý; nhưng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ đối tác này đã tan vỡ. Cả hai đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ quyền của Mỹ nhưng hiếm khi đồng ý về việc đem Mỹ phụ thuộc vào các nghĩa vụ quốc tế.
Sau đó, vào năm 1997, một nhóm những người theo trường phái tân bảo thủ lập luận rằng Hoa Kỳ nên sử dụng uy thế quân sự để áp đặt lợi ích quốc gia, và thành lập một think tank được gọi là Dự án vì Thế kỷ Mới của Mỹ (New American Century), “nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”. Nhưng đó là cách tiếp cận sai lầm: lực lượng quân sự không thể được sử dụng để thống trị thế giới. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, nhóm tân bảo thủ thuyết phục Tổng thống George W. Bush tấn công Iraq vào các căn cứ mơ hồ mà rốt cuộc hóa ra là sai, và Mỹ đã đánh mất uy thế của mình. Dự án vì Thế kỷ Mới của Mỹ có tuổi thọ xấp xỉ với Đế chế Đức Ngàn năm (Thousand-Year Reich) của Hitler: khoảng mười năm.
Về mặt tài chính, ngược lại, đã có sự đồng thuận rõ ràng – cái được gọi là Đồng thuận Washington – về vai trò của Mỹ trên thế giới. Mỹ đã thống trị trong những năm 1980 dưới sự lãnh đạo của Ronald Reagan và Margaret Thatcher. Mỹ có sự hỗ trợ ý thức hệ mạnh mẽ từ những người theo trường phái nền tảng của thị trường (fundamentalists); có một nền tảng được cho là khoa học - Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (Efficient Market Hypothesis) và Lý thuyết Lựa chọn Hợp lý (Rational Choice Theory); và được quản lý hiệu quả bởi IMF. Sự đồng thuận này là một thỏa hiệp tinh tế hơn nhiều giữa quản trị quốc tế và lợi ích bản thân quốc gia so với quan điểm của nhóm tân bảo thủ cho rằng sức mạnh quân sự là tối cao.
Thật vậy, Đồng thuận Washington có nguồn gốc từ sự thỏa hiệp ban đầu mà dựa vào đó các thể chế Bretton Woods được thành lập. John Maynard Keynes đề xuất đồng tiền quốc tế thực sự, đồng bancor, nhưng Hoa Kỳ vẫn khăng khăng rằng đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới và nó đã thắng thế. Những lời đáng nhớ trong Animal Farm (“Trại súc vật”) của George Orwell, “tất cả các con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác”. Đồng thuận Washington thúc đẩy thương mại tự do và toàn cầu hóa các thị trường tài chính. Trong những năm cuối thập niên 90, những người theo trường phái nền tảng của thị trường thậm chí đã cố gắng sửa đổi các điều khoản thỏa thuận của IMF nhằm áp đặt khả năng chuyển đổi của tài khoản vốn, tự do trao đổi tiền tệ. Tuy nỗ lực đó thất bại nhưng bằng cách cho phép vốn tài chính di chuyển tự do, Đồng thuận Washington cũng cho phép dòng vốn thoát khỏi thuế và sự điều chỉnh. Đó là một thắng lợi cho những người theo trường phái nền tảng của thị trường.
Thật không may, các nền tảng khoa học của phương pháp này đã được nhận thức sai lầm. Thị trường tài chính không bị điều chỉnh cơ bản là đã không ổn định: thay vì tạo ra một điểm cân bằng chung đảm bảo cho việc phân bổ tối ưu các nguồn lực, chúng đã tạo ra các cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng sự sụp đổ vào năm 2008. Thật trùng hợp, năm 2008 cũng đánh dấu sự kết thúc của cả uy thế chính trị của Mỹ và sự sụp đổ của Đồng thuận Washington. Đó cũng là sự khởi đầu của một tiến trình tan rã tài chính và chính trị mà tự thể hiện trước tiên là trong mô hình thu nhỏ của Liên minh châu Âu, sau đó lan rộng ra cả thế giới.
Sự sụp đổ năm 2008 gây ra tác động tiêu cực lâu dài lên tất cả các nền kinh tế trên thế giới, với ngoại lệ đáng chú ý là Trung Quốc. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc tương đối biệt lập với phần còn lại của thế giới và phần lớn sở hữu bởi chính phủ. Kết quả là, các ngân hàng Trung Quốc có thể, theo chỉ thị của chính phủ, bù đắp sự sụp đổ của cầu bên ngoài bằng cách làm ngập lụt nền kinh tế với tín dụng. Nền kinh tế Trung Quốc đã thay thế người tiêu dùng Mỹ trở thành động cơ của nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu bằng cách bán chịu cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, đó là một động cơ khá yếu, phản ánh kích thước tương đối của nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ, do đó nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng khá chậm kể từ sự nổi lên của sức mạnh kinh tế quốc tế Trung Quốc.
Lý do chính vì sao thế giới tránh được cuộc suy thoái toàn cầu là các nhà kinh tế đã học được một số bài học từ kinh nghiệm của những năm 1930. Vay nợ nhiều và thành kiến chính trị kéo dài đã hạn chế quy mô của gói kích thích tài chính toàn cầu (một lần nữa với sự ngoại lệ Trung Quốc); nhưng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch, Ben Bernanke, đã bắt tay vào chính sách tiền tệ không chính thống bao gồm cả nới lỏng định lượng – bơm tiền với quy mô lớn vào nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu của Fed. Điều này giúp sự sụt giảm trong cầu thoát khỏi tình trạng xấu hơn để rồi lao vào cuộc suy thoái toàn cầu.
Sự sụp đổ năm 2008 cũng gián tiếp chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đồng euro. Đồng euro là đồng tiền không hoàn chỉnh: nó có ngân hàng trung ương chung, nhưng lại không có ngân quỹ chung. Các kiến trúc sư của đồng euro đã nhận thức được lỗi này nhưng tin rằng khi điểm yếu này trở nên rõ ràng, ý chí chính trị có thể được triệu hồi để chỉnh sửa. Cuối cùng, đó là cách mà Liên minh châu Âu hoạt động – thực hiện một bước tại một thời điểm, hoàn toàn biết rằng nó không đủ nhưng khi có nhu cầu tất sẽ dẫn đến các bước tiếp theo.
Thật không may, điều kiện chính trị đã thay đổi từ giữa năm 1999, khi đồng euro được thông qua, và năm 2008, khi nhu cầu tăng lên. Đức dưới sự lãnh đạo của Helmut Kohl đã lãnh đạo quá trình hội nhập châu Âu nhằm tạo thuận lợi cho việc thống nhất Đức. Nhưng sự thống nhất đất nước đã chứng minh là tốn kém và công chúng Đức trở nên không sẵn sàng để đưa ra bất kỳ chi phí bổ sung nào. Sau sự phá sản của Lehman Brothers vào năm 2008, khi các bộ trưởng tài chính châu Âu tuyên bố rằng không có tổ chức tài chính quan trọng nào trong hệ thống được phép thất bại, Thủ tướng Angela Merkel, chính trị gia tán đồng với dư luận đang chiếm ưu thế, nhấn mạnh rằng trách nhiệm nên rơi vào mỗi quốc gia riêng biệt, không chỉ cho cả Liên minh châu Âu. Điều đó chính thức xác định khả năng có ngân quỹ chung chỉ khi cần thiết. Đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng đồng euro. Các cuộc khủng hoảng ở các nước riêng lẻ như Hy Lạp, Ý, hoặc Ireland cơ bản là biến thể của cuộc khủng hoảng đồng euro.
Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã biến thành một loạt các cuộc khủng hoảng chính trị. Sự khác biệt giữa các quốc gia chủ nợ và quốc gia con nợ đã biến Liên minh châu Âu từ một tổ chức liên kết tự nguyện của sự bình đẳng thành mối quan hệ giữa chủ nợ, như Đức, và con nợ, như Hy Lạp, đó không còn là tự nguyện và cũng không bình đẳng và khuấy động căng thẳng chính trị gia tăng.
Liên minh châu Âu đã bắt đầu như một cố gắng dũng cảm nhằm quản trị quốc tế trên quy mô khu vực. Sau hậu quả của năm 2008, EU trở nên bận tâm với những vấn đề nội bộ và thất bại trong việc thực hiện vai trò của mình trong nền kinh tế quốc tế. Hoa Kỳ cũng trở nên hướng nội nhưng bằng con đường hơi khác. Sự chuyển hướng vào trong của EU và Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm trong hợp tác quốc tế trên quy mô toàn cầu.
Từ khi các cường quốc phương Tây là trụ cột của trật tự thế giới hiện hành, ảnh hưởng đang suy giảm của chúng đã tạo nên khoảng trống quyền lực trong quản trị quốc tế. Các cường quốc khu vực và chủ thể phi nhà nước đầy tham vọng, sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự, đã vội vã lắp vào chỗ trống. Các cuộc xung đột vũ trang tăng lên nhanh chóng và lan từ Trung Đông đến các phần khác của châu Á, châu Phi, và thậm chí cả châu Âu.
Bằng cách thôn tính Crimea và thiết lập ốc đảo ly khai ở Ukraine, nước Nga của Putin đã thách thức cả trật tự thế giới hiện hành, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cường quốc phương Tây, và các giá trị và nguyên tắc mà dựa vào đó EU được thành lập. Cả công chúng châu Âu lẫn Mỹ hoàn toàn không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của thách thức này. Tổng thống Vladimir Putin muốn gây bất ổn toàn Ukraine bằng cách làm cho sự sụp đổ tài chính và chính trị sớm xuất hiện mà ông có thể từ chối nhận trách nhiệm, trong khi tránh chiếm đóng một phần của miền đông Ukraine, sau đó sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ kinh tế của Nga. Ông đã cho thấy lợi thế của mình hai lần trong việc chuyển chiến thắng quân sự chắc chắn thành lệnh ngừng bắn đe dọa gây bất ổn cho toàn Ukraine. Thật không may, Putin đang thành công, điều đó có thể thấy bằng cách so sánh lệnh ngừng bắn “Minsk 2” với “Minsk 1”, ngay cả khi thành công của ông là hoàn toàn tạm thời. Putin hiện đang tìm cách sử dụng Ukraine để gieo mối bất đồng và đạt được ảnh hưởng chính trị trong Liên minh châu Âu.
Mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa của Nga tương quan trực tiếp với sự yếu kém của Liên minh châu Âu. EU đã rất xuất sắc ở tình trạng rối ren qua các cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị, nhưng bây giờ nó đang phải đối mặt với không chỉ một mà năm khủng hoảng: Nga, Ukraine, Hy Lạp, nhập cư, và trưng cầu dân ý sắp tới của Anh về tư cách thành viên EU - và có thể là đã quá nhiều. Sự tồn tại của EU hiện đang gặp nguy cơ.
Quản trị quốc tế trên quy mô toàn cầu cũng không kém phần mong manh. Thế giới có thể chia thành các phe đối thủ cả về tài chính và chính trị. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một bộ các định chế tài chính tương tự, bao gồm Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); Sáng kiến Quỹ Trái phiếu châu Á; Ngân hàng Phát triển Mới (trước đây là Ngân hàng BRICS); và Sáng kiến Chiang Mai, là sự sắp xếp đa phương khu vực châu Á để hoán đổi tiền tệ. Hai phe có thể để giữ cho sự đối đầu của chúng trong giới hạn hay không sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc quản lý quá trình chuyển đổi kinh tế của nó và cách Mỹ phản ứng với điều đó như thế nào.
IMF có thể đóng một vai trò tích cực trong việc này. IMF đã từ bỏ cam kết của mình với Đồng thuật Washington nhưng các cổ đông kiểm soát của các định chế Bretton Woods – Mỹ, Anh, Pháp, và Đức – không sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát bỏ phiếu của mình bằng cách gia tăng đại diện của các nước đang phát triển. Điều này, ở vị trí của họ, là rất thiển cận, vì không nhận ra những thay đổi trong sức nặng tương đối của các nền kinh tế khác nhau và đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Các cổ đông kiểm soát không có khả năng từ bỏ quyền kiểm soát của họ, tuy mong manh; nhưng IMF có cơ hội để xây dựng kết nối ràng buộc giữa hai phe. Cơ hội này phát sinh từ thực tế là thành phần của rổ Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của IMF sẽ đệ trình để xem xét mỗi 5 năm vào cuối năm 2015.
SDR là một tài sản dự trữ quốc tế, được tạo ra bởi IMF vào năm 1969 để bổ sung dự trữ chính thức hiện có của các quốc gia thành viên. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc không đủ điều kiện để được đưa vào rổ SDR, nhưng các tiêu chuẩn được đưa vào không được quy định một cách nghiêm ngặt như vẫn thường tin tưởng. Đồng yên Nhật đã được đưa vào rổ khi nó vẫn chưa được giao dịch rộng rãi; đồng franc vào rổ khi tài khoản vốn của Pháp đang được kiểm soát chặt chẽ; và đồng riyal của Ả Rập đã được đưa vào khi nó hoàn toàn neo vào đồng đô la. Các tiêu chí đưa vào rổ đã thay đổi trong những năm qua nhưng hiện tại là (1) quốc gia xuất khẩu lớn và (2) đồng tiền “tự do sử dụng”. Thuật ngữ này thường được hiểu sai là áp đặt khả năng chuyển đổi hoàn toàn của các tài khoản vốn và tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái; nhưng không phải như vậy. Thật tế là rổ Quyền Rút vốn Đặc biệt trước đây bao gồm các đồng tiền không có hoặc có rất ít khả năng chuyển đổi tài khoản vốn.
Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã nỗ lực bắt đầu thực hiện để đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ SDR, và nhận được sự đồng tình từ đội ngũ nhân viên IMF. Ví dụ, IMF đã thông báo rằng đồng nhân dân tệ “không còn bị định giá thấp”, và không đòi hỏi tự do hóa tài khoản vốn đầy đủ và nhanh chóng, mà là một tốc độ cải cách thận trọng và từng bước nhằm đảm bảo sự hoạt động trơn tru của SDR cũng như duy trì sự ổn định tài chính ở Trung Quốc.
Hiện nay phụ thuộc nhiều vào thái độ của chính phủ Mỹ - nắm giữ quyền phủ quyết trong IMF, thậm chí quyết định liên quan đến rổ SDR đòi hỏi chỉ đa số 70% của ban lãnh đạo IMF. Mỹ sẽ nhượng bộ lớn nếu Mỹ cho phép đồng nhân dân tệ trở thành đối thủ tiềm năng với đồng đô la. Đổi lại, Mỹ có thể đòi hỏi những nhượng bộ tương tự từ Trung Quốc, nhưng đó sẽ là cách tiếp cận sai. Mối quan hệ giữa hai cường quốc không phải là trò chơi có tổng bằng không: lợi ích của một bên không nhất thiết phải là một mất mát cho bên còn lại.
Trung Quốc đang tìm kiếm thân phận SDR cho đồng nhân dân tệ không phải để làm hài lòng hay làm tổn thương Mỹ mà là vì những lý do riêng của Trung Quốc - đó là tham vọng cuối cùng nhằm thay thế đồng đô la Mỹ trở thành đồng tiền thống trị thế giới. Trung Quốc tìm cách sử dụng tự do hóa tài chính như là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc muốn đào sâu hơn thị trường trái phiếu chính phủ và cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia nhằm giúp chính phủ trung ương có thể làm sạch các khoản nợ xấu của chính quyền địa phương vỡ nợ; nó cũng muốn giảm đòn bẩy tài chính quá mức trong nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu. Đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ IMF sẽ tạo điều kiện cho quá trình này, và thành công sẽ tự động nâng cao sức nặng và ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ trên thế giới.
Chính phủ Mỹ đạt được thì ít mà mất thì nhiều khi xử lý mối quan hệ với Trung Quốc như một trò chơi có tổng bằng không. Nói cách khác, Mỹ có ít sức mạnh thương lượng. Tất nhiên, Mỹ có thể cản trở sự tiến bộ của Trung Quốc, nhưng điều đó sẽ rất nguy hiểm. Chủ tịch Tập Cận Bình nhận trách nhiệm cá nhân đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia. Nếu cải cách theo hướng thị trường của ông thất bại, ông có thể nuôi dưỡng một số xung đột bên ngoài để giữ cho đất nước thống nhất và duy trì quyền lực của mình. Điều này có thể khiến Trung Quốc liên kết với Nga không chỉ về mặt tài chính mà còn về chính trị và quân sự. Trong trường hợp đó, xung đột bên ngoài leo thang thành cuộc đối đầu quân sự với đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, không hề cường điệu khi nói rằng chúng ta sẽ ở ngưỡng cửa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Thật vậy, ngân sách quân sự đang gia tăng nhanh chóng ở cả Nga và Trung Quốc, và chúng vẫn còn ở mức rất cao ở Hoa Kỳ. Đối với Trung Quốc, tái vũ trang sẽ là cách hữu hiệu nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa. Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh cơ bắp quân sự tại Biển Đông, hoạt động đơn phương và thường khá hiếu chiến, đã tạo nên mối quan tâm chính đáng ở Washington. Tuy nhiên, có thể mất một hoặc nhiều thập niên cho đến khi một liên minh quân sự Nga-Trung Quốc sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Mỹ. Cho đến lúc đó, có thể là sự tiếp tục của chiến tranh lai (hybrid warfare) và sự gia tăng của các cuộc chiến ủy nhiệm (proxy wars).
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích thiết yếu trong việc đạt được sự thông hiểu bởi sự thay thế là khó có thể chấp nhận được. Những lợi ích của một thỏa thuận cuối cùng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể có ảnh hưởng sâu rộng như nhau. Gần đây đã có bước đột phá thực sự về chính sách khí hậu trên cơ sở song phương. Bằng cách chấp nhận các đại diện và những cam kết không ràng buộc được thực hiện bởi hai nước, thỏa thuận đã đạt được sự đáng tin cậy hơn một số nỗ lực gần đây nhằm đưa biến đổi khí hậu dưới tầm kiểm soát. Nếu phương pháp này có thể mở rộng đến các khía cạnh khác của chính sách năng lượng và các lĩnh vực tài chính và kinh tế, mối đe dọa của liên kết quân sự giữa Trung Quốc và Nga sẽ được gỡ bỏ và triển vọng của cuộc xung đột toàn cầu sẽ bị giảm đi rất nhiều. Đó là một cố gắng đáng giá.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước cuối cùng đến Hoa Kỳ vào năm 2013, Chủ tịch Tập nói về một “kiểu mới của mối quan hệ quyền lực rất lớn”. Chủ đề đã được thảo luận rộng rãi ở Trung Quốc kể từ đó. Tổng thống Obama nên phác thảo tầm nhìn của riêng mình bằng cách vẽ nên sự phân biệt giữa Nga của Putin, đã thay thế nhà nước pháp quyền (rule of law) bằng vũ lực (rule of force), và Trung Quốc ngày nay, không phải luôn luôn tuân theo nhà nước pháp quyền nhưng tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước. Cuộc xâm lược của Nga cần phải được kiên quyết phản đối; ngược lại, Trung Quốc cần phải được khuyến khích – bằng cách cung cấp sự thay thế mang tính xây dựng hơn – nhằm tránh con đường xâm lược quân sự. Kiểu đề nghị này có thể khơi gợi phản ứng thuận lợi. Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi nhưng nó cần phải được giữ trong giới hạn ngăn cản việc sử dụng lực lượng quân sự.
Một thỏa thuận có ảnh hưởng sâu rộng trở thành một quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng thực hiện. Hai nước có hệ thống chính trị cơ bản khác nhau. Trong khi Hoa Kỳ được thành lập trên nguyên tắc tự do cá nhân, Trung Quốc lại không có truyền thống đáng kể của sự tự do như thế. Trung Quốc có cấu trúc phân cấp từ thời xa xưa và đã là một đế chế trong suốt chiều dài lịch sử. Trong những năm gần đây, Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển sáng tạo các phương tiện truyền thông xã hội, trong khi Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc tìm kiếm phương tiện để kiểm soát nó. Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã có nhiều thành công hơn Nga trong việc tạo ra hệ thống phân cấp thành công.
Cách nhìn tốt nhất về điều này là nhìn vào cách thức thông tin được phân phối. Do sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội, thông tin ngày càng di chuyển theo chiều ngang, nhưng Trung Quốc thì khác: thông tin được phân phối theo chiều dọc. Trong bộ máy đảng-nhà nước, người gần hơn là ở đỉnh, tốt hơn là được thông báo và quyền rộng rãi hơn là được tự do bày tỏ ý kiến. Điều này có nghĩa là bộ máy đảng-nhà nước không chỉ cung cấp cơ hội làm giàu cá nhân mà còn (trông giống như) tự do cá nhân. Không có gì ngạc nhiên khi bộ máy có thể thu hút nhiều nhân tài tốt nhất của Trung Quốc. Mức độ quyền mà nó cho phép, tuy nhiên, bị giới hạn nghiêm ngặt bởi các lằn ranh đỏ. Người dân chỉ được di chuyển trong giới hạn đó; những người vượt qua lằn ranh đỏ có thể rơi vào tay bộ máy an ninh và biến mất không dấu vết.
Thòng lọng của bộ máy an ninh đã được dần dần giảm bớt, nhưng gần đây có một sự đảo ngược đáng ngại: dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập, các quy tắc không chính thức quy định quyền và vị trí của các tổ chức phi chính phủ (NGO), ví dụ, hiện đang trong quá trình đang được thắt chặt đáng kể *.
So sánh “giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Tập với giấc mơ Mỹ nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai hệ thống chính trị và xã hội. Tập tán dương thành công của Trung Quốc trong “trẻ hóa dân tộc” bằng cách khai thác những tài năng và năng lực của người dân trong việc phục vụ nhà nước. Ngược lại, giấc mơ Mỹ ca ngợi sự thành công của cá nhân mạnh mẽ - những người đạt được vị trí xã hội cao hơn và giàu có hơn bằng cách vượt qua những trở ngại gây ra bởi các quy ước hoặc thành kiến xã hội hoặc chính quyền lạm dụng quyền lực của mình, hoặc do may mắn. Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện theo các giá trị của mình, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng họ đang bị lật đổ.
Ở khía cạnh này, Trung Quốc có nhiều điểm chung với Nga hơn so với Mỹ. Cả Nga và Trung Quốc tự xem mình là nạn nhân của khát vọng thống trị thế giới của Mỹ. Từ góc nhìn của Mỹ, có nhiều điều phản đối trong hành vi của Trung Quốc. Không có tư pháp độc lập và các công ty đa quốc gia thường bị ngược đãi và được thay bằng các công ty yêu thích trong nước. Và có những xung đột với Mỹ và các quốc gia khác ở Biển Đông và chiến tranh mạng và nhân quyền. Đây không phải là vấn đề mà sự hợp tác sẽ dễ dàng đạt được.
Hoàn toàn công nhận các khó khăn này, tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn nên thực hiện nỗ lực có thiện chí trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Điều này sẽ liên quan đến việc xác định các phạm vi có cùng lợi ích cũng như các phạm vi của sự đối đầu. Các phạm vi có cùng lợi ích sẽ mời gọi hợp tác, các phạm vi của sự đối đầu thương lượng ăn miếng trả miếng. Mỹ cần xây dựng chiến lược hai hướng vừa thúc đẩy hợp tác vừa răn đe khiến cho thương lượng ăn miếng trả miếng kém hấp dẫn.
Các phạm vi hợp tác có thể chứng minh là rộng hơn so với cái nhìn đầu tiên. Hợp tác với Trung Quốc giúp cho cải cách tài chính của Chủ tịch Tập thành công chắc chắn là nằm trong lợi ích chung. Thành công này sẽ thực hiện được nguyện vọng của ngày càng tăng tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Nó cũng có thể cho phép Tập nới lỏng một số hạn chế mà ông đưa ra gần đây và điều này, đến lượt nó, sẽ tăng khả năng các cải cách của ông sẽ thành công và cải thiện sự ổn định tài chính toàn cầu. Điểm yếu của phương pháp tiếp cận hiện tại của ông là cả thực hiện và giám sát quá trình cải cách nằm trong cùng một bàn tay. Quá trình này được mở ra để nhận phê bình từ giới truyền thông và xã hội dân sự sẽ cải thiện tính hiệu quả của cải cách của ông rất nhiều. Điều này đặc biệt đúng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập. Và nếu Trung Quốc theo con đường này, nó sẽ càng trở nên hấp dẫn đối với Mỹ như là một đối tác chiến lược.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không được hoàn thành vào tháng 10/2015, khi ban lãnh đạo của IMF dự kiến sẽ xem xét thành phần trong rổ SDR. Thực tế là phải đến chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập tới Washington vào tháng 9 mới hoàn thành việc chuẩn bị. Nhưng có nhiều điều cần đạt được bằng cách kéo dài thời hạn SDR đến năm 2016. Sau đó Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp của Nhóm G20, và năm 2016 cũng là năm cuối cùng của chính quyền Obama. Triển vọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ huy động tất cả các lực lượng chính trị có lợi cho hợp tác quốc tế cả hai bên.
Nếu nỗ lực thiện chí thất bại, Mỹ sau đó sẽ hoàn toàn hợp lý trong việc phát triển quan hệ đối tác đủ mạnh với các nước láng giềng của Trung Quốc mà liên minh Trung Quốc-Nga sẽ không dám thách thức bằng vũ lực quân sự. Điều đó rõ ràng là kém hơn so với quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ đối tác với các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ đưa chúng ta trở lại chiến tranh lạnh, nhưng vẫn là thích hợp hơn so với một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương, hiện đang được đàm phán, có thể mang đến cơ hội tuyệt vời cho chiến lược hai hướng nhưng cách tiếp cận hiện nay là hoàn toàn sai. Hiện tại, Trung Quốc bị loại trừ; thực sự là quan hệ đối tác được hình thành như là một liên minh chống Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Tổng thống đã yêu cầu Quốc hội cho ông và chính quyền kế nhiệm đến sáu năm để đàm phán hiệp định thương mại theo quy định đàm phán nhanh (fast-track rules) mà có thể tước đi quyền đưa ra các sửa đổi của Quốc hội. Dự luật đã được chuyển sang Thượng viện và bài báo này được viết trước khi chuyển sang Hạ viện. Nếu Hạ viện phê duyệt, Chủ tịch Tập có thể đối mặt với mối đe dọa rõ ràng cho chuyến thăm vào tháng 9. Đây là phản ứng thích đáng đối với hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác, nhưng còn rất ít chỗ trống cho cách tiếp cận thay thế. Kết quả là, rất khó cho Tổng thống Obama đưa ra đề nghị thiện chí của quan hệ đối tác chiến lược.
Hy vọng rằng Hạ viện sẽ không cho phép dự luật có quyền đàm phán nhanh. Thay vì buộc dự luật thông qua Quốc hội nhanh chóng, nó nên được đưa khỏi quyền đàm phán nhanh. Trong trường hợp đó, Quốc hội sẽ có nhiều thời gian để điều chỉnh những sai sót cơ bản trong các hiệp ước dự kiến khiến chúng không được chấp nhận khi chúng hiện đang được soạn thảo. Và điều đó cũng sẽ cho phép Tổng thống Obama đưa cho Chủ tịch Tập lời đề nghị chân thành của quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc khi ông đến thăm Washington vào tháng 9.
George Soros
New York Review of Books
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Theo Việt Studies
*Xem Edward Wong, “Chinese Security Laws Elevate the Party and Stifle Dissent. Mao Would Approve,” The New York Times, May 30, 2015.
Hợp tác với tq để tránh c tr thế giới nhưng lại bắn vào đầu nhău.
Trả lờiXóa