Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Biển Đông - kho báu & cạm bẫy

Biển Đông - kho báu & cạm bẫy
Một trong những lý do khiến dư luận người Việt tại quốc nội lẫn ngoại quốc, cũng như công luận quốc tế, trong thời gian qua quan tâm nhiều đến Biển Đông là tham vọng độc chiếm của Trung cộng. Vùng này còn là tuyến hải hành trọng yếu, có thể nắm giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên cực lớn. Không chỉ Việt Nam, mà còn có nhiều nước khác xác nhận chủ quyền.


Căng thẳng Biển Đông lên cao, Đài Loan cũng bắt đầu 
gởi chiến hạm ra khơi. Ảnh www.themalaysianinsider.com
Ngay bên dưới bề mặt nước biển, sàn đại dương quanh Hoàng Sa-Trường Sa dự báo nắm giữ trữ lượng rất lớn về dầu hỏa, khí tự nhiên, nhiều loại quặng mỏ quý, cũng như là vùng đánh bắt hải sản dồi dào. Theo ước tính của cơ quan năng lượng liên bang Hoa Kỳ (US Energy Information Agency), vùng này chứa ít nhất 11 tỉ thùng dầu thô và 190,000 tỉ feet khối khí đốt. 

Biển Đông rộng chừng 3.5 triệu cây số vuông. Các quốc gia bao bọc gồm có Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan "Taiwan", Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore. Trong 10 hải cảng bận bịu nhất thế giới, thì đến 6 nằm trong vùng Biển Đông. Trong vùng biển này, 2 quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) nằm ở vị trí trọng tâm chiến lược. Mặc dù một số đảo chỉ là những bãi đá ngầm hoặc san hô trơ trọi giữa biển, đa phần vắng bóng người, Hoàng Sa-Trường Sa lại nằm ngay chính giữa một vùng kho báu thiên nhiên khổng lồ.


Người Việt biểu tình chống Trung cộng. Ảnh america.aljazeera.com
Chỉ riêng trong vùng biển có nhiều quốc gia tranh chấp chủ quyền với Việt Nam này, theo các khảo sát mới nhất, có từ 73 triệu đến 172 triệu tấn hải sản. Mỗi năm vùng biển quanh Hoàng Sa - Trường Sa chiếm khoảng 10% tổng trị giá hải sản toàn thế giới đánh bắt được. Phải kể thêm chừng một nửa số chuyến tàu chở dầu trên thế giới qua lại trên vùng biển này. Tính chung, có khoảng 60% lượng hàng hóa giao thương toàn cầu lưu thông qua Biển Đông, mỗi năm đem lại nguồn lợi kinh tế trên $5,000 tỉ.

Mặc dù tiềm năng kinh tế lớn lao, điều ít người biết là hoàn cảnh địa lý của vùng biển này cũng nhiêu khê bậc nhất. Toàn vùng Biển Đông có trên 30,000 hòn đảo rải rác. Chỉ riêng quần đảo Trường Sa (Spratlys) cũng đã có ít nhất 750 đảo khác nhau, trải rộng khắp 164,000 dặm vuông biển cả. Ngoài Việt Nam và Trung cộng, các nước khác gồm có Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia đều nhận chủ quyền cách này cách khác, không nhiều thì ít, trên vùng biển này.

Hai nước Malaysia và Brunei xác nhận chủ quyền dựa trên khoảng cách dành cho vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zones - EEZs) do Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS III) thiết lập. Trường hợp Brunei không đòi chủ quyền đối với 1 đảo nào, nhưng Malaysia có đòi chủ quyền vài đảo trong vùng Trường Sa. Riêng Philippines chứng minh chủ quyền đối với Trường Sa chánh yếu đặt trên khoảng cách địa lý gần nhất. Nếu chỉ tính riêng về khoảng cách đường chim bay, thì Trường Sa gần Philippines (chừng 100 mile) và Việt Nam nhất, trong khi còn cách bờ biển Trung cộng trên 600 mile. Trong số các quốc gia liên hệ, thì Philippines cũng là nước ra mặt đồng minh với Hoa Kỳ và kình chống Trung cộng rõ ràng nhất. Đến nay, không ít lần tàu bè Trung cộng bao vây, cản đường tiếp liệu cho binh sĩ Phi đồn trú trong vùng biển này, đặc biệt là tại đảo Sierra Madre.

Bắc Kinh đến nay vẫn khăng khăng Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc về họ, dựa trên 1 bản đồ xuất bản năm 1947 thời Trung Hoa Dân Quốc hậu Thế Chiến Hai của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek). Đài Loan cũng đòi chủ quyền tương tự như vậy. Phần Việt Nam nói Hoa Lục không hề đặt vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường Sa cho đến cuối thập niên 1940, trong khi các triều đại phong kiến người Việt đã đặt luật cai quản chúng từ ít nhất là thế kỷ 17 - và có chứng từ hẳn hoi để chứng minh.


Mãnh lực Trung cộng và thế khó của các nước ASEAN. Ảnh www.japantimes.cọjp

Dù Việt Nam có chứng từ pháp lý, chính Bắc Kinh là thế lực mở cuộc tiến chiếm Hoàng Sa - Trường Sa một cách quy mô và hệ thống nhất, cho dù vùng này cách bờ biển Hoa Lục trên 600 mile. Bắc Kinh không ít lần trình làng các dự án khác nhau nhằm khai phá vùng này. Trên các bãi đá ngầm trơ trọi mà cả Việt Nam lẫn Philippines xác lập chủ quyền, Trung cộng lẳng lặng cắm cọc, đặt bảng vẽ chữ Tàu, xây hải đăng, v.v... Và rồi họ cũng khởi sự xây đảo trên cát với tốc độ chóng mặt. Từ năm ngoái đến nay, từ chỗ chỉ có 5 mẫu đất, Trung cộng đã mở rộng diện tích các hòn đảo trong vùng Trường Sa mà họ cắm bảng chữ Tàu đặt chủ quyền lên trên 2,000 mẫu (rộng cỡ 1,500 sân đá banh).

Trung cộng đắp đảo nhân tạo bằng cách hút cát từ đáy biển đắp lên mặt đất, theo nghĩa đen. Những không ảnh từ vệ tinh mới nhất cho thấy Trung cộng đã hoàn tất xây dựng thêm 1 phi đạo tại đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) trong vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Từ chỗ chỉ là 1 bãi đá ngầm rộng 90m dài 90m, hiện nay Fiery Cross Reef lớn đủ để đặt căn cứ cho binh sĩ và thủy thủ Trung cộng đồn trú, thậm chí có đủ hệ thống radar cảnh báo, và phi đạo dài 3 cây số đủ sức đón nhận mọi loại chiến đấu cơ của không lực Trung cộng. Ngoài đảo Chữ Thập, trước đây Bắc Kinh đã xây căn cứ quân sự kiên cố nhất Biển Đông trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng có phi trường làm Bộ chỉ huy với hằng ngàn binh sĩ đồn trú. Và hiện tại, các phúc trình thám sát của Hoa Kỳ cũng cho thấy Bắc Kinh đang xây tiếp phi trường dã chiến tại 2 đảo nữa của Việt Nam là Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và Đá Châu Viên (Cuarteron Reef).


Dân Phi bài Trung cộng. Ảnh www.vox.com

Mục đích của việc xây các hòn đảo nhân tạo này là để mang lại cho Trung cộng thế thượng phong trên Biển Đông. Với các căn cứ và phi đạo hoàn chỉnh, Bắc Kinh có công cụ quân sự trên thực tế để khống chế 90% diện tích Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền dựa theo "đường lưỡi bò" tai tiếng. Cho đến nay, Trung cộng chưa đủ khả năng để chủ động kiểm soát hoàn toàn hải phận lẫn không phận Trường Sa, chưa kể cả vùng Biển Đông rộng lớn hơn. Tuy nhiên, các hoạt động xây cất căn cứ, phi đạo, cầu cảng... đang thay đổi thực tế này một cách mau chóng.

Từ từ và rõ ràng, Trung cộng đang chuyển từ chiến thuật phòng thủ sang tấn công. Một ngày không xa, bộ đội Trung cộng sẽ không bị giới hạn bên trong lãnh thổ, mà có thể mở rộng ảnh hưởng trên không lẫn trên biển. Các phi đạn hạch tâm của Trung cộng càng nguy hiểm bội phần với khả năng cơ động cao của hải quân lẫn không quân trong tương lai.


Trung cộng xây đảo nhân tạo tại vùng biển 
Trường Sa của Việt Nam. Ảnh www.nbcnews.com

Chính Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, mới hồi tháng 3-2015 vừa qua, đã gọi chiến thuật của Trung cộng hiện nay thực chất là để xây một "Vạn Lý Trường Thành Trên Cát" giữa Biển Đông. Đô Đốc Harris ví hoạt động xây đảo trên cát của Bắc Kinh như là việc neo các "hàng không mẫu hạm" cách bờ biển Hoa Lục gần cả ngàn dặm. Các hòn đảo này khi hoàn tất xây cất có thể không khác gì những hàng không mẫu hạm cố định - hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm.

Trên bề mặt, có vẻ như Trung cộng đang chiếm thế thượng phong tại Biển Đông. Nhưng không ai hiểu giá trị của một phi-trường-giữa-đại-dương hơn chính Hải Quân Hoa Kỳ. Các đảo nhân tạo này có thể là những tiền đồn chứa phi cơ thám thính, vệ tinh thám báo, chiến hạm, tàu ngầm... Một mặt, chúng có thể giúp định vị, nhận dạng, theo dõi tàu bè của phe thù địch - đặc biệt là các mục tiêu to lớn kềnh càng như các hàng không mẫu hạm - và tìm cách đánh chìm chúng. 

Nhưng mặt khác, các hòn đảo làm "hàng không mẫu hạm" của Trung cộng cũng lại dễ bị tấn công nhất, vì chúng là các mục tiêu nằm yên 1 chỗ, không tự di chuyển được như hàng không mẫu hạm thực thụ. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, những tiền đồn trên cát này chỉ có thể đứng vững một thời gian ngắn. Chưa kể hiện tại Bắc Kinh phải đối phó với cơn bão từ mọi phía. Sân khấu Biển Đông có thể là kho báu lẫn cạm bẫy cho Trung cộng trong canh bạc lớn hơn, với nhiều nước cờ thâm sâu hơn nhiều lần của Uncle Sam - như vốn dĩ xưa naỵ

Chiến hạm của Trung cộng "bảo kê" cho 1 giàn khoan trong vùng biển VN. Ảnh www.nbcnews.com

http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Ghi-nhan-trong-tuan/bien-dong-kho-bau-cam-bay.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét