Ông Trần Quang Cơ qua đời
BBC - Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, “có thể xem ông Cơ như một nhà nho hiện đại, biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng nhưng có lẽ không biết biến…” “Các phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Đó là nhân cách lớn của Trần Quang Cơ.” Mời xem lại hồi ký Trần Quang Cơ: Hồi ức và Suy nghĩ (Ba Sàm).
Ông Trần Quang Cơ trong một cuộc tiếp xúc với
chuyên gia Liên Xô (ảnh của báo Quân đội Nhân dân)
Nguyên thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ vừa qua đời tối hôm thứ Năm 25/6 ở tuổi 89. Lễ tang ông sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sáng ngày 1/7. Ông Cơ là người từng khước từ chức bộ trưởng ngoại giao mà Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt sau khi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch bị buộc phải ra đi dưới áp lực của Trung Quốc năm 1991.Ông Trần Quang Cơ sinh năm 1927 tại Nam Định, làm ngoại giao từ 1954 tới khi về hưu năm 1997.
Có thể nói ông là một trong các nhà ngoại giao lão luyện nhất của Việt Nam, từng kinh qua các chức vụ như Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.
Ông vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN từ năm 1986.
Trong suốt 12 năm kể từ 1979, ông Trần Quang Cơ tham gia các cuộc thương lượng nhằm giải quyết vấn đề Campuchia.
Ông cũng tham gia tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với các nước lớn Hoa Kỳ, Liên Xô, và Trung Quốc.
‘Hồi ức và Suy nghĩ’
Năm 2001 ông cho ra cuốn hồi ký mang tựa đề ‘Hồi ức và Suy nghĩ‘ gây tiếng vang vì đụng chạm tới những vấn đề vẫn được giữ kín về chính trị nội bộ và quan hệ với các nước lớn trong đó có Trung Quốc.
Đánh giá về ông, cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nói: ” Ông Cơ là một nhà ngoại giao lão luyện, có tầm nhìn chiến lược”.
“Ông có chính kiến, độc lập, đặc biệt là không tán thành cách tiếp cận cơ hội với Trung Quốc như một số nhân vật cấp cao thời bấy giờ.”
Sau khi từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1991 vì cho rằng không thể làm việc khi một số nhân vật cao cấp trong dàn lãnh đạo Việt Nam lúc đó quá ngả về phía Trung Quốc, cuối năm 1993, ở Hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Trần Quang Cơ cũng tự xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường, “có thể xem ông Cơ như một nhà nho hiện đại, biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng nhưng có lẽ không biết biến…”
“Các phẩm chất ấy không phải ai cũng có. Đó là nhân cách lớn của Trần Quang Cơ.”
Trong cuộc phỏng vấn với BBC nhân dịp 30 năm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, ông Trần Quang Cơ đã bình luận rằng căn nguyên (của cuộc chiến Việt – Trung) là xung quanh vấn đề quyền lợi nước lớn, liên quan tới vấn đề Đông Dương.
Ông nói: “Các nước lớn họ có tính toán của riêng họ, nhưng tình hình quan hệ chiến lược giữa ba nước lớn bất lợi cho Việt Nam”.
“Tôi thấy điều mình có thể làm khác, là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), Việt Nam đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ.”
Thời kỳ vô cùng khó khăn của ngoại giao Việt Nam này đã được phản ánh trong cuốn hồi ký Trần Quang Cơ, với những chi tiết như về Hội nghị Thành Đô 1990 cho thấy “các giới hạn của môt thời kỳ lịch sử, cái khó của đất nước đứng cạnh Trung Quốc và chịu sức ép của Trung Quốc”, theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường.
Ông Trường nói với BBC: “Cuốn hồi ký thể hiện tính khách quan, không phải là chống Tàu, mà là ‘thân Việt'”.
“Chính vì vậy mà nhân dân biết đến ông và tôn trọng ông.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét