Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Trung Quốc kiểm soát các nút thắt thương mại toàn cầu

Trung Quốc tìm cách kiểm soát các nút thắt thương mại toàn cầu để giành quyền lực
Chính quyền Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới khi xây dựng nhanh chóng các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông nhằm kiểm soát việc tiếp cận vùng lãnh hải khổng lồ này. Tuy nhiên, có những nỗ lực tương tự đang được Trung Quốc tiến hành một cách âm thầm hơn: giành kiểm soát các nút thắt thương mại then chốt trên thế giới.
Ảnh chụp của máy bay do thám Mỹ trên đảo nhân tạo 
Trung Quốc tại biển Tây Philippine ngày 21/5/2015. (Ảnh: Youtube)
Bất kỳ ai kiểm soát những nút thắt vận chuyển đường biển của thế giới sẽ kiểm soát được dòng chảy của dầu mỏ và gần như 90% hoạt động thương mại thế giới. Trong nỗ lực để trở thành một cường quốc hải quân thế giới, chính quyền Trung Quốc đã tìm kiếm quyền lực ở hầu như mọi nút thắt kể trên thông qua một chuỗi các căn cứ hải quân và một loạt các thỏa thuận kinh tế.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), những nút thắt quan trọng nhất cho vận tải dầu bằng tàu thuyền của thế giới là eo biển Malacca, kênh đào Suez, eo biển Hormuz, kênh đào Panama, eo biển Bab el-Mandeb và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi nghĩ rằng người ta không đánh giá đúng mức về vấn đề hay nguy cơ này vì nó quá xa lạ” – Ông Robert Haddick, tác giả cuốn sách “Lửa trên Mặt nước: Trung Quốc, Mỹ và tương lai của khu vực Thái Bình Dương”



Một chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ đang đi qua kênh đào Suez. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một căn cứ quân sự ở Djibouti. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc duy trì lực lượng tàu chiến ở gần đó. (Ảnh: Wiki)

Ông Haddick nói rằng Đô đốc Mahan “hiện đang nổi tiếng và được biết đến nhiều ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ, và có vẻ như các nhà lập kế hoạch của Trung Quốc đang áp dụng cuốn sách của Mahan một cách rất rộng rãi”. Ông lưu ý rằng chiến thuật hiện tại quanh các căn cứ hải quân của nước này “xuất phát trực tiếp từ lý thuyết của Mahan nhằm bảo vệ các tuyến đường liên lạc chủ chốt”.

Chính quyền Trung Quốc đang công khai về tham vọng trở thành một cường quốc hải quân toàn cầu của mình. Nước này đã vạch ra kế hoạch trên trong Sách trắng Chiến lược Quân sự Trung Quốc được công bố vào ngày 26/5 vừa qua.

Sách trắng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc từ bỏ “quan niệm truyền thống rằng đất liền quan trọng hơn biển” và nhấn mạnh vào nhu cầu “bảo vệ sự an toàn của các tuyến liên lạc hàng hải chiến lược (SLOC) và các lợi ích ở nước ngoài”.

Khi chính quyền Trung Quốc hành động để cung cấp an ninh cho thương mại toàn cầu, ông Haddick cho rằng quốc gia này “tạo ra một sự xung đột về lợi ích với quân đội Mỹ, vốn là lực lượng đảm nhận nhiệm vụ này từ năm 1945”.

“Nếu việc này dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang mà gây ra các hậu quả tai hại cho thương mại trên thế giới, thì mọi người trên thế giới sẽ phải gánh chịu điều đó”, ông nói.

Duy trì Đảng

Chính quyền Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng của nước này hàng năm, nhưng cuốn sách mới đây là rất quan trọng bởi đó là “tài liệu đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của hải quân PLA”, theo ông Bernard Cole, giáo sư tại National War College (Đại học Chiến tranh Quốc gia), và là một chuyên gia hàng đầu về lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) của chính quyền Trung Quốc.

Ông Cole cho rằng tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tập trung quanh nền kinh tế. Ông nói rằng quốc gia này “rất quan tâm đến việc giữ cho nền kinh tế tăng trưởng và người dân Trung Quốc được hạnh phúc” (*) bởi điều này quay trở lại sẽ giúp họ “xác thực tính hợp lệ của sự cai trị của ĐCSTQ ở Bắc Kinh”.

“Mối quan tâm an ninh quốc gia số một tại Bắc Kinh là giữ cho ĐCSTQ nắm quyền lực”, ông nói, lưu ý rằng PLA là “quân đội của Đảng, và họ không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để nhắc đến điều đó”.

Sự thúc đẩy nhằm kiểm soát các nút thắt thương mại hàng hải của chính quyền Trung Quốc chỉ là một phần của một chiến lược kinh tế lớn hơn, với mục tiêu tổng thể là đưa hiện trạng kinh tế [thế giới] vào thế có lợi cho Trung Quốc.

Hầu như mọi các siêu cường trong lịch sử được biết đến của thế giới đã kiểm soát những tuyến đường vận chuyển bằng tàu thuyền chính và nhiều quốc gia trong số đó đồng thời kiểm soát đồng tiền dự trữ của thế giới.

Chính quyền Trung Quốc dường như đang cố gắng mô phỏng thứ quyền lực này. Nước này gần đây đã tạo ra một tổ chức thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) – Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) và đang cố gắng thiết lập một tiêu chuẩn vàng mới với độ tinh khiết cao hơn.

Vùng nước dữ


Các nút thắt thương mại toàn cầu (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên) (nhấn vào để phóng to)

Trong khi các chương trình của chính quyền Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng lên thương mại hàng hải toàn cầu đưa ra một viễn cảnh đáng lo ngại cho vị thế của Mỹ, thì việc liệu các chương trình này có thực sự hiệu quả khi được thực thi hay không lại là một vấn đề khác.

Giáo sư Cole đã lưu ý rằng hầu như tất cả các kế hoạch của ĐCSTQ đều rơi vào khó khăn hoặc có sai sót ngay từ đầu.

Theo giáo sư Cole, cảng Gwadar của Pakistan bị cô lập và không chắc chắn nằm dưới sự kiểm soát của Pakistan. Thêm vào đó vị trí gần với Ấn Độ của cảng này đã làm khuấy lên những mâu thuẫn trong khu vực. Sự an toàn của cảng này cũng phụ thuộc vào việc liệu một lực lượng bán quân sự của Pakistan do Trung Quốc tài trợ có thể dập tắt được bạo lực giáo phái, đánh bại các chi nhánh của Taliban và chấm dứt phong trào ly khai đang gia tăng trong khu vực này hay không.


Tàu chở hàng và tàu quân sự của Mỹ trên eo biển Hormuz. Trung Quốc có quyền quản lý trong vòng 40 năm tại một cảng biển gần đó ở Gwadar, Pakistan. (Ảnh: Wiki)

“Dù tôi có tưởng tượng rằng kế hoạch này cuối cùng cũng khả thi, thì khả năng thành công cũng rất thấp”, giáo sư Cole phát biểu về các kế hoạch tổng thể của ĐCSTQ đối với cảng biển Gwadar.

Tại Sri Lanka, tổng thống mới nhậm chức Maithripala Sirisena đang chuyển hướng ra khỏi sự tập trung nhiều vào việc xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm, tuyên bố rằng trong vòng 6 năm nữa, “đất nước của chúng ta sẽ trở thành thuộc địa và chúng ta sẽ trở thành nô lệ”. Chính sách của ông Sirisena có thể sẽ làm chính quyền Trung Quốc mất dự án Thành phố Cảng trị giá 1,5 tỉ USD ở Colombo.

Việc mở rộng theo kế hoạch tại kênh đào Panama của Trung Quốc được thiết kế để cho phép neo những con tàu rất lớn mà hiện chỉ có thể neo tại 2 cảng biển trên toàn nước Mỹ, giáo sư Cole nói. Trong khi đó, kênh đào Nicaragua lại đang đối mặt với những cuộc biểu tình của các chủ đất và sự xem xét kỹ lưỡng về những ảnh hưởng môi trường tiềm tàng của nó.

Giáo sư Cole lưu ý rằng, nhiều dự án cơ sở hạ tầng của ĐCSTQ tại Châu Phi đã thất bại và thêm vào đó là sự chế giễu ngày một gia tăng về những thỏa thuận phát triển đơn phương của họ. “Họ đang lặp lại những sai lầm tương tự như ở những nơi khác”, ông nói.

Ngay cả tại biển Đông và biển Hoa Đông, nơi mà ĐCSTQ đang đặt rất nhiều nỗ lực, họ đang vô ý đưa các quốc gia láng giềng, bao gồm Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Phillippine phát triển quân đội và liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ.

Họ đang lặp lại những sai lầm tương tự như ở những nơi khác— Giáo sư Bernard Cole

Giáo sư Cole nói: “Cố gắng cụ thể nhất của Trung Quốc” là việc thuê đất để xây dựng căn cứ tại Djibouti của nước này. Tuy nhiên, trong khi đây là một nút thắt quan trọng, thì nơi này đã có sự hiện diện quân sự quốc tế mạnh mẽ trước đó do những vấn đề về cướp biển tại Vịnh Aden.

Cho dù những chương trình này có thể thành công hay phải chịu số phận thất bại, Mỹ và các quốc gia láng giềng của Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức rõ ràng được đặt ra bởi một đất nước Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Vào ngày 31/1/2013, Đại úy James Fanel, khi đó là sĩ quan tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã có một bài phát biểu về một chủ đề mà sau đó đã khiến ông này bị mất việc.

Ông Fanell phát biểu rằng, mỗi buổi sáng ông nhận được những tin tức cập nhật từ tất cả các nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và “mỗi ngày, những tin tức này là về Trung Quốc”.

“Không nghi ngờ gì nữa, hải quân PLA đang tập trung vào chiến tranh trên biển và đang chuẩn bị nhấn chìm một hạm đội đối thủ”, ông nói, bổ sung thêm rằng “Trung Quốc đang thỏa thuận để kiểm soát những nguồn tài nguyên của các quốc gia khác vốn nằm xa bờ biển của họ”
Ông nói rằng trong khi những từ ngữ như “mở rộng” và “bành trướng” thường mang tính tranh cãi khi nhắc đến chính quyền Trung Quốc, “đối với chúng tôi, những người đã theo dõi quốc gia này hàng ngày trong suốt cả thập kỷ vừa qua, thì không có sự mô tả nào tốt hơn dành cho những gì Trung Quốc đã và đang thực hiện”.

Joshua Philipp, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Anh Vũ biên dịch
https://daikynguyenvn.com/trung-quoc/trung-quoc-tim-cach-kiem-soat-cac-nut-that-thuong-mai-toan-cau-de-gianh-quyen-luc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét