Dịch xây “văn miếu”!
Mới tháng 5, dư luận đã “hết hồn” vì văn miếu mọc lên ở Vĩnh Phúc, tuần rồi lại nghe tin một văn miếu khác cũng vừa mọc lên ở Hà Tĩnh (70 tỉ đồng). Liệu có còn những văn miếu nào nữa hay không? Vấn đề đặt ra, e rằng không chỉ ở vấn đề xây những cái miếu thờ... đó, mà là điều gì đã thôi thúc việc xây dựng nay đã là số nhiều đó.
Văn miếu Hà Tĩnh được xây dựng trên diện tích 1,67 hécta,
hiện mới xây được một vài hạng mục nhỏ. Ảnh: Đức Hùng.
Trước hết, câu hỏi cần đặt ra là: liệu đây có phải là một “chiến dịch văn hóa” nào đó hay không? Khi sự xây văn miếu đã trở thành số nhiều, thì nhất định phải nhờ Bộ Văn hóa (Thể thao, Du lịch) giải thích cho dân chúng được rõ. Liệu có đang rộ lên một phong trào khôi phục một nếp văn hóa ngoại lai cho dù dưới lớp vỏ mà ai đó có thể chống chế rằng để “khuyến học”? Điều này càng là đòi hỏi cấp bách của công luận khi đồng tiền để xây dựng các công trình này đến từ tiền thuế của người dân.Muốn hay không muốn, không thể nào phủ nhận rằng sau các văn miếu đó vẫn có hình bóng của một nước ngoài. Việc một phái đoàn của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2011 cất công sang Trung Quốc, tìm đến tận quê hương Khổng Tử mà học hỏi kinh nghiệm... Ngay chính trang web của tỉnh này ngày 18-4-2011 còn ghi: “Chuẩn bị cho công tác đầu tư, xây dựng văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13-4, đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu và học tập về xây dựng văn miếu do đồng chí Trần Ngọc Tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban quản lý Văn miếu Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc”.
Không phải là bài ngoại, song cái gọi là “văn hóa tương đồng” nhất định phải có giới hạn của nó, chứ không thể cứ “đánh đồng làm một” mãi. Trong lịch sử, quả là Nho giáo đã chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam, song ảnh hưởng đó cũng đã kết thúc hơn 100 năm nay rồi và Việt Nam đang là một quốc gia độc lập, nên không thể tùy tiện hay vì bất cứ lý do gì khác mà tái du nhập những di tích của sự lệ thuộc đó. Nói đến văn hóa tương đồng, xin mượn tạm thí dụ về văn hóa ăn uống: các cộng đồng người Hàn, người Hoa, người Nhật, người Việt... trên khắp thế giới có thể hội nhập vào văn hóa bản xứ, nhất là văn hóa ẩm thực, tức ăn uống theo nước đang nhập cư, song không hề có thể ăn cơm các dân tộc châu Á khác thay cho cơm của mình, có đi chợ châu Á cũng đi chợ của người mình chứ không đi lẫn sang chợ người châu Á khác, cho dù cũng đều lấy cơm làm gốc! Một thí dụ khác, người Hàn, người Nhật, cho dù cũng đã từng theo Nho học như người Việt, thậm chí vẫn giữ chữ viết xuất phát từ chữ Hán, song nay có đang rộ lên phong trào “xây văn miếu” như ở ta hay không?
Nếu không lầm, nghị quyết Trung ương Đảng về văn hóa dân tộc còn “nóng hổi”, mới công bố hồi tháng 5 năm ngoái khi tình hình đầy “nóng sốt” trên biển Đông đấy thôi. Liệu có thể kiểm kê ngay tất cả các tỉnh thành xem hiện đang có bao nhiêu văn miếu tương tự đang sắp mọc lên? Tối thiểu cũng chứng tỏ rằng bộ máy nhà nước (từ an ninh văn hóa tư tưởng đến Bộ Văn hóa) đã và đang nắm chặt tình hình tư tưởng-tinh thần của chính bộ máy của mình, để tinh thần dân chúng không phải xôn xao thêm nữa! Ít nhất cũng phải có ai đó chỉ ra rằng việc hết tỉnh này đến tỉnh khác hè nhau xây dựng như thế là nên hay không nên. An dân nhất định là nghĩa vụ lớn nhất vào lúc mà ngư dân ngày ngày bị đe dọa trên biển Đông. Sao không trùng tu đền thờ, đình thờ, tượng các anh hùng dân tộc chống ngoại xâm mà lại đi xây văn miếu khi đất nước một lần nữa đang bị đe dọa chủ quyền? Hay là do chẳng có gì đe dọa chủ quyền đất nước ta cả. Nếu đúng thế, thì miễn bàn!
Tất nhiên, cũng còn có thể suy nghĩ “trừ hao” rằng cái dịch xây văn miếu này, thật ra cũng chỉ vì lý do “kinh tế” giống như cái dịch “xây tượng đài” ngày càng lớn hơn. Song, nếu như thế thì e rằng đã đến hồi mạt vận khi có một lớp quan lại mượn những gì thiêng liêng nhất mà trục lợi, mà bất cần đến nhu cầu có giường bệnh, có trường học, có đường sá... của nhân dân.
Danh Đức
(TBKTSG)
http://www.thesaigontimes.vn/132014/Dich-xay-van-mieu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét