GS Võ Tòng Xuân: Gạo Việt hãy học Campuchia!
(Thị trường) - Chúng ta làm gạo theo kiểu mua của thương lái đủ loại gạo vô danh tiểu tốt. Mở bao gạo ra với đủ loại khác nhau thì sao khách hàng lựa chọn? Châu Âu khát gạo thơm Myanmar: Việt Nam thiệt thòi hơn
Gạo của Myanmar đang được thị trường ghi nhận vì chất lượng thơm, ngon
GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực trồng lúa đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối và đau xót khi nói về sự mất giá của hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, trong khi các nước đi sau như Myanmar hay Campuchia lại đang đạt được những thành công trên con đường xuất khẩu gạo.
Không thể để hạt gạo mãi 'vô danh tiểu tốt'
PV: -Thưa ông mới đây Myanmar đã chính thức bắt tay vào sản xuất gạo thơm với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường EU. Thành tích của Myanmar có bất ngờ không, thưa ông?
GS Võ Tòng Xuân: - Có thể thấy trong 5 năm trở lại đây Myanmar có thay đổi về đường lối chính trị nên có các nước đang lo giúp trong việc xuất khẩu gạo.
Nhưng phải thấy rằng đầu năm 2015 báo cáo của Ngân hàng thế giới về tình hình lúa gạo đã đưa ra kết luận nếu được trang bị về thủy lợi, máy móc, thiết bị cộng với đường xá vào nông thôn và tăng cường nghiên cứu về kỹ thuật canh tác thì Myanmar với diện tích khoảng gần 7 triệu ha thì có triển vọng trở thành nước có gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới (hơn cả Thái Lan).
Mấy năm nay các công ty xuất khẩu gạo của đất nước này cũng chỉ tập trung xuất khẩu vài triệu tấn. Hướng của Tổng thống nước này muốn năm 2020 sẽ xuất khẩu được 3 triệu tấn nhưng nay đã xuất được 1,3 triệu tấn.
Bạn hàng của mấy công ty này phần lớn là Trung Quốc dù rằng nước này tuyên bố không nhập hàng của Myanmar nhưng trên thực tế vẫn có một số đơn đặt hàng của Trung Quốc mua gạo ngon của Myanmar (khoảng hơn 1 triệu tấn) đi qua đường tiểu ngạch.
Bây giờ muốn xuất khẩu nhiều là vì đưa sang Trung Quốc còn EU cũng chỉ khoảng vài trăm tấn.
Nhưng phải thấy rõ ràng rằng việc Myanmar đi sau nhưng bước đầu đã được thị trường ghi nhận trước hết là vì họ có giống lúa cho gạo ngon và có vùng chỉ trồng giống lúa đó thôi. Họ chỉ xuất loại gạo này thành ra được thị trường lựa chọn.
Chủ tịch Hiệp hội khai thác lúa gạo của Myanmar cũng chủ trương chỉ cần xuất khẩu gạo ngon với giá cao (800-900 USD/tấn) còn hơn là xuất khẩu gạo dở mà giá rẻ.
Tức là họ không làm ồ ạt mà làm gạo có thương hiệu và giá trị cao. Không như Việt Nam làm ra gạo chất lượng thấp, khối lượng cao mà giá trị không đáng là bao nhiêu.
PV: - Thông tin này đưa ra trong bối cảnh gạo Việt Nam bị ép giá đến mức thấp nhất nhưng vẫn không bán được hàng. Bằng chứng là trong phiên đấu giá mới đây nhất tại Philippines gạo Việt Nam bị ép giá đến lần thứ 3 nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chỉ có chiêu đối phó là giảm giá thấp hơn. Giờ gạo Việt lại bị Trung Quốc ép giá đúng như kịch bản các năm trước. Theo ông tại sao chúng ta lại đi vào đường khó như vậy?
GS Võ Tòng Xuân: - Chúng ta làm gạo theo kiểu mua của thương lái các loại gạo vô danh tiểu tốt. Để cái tên là gạo Việt Nam với 90 triệu dân thì biết ai để đổ trách nhiệm?. Bao gạo mở ra với nhiều thứ gạo với đủ chủng loại thì chắc chắn khách hàng sẽ không thích.
Bây giờ xu thể đang hướng tới là gạo ngon, rặt giống nhưng chúng ta cứ dùng thương hiệu gạo Việt Nam hoài rồi nuôi mấy ông thương lái, nhất là nhóm Vinafood và mấy công ty lớn chủ yếu nuôi thương lái.
Qua kinh nghiệm Philippines chê gạo của Việt Nam cho thấy rằng đã qua cái thời Việt Nam đưa ra gạo gì họ cũng mua. Tức là không thể ăn xổi ở thì. Các bạn hàng chê gạo của Việt Nam bởi vì giờ họ muốn ăn gạo ngon và có thương hiệu. Vì thế doanh nghiệp Việt không thể nào tiếp tục làm theo kiểu như trước đây.
Đó là kiểu ăn sẵn ngồi chờ thương lái đi mua đủ thứ lúa về trộn lẫn vào với nhau thì không thể có chất lượng. Ngay cả gạo thơm của Việt Nam cũng không được là gạo thơm hẳn rặt giống mà cũng bị trộn nhiều giống khác nhau.
Chỉ đơn cử như giống lúa Jasmine bây giờ cũng có mấy cơ quan đều nói là tuyển ra giống tốt nhưng thực sự giống không tốt. Khi mấy doanh nghiệp xuất khẩu nói thương lái đi mua lúa Jasmine thì thương lái lại đổ đi mua mà không biết đó là Jasmine thật hay giả mà cứ gom hết.
Còn với nông dân khi thấy doanh nghiệp cần mua lúa giống Jasmine thì cũng đi mua giống này về trống nhưng không biết đâu là nơi bán giống tốt thực sự.
Rồi thương lái mua về lại trộn tiếp để bán cho doanh nghiệp nên không thể có gạo chuẩn để xuất khẩu. Kiểu làm ăn bát nháo như vậy khiến hạt gạoViệt đang bị trả giá.
Phải cạnh tranh bằng chất lượng
PV: - Điều đáng nói ở đây Myanmar là nước đi sau trên con đường xuất khẩu gạo. Thế nhưng dường như họ đã len chân thành công vào thị trường khó tính nhất chứng minh các bước đi bài bản trong kế hoạch đưa hạt gạo ra nước ngoài của quốc gia này một cách có giá nhất. Theo ông Việt Nam có thể học cách làm của Myanmar hay có thể làm gì để không bị chuyển từ mua rẻ bán rẻ thành mua siêu rẻ bán siêu rẻ?
GS Võ Tòng Xuân: - Tôi thấy rằng vừa qua Ngân hàng Thế giới đã giúp Campuchia trong việc xuất khẩu gạo chúng ta có thể học hỏi. Tức là phải chia thành nhiều khâu và sau đó ráp lại với nhau thành một chuỗi giá trị.
Khâu thứ nhất là phải tuyển chọn lại giống lúa để có chất lượng gạo. Phải có chương trình nghiên cứu và Viện nghiên cứu giống lúa Đồng bằng Sông Cửu Long phải đứng ra sưu tập hết giống lúa ngon về trồng rồi lựa chọn ra dòng giống tốt và làm rặt lại.
Tiêu chí lựa chọn gạo phải đạt tiêu chuẩn thơm, dẻo ngon cơm, hạt dài và năng suất. Chỉ chọn những tiêu chuẩn này thôi chứ không phải đủ loại tiêu chuẩn kiểu như mang truyền thống Việt Nam.
Khi đã chọn chỉ nên lấy 2 giống, tối đa là 3 giống, sau đó nhân giống và huấn luyện cho nông dân.
Với các doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu phải có nhà máy, sân phơi, máy sấy, kho bãi, thiết bị đánh bóng, tách màu, phân loại gạo… hiện đại. Khi có nhà máy như vậy mới được quyền tham gia xuất khẩu gạo.
Tiếp đến là phải có vùng nguyên liệu, tổ chức cùng với chính quyền địa phương để đưa nông dân sản xuất đúng giống cần xuất khẩu theo đúng quy trình GAP.
Nông dân được huấn luyện theo đúng quy trình GAP, đúng giống quy định thì khi sản xuất ra hạt gạo chi phí thấp nhất mà đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, gạo ngon cơm.
Khi đó doanh nghiệp mới chế biến đóng gói và đăng ký thương hiệu. Khi đó nhà nước mới đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp đi khắp nới trên thế giới, các siêu thị để giới thiệu giống lúa của mình giống như Campuchia đã từng làm.
Nếu làm bài bản như vậy mới tìm được đầu ra, chứ nếu cứ làm bát nháo thì có hạ giá rẻ cũng không giữ được khách hàng bởi nhu cầu người tiêu dùng càng ngày càng hướng đến chất lượng, muốn ăn gạo ngon.
Khi chúng ta có gạo thực sự đảm bảo chất lượng thì mới có thể nói cạnh tranh bằng giá và mới có quyền ngồi lại cùng các nước xuất khẩu, đàm phán về giá. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì nông dân mãi thiệt thòi mà kể cả doanh nghiệp rồi cũng không còn đường làm ăn.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
- Bích Ngọc (thực hiện)
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/gs-vo-tong-xuan-gao-viet-hay-hoc-campuchia-3273986/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét