Sau chất vấn, tình hình liệu khá hơn?
Cuộc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) trở thành “nóng” nhất trong phiên họp thứ 31 của UBTVQH. Dường như các vị đại biểu chất vấn vấn đề gì, cũng đều được thỏa mãn, đều được nhận những lời hứa và những giải pháp. Chỉ có điều, để ý sẽ thấy những lời hứa, những giải pháp đó đã được lặp đi lặp lại quá nhiều lần rồi.
Bộ trưởngTài nguyên và Môi trường
Nguyễn Minh Quang. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ).
Phiên chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trong hàng loạt vấn đề, được các đại biểu nêu ra và yêu cầu làm rõ. Đó là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) còn rất nhiều tiêu cực, đến mức “cấp cả sổ đỏ cho người chết”. Đặc biệt là tại các dự án chung cư ở Hà Nội thời gian qua rất chậm trễ, không có “phí bôi trơn” không làm được. Việc quản lý lỏng lẻo, lãng phí đất đai tại các lâm trường.Hiện các lâm trường đang quản lý rất nhiều đất đai. Nhiều diện tích còn bỏ hoang phí trong khi mấy trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất. Tỷ lệ cấp sổ đỏ tại các lâm trường cũng rất thấp. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Danh Út hỏi thẳng: “Có phải đất đai do các lâm trường quản lý chỉ còn trên sổ sách. Còn thực tế đã bị chiếm đoạt, bị tranh chấp?”.
Vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TN-MT trong việc để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép tràn lan.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng: “Khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản là hành vi rút ruột quốc gia, hủy hoại nghiêm trọng môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân, nhưng chỉ thấy kỷ luật hoặc xử lý rất nhẹ.
Người dân cho rằng phải có sự tiếp tay của cán bộ có thẩm quyền trong việc cấp phép cho các đối tượng khai thác trái phép như cát tặc, lâm tặc… Để những đối tượng đó ăn gần hết tài sản quốc gia mà chỉ kỷ luật, xử lý hành chính thôi sao?”.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Phương Liên đặt câu hỏi: “Ngoài việc ra chỉ thị, Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá để chấm dứt tình hình khai thác khoáng sản trái phép tràn lan?”. Về 957 giấy phép khai thác vi phạm Luật Khoáng sản, Bộ trưởng hứa sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý. Đến nay việc xử lý đến đâu?
Trả lời về việc cấp sổ đỏ chậm trễ, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm của các Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sắp tới Bộ sẽ tăng cường hơn nữa. Vừa hướng dẫn vừa tăng cường thanh tra, kiểm tra. Về việc quản lý đất đai tại các lâm trường thì cần có sự phối hợp giữa Bộ và các địa phương. Năm 2015, Bộ sẽ tập trung vào nội dung này.
Trả lời ĐB Nguyễn Phương Liên về việc “Có giải pháp gì đột phá để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép?”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng đối với địa phương, quan trọng là công tác quản lý, bởi việc cấp phép và xử lý là thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Hàng năm, Bộ đều có báo cáo quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, trong đó có các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đồng tình với ĐB Đỗ Văn Đương về việc chế tài xử lý các vi phạm trong khai thác khoáng sản còn nhẹ. Cần có chế tài nặng hơn nữa…
Dường như các vị đại biểu chất vấn vấn đề gì, cũng đều được thỏa mãn, đều được nhận những lời hứa và những giải pháp.
Chỉ có điều, để ý sẽ thấy những lời hứa, những giải pháp đó đã được lặp đi lặp lại quá nhiều lần rồi. Chẳng hạn giải pháp “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”. Kỳ họp nào, báo cáo nào mà chả tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra? Điều mà cử tri mong mỏi là sau những phiên trả lời chất vấn này của ông Bộ trưởng, trên sông sẽ không còn cát tặc. Trong rừng sẽ không còn lâm tặc…
Dòng người rồng rắn khiếu nại, tố cáo những vi phạm về đất đai ở các trụ sở tiếp dân từ Trung ương đến địa phương sẽ vơi đi, và để được cấp một cái sổ đỏ, không còn nạn phong bao, phong bì… liệu có biến thành hiện thực?
Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét