Cờ và trách nhiệm trong tay các vị đại biểu
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 8 tới đây sẽ phải thẳng thắn đối mặt với thực tế một ngân sách nhà nước cạn kiệt, và môi trường kinh doanh đầy rào cản. Họ được trông chờ gì trong bối cảnh đó? trong bối cảnh “Bây giờ là giai đoạn mà các doanh nhân bi quan nhất kể từ sau đổi mới”, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét.Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo
Những màn pháo hoa rực rỡ rợp trời Thủ đô và dự án sân bay Long Thành trị giá 8 (18?) tỉ đô la Mỹ dễ dàng được bật đèn xanh ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước tạo ra một cảm giác dễ chịu về mặt vật chất trong lòng xã hội. Cảm giác đó được mơn trớn thêm khi Bộ trưởng Tài chính còn khẳng định, ngân sách nhà nước sẽ còn vượt thu 52.000 tỉ đồng trong năm 2014 này.
Nhưng, đó chỉ là ảo giác, khi chính ông thừa nhận, không thể có tiền để tăng lương như dự kiến trong năm tới. Thực tế trở nên phũ phàng, nhất là khi có tới 72% chi ngân sách là chi thường xuyên, tức chi để nuôi bộ máy. Chi đầu tư phát triển, như một hệ lụy, ngày càng giảm, và sẽ không đảm bảo nguyên tắc chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi mà luật đã quy định.
Một cơ cấu chi lệch lạc như vậy đặt ra câu hỏi lớn về an toàn nợ công. Cho dù cả Chính phủ và không ít đại biểu tự trấn an là “ở ngưỡng an toàn”, nhưng chi cho phát triển ngày càng giảm, chi cho bộ máy ngày càng phình to thì khó thuyết phục được những cử tri chính là người đóng thuế.
Lạ một điều, là tình trạng chi vượt dự toán vẫn diễn ra phổ biến. Báo cáo của Chính phủ thừa nhận, chi đầu tư phát triển tăng 3,7%, chi sự nghiệp kinh tế tăng 7,5% và chi khác 11,5% trong năm ngoái. Đây cũng là năm mà các địa phương khởi công xây dựng tới hơn 200 dự án không hoặc chưa bố trí được nguồn từ ngân sách. Một ngân sách nhà nước lệch lạc về cách chi và vô nguyên tắc về kỷ luật khiến dư luận phải đặt câu hỏi đâu là vai trò giám sát của Quốc hội, của từng đại biểu. Lẽ ra, phải có ai đó chịu chế tài về việc phóng tay tiêu tiền công.
Nợ công sẽ đạt ngưỡng 63% GDP đến cuối năm nay lại chưa tính hết nợ của ngân sách nhà nước như nợ hoàn thuế, nợ bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dự kiến sẽ lên tới gần 32% chi ngân sách năm 2015, như thừa nhận của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, tức vượt quy định không quá 25% chi ngân sách. Nợ phải trả hàng năm tăng nhanh dẫn đến vòng xoáy phải liên tục đi vay nợ để đảo nợ.
Một ngân sách bền vững phải dựa vào lực lượng doanh nghiệp khỏe mạnh, thay vì khai thác tài nguyên. Song, thật đáng tiếc, ngân sách nhà nước lại đi theo chiều ngược lại.
Trong năm tới, Chính phủ đang đề nghị chi đầu tư phát triển khoảng 180.000 tỉ đồng, thấp hơn so với bội chi ở mức 226.000 tỉ đồng. Một lần nữa, chi đầu tư phát triển vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước mà vẫn cứ như không.
Rõ ràng, bằng lá phiếu của mình, các vị đại biểu có quyền biểu quyết để giúp tháo gỡ tình trạng trên. Kỷ luật ngân sách cần phải được tôn trọng. Một quốc gia không thể phát triển lành mạnh trên nền tảng ngân sách nhà nước dễ dãi với vay nợ, bội chi. Cần có kỷ luật để duy trì tính liêm khiết và hiệu quả của Chính phủ.
Doanh nghiệp ngày càng èo uột
Một ngân sách bền vững phải dựa vào lực lượng doanh nghiệp khỏe mạnh, thay vì khai thác tài nguyên. Song, thật đáng tiếc, ngân sách nhà nước lại đi theo chiều ngược lại. Số tiền thu vượt dự kiến 52.000 tỉ đồng chủ yếu là do bán dầu thô. Trong khi đó, tỷ lệ động viên từ thuế và phí vào ngân sách nhà nước đang giảm dần, không phải vì thuế hay phí giảm mà vì doanh nghiệp còn quá khó khăn.
Bộ Tài chính thừa nhận, có tới 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Trong chín tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, phá sản và số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là trên 70.000, theo báo cáo của Bộ Tài chính, còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 48.330.
Đà phá sản của doanh nghiệp trong vòng bốn năm qua chưa có dấu hiệu giảm. “Bây giờ là giai đoạn mà các doanh nhân bi quan nhất kể từ sau đổi mới”, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét.
Những hệ lụy trên của khu vực doanh nghiệp phần lớn xuất phát từ sự bất ổn vĩ mô nghiêm trọng do các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ, được giám sát bởi Quốc hội, đã nới lỏng trong thời gian dài. Một lý do khác là các nhà hoạch định chính sách ở các bộ, ngành và chính quyền địa phương, nhân danh Nhà nước, đang tạo ra quá nhiều rào cản cho doanh nghiệp.
Tổ liên ngành về rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện liên quan đến Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã liệt kê được 398 “giấy phép cha”, 2.129 “giấy phép con” và 1.745 “giấy phép cháu”. Con số này nhiều hơn so với kết quả do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố trong báo cáo thẩm tra Luật Đầu tư sửa đổi.
Tình trạng các bộ, ngành ban hành tràn lan các loại giấy phép con cần phải được chấm dứt. Chỉ khi những rào cản kinh doanh được loại bỏ, khu vực doanh nghiệp mới phát triển và giúp củng cố nền tài chính quốc gia.
Đây cũng chính là trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tại cuộc họp sẽ khai mạc vào đầu tuần sau, mà trong đó sẽ có nội dung biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi.
Mời đọc thêm
Đau đầu vì ngân sách thiếu tiền
Bất ngờ từ ngân sách nhà nước
Tư Giang
(Kinh Tế Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét