Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Trái vải ở Luân Đôn: Việt Nam hay Trung Quốc ?

Câu chuyện trái vải 
Lê Phan: Luân Ðôn ngày nay là một đại đô thị quốc tế và để đáp ứng cho nhu cầu của những “công dân” đến từ khắp thế giới, thành phố nhập cảng đủ thứ và có đủ mọi món hàng cần thiết cho cuộc sống của người dân được thoải mãi. 
Chả thế mà hiện hoạt động ở Luân Ðôn và trên toàn nước Anh có hai công ty Việt Nam, một mở siêu thị, và một chuyên môn bán các mặt hàng đông lạnh từ Việt Nam sang. Họ đã đủ mạnh để có thể trao đổi với các hệ thống không những của người Hoa mà còn của người Hàn, người Thái và tất cả những người Á Châu khác nữa. Nhưng về phương diện trái cây thì cho đến nay chưa thấy xuất hiện hàng của Việt Nam.

Nói loanh quanh vậy vì hôm nọ chúng tôi đi mua trái vải về ăn. Bình thường trái vải Thái Lan chiếm lĩnh thị trường các chợ Ðông Á, vải Trung Ðông và Bắc Phi chiếm lĩnh thị trường các chợ “Tây” và chợ Nam Á.

Năm nay chúng tôi ngạc nhiên lần đầu tiên thấy có vải Trung Quốc. Dân Luân Ðôn, khi đã đi mua những loại thực phẩm hiếm, thường khá kén ăn, và vì thế hàng Trung Quốc ít được ưa chuộng. Mang về nhà ăn, nhà tôi bỗng hỏi liệu vải này có phải là vải Việt Nam đi qua ngả Trung Quốc không? Khi tôi hỏi tại sao thì nhà tôi bảo tại Bắc Kinh đang tìm cách “đóng cửa biên giới, cấm hàng Việt Nam” để gây áp lực với Hà Nội, nhưng những tay lái buôn quen mua hàng, nay nếu không bán được ở trong nước, có thể chuồn bán ra ngoại quốc.

Nghe thì cũng có lý nhưng tất cả chỉ là chuyện đoán mò. Nhưng nói chuyện lan man, nhà tôi bảo vải thực sự là sản phẩm của Việt Nam. Ngày xưa Dương Quý Phi mê vải Châu Phong. Mỗi năm đến mùa vải, Việt Nam chúng ta phải triều cống vải để chiều lòng quý phi. Vì đường xa, chính quyền phải lập những đội gánh chạy chuyền tay nhau sao về kịp đến Trường An mà vẫn còn tươi để quý phi thưởng thức. Châu Phong, hẳn độc giả cũng còn nhớ, là quê hương của Hai Bà Trưng. Hồi còn nhỏ, hầu hết chúng ta đều đã học những câu trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên,
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân.”


Cái buồn là một món “đặc sản” của nước mình như vậy mà bây giờ trên thế giới không ai biết đến. Ở thị trường Luân Ðôn chẳng hạn, vải Thái Lan được coi là ngon nhất, sau đó là vải Israel, Trung Ðông, và trái mùa thì có vải Nam Phi từ Nam bán cầu lên. Chưa bao giờ thấy có một trái vải nào của Việt Nam đem sang bán ở Luân Ðôn cả.
Cái điều đáng buồn hơn nữa là tất cả các quốc gia này đều không phải là những quốc gia nguyên thủy có trái vải. Trái vải, theo tài liệu của Cơ Quan Lương Nông Quốc Tế FAO chỉ mới được đưa vào Thái Lan và trồng đại trà từ năm 1854, dưới thời Vua Mongkut. FAO ghi nhận vải vào Thái Lan trước đó, nhưng nguồn gốc cũng là do người Hoa và những dân thiểu số đưa từ vùng Hoa Nam sang.

Theo FAO, hiện nay Thái Lan đứng vào hàng những quốc gia xuất cảng trái vải hàng đầu trên thế giới. Trái vải tươi của Thái Lan được xuất cảng bằng đường bộ sang Malaysia và Singapore và bằng đường hàng không đi sang Hồng Kông và các quốc gia Âu Châu. Những loại trái vải không đủ lớn và đẹp được đóng hộp.

FAO nói Thái Lan có nhiều lợi điểm, từ loại trái vải, đến địa lý vì phân chia từ vùng đồng bằng lên vùng cao nguyên nên mùa trái vải có thể kéo dài thêm đến ba tháng. Ngoài ra, nông dân Thái còn trồng thêm các loại giống có thể có quả trái mùa để chêm vào những tháng còn lại, khiến cho trái vải Thái Lan có thể bán hầu như quanh năm. Và lợi điểm cuối cùng theo FAO là Thái Lan có sẵn các phân bón, hóa chất cần thiết, sản xuất trong nước rẻ tiền nên lại càng làm cho việc trồng trọt thêm dễ dàng.

Ðiều còn đáng nói hơn nữa là theo FAO, tuy có một số đồn điền, đa số trái vải của Thái Lan vẫn đến từ các ngôi vườn nhỏ, nhưng có một hệ thống thâu mua và đóng gói tốt nên vẫn có thể cung ứng được cho thị trường xuất cảng.

Trong khi đó, hàng năm, cứ mở báo chí Việt Nam ra là nghe nói đến những nỗi gian nan của trái vải. Năm nào cũng vậy. Mới tháng 6 vừa qua, báo Người Lao Ðộng đã có bài mang cái tựa đề “Vị đắng vải thiều,” trong đó tờ báo viết “Chuyện được mùa nhưng bị ép giá rớt giá vốn là vấn đề đến hẹn lại lên nhiều năm nay song chưa năm nào người trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) lại cảm thấy buồn lòng như năm nay. 

So với thời điểm cùng thu hoạch rộ nhất như năm ngoái, giá vải năm nay chỉ bằng khoảng 2/3. Giá rớt mạnh đã khiến không ít người trồng vải rơi vào cảnh “công cốc” khi chịu bao nắng mưa, vất vả chăm sóc nhưng chỉ đủ hòa vốn, thậm chí còn lỗ nặng.” Tờ báo giải thích tiếp, “Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân chung nêu trên thì nguyên nhân quan trọng khiến vải rớt giá mạnh năm nay là do sức tiêu thụ từ Trung Quốc, một thị trường quan trọng chiếm khoảng 30%-40% tổng sản lượng vải mỗi năm. 

Vấn đề thương lái Trung Quốc ép giá vải thiều Việt Nam không phải là mới song bên cạnh đó, đầu ra sang thị trường quan trọng này năm nay còn bị tác động bởi yếu tố căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.” Bài báo than, “Tìm đầu ra để vải thiều thoát nghịch cảnh được mùa, rớt giá vốn đã nóng nhiều năm, vì thế càng nóng hơn trong vụ mùa năm nay.

Thế nhưng, nhìn vào cung cách loay hoay của các cấp và cơ quan hữu trách, có thể thấy đây sẽ vẫn là một bài toán khó giải. Mãi tới trung tuần tháng 6 này - tức là lúc vải thiều bắt đầu chín rộ, đỏ rực khắp các vùng Lục Ngạn, Thanh Hà - mới thấy các bộ, ngành và địa phương ở phía Nam tổ chức cuộc họp để tìm đường cho quả vải “Nam tiến.” Kiểu nước tới chân mới nhảy như vậy thì làm sao quả vải không cứ mãi gặp khó với đầu ra? 

Trong khi đó, xây dựng các cơ sở chế biến, tìm kiếm các thị trường Nhật Bản, Châu Âu đã thấy đề cập nhiều năm nay song vẫn chưa tiến triển được là bao.” Và tờ báo kết luận, “Vị đắng quả vải thiều năm nay cũng thêm một lần nữa cho thấy nông dân vẫn phải quá lo cho đầu ra sản phẩm do mình làm ra, trong khi họ lại sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là chính. Cứ để nông dân phải ‘tự bơi’ như vậy thì nghịch lý được mùa, rớt giá có lẽ còn là chuyện dài dài...”

Ðọc mà buồn năm phút. Trái vải trồng ở miền Bắc mà không đưa được đến cho thị trường trong nước ở phía Nam chứ đừng nói đưa ra các thị trường ngoại quốc. Bài báo của tờ Người Lao Ðộng có ý trách chính quyền. Nhưng cái khổ không phải chỉ ở chính quyền trung ương mà còn ở nguyên cả hệ thống chính quyền nữa. Nếu giao thương dễ dàng khắp nước, nếu không có những biện pháp “ngăn sông cấm chợ,” đòi tiền “mãi lộ” của quá nhiều quan chức địa phương thì hẳn trái vải đã “vô Nam” tự lâu rồi.

Dĩ nhiên cũng phải thêm là cũng có một phần bị động của nông dân trồng vải nữa. Tại sao ngư hải sản Việt Nam bây giờ tràn ra khắp thế giới mà trái vải Việt Nam không đi ra được khỏi sự chi phối của thị trường Trung Quốc? Ở Anh Quốc này, chính phủ đang điều tra các tiệm Fish & Chip nhỏ vì họ đã ăn gian, dùng cá ba sa của Việt Nam, viết nguyên văn “basa,” rẻ tiền hơn nhiều, nhưng trên bảng vẫn để là “cod.”

Nhưng dĩ nhiên cũng có những đầu tư lớn hơn như trong việc mở kỹ nghệ đóng hộp chẳng hạn, cần có sự trợ giúp của nhà nước.

Ðiều đáng buồn hơn nữa là câu chuyện về sản phẩm của Việt Nam và công việc xuất cảng đã không phải là chuyện mới. Hồi còn Việt Nam Cộng Hòa, việc sản xuất hoa lụa ở Sài Gòn rất phát triển. Nhưng khi một công ty bán lẻ lớn của Hoa Kỳ sang đặt hàng thì Trung Tâm Khuếch Trương Tiểu Công Nghệ mới khám phá ra là chuyện không phải dễ. Các nhà sản xuất hoa lụa Việt Nam lúc đó là những cơ sở nhỏ. Không ai có khả năng cung cấp nhiều chục ngàn hay nhiều trăm ngàn hoa đủ loại đều đặn cho một thị trường lớn cả.

Sau một thời gian, công ty Hoa Kỳ chán, bỏ sang đặt hàng ở Ðài Loan. Ðiều đau lòng nhất là những nhà buôn Ðài Loan sang Việt Nam, đặt hàng từ những nhà tiểu công nghệ ở Việt Nam, kiểm phẩm rồi thâu lại đem bán cho Hoa Kỳ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét