Sen mùa hạ và ao hồ thời 'tiền cao gạo kém'
Phi Khanh/Người Việt - VIỆT NAM - Sen mùa hạ, cúc mùa thu, không biết tự bao giờ, khái niệm thời gian, mùa được gửi gắm vào hai loài hoa này, đặc biệt, mùa hạ, sen nở mang mang triền sông, rạo rực ao hồ…
Hồ sen ở một khu vực thuộc huyện Điện Bàn
tỉnh Quảng Nam.(Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Những người hái sen lội nước ngang lưng hoặc chèo thuyền nhẹ nhàng ra giữa màu xanh ngát của lá sen, thanh thoát và hồng thắm những đài hoa, bẻ từng đài sen đầu mùa và lúi húi đào củ sen vào những ngày lập thu. Không bàn về vẻ đẹp của sen nữa, chỉ nói về khả năng cứu đói của sen, hầu như mọi thứ trên cây sen, không có thứ gì là không ăn được, mà ăn rất là ngon nữa là đằng khác!Thức ngon khó quên
Một người trồng sen ở Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam, tên Tập, chia sẻ: “Nếu như hạt sen dùng để nấu chè, nấu các món trứ danh như yến sào hầm hạt sen, gà ác hầm hạt sen, bồ câu ra ràng hầm hạt sen… Thì củ sen là món nấu chè cực ngon và cực bổ”.
“Hạt sen nấu chè cùng với đường thốt nốt hoặc đường phèn thì miễn bàn, ăn xong vài chén, ngủ một giấc ngon lành, không mộng mị. Củ sen thái từng đoạn, nấu với giò heo hoặc nấu chè, đặc biệt là chè trái cây, sâm bổ lượng hoặc cocktail nếu có vài lát củ sen bỏ vào, chắc chắn củ sen thành điểm nhấn của ly chè, ngon miễn bàn!”
“Món ngó sen trộn cũng ngon hết sẩy, những cọng sen non, mình lấy phần còn âm dưới bùn mang về rửa sơ thôi, vì cây sen có điểm đặc biệt là nó sống trong bùn nhưng lại không bị bám bùn, rửa xong, tước bỏ phần vỏ ngoài, cắt thành từng đoạn và ngâm với dấm vài giờ, sau đó lấy ra trộn với da heo luộc hoặc chả, nem gì đó, nói chung là tùy cách ăn, hoặc làm gỏi với khô mực, nai khô gì đó. Nói chung là ăn cách gì cũng ngon cả, cái ngon của ngó sen rất riêng, khó lẫn vào đâu được!”.
“Nhưng đó là chuyện của vài năm về trước, hầu như bây giờ dân quê chẳng mấy ai nghĩ đến món ngon này, họ cứ cho rằng món ngon đã nằm trong siêu thị và nhà hàng, quán xá, hở cái là rủ nhau ra quán nhậu, say bù khú rồi về. Ngon dở gì cũng như nhau”.
Anh Dũng, chủ một ao sen rộng hàng chục hecta, vốn là một con sông cũ đã bị đứt nguồn lâu năm, biến thành ao sen, chia sẻ: “Trước đây làm sen dễ dàng lắm, hễ có ao hồ nào bỏ hoang thì mình bứng vài móng sen về trồng, mùa đầu thì ra ít thôi, năm sau là đầy hồ rồi, không cần bỏ phân tro gì hết. Còn bây giờ thì khác!”.
“Bây giờ tiền thuế ao hồ cao quá, trước khi trồng phải đấu giá kĩ lưỡng, chứ không đấu giá mà thấy ao bỏ hoang, dọn cỏ rồi trồng, đến khi sen ra hoa, nhất định chính quyền sẽ làm khó, thậm chí họ tịch thu, bắt mình nộp phạt vì phá cảnh quan tự nhiên thì chết!”.
“Tiền đóng thuế diện tích đất trồng sen cao hơn nhiều lần so với các loại khác. Nhìn ao hồ bỏ hoang, tưởng bở, khi đấu giá trồng sen, mỗi năm có thể lên đến cả trăm triệu đồng chứ không ít ỏi gì đâu. Chính vì thế mà giá hạt sen trở thành cao ngất!”.
Hột sen sau khi lột vỏ, vô bao. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Người dân ăn một hạt sen trong đó nó gánh cả hơn hai phần hạt là tiền đóng cho ngân sách nhà nước, đó là chưa nói đến thuế VAT khi mua bán trên thị trường, đóng gói… Nếu như tiền thuế ao hồ thấp, giá hẹt sen sẽ rất mềm và người tiêu dùng sẽ nhẹ hơn.”
“Nhưng thử hỏi, một hecta ao hồ phải đóng vài chục triệu đồng thì khi bán sen, phải nghĩ đến vài trăm triệu đồng mới bù nổi tiền đầu tư, công lao động và lãi. Chính vì thế, người nghèo tuy sống gần đầm sen nhưng nếu không biết hái trộm thì có khi cả đời cũng không dám ăn hạt sen”.
Công nghệ sen
Nói về hạt sen thời bây giờ, có vẻ như nói về một thứ công nghệ kiếm tiền nhiều hơn là nói về thức quà quê sâu lắng, nhắc nhớ điều gì đó xa xôi. Nếu như trước đây, người ta làm sen bằng sự ham vui được chăng hay chớ, chế biến hạt bằng thủ công thì hiện tại, chuyện này nghe có vẻ đã xưa lắm rồi.
Một người trồng sen tên Đức, ở Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ: “Sen bây giờ là một thứ được sản xuất gọi là bán công nghệ, ngay cả hoa sen cũng thế, người ta bón phân để kìm hãm nó nở vào những ngày thường và bơm thuốc kích thích cho nó nở kịp các dịp rằm lớn để bán, mỗi hoa sen bán với giá 10 ngàn đồng, một ao sen nhỏ có thể kiếm vài chục triệu đồng trong một ngày”.
“Còn chuyện sen hạt thì trước đây sen tự nhiên, sen đá, hạt sen khô cứng và thơm hết chỗ nói, bây giờ người ta bón phân, hạt nào hạt nấy to, mẩy, tui cũng làm thế thôi, phải bón phân kích thích ra hoa cho nhiều và đậu hạt cho sây, to, có thế cân kí mới có lãi”.
“Hạt sen mình giao cho từng nhà vậy người ta bóc vỏ, cứ có hạt có tiền, thường thì một ngàn hạt mình trả ba chục ngàn đồng, có nhà mỗi ngày bóc được vài ngàn hạt, kiếm cũng được trăm ngàn đồng, họ bóc xong thì xâu, mình mang hạt và tim sen về phơi, sấy và bán cho đại lý. Nếu bán tươi ra thị trường thì tính ký. Mỗi kí hạt có giá dao động từ 90 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng. Nếu bán trái mùa thì giá cao hơn nhiều. Nói chung là so với các thực phẩm khác, giá hạt sen cao từ gấp năm đến gấp mười lần”.
“Sở dĩ sen có giá quá cao như vậy bởi một phần do công nghệ tôn giáo, nghĩa là người tôn giáo cũng sử dụng hoa sen vô tội vạ, khiến cho giá sen đội lên cao, phần khác do công nghệ chính quyền, do tiền thuế ao hồ cao quá, nó nuốt giá, tạo ra một cái vòng lẩn quẩn về giá cả. Nói chung sen bây giờ là một sản phẩm bán công nghệ, không còn như ngày xưa nữa!”
Câu kết của ông Đức làm chúng tôi thấy chạnh buồn, dường như mọi thứ đang mất dần hương vị gốc, mất dần vẻ ý nhị và sâu lắng của nó. Không chừng, một ngày nào đó, công nghệ sản xuất sen của Trung Quốc nhập sang Việt nam, hạt sen cũng giống như trứng gà, mọi chuyện khó mà lường! (PK)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét